LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt
Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các
bài viết của Việt Nguyên trên
www.ngay-nay.com.
***
Trên chuyến bay từ San Jose về Houston, tôi đọc xong chương chót cuốn sách “Tương lai của trí” (Future of the
mind) của giáo sư vật lý nổi tiếng đại học Nữu Ước Michio Kaku, cuốn sách viết về bộ óc, trí, ý tưởng, ý thức. Gặp lại
bạn bè Chu Văn An từ sau ngày họp mặt Chu Văn An là một điều tốt cho tôi. Vẫn cảm thấy dốt toán lý hóa từ ngày đi
học nên sau khi gặp lại những người bạn cũ rất giỏi về toán lý hóa đậu các bằng tú tài ưu hạng tôi đã tìm đọc các sách
toán để thử tìm lại nền tảng khoa học và những vần thơ trong toán học.
Ðọc hết “câu chuyện toán học” của giáo sư toán nổi tiếng Ian Stewart, tôi thấy trở về thời học trung học với môn toán
khô khan và nàng thơ trong toán học với những âm điệu của các con số, căn số, phương trình thiếu những đường nét
quyến rũ. Cuốn “Tình yêu và toán học” của giáo sư toán đại học Harvard Edward Frankel hấp dẫn hơn với những câu
chuyện về toán, những nhà toán học nổi tiếng và lý do tại sao toán quyến rũ ông. Giáo sư toán đại học Harvard năm
mới 22 tuổi ông đã được mời đến từ Nga mặc dù không có bằng Ph.D toán. Ðọc xong cuốn sách tôi mới hiểu tại sao
những người Nga gốc do Thái nổi tiếng giỏi toán. Sống trong chế độ cộng sản, toán là môn học duy nhất không bị
chính trị chi phối, sinh viên có tự do, không phải viết những điều trái ngược với suy nghĩ của họ như sinh viên ngành
văn, khi muốn viết về những tư tưởng gia nổi tiếng không thuộc khối Xô Viết, họ phải dùng danh từ hai nghĩa, “đánh
phá” đồng nghĩa với “khen ngợi,” “ca tụng” đồng nghĩa với “chê bai.” Toán đem lại tính lương thiện cần có cho sinh
viên trưởng thành trong Xã Hội Chủ Nghĩa!
Tiềm thức, ý thức, ý tưởng, trí tuệ là những danh từ thường dùng trong tôn giáo và triết học, có ý nghĩa trừu tượng
không thuộc về lãnh vực vật chất có thể sờ thấy được nhưng có thật.
Từ thời Babylon, nơi xuất phát của nền văn minh nhân loại, con người đã nói đến trắng đen, thiện thắng ác, ánh sáng
thắng bóng tối. Tôn giáo đề cập đến ý tưởng, ý thức (consciousness) với nhiều danh từ nhiều định nghĩa khác nhau.
Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo dạy tín đồ nhìn về “ánh sáng và năng lực.” Do thái giáo cho rằng “ánh sáng bên trong
chuyên chở ý thức.” Ấn Ðộ Giáo nói đến Bát Nhã và đời sống với “năng lượng chứa đựng trong thân thể.” Trong đạo
Lão, “khí” quan trọng cho ý thức của con người. Ðạo Sikkh gọi Atman là linh hồn, là ánh sáng trong thân. Nhân gian
giản dị chỉ nhìn thấy người tốt thì mặt mũi sáng sủa hơn kẻ xấu.
Vật lý hiện đại đo được ánh sáng không thấy được, năng lực và công lực ấy bằng từ trường, bằng hiện tượng vật lý
với quang tử (photon) chuyên chở ánh sáng và tín hiệu. Quang tử là lực của từ trường. Từ trường (electromagnetism)
có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống thiên nhiên và con người sống trên quả địa cầu như một cục nam châm
khổng lồ với hai cực Nam, Bắc, Âm Dương. Từ trường biến đổi ý tưởng, ý thức con người. Cuốn “tương lai của trí”
của giáo sư Michio Kaku thuần túy bàn về ý thức, tiềm thức, ý tưởng trên phương diện vật lý. Trí xuất phát từ bộ óc.
Trí (Mind) và óc (Brain) được chứng minh bằng vật lý không huyền bí như Tâm và Thân qua tôn giáo.
Tư tưởng con người phát xuất từ bộ óc. Ðiều này không còn nghi ngờ gì nữa ở thế kỷ thứ 21. Nhà sinh vật học nổi
tiếng Thomas Huxley người Anh vào thế kỷ thứ 19, thời đại nữ hoàng Victoria, đã nói: bộ óc xác định vị trí của con
người trong thiên nhiên và vũ trụ. Loài người phải đi hơn 24 nghìn tỷ dặm ra ngoài hệ thống thái dương hệ để cuối
cùng so sánh giải Ngân Hà với bộ óc của loài người nhỏ bé. Con số 100 tỷ ngôi sao trong giải Ngân Hà bằng con số
100 tỷ tế bào não. Con người nhìn lên trời, thám hiểm không gian, quan sát các vì sao nổ tung ngoài không gian mà
quên mất, ý tưởng, suy tưởng thầm kín trong trí óc. Trí đi từ óc, trẻ nhỏ được dạy: trẻ phải học để trí óc phát triển khác
hơn năm nghìn năm trước, người Ai Cập ướp xác để một ngày người chết trở về với thân xác, nhưng họ lại vứt bộ óc
ra ngoài xác. Triết gia Aristotle cũng như Phật cho rằng linh hồn từ trong tim. Decartes tiến bộ hơn nói linh hồn vào
trong thân qua hạch Lê (Pineal) trên óc (nhỏ bằng hạt đậu).
Bộ óc con người được che bên ngoài bởi xương sọ nên khó thấy. Óc nhẹ, chỉ chiếm 2% trọng lượng thân thể nhưng
là cơ quan hoạt động mạnh tiêu thụ đến 20% tổng số năng lượng của cơ thể. Bộ óc của các trẻ sơ sinh cần làm việc
mạnh hơn tiêu thụ đến 65% năng lượng của cơ thể.
Con người hay tò mò “nhìn lên trời nhiều sao, sao, sao...” cho đến bốn trăm năm trước nhờ viễn vọng kính được phát
minh, con người mới hiểu nhiều về vũ trụ. Bốn trăm năm sau, tiến bộ kỹ thuật với các máy móc tối tân CAT Scan và
MRI đã giúp các nhà khoa học nhìn rõ vào bộ óc nhất là máy MRI từ năm 1990 đến năm 2000. Trong 15 năm y học
tiến bộ, nhờ quang tuyến và từ trường các bác sĩ đã nhìn rõ bộ óc và các cơ quan nội tạng trong việc định và chữa
bệnh.
Các nhà vật lý đã phát minh nhiều máy viết tắt ba chữ từ, EEG cho đến CAT, MRI, PET, TCM, TES và DSS giúp bác
sĩ hiểu rõ các vùng não nhất là vùng phát sinh tư tưởng mặc dù trước đó các bác sĩ Broca, Wernicke và Penfield đã
góp công vào việc nghiên cứu bộ óc. Các thương tích vùng màng tai bên trái (vùng Broca) khi bị thương tổn sẽ khiến
người bệnh hiểu tiếng nói nhưng không nói được. Thương tổn vùng mang tai trái (vùng Wernicke) đối diện với vùng
Broca sẽ khiến bệnh nhân nói được nhưng không hiểu được người khác nói gì. Bác sĩ Penfield kích thích bằng điện
các vùng óc gây ra phản ứng các phần và cơ quan của cơ thể. Nhờ những thí nghiệm này mà các bác sĩ biết ký ức
của con người nằm trong não. Từ năm 1950 đến 1960, Bác Sĩ Penfield vẽ được bản đồ bộ óc, phần óc nằm ngay
sau trán (prefrontal lobe) là nơi tiến trình tư tưởng và lý luận thành hình.
Bác Sĩ Paul Maclean chia óc ra làm 3 phần. Phần sau gồm tiểu não (cerebellum) và nhân đáy (basal ganglia) là hình
thức não bộ sơ khai có trên các sinh vật, các loài bò sát cần cho điều hòa nhịp tim, áp huyết, tiêu hóa, thăng bằng cơ
thể v.v... có trên 500 triệu năm. Phần giữa gồm phần Hà Mã (hippocampus) cần thiết cho trí nhớ, hạnh nhân (Amydale)
và phần dưới đồi (Hypothalamus) điều khiển nhiệt độ. Các động vật loài có vú như đười ươi có phần não này, phần
não ở giữa cần thiết cho sinh vật kiềm chế xúc động, tìm kiếm và tránh kẻ thù, đồng minh v.v... Phần não trước là phần
não tiến bộ chỉ phát triển ở loài người.
Máy MRI là cửa sổ để nhìn vào óc. MRI (Magnetic Resonnance Imaging) dùng những làn sóng từ trường xuyên qua
xương sọ. Máy MRI nặng hàng tấn với các ống và lò xo từ trường không gây tai hại như quang tuyến. Các tế bào trong
cơ thể như kim nằm trong la bàn, sắp hàng ngang. Năng lực tạo ra từ từ trường của máy sẽ làm nhân tế bào dựng
đứng như kim la bàn, khi các nhân tế bào về lại vị trí cũ, làn sóng năng lực được ghi nhận và hình ảnh của óc được
chụp và phân tích bởi máy MRI.
Trong thập niên 1990, máy MRI tiến bộ hơn, máy MRI hoạt động (functional MRI) thay vì thụ động, khám phá được
lượng Oxygen trong máu ở não, theo dõi được luồng năng lượng trong tế bào thần kinh. Các bác sĩ có thể thấy bộ óc
ba chiều (3D), mỗi lần làn sóng từ trường thay đổi các thành phần tế bào của các cơ quan thay đổi theo. Theo dõi ánh
sáng nhảy nhót trong hình MRI các bác sĩ có thể đoán ý nghĩ bệnh nhân thay đổi. Nhờ máy MRI mà các bác sĩ học
được nhiều điều mới vế các bệnh mất trí nhớ Alzheimer, bệnh Parkinson (run), bệnh tâm phân liệt (Schizophrenia) và
các bệnh tinh thần khác.
Máy MRI được dùng như máy khám phá sự thật, chính xác 95%, khi nói láo, vùng trước trán và vùng hai bên mang tai
sáng lên. Trong khi MRI dưới tác dụng từ trường làm các nhân tế bào nhảy nhót như trong các màn ảo thuật thì EEG
(electroencephalogram) đo làn sóng phát ra từ não được sử dụng từ năm 1924 rẻ hơn, tiện lợi hơn, không cần máy
nặng cả tấn. Người bệnh đeo mũ đo vào đầu ghi những tín hiệu từ trường dưới dạng những làn sóng từ não. EEG đo
hoạt động điện của óc trong khi MRI đo luồng máu lưu thông. EEG được dùng trong chẩn đoán bệnh động kinh còn
MRI giúp ích trong chẩn đoán tai biến mạch máu não.
Một phương tiện mới, đắt hơn MRI, máy PET scan dùng để theo dõi di căn ung thư sau khi điều trị, đo luồng năng lực
trong óc bằng cách tìm kiếm sự hiện diện của chất đường glucose, chất cần thiết cho năng lượng của tế bào. Người
bệnh được chích chất đồng vị phóng xạ đường vào người với chất muối Na22 thay cho chất muối trong người, chất
này sẽ phát ra chất dương hòa tử (positron) nhờ vậy các bác sĩ có thể theo dõi con đường đi của chất đồng vị phóng
xạ muối Na. Các máy khác chưa được thông dụng vì tốn kém TES, MES v.v... đều được dùng để đo từ trường.
Từ định bệnh đến chữa bệnh, các kỹ thuật mới đã tiến một bước xa. Các nhà khoa học đã dùng MRI để đọc được tư
tưởng phát từ trong đầu người bệnh. Ví dụ như khi người được thử nghiệm nghĩ đến xe hơi, hình ảnh chiếc xe hơi đã
được ghi lại trên hình MRI.
Nhờ MRI bản đồ óc chính xác hơn. Phương pháp kích thích não (DBS, deep brain stimulation) nhắm vào vùng
Brodman chữa bệnh trầm cảm cũng như được dùng chữa bệnh run Parkinson. Ðặt những chip điện tử vào óc đã giúp
những người tê liệt biến ý nghĩ thành hành động qua phương pháp mặt nhìn vào máy điện tính (BMI) di chuyển mũi tên
trên màn ảnh không cần dùng con chuột, đọc viết trên máy tính, cũng như đi lên mang xem tin. Phương pháp
Optogenesis chiếu ánh sáng vào óc qua di thể được đặt vào tế bào thần kinh, óc được chiếu sáng khi nút bật điện
được mở lên. Thí nghiệm đã cho thấy, khi nút bật điện lên xuống qua óc đã làm chuột chạy loanh quanh, con giun
đang cựa quậy phải đứng lại. Kỹ thuật BMI nóng hổi hiện nay được các nhà khoa học đại học Utah dùng từ năm 2011
để nói chuyện, đánh máy ý tưởng phát xuất từ trong đầu qua máy điện tính. Máy đánh chữ tự động đánh tư tưởng qua
làn sóng não EEG cũng được phát minh. Bác Sĩ Gallant đại học Berkeley đã dùng máy MRI nhận ra được từ 200 đến
300 vùng trong óc phát hình. Các hình ảnh đa số phát hiện ở vùng thị giác. Ông đã thu phim hình vẽ Mona Lisa khi một
bệnh nhân nghĩ về bức tranh nổi tiếng này!
Giáo Sư Kaku ngày còn trẻ cũng như mọi người mơ được bay và có thuật thần giao cách cảm có thể liên lạc viễn liên
và điều khiển các vật ở trong nhà bay lơ lửng. Giấc mộng ấy sắp được thực hiện một phần nếu các nhà vật lý có thể
thắng được bốn lực căn bản chi phối vũ trụ: trong lượng, từ trường, các lực nguyên tử mạnh và yếu. Trong cuốn sách
lý thuyết của ý chí năm 1996 các bác sĩ Giacomo Rizzolatte, Leonardo Fogessi và Vittorio Gallese đã khám phá ra
các tế bào thần kinh gương (Mirror neurons). Khi một người nghĩ đến người khác hay nhìn thấy người khác mà người
ấy cũng nghĩ đến mình thì các tế bào ấy sáng lên, các luồng điện “xẹt” lên trong tế bào. Các tế bào này nằm trong vỏ
não vùng trán. Bác Sĩ V.S. Ramachandrau, giáo sư thần kinh nổi tiếng, xem các tế bào thần kinh gương này trong
tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành tâm lý học cũng giống như DNA trong ngành sinh vật học. Tương lai
của ý tưởng con người rất lạc quan theo suy đoán của GS Kaku, thuần túy về vật lý, con người sẽ trở nên thông minh
xuất chúng, siêu nhân “một ngày trí của con người chẳng những tự do không còn bị ràng buộc lệ thuộc thân thể mà trí
của con người sẽ tự do bay bổng thám du vũ trụ thuần túy dưới dạng năng lượng!” Ngày ấy sẽ xảy ra như trong các
cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng “con người sẽ kiểm soát, điều khiển các vật chung quanh với sức mạnh của ý
tưởng, đưa ý tưởng lên mạng thông tin, đem trí nhớ cất trên mạng khi cần đem xuống và con người có thể chụp lại ý
nghĩ của mình cất trong đĩa CD.”
Nếu các nhà vật lý thành công thì con người sẽ có thần giao cách cảm qua mạng lưới thông tin như trong phim Matrix,
dùng máy điện toán đem trí nhớ và kỹ thuật từ trên mạng xuống chỉ huy con người, người có thể học võ qua thần giao
cách cảm chỉ huy các động tác của thân thể. Tư tưởng con người được chuyển qua mạng lưới, gửi tư tưởng đi như
thơ não (Brain mail) thay cho thơ điện tử (Email), mạng lưới não (Brain net) thay cho mạng lưới thông tin. Mạng lưới ấy
sẽ trở thành mạng lưới thần giao cách cảm (telepathy Internet). Giấc mộng “với tay cao hơn Trời” của các nhà vật lý đi
gần được nửa đường. Ðội mũ thần giao cách cảm (Telepathy Helmet) đã giúp đọc chính tả, làm nhạc qua máy điện
toán có ích cho nhà báo, nhà văn, thi sĩ. Mũ sáng chế của cơ quan ngũ giác đài DARPA cha đẻ của cơ quan không
gian NASA, cơ quan này tạo dự án 57 trở thành căn bản cho máy hướng dẫn giao thông GPS. Phát minh đã giúp nhà
vật lý nổi tiếng Stephen Hawking, người không tin vào Thượng Ðế chỉ tin vào khoa học kỹ thuật, bị liệt ngồi xe lăn dùng
máy điện toán sáng tạo như người không khuyến tật. Mũ cũng đã giúp những người bán thân bất toại hay bị liệt vì bệnh
tai biến mạch máu não.
Khoa học thay thế Thượng Ðế như trong phim Star Wars, Jedi Knight dùng cây gươm ánh sáng trên tay và đọc được
ý nghĩ người khác. Năm 2013, các nhà khoa học ở trường MIT đã tạo được vùng Hà Mã nhân tạo (vùng cần thiết biến
đổi ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn, hư hại vùng này gây ra bệnh quên lãng Alzheimer) gây ra mâu thuẫn giữa các
nhà khoa học. Triết gia trường Oxford ông Bernard Williams vẫn chủ trương “quên lãng là điều tốt cho tiến trình của
não.”
Cuốn sách của Giáo Sư Michio Kaku rất lạc quan, điển hình của các nhà khoa học, nhìn cuộc đời hoàn toàn về phía
cạnh vật lý, đôi khi lầm lẫn giữa trí và óc, đưa nhân loại trở về thời kỳ tranh cãi đầu thế kỷ 20 như phim của Charlie
Chaplin, một ngày người máy sẽ kiểm soát trái đất, con người không cần suy nghĩ.
Cuộc đời là ảo ảnh, ý tưởng, ý thức cần có một giác quan toàn hảo mà con người sống trong một không gian vũ trụ
mới với nhiều vũ trụ và chiều thứ tư ngoài ba chiều đã có một cặp mặt không hoàn toàn. Thị giác bất toàn “khi con
người nhìn vào gương hình ảnh ấy không thật vì hình ảnh ấy đến sau một phần tỷ giây thời gian ánh sáng đi từ mặt đến
tấm gương, hình ảnh thấy là hình ảnh của hàng tỷ làn sóng không chính xác.”
Giáo Sư Kaku và các nhà vật lý khám phá và ghi nhận được hình ảnh của ý tưởng qua máy MRI nhưng máy MRI
không ghi lại được tiềm thức (Subconsciousness). Tiềm thức của con người giống như tên trộm. Con người có
những tư tưởng thầm kín trong óc giống như ngoài vũ trụ chỉ có 4% vật chất nhìn thấy còn 96% là vật thể đen, năng
lực đen (dark energy). Nhà bác học Einstein với bộ óc vĩ đại về toán và vật lý đã mắc một lỗi lầm, ông không tin vào vật
thể đen (dark matter) ở ngoài vũ trụ. Ông cũng như các nhà khoa học khác cuối cùng cũng phải dung hòa khoa học với
triết học và tôn giáo để nhìn thấy cái “có” trong cái “không” và điều gì nhìn thấy chưa hẳn là thật.
Việt Nguyên