Hoàn thành nhiệm vụ (kỳ 2)
Khi nói rằng mình chỉ “hoàn thành nhiệm vụ,” không hiểu ông thủ tướng ngại nhiều nhất chuyện gì? Tình trạng nhũng nhiễu cấp trên với những bảng giá hàng trăm tỷ đồng, hay tình trạng nhũng nhiễu ở cấp dưới, và trong xã hội?
Nói đến cấp dưới chính quyền, là nói đến những món đút lót vặt nhưng xảy ra mọi nơi mọi chỗ, bất cứ nơi nào có thể làm khó làm dễ người dân, tức là đa số văn phòng cơ quan. Trong bệnh viện, thay vì lòng từ ái cứu khổ cứu nạn thì bác sĩ, y tá, hộ sinh, dọn phòng, người nào cũng phải ra sức tối đa kiếm tiền bằng cách này hay bằng cách khác, ngay cả hình thức mang tính đe dọa, chẳng hạn y tá chỉ hăng hái đến xem chừng bệnh nhân khi được lót tay, và người dọn dẹp giả vờ than thở “cần phải chăm sóc nhiều” cho người bệnh (thay khăn giường, giúp đi lại)…
Những thứ nhũng nhiễu cấp dưới này không chỉ là sự khó chịu như ghẻ ngứa, mà có thể trở thành nguy hiểm. Công trình xây dựng không dùng đúng dùng đủ nguyên liệu có khi từ phía trên, nhưng nhiều khi là từ những công nhân cấp dưới. Nguyên liệu bị cắp, không đủ, hay không đúng, đều có thể gây ra những tai nạn chết người. Còn ai không nhớ những cầu, vòm hầm ở Việt Nam bị sụp trong khi xây hoặc không bao nhiêu lâu sau khi xây. Những căn nhà chưa xong đã đổ chết người ở trong. Cây cầu treo vùng núi không dùng đúng loại đinh ốc khiến dân qua cầu thiệt mạng khi cầu gãy.
Trong khi quyền lực của chính quyền không ai có thể phản bác, thậm chí chỉ nói và viết những lời không đồng điệu cũng dễ dàng bị bắt và bỏ tù vài năm, người dân không thực sự cảm thấy an toàn, ngay cả khi một lòng trung thành với cách mạng. Người ta vẫn còn phải khư khư để mắt đến từng vật dụng nhỏ bé nhất của mình, ngay cả khi nó nằm trong nhà có cửa khóa của họ. Ăn trộm ăn cắp xảy ra bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Thùng rác nho nhỏ bằng nhựa bị ăn cắp bán ve chai, để ngoài ngõ cũng mất mà để trong sân nhà trộm cũng leo rào vào lấy. Giật xách tay, điện thoại thì coi như đã quá thường tình, những màn trộm kính xe gắn máy, kính xe hơn còn độc hơn nhiều. Trong khi xe đang chạy, bọn cướp đi ngang trên xe gắn máy có thể gỡ kính xe hơi rồi bỏ chạy. Người bị cắp cũng không ngần ngại đuổi theo tông ngã tên cướp. Những vụ như thế chẳng biết có được công an giải quyết hay không và giải quyết như thế nào.
Cùng với tinh thần “trừng phạt trực tiếp” tội phạm kiểu tông xe kể trên, còn có những phương pháp tương tự và ghê rợn hơn nữa như đám đông hè nhau đánh chết người ăn cắp chó. Cho dù chó kiểng chó đắt tiền chăng nữa, đánh đập đến đổ máu và chết cả một mạng người mà người dân vẫn không chút gì ái ngại, lần sau rồi lần sau, càng làm càng hăng máu, đấy quả thực là một bước thụt lùi trở lại gần thú tính hơn là văn minh. Đã thế, khi cuối cùng chính quyền chịu xét xử những người xem thường sinh mạng con người này, những người trong cùng đám đông với họ lại phản đối, bao vây tòa án địa phương ra ý rằng không rõ ai đánh chết thì không ai có tội. Lẽ ra không rõ ai đánh chết thì cả đám đông phải chia tội cùng nhau mới phải.
Cái kiểu lý luận “cần phải bắt tận tay, day tận mặt” này có lẽ cũng là nguyên nhân khiến nạn hôi của trở thành gần như cướp công khai trong những vụ hôi bia. Tâm lý trộm cắp đã có thì không phân biệt nội hay ngoại, trộm được là trộm, ở ngoại quốc cũng thế. Bảng tiếng việt để đe trộm có mặt khắp nơi, Nhật chỉ đích danh dân Việt và dân Trung Quốc là hai sắc dân trộm cắp nhiều nhất. Malaysia và Singapore thấy dân Việt nhập khẩu là tìm cách hạch hỏi tra gạn vì tiếng xấu của người Việt đã lan tràn ở đấy. Ngay cả trong số những người xuất cảnh để làm lao động chính đáng, những người rắp tâm phạm pháp cũng không phải là ít. Nam Hàn đang định ngưng không cho dân Việt đến làm việc ở đó vì từ cuối năm 2010 đến nay, sốlao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn luôn ở mức gần 50%, có thời điểm lên đến 57%, cao gấp đôi so với mức trung bình của 15 nước tham gia chương trình lao động ở Hàn. Con số này hẳn không khác bao nhiêu so với những nước khác đã nhận lao động người Việt.
Từ khao khát “xuất cảnh” vẫn mạnh mẽ, các cô gái quê đổ xô đi lấy chồng ngoại, rồi hoặc bị ngược đãi nơi nước ngoài hoặc bị cuốn vào những đường dây buôn người. Những đường dây này cũng gồm những trẻ em do bố mẹ tìm cách đưa ra ngoại quốc, cuộc sống tốt đẹp hơn thì chưa chắc nhưng khả năng làm chuyện tội phạm và vướng vòng lao lý lại rất cao.
Từng đó thứ ung nhọt trên và dưới, nhưng cũng may là thủ tướng đã “hoàn thành nhiệm vụ”, vì nếu thủ tướng không hoàn thành nhiệm vụ thì chẳng biết được mọi chuyện còn hỏng bét đến mức nào.
Nguyễn Phương