Trong lịch sử nhân loại, mấy ngàn năm nay, từ đông qua tây, chế độ đa thê luôn hiện hữu, bằng hình thức này hay
hình thức khác. Ngay ở Việt Nam, chỉ độ một thế kỷ trước thôi, chế độ đa thê ấy vẫn còn tồn tại. Đọc lịch sử, thấy các
ông vua Tàu vua Việt, ông nào cũng có vài chục thê thiếp. Có ông như Tần Thủy Hoàng có tới 3.000 cung tần mỹ
nữ, chứa đầy hết tam cung lục viện. Tính nhẩm, mỗi đêm vua chỉ ghé thăm một phòng thôi thì cũng mất gần 10 năm
mới đi hết một vòng. Ở nước ta không có ông vua nào quá cỡ như thế, tuy nhiên, sách sử cận đại có chép vua Minh
Mạng triều Nguyễn cũng có tới 43 thê thiếp và 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Nội việc đặt tên
cho các hoàng tử công chúa của vua không thôi cũng đủ hết chữ rồi. Thế nên, có người đã phải chép miệng than:
làm vua sướng thật!
Mà không chỉ vua mới được hậu đãi như trên. Đến như các quan, ở nước ta từ các cụ Nguyễn Trãi đến Nguyễn
Công Trứ, và ngay cả thứ dân, nếu khá giả, cũng có được vài nàng hầu. Đến như Nguyễn Công Trứ, ngoài bảy mươi
tuổi mà vẫn còn muốn có thêm nàng hầu thì chẳng trách ai được. Chỉ riêng Trần Tế Xương, có lẽ vì nghèo quá, nên
suốt đời cu ki một vợ. Bù lại, ông Tú chăm chỉ đều đặn mò xuống phố Khâm Thiên hát ả đào để cho vơi bớt nỗi hẩm
hiu.
Trong những ái thiếp và nàng hầu xưa kia cũng có những người được người đời biết đến. Nổi danh nhất có lẽ không
ai hơn nàng Triệu Vân của thi hào Tô Đông Pha. Trong suốt quãng đời bôn ba lưu đày của Tô, nàng luôn sát cánh
bên ông để cùng đồng cam cộng khổ, chia sớt tâm sự cho ông khuây khỏa trong những ngày lưu xứ và cuối cùng
nàng đã phải bỏ thân nơi đất lạ. Cảm động vì tấm lòng tri kỷ đó nên Tô Đông Pha đã làm nhiều bài thơ về nàng và
được người đời sau truyền tụng.
Nhưng, tại sao trên đời lại có cái chế độ chiều chuộng các đấng mày râu đến như vậy?
Có người giải thích ngay rằng vì xưa kia chiến tranh liên miên và hầu như người trai nào vừa đủ lớn cũng phải lo việc
đao cung, ra đi theo tiếng gọi của non sông, mà “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, mấy ai đi mà trở lại. Thành ra trong
xã hội, luôn có cái nạn trai thiếu gái thừa. Để bù đắp vào những chỗ trống vắng đó, anh nào còn may mắn sống sót
thì phải làm thêm cái “công việc” của những anh vắng mặt là vậy.
Trong cuốn Ethnographic Atlas Codebook (mô tả phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới) liệt kê tất cả
1.231 bản sắc văn hóa khác nhau, trong đó có tới 84,6% được phân loại chấp nhận chế độ đa thê, 15,1% cưu mang
chế độ một vợ một chồng, và chỉ có 0,3% là thực hành chế độ đa phu.
Cũng vì tử suất của loài người trước kia cao quá nên người ta cần sinh đẻ nhiều và nhanh để bù vào những mất mát
đó. Mà chế độ đa thê có lợi cho việc sinh đẻ để nối dòng hơn hẳn chế độ đa phu. Này nhé, giả thử trong một gia
đình một vợ và nhiều chồng, chẳng may hôm nào bà vợ này có bầu, nghĩa là trong hơn chín tháng sau đó, bà vợ
không thể mang thêm cái bầu nữa, và cũng có nghĩa là các ông chồng kia phải ngồi chơi xơi nước. Ngược lại, trong
gia đình một chồng nhiều vợ, dù có bà vợ nào mang bầu hay không cũng không thể cản trở ông chồng làm cái công
việc đã được tạo hóa giao cho. Mầm mống các ông mang theo trong người có thể đem gieo trồng bất cứ khi nào,
bất kỳ ở đâu.
Đời sống nhân loại ngày càng văn minh và do đó điều kiện sống của con người được cải thiện hơn, tử suất giảm,
tuổi thọ tăng, quan niệm về gia đình và hôn nhân cũng thay đổi, và người ta từ từ dần bỏ chế độ đa thê, bắt đầu từ
các nước phương Tây rồi lan dần sang phương Đông. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 dân số trên thế giới
còn sống trong những khu vực mà luật pháp cho phép đa thê.
Riêng tại Hoa Kỳ, mãi đến năm 1862, nghĩa là gần bước qua thế kỷ 20, người ta mới áp dụng hẳn hoi luật cấm đa
thê có tên gọi là Morrill Anti-Bigamy Act. Kể từ đó đến nay, luật pháp Hoa Kỳ chỉ chấp nhận hôn nhân một vợ một
chồng. Thế nhưng, nhiều người vẫn sống lối sống đa thê hay đa phu dưới những hình thức khác: những người ly dị
nhiều lần, cả đàn ông lẫn đàn bà, có thể nói là những người đa thê hay đa phu; những cặp vợ chồng tuy chính thức
nhưng vẫn có những mối quan hệ công khai với người khác, và số này ít, cũng có thể nói là những người đa thê hay
đa phu.
Quan sát nhiều loài động vật khác nhau trên trái đất, người ta thấy có những giống, tuy sống thành bầy đàn, nhưng
vẫn chia thành từng đôi từng cặp (được gọi là đơn giao), lại có những giống sống chung đụng tập thể (đa phôi). Nói
chung, tất cả những giống vật đó sống theo bản năng tự nhiên của chúng và không thay đổi. Riêng có loài người là
giống duy nhất thay đổi lối sống từ chế độ đa thê sang một vợ một chồng.
Vậy, đa thê hay một vợ một chồng, lối sống nào mới là bản chất tự nhiên của loài người?
Trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta không nói rõ về điều này. Chúng ta luôn ca ngợi những mối quan hệ ổn định và
biết hy sinh, nhưng chúng ta cũng hay bị những hình ảnh khác cám dỗ và chi phối. Trong nhiều thống kê cho thấy
một phần lớn những cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị, nhưng chỉ một phần nhỏ những người lập gia đình là đi đến ly
dị – nghĩa là, tỉ lệ ly dị cao bởi do có một số người ly dị nhiều lần, trong khi phần lớn các cặp vợ chồng vẫn hạnh phúc
bền chặt.
Khoa khảo cổ cũng không giải thích rõ. Nhưng chắc chắn một điều là trong quá khứ, phần lớn những phong tục tập
quán của nhiều xã hội khác nhau chấp nhận chế độ đa thê. Nhưng ngay trong những xã hội ấy, phần lớn người ta vẫn
theo lối sống một vợ một chồng. Lý do là vì điều kiện kinh tế, phải là người khá giả mới dám lấy nhiều vợ và có đủ
khả năng để lo cho một gia đình lớn. Ở trong những xã hội đó, đa thê cũng đồng nghĩa với giàu có sung túc, và ngay
cả những người theo lối sống một vợ một chồng nhưng khi có điều kiện người ta cũng thích lấy thêm vợ cho bằng
anh bằng em chứ đâu chịu thua thiệt.
Một số nhà nghiên cứu đã bỏ công khảo sát sinh hoạt của nhiều giống khỉ để hy vọng tìm ra chút manh mối về bản
chất tự nhiên trong những mối quan hệ của loài người. Trong nhiều trăm giống khỉ đó, có một số loài có lối sống đa
phôi (trong đó có những loài có liên hệ rất gần với loài người như giống tinh tinh và giống khỉ đầu chó (baboons)), và
một số loài khác theo lối sống đơn giao (như giống vượn và khỉ đuôi sóc (marmosets)). Mỗi nhóm có một số đặc
điểm sinh hoạt và sinh học khác nhau.
Trong những giống khỉ đa phôi, con đực thường mất nhiều thì giờ để tranh giành một địa vị cao trong thứ bậc của
bầy đàn và để được quyền tiếp cận với những con cái. Con đực của những giống này có thân hình cao to, nặng,
vạm vỡ và tính khí hung hăng hơn so với con cái, và có những chiếc răng nanh lớn hơn – là những thứ vũ khí để áp
đảo đối thủ. Ví dụ, những con khỉ đực thuộc giống khỉ đầu chó có trọng lượng cơ thể nặng gấp đôi và những chiếc
nanh dài gấp hai lần con cái.
Con đực của những giống này có tuổi thọ ngắn hơn con cái và chúng chẳng hề biết quan tâm tới những con khỉ con.
Nói cách khác, điều duy nhất mà con cái nhận được khi giao cấu với con đực của những giống này là cái mầm mống
di truyền mà thôi.
Nhưng những loài khỉ sống theo lối đơn giao thì lại khác hẳn. Những con đực của giống này biết chăm sóc cho
những con khỉ con. Do đó, người ta không thấy những con đực này bạ đâu là để “dấu tình” ở đó (hay tranh giành cơ
hội với những con khác để chỉ làm cái chuyện đó), bởi vì nếu có con thì chính con đực đó phải làm nhiều việc hơn.
Những đặc điểm như kích thước bề ngoài, sự vạm vỡ và tuổi thọ của những con đực thuộc nhóm đơn giao không
khác lắm so với những con cái. Thêm nữa, chuyện “chăn gối” của chúng cũng không thường xuyên.
Trong những giống khỉ đa phôi, để nhận diện được con đực con cái của giống này không khó nhờ diện mạo bên
ngoài. Với những giống khỉ đơn giao thì ngược lại, rất khó có thể phân biệt đực cái.
Nếu đem so sánh những đặc điểm khác nhau có tính cách sinh học của những giống khỉ đa phôi hay đơn giao trên,
vậy loài người chúng ta thuộc nhóm nào, đa thê hay một vợ một chồng? Theo Robert M. Sapolsky, giáo sư môn sinh
học thuộc Đại học Standord, nhìn chung toàn thể các sắc dân trên thế giới, đàn ông cao hơn khoảng 10% và nặng
hơn 20% so với phụ nữ, cần một lượng calorie nhiều hơn 20% và tuổi thọ ngắn hơn 6%, cuộc sống tình dục của loài
người năng động và thường xuyên hơn giống khỉ đơn giao nhưng lại kém xa giống đa phôi.
Các nhà nghiên cứu đã làm nhiều cuộc khảo sát và so sánh, kết quả đều giống nhau, và đi đến kết luận: bản chất tự
nhiên của loài người chúng ta không hẳn thuộc nhóm đơn giao hay đa phôi. Như nhiều nghiên cứu khoa học chứng
minh cho thấy loài người, với bản chất tự nhiên cố hữu, là giống hết sức phức tạp và khó hiểu, và do đó có thể xếp
loại loài người là giống nằm đâu đó giữa lưng chừng.
Huy Lâm