Thuở bé, đi học tôi chỉ biết Dương lịch hay còn gọi là Tây lịch, chỉ cần biết ngày được nghỉ học là quan trọng hơn hết!
Nên nói về ngày Ta (ngày Âm lịch) tôi chỉ biết: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết. Cũng bởi
cha tôi dặn: “Khi học bài mới thì con phải ôn lại bài cũ… vì năm nay là năm thi”. Vì thích vua Quang Trung nên bài “Vua
Quang Trung đại phá quân Thanh” là bài tôi thuộc nhất; nhớ nhất. Cũng dễ hiểu là học lại bài cũ thì mau thuộc hơn bài
mới! Không ngờ hôm đi thi Đệ thất-tôi trúng tủ bài ruột. Trong khi bạn bè tôi cứ cho là bài đầu tiên trong sách giáo khoa
thì các thầy cô không ra đề thi đâu…
Từ đó, ngày “mùng 5” may mắn cứ ăn sâu vào tâm khảm học tủ của tên học trò lười. Nhưng đoạn đời đi học còn lại đã
không may mắn nữa!
Còn ngày mười bốn, và ngày hăm ba trong tháng Âm lịch? Ta thường nói: “Mồng năm, mười bốn, hăm ba/ đi chơi
cũng thiệt nữa là đi buôn”. Tại sao người Việt lại kiêng kỵ xuất hành, khai trương trong ba ngày này?
Theo thời gian tôi còn nghe những người nói khác đi câu trên – dù cùng ý nghĩa, như: “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/
là ngày nguyệt kỵ chớ nên ra đường”; hay “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ đi sao về vậy chẳng ra việc gì…”
Tôi thường tự hỏi ba cái ngày ấy có gì khác ngày thường mà từ người bán gánh tới nhà hàng bậc nhất thủ đô cũng
không khai trương trong ba ngày đó; từ cướp đêm là giặc đến cướp ngày là quan cũng tránh xuất hành…
Thì ra chuyện bắt nguồn từ Trung hoa xưa, và Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa
nên cũng xem ba ngày ấy trong tháng là những ngày kiêng kỵ. Đặc biệt với những việc có tính chất quan trọng như: gả
cưới, tang ma, xây nhà, khai trương, đi xa… Theo sách lịch của Trung hoa thì ba ngày này trong mỗi tháng được gọi là
“Ngày nguyệt kỵ”. Bởi là ngày ở Trung cung, lại là ngôi vua và lấy số 5 làm biểu tượng. Số 9 là cửu cung. Nếu đếm từ
1 đến 5 thì số 5 nhập vào Trung cung, rồi cộng thêm vào số cửu cung (9), thì được 14 cũng nhập vào Trung cung,
cộng thêm số 9 nữa thì được 23 cũng lại nhập Trung cung. Như vậy là ba lần đều nhập Trung cung (mùng 5, 14, 23).
Trong khi ngôi Huỳnh sát là hung sát ở Trung cung, mà Thái Tuế (ngôi vua) lại chồng lên ngôi Huỳnh sát. Bởi thế người
ta mới nói, “hầu vua như hầu cọp” chẳng biết mất mạng lúc nào! Nói chung là kẻ dưới phải tránh người trên, để khỏi
phạm tới bề trên mà gặp hung tai trong những ngày này.
Sách “Trâu kiết” có nói: các ngày kỵ đó, theo lời kinh dạy, đã do sắc vua (Trung hoa) bôi bỏ rồi nên chẳng phải câu nệ.
Trái lại, theo sách “Hiệp kỳ” của nhà vua, xét thuyết giải trên cho là có lý nên vẫn để (tức là không bỏ).
Nhưng theo sách vở còn lại thì mùng 5, 14, 23 là các ngày trong tháng mà nhà vua thường đi kinh lý hoặc tuần tra
hoàng thành. Trong ba lần đi của mỗi tháng thì chu kỳ của mỗi lần đi cách nhau 9 ngày. Ngôi vua được biểu hiện bằng
số 5 (còn gọi là ngũ phúc: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh). Lấy ngày mùng 5 của tháng là lần đi thứ nhất nên hết chu kỳ 9
ngày là lần thứ hai vào ngày 14 (lấy 2 chữ số 1 & 4 cộng lại = 5, được ngũ phúc). Rồi tiếp một chu kỳ 9 ngày nữa là lần
thứ ba vào ngày 23 (lấy 2 chữ số 2 & 3 cộng lại cũng là = 5, ngũ phúc).
Theo tục lệ từ ngàn xưa của Tàu thì người dân không được quyền trông thấy mặt vua. Thậm chí lắm quan trong triều
đình cũng còn chưa thấy mặt vua. Vì mỗi lần chầu đều phủ phục, cúi đầu không dám ngước mặt lên. Khi xa giá của
vua đi thì thần dân đều được lệnh phải đóng cửa ở trong nhà, không được dòm lén hoặc ra đường nơi xa giá đi qua.
Bất tuân sẽ rơi đầu. Vì vậy, dân gian kiêng kỵ ba ngày này không ra đường để tránh họa gặp vua. Rồi mê tín trong dân
gian từ từ biến cải ba ngày này trở thành ngày xấu, phải kiêng kỵ đối với các việc có tính quan trọng khác…
Hủ tục Trung hoa này đã truyền sang Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Theo thời gian ăn nhập vào lòng mê tín của người
Việt xưa. Nhưng vẫn được lưu giữ đến ngày nay, thậm chí người Việt hải ngoại cũng còn tin vì có người mua vé máy
bay về Việt nam vẫn coi theo lịch Tàu và tránh cả hai chuyến đi-về vào những ngày mùng 5, 14, 23…
Đôi khi đọc lại điều gì đó trong sách cũ. Nhưng ta lại thấy sức ảnh hưởng của văn hóa Tàu thật sâu rộng trong vùng,
đặc biệt là Việt Nam với một ngàn năm đô hộ. Còn một chuyện về mùng 5 rộng rãi hơn nữa là Tết mùng 5 tháng 5 (Âm
lịch).
Với truyền thuyết Khuất Nguyên bên Tàu: Vào cuối thời Chiến Quốc, Khuất Nguyên, biệt hiệu Linh Quân (340-278
TCN) làm Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Vị trung thần này còn là nhà văn hóa lớn của lịch sử Trung hoa. Tương truyền
ông là tác giả thiên “Ly tao” nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa. Bài thơ đượm buồn cảnh đất nước suy vong với họa
mất nước. Do ông can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại. Đến cuối đời, ông bị vua Tương
Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày đi Giang Nam, (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là
người trong sống trong thời đục. Ông viết bài phú “Hoài sa”, rồi gieo mình xuống sông Mịch La tự tử ngày mùng 5
tháng 5.
Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung hoa xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên
ngoài (làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy gạo bỏ vào ống tre rồi thả xuống sông
cúng Khuất Nguyên.
Ngoài ra, có truyền thuyết khác về ngày tết mùng 5 tháng 5, hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ, bắt nguồn từ Hạ Trí trong
thời cổ, có nguồn cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.
Như vậy, theo hai truyền thuyết trên thì tết mùng 5 tháng 5 có nguồn gốc từ văn hóa Trung hoa. Nhưng bao đời vua
Việt vẫn rập khuôn bên Tàu để dân chúng Việt cúng bái danh nhân Tàu. Thật đáng tiếc là không hủy bỏ văn hóa nô
dịch. Giả sử một vài người Việt ngưỡng mộ Khuất Nguyên, vẫn có quyền mở yến tiệc để tưởng nhớ người trung nghĩa
ấy như một danh nhân thế giới thì không sao. Nhưng cả nước Việt cúng tế người Tàu tới thành tết nửa năm thì lịch sử
phong kiến Việt Nam thật đáng suy nghĩ…
Với hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa ở miền Nam quá ngắn ngủi, lại chiến tranh triền miên. Có lẽ vậy nên chính phủ
không có đổi thay gì trong sinh hoạt văn hóa đã ăn sâu thành tập tục của người dân. Rồi đến ông cộng sản thì lại nặn
ra truyền thuyết riêng về Tết Đoan Ngọ cho Việt Nam với cái tên cực kỳ xã hội chủ nghĩa là: “Tết giết sâu bọ”. Đúng là
văn hóa sao chép xhcn, nên chẳng lạ gì ngày Lễ Tình Yêu – tháng 2; Lễ Ma Quỷ – tháng 10 ở Tây phương đã du nhập
vào Việt Nam sau 1975, theo thời gian không chừng cũng trở thành quốc lễ…
Phan