Chiếc máy đốt rác thải y tế YT 15 do ông Trịnh Đình Năng ở Bắc Kạn sáng chế. Courtesy backan.org.vn Rác thải y tế tại Việt Nam hiện vẫn chưa được xử lý đúng cách và đầy đủ. Một trong những lý do là vì thiếu phương tiện, kinh phí để trang bị các máy móc chuyên dụng có thể xử lý được loại rác thải độc hại đặc biệt này.
Trong tình hình đó, một nhà chế tạo trong nước được cho là ‘tay ngang’ không được học hành bài bản, nhưng đã thử nghiệm và cho ra đời chiếc máy đốt rác thải y tế được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng sáng chế. Đó là trường hợp ông Trịnh Đình Năng, hiện sinh sống tại tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam.
Trong chương trình Khoa học - Môi trường kỳ này, Gia Minh trình bày đôi nét về sáng chế đó.
Truyền thông khen ngợiBáo mạng tỉnh Bắc Kạn đặt tên cho ông Trịnh Đình Năng là nhà sáng chế vì cộng đồng, trong khi đó báo Lao Động gọi tên ông này là kỹ sư ‘chân đất’ khiến thế giới ‘nghiêng mình.’
Danh hiệu ‘vì cộng đồng’ thật dễ hiểu vì chiếc máy đốt rác của ông được nghiên cứu làm ra nhằm xử lý một loại rác mà nhiều người dân rất e sợ phải tiếp xúc - đó là các loại chất thải từ bệnh viện: bông băng dính máu mủ của bệnh nhân, kim tiêm chích, các loại lọ thuốc đã sử dụng…
Chuyện ‘thế giới nghiêng mình’ theo giải thích của tác giả bài báo trên mạng Lao Động là vì bằng sáng chế chiếc máy đốt rác y tế của ông Trịnh Đình Năng được một số công ty nước ngoài hỏi mua.
Ông Trịnh Đình Năng, người sáng chế máy đốt rác thải y tế. Courtesy VOVBản thân ông Trịnh Đình Năng cho biết về điều này như sau:
“Hiện tại có Trung Quốc hỏi mua quyền sản xuất, rồi tập đoàn của Đức ngay sau khi tôi trình bày bằng sáng chế họ đặt vấn đề mua để sản xuất bên Đức… Thế nhưng tôi không bán, tôi muốn để cho người dân Việt Nam sử dụng, với máy rẻ hơn; rồi tạo được công ăn việc làm cho người dân.”
Ngoài việc tận dụng các vật liệu có sẵn trong nước để chế tạo ra chiếc máy đốt rác y tế theo thiết kế riêng, ông Trịnh Đình Năng cũng xem xét các máy cùng chủng loại được nhập từ nước ngoài về Việt Nam và có so sánh:
“Tôi có nghiên cứu và sàng lọc nhiều: ví dụ như lò oval của Thụy Điển họ phải bỏ ra 75 ngàn chi phí đốt trên một kilogram rác thải, và giá trị bán sang Việt Nam khoảng 270 ngàn đô la. Lò của tôi công suất lớn gấp đôi, chi phí đốt thấp hơn, xử lý môi trường cao hơn, độ tro thải thấp hơn… nhưng tôi chỉ bán có 3 tỷ đồng.
Lò của tôi là lò đốt liên hoàn, lò cân bằng áp. Cứ mở cửa lò ném rác vào và sau đó đốt. Lửa không ra, không khí độc không ra.”
Ông Trịnh Đình Năng cho biết nguyên do khiến ông đi đến tìm tòi, nghiên cứu để làm ra chiếc máy đốt rác thải y tế:
“Tôi nghĩ các công nghệ hiện tại bây giờ chi phí đốt quá lớn và gây ô nhiễm môi trường quá lớn. Các công nghệ hiện tại của Việt Nam ví dụ công nghệ của Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển (theo tôi nghiên cứu tổng thể) thì chi phí đốt quá lớn mà đầu đốt không tạo ra nhiệt lượng lớn được.
Thứ hai không xử lý được môi trường: họ chỉ đốt được 2 buồng mà thôi, không có bộ xử lý khói bụi, như thế sẽ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Người Việt Nam lại nghèo nên phải làm thế nào để đốt được rác trong hoàn cảnh nghèo đó. Nên phải có chi phí thấp nhất, phải sử dụng dầu thải để đốt loại rác thải khác. Vừa xử lý được chất thải bệnh viện, vừa xử lý được các loại chất thải do xe ô tô thải ra. Từ đó tôi chế tạo ra một đầu đốt khác với tất cả những đầu đốt trên thế giới. Có thể dùng dầu DO, có thể dùng dầu thải của ô tô, có thể dùng dầu sinh học cũng được mà không cần thay đổi gì. Trên một đầu đốt có thể dùng 3,4 loại nhiên liệu, không cần thay đổi thiết bị gì mà vẫn sử dụng được.”
Chiếc máy đốt rác thải y tế YT 15 của ông Trịnh Đình Năng được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng sáng chế. Courtesy backan.org.vnVà tình trạng rác thải bệnh viện ở Việt nam với những nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến ông Trịnh Đình Năng bỏ thời gian, công sức và tài sản để sáng chế ra chiếc máy đốt rác y tế:
“Khủng khiếp, phải nói rác thải y tế là thứ phát thải độc hại cho toàn dân, đó là nguồn lây bệnh nếu chúng ta không xử lý triệt để. Do chi phí quá lớn cho nên phần chôn là nhiều, còn phần đốt rất ít. Khi chôn thì nguồn lây bệnh rất khủng khiếp như HIV, rồi các bệnh như tả, lỵ, viêm gan B… Lượng truyền nhiễm của chúng rất kinh khủng; thế thì đất nước càng phát triển phải biết làm việc đó (xử lý rác thải y tế) thật tốt.”
Đồng nghiệp ý kiếnỞ Việt Nam lâu nay cũng có một số người tự mày mò sáng tạo ra những cỗ máy cái, những máy móc phục vụ sản xuất và cả trực thăng hay tàu ngầm… Và trong lĩnh vực máy đốt rác hay phân loại rác, cũng có một số người tham gia lâu nay. Trong số này có kỹ sư Lại Minh Chức hiện sinh sống tại Hà Nam. Ông này cũng biết về chiếc máy đốt rác y tế của ông Trịnh Đình Năng và có ý kiến về công trình đó như sau:
"Tôi đã từng chụp ảnh chung với ông ấy và lò đốt rác tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt- Tiệp tại Hà Nội. Phải nói rằng người Việt nam rất sáng tạo, nhưng cái (máy) đó cũng ở mức độ nhất định thôi. Lò đốt rác thải y tế, rác thải công nghiệp thì thế giới đã đi rất xa trong lĩnh vực này, còn mình đi quá sơ khai. Việc đốt rác thải y tế ở các nước đã có từ lâu, rác này tương đối thuần và công nghệ của họ rất hiện đại và hiệu quả. Việc của ông ấy rất tốt, rất sáng tạo nhưng chỉ áp dụng ở qui mô rất nhỏ và trong tình huống thiếu nguồn vốn đầu tư và tạm thời chữa cháy mà thôi. Nếu như kiểm tra dioxin một cách nghiêm túc tại phòng thì nghiệm mà Bộ Tài nguyên - Môi trường mới đầu tư thì sẽ không đạt yêu cầu. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay nếu có cái đó để đốt tạm thì tốt chứ còn vì tất cả các lò đốt đều không tốt vì tạo ra dioxide carbon (đã cháy là tạo ra khí carbonic rồi, chứ chưa nói đến chất độc hại). Tuy nhiên có nhiều cách để xử lý.
Theo tôi máy của ông ấy thể hiện sự cần cù, sáng tạo và ông ấy cũng đầu tư rất nghiêm túc. Chi phí đốt cũng thấp, người ta đầu tư khoảng 80 nghìn một cân, ông ta chỉ đầu tư chừng 50 nghìn thôi. Phát triển máy này cũng được trong tình hình hiện nay ở Việt Nam.”
Cơ quan quản lý khoa học tại tỉnh Bắc Kạn là Sở Khoa học - Công nghệ lại tỏ ra tự hào về chiếc máy đốt rác y tế của ông Trịnh Đình Năng, qua lời phát biểu của ông phó giám đốc sở Nguyễn Văn Tiến như sau:
“Cũng cho ông triển khai dự án tại một bệnh viện huyện, rồi Cục Sở hữu Trí Tuệ cũng cấp bằng sáng chế cho ông ấy. Máy của ông này tốt hơn so với những máy thế hệ nhập ngoại trước đây. Máy của ông này tiên tiến hơn. Bây giờ ông ta tự làm được rồi, và tới đây ông cũng xây dựng nhà máy và được Cục Sở hữu Trí tuệ hỗ trợ theo Nghị định 68 giúp doanh nghiệp phát triển. Đó là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của Bắc Kạn đó.”
Khó khănDù nhiệt tâm muốn đóng góp cho công tác xử lý các loại rác thải cũng như rác thải y tế tại Việt Nam, thế nhưng những người như hai ông Trịnh Đình Năng và Lại Minh Chức gặp nhiều khó khăn cho công việc đó.
Ông Trịnh Đình Năng trình bày:
“Cái khó nhất làm kinh tế ở Việt Nam là có lợi ích nhóm. Tôi vẫn bán (lò đốt rác y tế) cho các bệnh viện, nhưng tiền là tiền ngân sách không phải của bệnh viện nên họ không có quyền quyết mà phải Bộ Y tế mới có quyền quyết từ trên xuống rồi. Tôi vứt cho cái chai hỏng còn việc dùng hay không là kệ! Ở các nước tư bản người ta khi lựa chọn họ phải lựa chọn đến nơi đến chốn. Ở Việt Nam tôi chỉ có vào thầu B thôi chứ thầu A là không được vì tôi mới làm xong, mới bán được vài chiếc.”
Kỹ sư Lại Minh Chức cũng có những trở ngại như sau:
“Khó chen vào thị trường này vì đối với vấn đề rác thải y tế đầu tư phải là 100% vốn ngân sách; vì vốn ngân sách thích mua hàng ngoại, đỡ hạch toán; chứ không mua hàng trong nước. Trước ông ấy đã có các trường đại học làm lò đốt rác thải y tế nhưng không cạnh tranh thị trường được.”
Thực tế Việt NamThông tin trên mạng Cảnh sát Môi trường Việt Nam hồi cuối năm 2011 cho thấy vào lúc đó trên cả nước có tổng cộng 490 lò đốt rác y tế tại các bệnh viện, thế nhưng trong số này chỉ có gần 280 lò hoạt động, số còn lại được nói ‘đắp chiếu, trùm mền’ không hoạt động. Những lò được trang bị lại thiếu hệ thống xử lý khói thải nên chúng lại là nguồn gây ô nhiễm cho không khí. Một số lò xuống cấp không được thay thế…
Cả nước có trên 1.000 bệnh viện, hằng ngày thải ra khoảng 400 tấn chất thải, trong số này khoảng 1/10 là các loại chất thải nguy hại. Tuy nhiên chưa đến phân nửa các bệnh viện có lò đốt rác thải y tế.
Trước thực tế đáng quan ngại như thế, việc đóng góp của những nhà sáng chế trong nước như của các ông Trịnh Đình Năng và Lại Minh Chức… cần được các cơ quan chức năng hổ trợ một cách tích cực; chứ không thể là chuyện động viên, khen ngợi như lâu nay; còn thực tế thì những người có tâm huyết muốn đóng góp để phòng ngừa, giải quyết tình trạng ô nhiễm cho môi trường như thế vẫn phải hằng ngày ‘tự bơi’.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Theo RFA