Mặc dù trường đại học mở ra nhiều như nhà hàng và con số tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư… đã đông như kiến, tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng trong Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố.
Theo tin của báo Giáo dục VN, WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng.
Hồi năm ngoái, chính bản báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN cũng đã chỉ ra những điều đáng ngại về giáo dục.
Theo đó, từ việc biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong chương trình, trong sách chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”…
Đáng chú ý là ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên đến 20% tổng chi ngân sách năm 2010. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 5,5% GDP. Ngân sách chi cho giáo dục phổ thông chiếm khoảng 55% đến trên 60% tổng chi cho giáo dục đào tạo và luôn được ưu tiên đầu tư tăng thêm hằng năm.
Báo cáo của WEF khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp.
Cần biết thêm, mới đây bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (người đã nhận định VN dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản) còn đánh giá đạo đức học sinh hiện nay xuống cấp đến mức báo động.
Theo Thời Báo