Thính giả Kiều Nguyễn e-mail đến câu hỏi như sau:
“Kính thưa Bác Sĩ: Hồ Văn Hiền.
Tôi tên là Kiều Nguyễn, hiện ở Huntington Beach, CA. Xin hỏi Bác sĩ:
Cháu trai tôi sinh năm 1993, hiện học ở CSULB. Hồi tháng 5/2013, cháu chơi bóng rổ bị ngã gãy xương tay mặt. Bảy
ngày sau Fountain Valley Hospital giải phẫu có cặp hai miếng kim loại vào nơi xương gãy cho cháu. Nay cháu muốn
mổ để lấy hai miếng kim loại ra khỏi tay. Xin hỏi:
-Có nên mổ để lấy hai miếng kim loại ra hay không?
-Hay là giữ nguyên như vậy cánh tay sẽ cứng hơn?
Kính thư.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp về trường hợp gãy xương cánh tay, nên lấy nẹp ra sau khi xương lành không?
Tải để nghe Hỏi đáp Y học: 'Có nên lấy nẹp khỏi xương tay bị gãy sau khi lành?'
http://realaudio.rferl.o...07-81c6-a57bde1855b7.mp3Cẳng tay (forearm) có hai xương:
1) Xương trụ (English: ulna from latin: ulna=khuỷu tay. French: cubitus) về phía ngón tay út, đầu trên khuỷu tay thì lớn
(đầu xương nhọn dễ sờ thấy dưới lớp da sau khuỷu tay), về phía cổ tay thì thon nhỏ lại.
2) Xương quay (radius): phía gần thân thì nhỏ, phía xa thân, dưới chân ngón tay cái thì phình to ra, xoay quanh xương
ulna lúc bàn tay úp ngửa.
Trong một số trường hợp gãy 1-2 xương này nặng, vỡ nhiều khúc, hay xương bị gãy cong thành góc đáng kể, bác sĩ
phải giải phẫu mở, và dùng các miếng kim loại dẹp ("plates") để bất động, ổn định các chỗ gãy trong lúc chờ xương
lành.
Sau khi xương đã lành rồi, có thể bác sĩ giải phẫu lại để lấy các plate này ra, và cuộc giải phẫu mới này tự nó cũng có
những vấn đề có thể xảy ra như vấn đề gây mê, nhiễm trùng, hư hại các dây thần kinh, mô mềm...
Về giải phẫu lấy plate ra, có những hoàn cảnh, lý do khác nhau:(1)
1) Bệnh nhân có biến chứng do những plate này gây ra như: đè lên dây thần kinh, vướng, đè làm đau các mô chung
quanh.
2) Theo sở thích bệnh nhân, không muốn mang những vật lạ trong người.
● Nhất là những người trẻ, nếu giữ lại trong người các ngoại vật (foreign body) kim loại, và nếu các chất kim loại này
không hoàn toàn "inert"("trơ", không gây phản ứng) như chúng ta vẫn tưởng, tác dụng trên cơ thể trong vòng cả 50-60
năm còn lại có thể khó ước lượng được. Trên lý thuyết những ion kim loại (metal ions) có thể tác dụng gây viêm trên
xương và mô lân cận. (2)
● Một số nghề có thể bị trở ngại nếu người đó mang kim loại trong người.
● Không được làm MRI nếu bệnh nhân mang nẹp [ plate] kim loại trong người.
3) Bác sĩ muốn tránh bệnh nhân bị gãy xương một lần nữa, một thời gian lâu sau, nếu không lấy plate ra. Họ lý luận
rằng một số nơi trên xương sẽ bị yếu nếu tiếp tục được plate bằng thép "che chở" (stress shielding) vì các nẹp thép
này có độ đàn hồi cao (high modus of elasticity), và sau đó xương có thể bị gãy, gọi là insufficiency fracture, gãy
xương do xương "yếu kém."
4) Tuy nhiên, một số khảo cứu cho thấy, nếu dùng những plate thật cứng (rigid), sau hai năm, phần xương ở dưới có
thể cứng lại bình thường mà không cần lấy plate ra.
5) Một số trường hợp, lúc gắn plate kim loại, bs đã dự tính trước là chỉ dùng tạm thời, và sẽ lấy plate ra sau đó lúc
thích hợp.
6) Phẫu thuật lấy các plate cũ ra cũng có thể gây vấn đề. Sau đó, xương có thể gãy lại (refracture) nhiều hơn là người
ta tưởng trước đây. Chỗ gãy thường là chỗ gãy nguyên thuỷ, hoặc có thể là những nơi trước đó bắt ốc (vít).
Trước khi quyết định lấy plate ra, bác sĩ sẽ nghiên cứu các triệu chứng (như đau, giới hạn cử động) của bệnh nhân và
xem có thật sự do các plate gây ra hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ cùng bệnh nhân quyết định lợi hại và theo sở thích
người bệnh.
Nói chung, theo tác giả sách Green's Operative Hand Surgery, thì nếu không có triệu chứng thì có ít chứng cớ cho
thấy cần mổ lấy plate ra một cách thông lệ. (“There is little evidence to support routine removal of asymptomatic
forearm hardware”). Tác giả cũng cho rằng nên đợi hai năm sau mới lấy các plate kim loại ra, nếu cần phải lấy. Những
trường hợp gây triệu chứng, có thể lấy ra sớm hơn vài tháng. Tuỳ theo trường hợp, lấy nẹp ra hay để nẹp lại đều đặt ra
những vấn đề mà chỉ có bác sĩ giải phẫu của bệnh nhân mới đủ tư cách bàn luận lợi hại với bệnh nhân, và đi đến kết
quả hợp lý nhất.
Xin nói rõ tôi không phải là bác sĩ chuyên về giải phẫu xương, các thông tin trên chỉ có tính cách tham khảo để giúp
bệnh nhân đối thoại và cộng tác với bác sĩ chuyên khoa của mình.
Chúc thính giả và bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
1) Chapter: Fracture of Both Bones of the Forearm in Green’s Operative Hand Surgery by Scott W. Wolfe, Robert N.
Hotchkiss, William C. Pederson, and Scott H. Kozin, 6th edition published by Elsevier
2) Valerio Sansone et al. The effect on bone cells of metal ions released from orthopedic implants. A review.
http://www.ncbi.nlm.nih....pmc/articles/PMC3710008/