Nếu bạn cần phải nhờ cậy một ai đó, dù thân hay sơ, làm một chuyện gì đó cho bạn thì bạn cứ mạnh dạn mà hỏi
người đó đi chứ đừng lo sợ bị từ chối. Bạn chỉ tốn chút nước miếng thôi, mà vốn nước miếng là thứ tạo hóa ban cho
loài người vô giới hạn, xài hoài cả đời không hết. Trong nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy bản tính của con người là
sẽ chấp nhận cho dù người đó có thích giúp bạn hay không, nhận lời có thể làm người ta hơi khó chịu vì chẳng được
lợi lộc gì nhưng từ chối còn làm cho người ta cảm thấy khó chịu hơn nữa.
Các nhà nghiên cứu nói rằng một lời từ chối thật ngắn gọn đơn giản coi vậy mà lại khó nói vô cùng.
Khi được hỏi nhờ giúp đỡ một việc gì đó, cho dù đó là hiến tặng tiền bạc cho một tổ chức từ thiện, điền giùm một lá
đơn hoặc cho người lạ mượn điện thoại của mình, kết quả nghiên cứu cho thấy đa số người ta gật đầu nhận lời, đơn
giản là vì nói lời từ chối sẽ làm cho người ta cảm thấy không thoải mái. Đặc biệt trong trường hợp khi phải trả lời mặt
đối mặt với người hỏi, thay vì qua thư từ hay điện thoại, người ta còn cảm thấy ngại ngùng và khó từ chối hơn nữa.
Bản tính tự nhiên của con người là không ai muốn làm buồn lòng người khác. Chúng ta cũng không muốn bất cứ ai
giận dỗi vì mình. Vì vậy mà thôi thì cứ chiều theo ý người khác đi, ai sao ta vậy, và do đó vô tình ta bị kẹt vào cái vòng
luẩn quẩn đó lúc nào không hay, rứt ra không được, và đã được giúp đỡ một lần rồi thì cái người kia sẽ còn trở lại
những lần kế tiếp nữa. Càng về sau, vì không biết phải giải quyết ra sao nên càng làm cho chúng ta không vui, cũng
giống như một người phải làm những chuyện mà người đó không thích chút nào. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy
như mình là nạn nhân bất đắc dĩ vậy.
Làm những điều mình không thích cũng có nghĩa là tự hy sinh chính mình để làm vui lòng kẻ khác.
Mà ngay cả những khi chúng ta nhận được qua thư thường hay qua điện thư những nhờ cậy giúp đỡ và chúng ta bất
đắc dĩ phải nhận lời. Cho dù chúng ta có đưa ra ngàn vạn lý do để từ chối nhưng rốt cuộc vẫn cứ phải nhận lời thôi.
Bởi bản tính tự nhiên của con người là vậy. Tiếng Việt của chúng ta có đôi chữ để ám chỉ bản tính này: “cả nể”. Không
biết trên thế giới có bao nhiêu ngôn ngữ có được cặp từ này, nhưng điều đó rõ ràng nói lên rằng bản tính của đa số
người Việt của chúng ta cũng cả nể không thua kém ai.
Những sự nhờ cậy thường đến từ những người vẫn luôn hiện hữu quanh cuộc sống của chúng ta: sếp trong sở làm,
bạn đồng nghiệp, anh, chị, em, con cái, bạn bè, thậm chí từ cả những người bạn của người bạn, nghĩa là những người
có thể được xem là người lạ. Có những sự nhờ cậy quan trọng và không quan trọng, dễ có, khó có, lớn có, nhỏ có, và
chúng ta nhận lời hết chỉ vì nói lời từ chối khó hơn chúng ta tưởng.
Trong một cuộc thăm dò hỏi ý kiến của những người đã từng có kinh nghiệm khi từ chối một lời nhờ cậy của ai đó và
người ta thấy rằng nhiều người trong chúng ta mặc dù sẵn sàng từ chối nhưng lại trả lời một cách nửa vời, không rõ
ràng, chính xác, làm người hỏi đôi khi hiểu lầm và làm cho tình trạng thêm nghiêm trọng sau đó.
Mà cái cảm giác khi nói lời từ chối cũng có khác nhau tùy theo giới tính. Đặc biệt giới phụ nữ nói rằng họ cảm thấy khổ
tâm khi phải nhận lời dù không muốn, nhưng lại cảm thấy khổ tâm hơn nếu họ từ chối. Nhất là khi người nhờ cậy lại là
một phụ nữ thì người phụ nữ kia còn khó từ chối hơn nữa. Trong khi đàn ông nói rằng khi bị vướng vào trường hợp
như vậy, họ sẽ chấp nhận giúp người kia và mặc dù cũng cảm thấy không vui nhưng không đến nỗi nào.
Chuyện nhờ cậy xuất hiện dưới đủ mọi hình thức, đôi khi làm chúng ta ngạc nhiên không ít, nhưng chắc chắn một lúc
nào đó sẽ xảy ra trong đời của mỗi người. Từ chuyện tiền bạc, đứng tên giùm trong đơn xin mượn tiền mua xe, trả tiền
học, cho đến trông giúp con chó con mèo khi người chủ của chúng phải đi xa và thậm chí trông nom giùm những đứa
trẻ nghịch ngợm, ngổ ngáo của người hàng xóm.
Rồi tới những công việc có tính cách xã hội như làm tình nguyện trong những công tác xã hội, phụ nấu bếp ở những
nơi phát chẩn, phụ lái xe cho ai đó khi phải di chuyển xa, cho người khác ở nhờ trong nhà, viết thư giới thiệu, v.v…
Tất cả những việc trên đều đưa tới những bất tiện, đôi khi bất lợi cho chính bản thân chúng ta, nhưng khó mở lời từ
chối quá.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin, tiến sĩ Vanessa Bohns
thuộc Đại học Waterloo, Ontario, Canada, và một số cộng sự viên đã nhờ khoảng hơn 100 người lạ phá hoại một số
sách thư viện bằng cách viết nguệch ngoạc lên một trong những trang sách đó. Trong khi có nhiều người lên tiếng
phản đối, hoặc đòi hỏi nhóm người nghiên cứu phải chịu trách nhiệm về hậu quả đó, thì có tới một nửa số người được
hỏi đã đồng ý phá hoại cuốn sách – nhiều hơn con số 29% mà nhóm nghiên cứu dự đoán trước.
Tiến sĩ Bohns nói rằng một trong những nhu cầu căn bản nhất trong cuộc sống của chúng ta là sự liên hệ cá nhân với
xã hội và luôn tự xếp mình là một phần tử thuộc về xã hội đó. Nói lời từ chối làm cho chúng ta có cảm giác mối quan
hệ đó và sợi dây liên hệ giữa ta và xã hội có nguy cơ bị lung lay. Và chúng ta lo lắng là nếu từ chối sẽ làm thay đổi thái
độ của người đối diện đối với ta và làm cho người đó buồn lòng.
Điều đáng tiếc là lời từ chối có làm cho người kia buồn bực, cảm thấy bị tổn thương. Một cái lắc đầu hay nói “không”
có nghĩa là một sự chối bỏ. Môn khoa học thần kinh cho thấy là não bộ của chúng ta phản ứng mạnh đối với điều tiêu
cực hơn tích cực. Những kỷ niệm buồn bao giờ cũng hằn rõ nét và làm người ta nhớ lâu hơn là những kỷ niệm đẹp. Và
hiện tượng tâm lý này cho ta thấy đó là điều cần thiết cho cuộc sống của con người và nó giúp bảo vệ chúng ta: Nhớ
dai nhớ kỹ về những điều đau buồn sẽ giúp chúng ta nhớ để tránh không phạm vào những sai lầm đó nữa trong tương
lai.
Dù vậy, các nhà tâm lý nói rằng, phần lớn người ta chấp nhận lời từ chối không quá khó khăn như chúng ta nghĩ. Chúng
ta thường có khuynh hướng tin rằng người khác sẽ đánh giá chúng ta khắt khe hơn là họ thật sự làm. Con người không
ích kỷ như chúng ta tưởng. Do đó, có thể nói rằng hậu quả của lời từ chối chỉ nghiêm trọng quá mức trong đầu của
chúng ta hơn là thực tế ngoài đời.
Dĩ nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn khi nói lời từ chối. Có những người có thể làm chuyện này
dễ dàng như một phản xạ tự nhiên. Nhưng các chuyên gia tâm lý tin rằng có những cá nhân gặp khó khăn khi phải nói
lời từ chối hơn những người khác.
Phụ nữ là nhóm người sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nam giới vì bản chất của phụ nữ được sinh ra là nắm giữ vai trò
quyết định trong việc duy trì mối quan hệ giữa họ và người kia và luôn lo lắng cho nhu cầu của người khác. Phải chăng
đó cũng chính là bản năng của người phụ nữ trong thiên chức làm vợ và làm mẹ?
Là người bình thường ai cũng muốn thấy những người xung quanh mình được vui vẻ chứ không u sầu ủ dột, nhất là
sự u sầu ủ dột đó có liên quan đến mình. Nhưng có những lúc nói lời từ chối lại là điều cần thiết và công bằng, công
bằng cho chính mình và có lợi về lâu về dài. Nó giúp ta không bị lún sâu thêm vào trong cái cảm giác lúc nào cũng như
bị áp lực từ những người xung quanh, giúp ta có thế đứng vững hơn trong đám đông.
Nếu không đồng ý với ai về một chuyện gì, đôi khi phải nói một tiếng “không” là điều cần thiết.
Giúp đỡ người khác là việc làm luôn được khuyến khích. Làm việc thiện, như kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, làm
cho ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Nhưng giúp như thế nào và giúp bao nhiêu để khỏi bị người
khác lợi dụng lòng tốt của mình. Trong sách Trung Dung ghi lại lời của Khổng Tử nói về đạo “trung dung”, tức là nói về
cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập. Khổng Tử suốt đời lận đận,
chu du khắp thiên hạ, trải qua bao nhiêu sóng gió, chứng kiến nhiều chuyện hay dở, nên ông thấu triệt lẽ sống ở đời và
để lại bao nhiêu lời khuyên vàng ngọc đáng được ghi nhớ và tâm niệm, trong đó có những cách xử thế ở đời và làm
bất kỳ việc gì thì cũng nên giữ ở mức độ chừng mực, vừa phải. Nếu ai cũng theo được lời khuyên này thì cuộc sống
của mỗi người chúng ta cũng phần nào thanh thản hơn.
Huy Lâm