Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán sạch thân đi ăn mày.
Sức quyến rũ của cờ bạc mạnh như thế nào mà sao có người ngồi xuống chiếu bạc là không đủ can đảm rời bỏ nó, trước khi bị tước đoạt tất cả chỉ còn lại cái thân xác xơ gầy còm?
Đen bạc đỏ tình
Tôi đến Las Vegas vào một ngày không đẹp trời, mưa lất phất và lạnh, nhưng khi vào bất cứ sòng bài nào, tôi đều thấy không khí nóng ấm chan hòa bởi tiếng đổ dồn của các thẻ bạc đầy gợi cảm. Tôi vào casino thấy nhiều người già ở đó chăm chú chơi, lâu lâu họ mệt mỏi đổi qua chiếc máy khác như muốn đi tìm dấu vết bí ẩn của ông thần tài hay đi tìm kho báu trong trò chơi tìm kiếm mà họ từng chơi thời thơ ấu. Người em chồng của tôi sôi nổi nói:
- Em phải đi đánh canh bạc này. Đêm qua em mơ thấy ông Thần Tài.
Cô hăng hái ngồi vào bàn máy với nụ cười bí ẩn. Tôi chưa bao giờ biết chơi cờ bạc vì tôi không thích cờ bạc. Ở Việt Nam, những ngày Tết là những ngày người ta được tự do cờ bạc, các nhóm chơi bài bạc ngồi đầy hai bên đường, con nít ở nhà cũng được chơi đủ thứ bài, bài cào, xì lác, bầu cua cá cọp...
Đổ tam hường là trò chơi được người miền Trung ưa thích nhất trong dịp đầu năm. Sáu viên hường đổ vào cái tô cổ kêu lanh canh nghe rất vui tai. Người thắng cuộc đổ liên tiếp nhiều lần cùng với tiếng reo cười cổ võ của người xung quanh làm cho cuộc chơi thêm hào hứng. Đổ ra tam hường thì được cây Trạng Em, đổ ra sáu hường thì được Trạng Anh. Cuộc đua tài chỉ xảy ra trong tiếng kêu giòn giã của mấy viên hường, kẻ xui người hên không ai biết trước được, nhưng những gia đình có con đi học cứ lấy mấy ông trạng này mà đoán tương lai con cháu: “Ồ, nó dành được Trạng rồi, năm nay nó sẽ thi đậu, hoặc sau này nó sẽ làm nên ông trạng, ông nghè...” Người ta thích con cháu học hành đỗ đạt nên người ta lấy trò chơi ông trạng để khuyến khích tinh thần học tập của trẻ em.
Cô em chồng của tôi đi với người cháu mãi gần nửa đêm mới trở về phòng. Tôi nghe tiếng nói cười rất vui vẻ, hai dì cháu ào vào phòng và reo lên:
- Dì thắng rồi mợ ơi.
Thấy tôi làm mặt lạnh, cô lôi ra một nắm giấy bạc đưa trước mặt tôi:
- Chị không tin hả? Đây này, tin chưa? Em đã nói là em sẽ ăn mà.
Lúc này tôi mới cười, tôi nói:
- Vậy là ông Thần Tài giúp cô rồi, ngày mai mình đi kiếm ngôi chùa hay nhà thờ nào đó để tạ ơn.
Nhiều người có kinh nghiệm sòng bài nói:
- Họ cài chương trình hay lắm, lúc đầu họ để cho mình thắng vài trăm, nếu không biết điều dừng lại thì sẽ chết cháy như chơi.
Biết đủ là đủ, biết dừng thì dừng, thì làm sao có người thắng lớn có người thua đậm? Cứ đến đó nghe tiếng con bạc đổ rộn rã, mới ăn được một cent thôi mà máy cũng reo hò ầm ĩ, pháo nổ cờ bay, trống đánh ầm ầm trước mặt, thắng vài đồng càng vui hơn, pháo hoa nổ rầm trời, nhạc trỗi rộn rã màu sắc quay cuồng, nó như muốn cuốn hút cả tâm trí của mình đặt vào vòng quay của mấy con số. Nếu không dứt khoát đứng dậy thì cứ ngồi đó móc túi cho hết những đồng bạc cuối cùng.
Las Vegas là một khu du lịch đặc biệt, một sa mạc nối liền những sa mạc cát và đá mênh mông bất tận, vậy mà người Mỹ đã biến vùng đất này thành một nơi mà cả thế giới hăm hở đem tiền đến trút vào những chiếc máy vô ơn.
Những trò chơi luôn luôn đổi mới, những ngôi nhà chọc trời luôn luôn canh tân, những kiểu kiến trúc kỳ lạ, sòng bài càng lúc càng nhiều hơn, trò chơi hấp dẫn hơn, mọi người đua nhau đến đó giải trí mua vui, nhiều người lâu lâu đến đó thử thời vận đỏ đen. Kẻ thắng thì ít người thua thì nhiều, tại thời vận chăng hay câu nói “đen bạc thì đỏ tình” lúc nào cũng đúng?
Thiên tài và thần tài
Người ta nói “Đen bạc thì đỏ tình”. Vậy những người thua bạc lần đầu hãy mau mau về gìn giữ tổ ấm gia đình trước khi quá muộn. Không mấy ai được may mắn như Dostoevsky (1821- 1881) nhà văn lớn của nước Nga thời còn Nga Hoàng. Khi Dostoevsky bắt đầu nổi tiếng, năm 1863 ông đi du lịch qua Châu Âu và nướng sạch túi tiền vào các sòng bài ở Baden (Đức). Thần tài không nể nang gì thiên tài cả.
Trở về Nga, ông tiếp tục chìm ngập trong nợ nần và cờ bạc, một phần nợ là do bao bọc gia đình người anh. Ông phải hối hả viết cuốn The Crime and Punishment (Tội Ác và Hình Phạt) để trả nợ năm 1866. Sau đó, ông phải gấp rút viết xong quyển The Gambler (Con Bạc) theo yêu cầu của nhà xuất bản Stellosky, vì họ tuyên bố sẽ tranh chấp quyền tác giả của tất cả tác phẩm của ông nếu ông không hoàn tất tác phẩm cho họ. Ông đã viết cuốn sách đó trong 26 ngày liền. Ông vẫn tiếp tục chìm trong cờ bạc và nợ nần.
Năm 1867, 42 tuổi ông cưới cô vợ trẻ, cô Anna Snitkina, 20 tuổi, thư ký của ông. Đây mới là vị thần bảo hộ ông và gia đình ông. Cô rất ngưỡng mộ tài năng của ông và hết lòng bảo bọc hạnh phúc gia đình, giúp ông quản lý vấn đề tài chánh, trả hết nợ nần. Khi đứa con thứ hai ra đời, cô buộc ông phải thôi đánh bạc. Thật là một người vợ hiền lý tưởng hiếm có trong đời. Khi ông mất cô mới 35 tuổi, cô ở vậy suốt đời, cô sưu tập thư từ, bản thảo, hồ sơ, hình ảnh của ông và tạo một căn phòng trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia để tưởng nhớ ông.
Người thua bạc
Hôm nay một người bạn đến chở tôi đi chơi, chị nói:
- Mình định rủ thêm một người nữa cùng đi nhưng cô ấy đi thăm nhà thằng Bần rồi.
- Đi thăm nhà thằng Bần, sao bọn mình không cùng đến đó xem có gì giúp đỡ được không?
Bạn tôi phá ra cười một tràng dài thoải mái như tiếng cười của các vị Thần.
- Thằng Bần là sòng bài bạn ơi.
- Trời ơi, sao lại đi sòng bài?
- Thì đi giải trí mà. Mình thỉnh thoảng cũng đi nhưng mình toàn thua, đem tiền cúng cho thằng Bần.
- Bạn thân ơi, lần sau nếu bạn đi thăm thằng Bần, mình đề nghị trên đường đi, bạn nên ghé thăm các tổ chức từ thiện trước, bạn sẽ có nhiều niềm vui thật sự và lớn hơn rất nhiều, không cần phải đến nhà thằng Bần nữa.
Chị kể cho tôi nghe chuyện của những người đánh bạc: Khi chị qua Mỹ 1990 thì bạn của chị đã có ngôi nhà bạc triệu rồi, chồng là bác sĩ, vậy mà chỉ trong vòng năm 7 năm, cô thua bạc, cầm nhà cho ngân hàng, gia sản bán sạch, chồng li dị, con bỏ rơi, cô thành kẻ ăn mày. Một người nữa, anh là nhà doanh nghiệp, làm ăn lớn, vợ thua bài khánh kiệt, anh bỏ vợ, bây giờ ở căn nhà nhỏ xíu.
Không cần nói chuyện xa xôi, một người bạn khá thân của tôi thời trung học, cô từng mặc chiếc áo dài màu tím lãng mạn che nghiêng chiếc nón bài thơ dạo bờ sông Hương, năm 1975, cô ngồi máy bay qua Mỹ đàng hoàng, không cần chen lấn, vậy mà chẳng bao lâu, vướng vào vòng cờ bạc, cô vay mượn lừa gạt bạn bè để có tiền chơi bài, lâu dần bạn bè xa lánh cô. Cho đến nay không còn ai nghe nói đến tên cô nữa, không còn ai biết tin tức gì về cô cả. Cô đã tan biến vào trong bóng đen xấu xa tội lỗi của một cuộc sống không mục đích tối tăm vô vọng.
Chuyện thua bạc tan nhà nát cửa không phải chỉ có vài chuyện mà là vô số chuyện. Tôi bắt chước Dostoevsky viết thêm một câu chuyện nữa về Con Bạc thời hiện đại: Chuyện một chàng nha sĩ có máu mê cờ bạc. Sau một cơn đột quỵ nặng, chàng không chết, sức khỏe khá lên rồi đến ngày chàng phải ra viện, về nhà. Nhưng bây giờ chàng biết về đâu? Thần Tài không gõ cửa, Thần Chết tha mạng, số phận lại đùa cợt chàng, vợ con bỏ mặc. Hai tay vịn vào walking chair, chàng lơ ngơ ngó trời: “Về đâu? Ta biết về đâu?” Chàng số mạng lớn chưa chết hay chàng còn nặng nợ trần gian cần phải trả nên chưa được ra đi nhẹ nhàng?
Những người đi tìm niềm vui ở sòng bài là những kẻ có khả năng đánh mất tất cả, mất tài sản, mất tình yêu, mất gia đình, mất danh dự, mất bản thân, mất luôn cả linh hồn.
**Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán sạch thân đi ăn mày.**
Một câu ca dao đơn sơ mấy ngàn năm về trước vẫn còn là chân lý, là bài học lớn cho những ai còn nghĩ đến chuyện giải trí ở sòng bài.
Hỡi các bạn mê cờ bạc, các bạn hãy đi đến các cơ quan từ thiện trước khi đi đến casino nhé, chắc chắn các bạn sẽ nhận được niềm vui lớn trong hiện tại và sự đền bù xứng đáng ở tương lai.
Cao Thu Cúc