Hình ảnh Thánh Cát Tư Hãn được khắc trên mặt đất tại Mông Cổ.
Vào đầu thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn chinh phục phần lớn Á Châu và Đông Âu, lập ra đế chế trên những miền đất tiếp giáp nhau lớn nhất mà thế giới từng biết đến, bao gồm những khu vực ngày nay là Trung Quốc, Bắc Hàn, Nam Hàn, Nga, Ấn Độ, phần lớn Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Ông đã thống nhất nhiều bộ lạc thiện chiến và trở thành vị đại hãn của đế quốc Mông Cổ – và thời tiết tốt có thể đã giúp ông thành công.
Trong một cuộc nghiên cứu mới đây, được công bố trong Kỷ Yếu của Hàn Lâm Viện Khoa Học, các nhà nghiên cứu khí hậu Hoa Kỳ, tìm hiểu những vòng cây cổ thụ ở miền trung Mông Cổ, cho biết rằng việc Thành Cát Tư Hãn lên nắm quyền đã xảy ra trùng hợp với một đợt thời tiết ẩm ướt nhẹ nhàng. Hóa ra thời tiết tốt là điều tuyệt diệu cho việc xây dựng đế chế.
Ông Neil Pederson – một nhà khoa học chuyên về các vòng cây, tại Đài Quan Sát Địa Cầu Lamont-Doherty của đại học Columbia University, và đã trải qua hai chục năm nghiên cứu khí hậu tại Mông Cổ – giải thích:
“Khi Thành Cát Tư Hãn lên nắm quyền, các bộ lạc Mông Cổ đang đánh nhau. Trùng hợp thay, đây là thời điểm xảy ra một trong những đợt hạn hán tệ hại nhất mà chúng ta thấy hồ sơ ghi nhận trong 1,100 năm qua. Sau đó, khi ông đang nổi lên và thống nhất các bộ lạc, thì thời tiết chuyển sang thuận lợi hơn cho ông.”
Ông Pederson và đồng tác giả Amy Hessel của đại học West Virginia University đã tìm thấy một nhóm cây thông Siberia cổ trong những bãi dung nham ở miền trung Mông Cổ, có chứa nhiều thế kỷ của lịch sử khí hậu nằm ẩn khuất trong những vòng dạng thức tăng trưởng của cây. Các nhà khoa học đọc những dữ liệu khí hậu như là một cuốn sách lịch sử, có niên đại cách đây hơn 1,100 năm, và nhận thấy có sự phát triển mạnh mẽ trong các giống động vật địa phương chính xác tại thời điểm thành lập đế chế vào thế kỷ 13 của Thành Cát Tư Hãn.
Ông Pederson nói, “Một giai đoạn độ ẩm dồi dào cho thấy cỏ mọc ra nhiều trên mức trung bình. Khi cây phát triển tốt, thì các đồng cỏ phát triển tốt, và điều này có nghĩa là cung cấp nhiều năng lượng. Người ta cảm thấy điều ấy trong toàn bộ chuỗi thực phẩm.”
Nichola Di Cosmo, một giáo sư của khoa Nghiên Cứu Đông Á tại viện Institute of Advanced Studies, nói rằng không có nhiều nguồn cùng thời đại với Thành Cát Tư Hãn để cho các sử gia nhìn lại. Bộ sách “Mông Cổ Bí Sử,” một văn bản thế kỷ 13 viết bằng tiếng Mông Cổ, có lẽ đã dựa trên những truyền thống truyền khẩu về sự nổi lên của Thành Cát Tư Hãn. Sách này ảnh hưởng đến phần lớn những gì chúng ta giả định là đúng về nhà chinh phục này và quân đội của ông. Các dữ liệu khí hậu đã đem lại cho giáo sư Cosmo một cái nhìn sâu sắc mới mẻ.
“Có nhiều cuộc nghiên cứu về những quan hệ giữa khí hậu bất lợi và sự tranh giành tài nguyên,” ông Di Cosmo nói. “Tình hình vào cuối thế kỷ 12 đã xấu cho Mông Cổ. Thế rồi một trật tự chính trị mới xuất hiện, đúng lúc có thời tiết thuận lợi, củng cố guồng máy chỉ huy mà Thành Cát Tư Hãn đã thành lập.”
Quân đội của Thành Cát Tư Hãn tùy thuộc vào ngựa và gia súc. Mưa với thời tiết ấm áp giúp cỏ mọc xanh tươi trên những vùng vốn từ lâu bị khô cằn.
“Mỗi chiến sĩ cần phải có ngựa và quân đội cần duy trì một lượng cung cấp ổn định, và với những đồng cỏ xanh tươi thì loài ngựa có thể sanh sôi nảy nở, giúp quân đội rất nhiều,” ôngDi Cosmo giải thích.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, quân Mông Cổ đã mở rộng bờ cõi và chinh phục xa khắp từ Á sang Âu.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng. “Thành Cát Tư Hãn là một nhà lãnh đạo phi thường, và chúng ta cần ghi nhận điều đó,” ông Pederson nói.
Theo báo Viễn Đông