Nhạc sĩ Kim Nguyên và tôi được nhạc sĩ Minh Châu đưa đi du ngoạn trên bải biển San Francisco. Thấy du khách quá đông, chúng tôi mua cà phê và một bao bắp rang rồi xuống bến tàu, phơi nắng, uống cà phê, hóng gió biển và nói chuyện tào lao với nhau. Nhạc sĩ trẻ Minh Châu liệng bắp rang cho đàn chim hải âu đang vây quanh anh ta, nét mặt Minh Châu có vẻ trầm ngâm, xa vắng.
Kim Nguyên hỏi tôi: Anh Nguyễn Phương không nhớ cháu Minh Châu sao? Minh Châu có đờn cho đoàn Trần Hữu Trang 3.
Tôi lục lạo trong ký ức để cố nhớ Minh Châu là ai? Con của nghệ sĩ nào? Trong giới cải lương, việc chọn nghệ danh có một quy cách bất thành văn: nghệ sĩ trẻ học theo lối ca hát của nghệ sĩ đàn anh nào thì thường dùng chữ đứng đầu của tên nghệ sĩ bậc thầy làm chữ đứng đầu của tên mình. Như Út Trà Ôn thì có đệ tử Út Hậu, Út Hiền; nữ nghệ sĩ Kim Chưởng có các đệ tử Kim Chừng, Kim Nên, Kim Ngọc, Kim Hương, Kim Hiền, Kim Hoa, Kim Nga… ; nam danh ca Thanh Tao có Thanh Cao, Thanh Nhã, Thanh Ngàn, Thanh Hiền, Thanh Tuấn; nghệ sĩ có chữ Minh đứng đầu có Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng và các đệ tử như Minh Minh Vương, Minh Minh Cảnh. Trước hơn nữa, đoàn Thanh Minh bầu Nghĩa có danh ca Minh Tấn. Tôi nói: “Không lẽ Minh Châu đây là con của danh ca Minh Tấn đoàn Thanh Minh hồi xưa? Thời đó Minh Tấn chưa có đệ tử…”
Nhạc sĩ Kim Nguyên nói: “Đúng rồi! Đúng rồi! Anh Nguyễn Phương nhớ dai thiệt! Minh Châu là con của anh Minh Tấn đó.”
Minh Châu: “Ba cháu mất lâu rồi…”
Tôi nói: “Trước năm 1975, anh Minh Tấn có nhà ở đầu chợ Bàn Cờ, gần xóm rác, sau lưng tiệm chụp hình Hưng Ký, ngó ra hông chùa Kỳ Viên Tự… Nếu bác nhớ không lầm thì cháu có một người chị một cha khác mẹ với cháu tên là Minh Thư… Anh Minh Tấn gặp con gái là Minh Thư nhưng anh không biết đó chính là con của anh… Tôi và nhiều nghệ sĩ ở đoàn Thanh Minh với nhạc sĩ Út Trong, chúng tôi chứng kiến được cuộc trùng phùng hi hữu của hai cha con anh Minh Tấn – Minh Thư…”
Minh Châu: “Má cháu rất buồn vì chuyện đó, Ba Má cháu gây nhau, giận nhau có đến mấy năm, vì vậy mà cháu không có dịp biết mặt, không có dịp gặp chị Minh Thư của cháu. Bác Phương, xin bác kể cho cháu nghe chuyện liên quan đến chị Minh Thư của cháu…”
Tôi kể chuyện gia đình Minh Tấn cho Kim Nguyên và Minh Châu nghe:
Hồi đó…
Hồi năm 1952, bầu Năm Nghĩa mua xác gánh hát Hậu Tấn – Năm Nghĩa thành lập lại đoàn hát mới với bảng hiệu Thanh Minh, ông bầu Nghĩa tăng cường thành phần kép ca gồm có danh ca Quang Phục, Minh Tấn, Sáu Nhỏ, Út Nhị, soạn giả thì có Lâm Tồn, Vinh Sang, Quang Phục và Nguyễn Phương.
Trong số kép ca vừa kể, anh Minh Tấn ca hay nhứt mà cũng được xem là kép đẹp, kép ăn khách nhứt trong dàn đào kép của đoàn hát Thanh Minh. Kép Minh Tấn có hát các tuồng của tôi như Biên Thùy Nổi Sóng, Lửa Hớn, Cánh Buồm Lừa, Hồi Trống Vân Lâu, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn. Tôi còn giữ hình Minh Tấn trong các suất hát đó.
Đến năm 1955, ông bầu Nghĩa mướn thêm các soạn giả Lê Khanh, Mộc Linh, Thiếu Linh, tăng cường về mặt tuồng tích để hát thường trực tại rạp Thành Xương, đối đầu với gánh hát Kim Chung, hát thường trực rạp hát Aristo ở đường Lê Lai. Ông Năm Nghĩa ký contrat tăng cường danh ca Út Trà Ôn, Văn Chung – Thanh Hương, Việt Hùng – Ngọc Nuôi, Phước Trọng – Thúy Nga, đào ca Kim Anh, Út Bạch Lan. Vì đoàn hát tăng cường thêm nhiều danh ca nên Minh Tấn phải tụt xuống hàng kép nhì, kép ba, tuy nhiên ông bầu Nghĩa vẫn trọng dụng Minh Tấn, vì trước đó vài năm Minh Tấn là người giúp cho Năm Nghĩa giữ vững bảng hiệu Thanh Minh. Do vậy, ông bầu Nghĩa trao cho danh ca Minh Tấn nhiệm vụ rèn luyện các ca sĩ trẻ mới được tuyển vào đoàn hát. Ngoài ra, anh Minh Tấn còn có quyền tuyển chọn ca sĩ ở các địa phương mà đoàn đã hát qua.
Lúc đoàn Thanh Minh hát ở rạp Tân Quang Vũng Tàu, sau khi vãn hát, anh quản lý rạp rũ chúng tôi ra quán rượu của Bầu Quỳ, còn được gọi là Kiosque Sơn Ca, quán chuyên bán rượu hải mã, rượu tắc kè và thức nhắm hải sản ở bãi trước. Danh ca Minh Tấn, Út Nhị, hề Kim Quang, Nguyễn Phương, nhạc sĩ tân nhạc Hoàng Việt, nhạc sĩ Út Trong, chúng tôi ăn cơm hội chung một mâm, nên khi đi ăn nhậu bên ngoài chúng tôi cũng họp thành một nhóm. Rượu ngà ngà say, sương đêm và gió biển thổi lạnh, chúng tôi định về ngủ, anh bầu Quỳ giới thiệu một cô hầu bàn, ca vài câu vọng cổ giúp vui.
Chúng tôi nể mặt bầu Quỳ nên nán lại nghe cô hầu bàn ca vọng cổ chớ thật tình sau một ngày mệt nhọc, buổi sáng tập tuồng, buổi trưa dọn dẹp chỗ ở trong rạp, tối lại mỗi người một phần việc, tận tâm tận sức làm cho đêm hát thành công, chúng tôi đã mệt rã rời, chỉ muốn kiếm một chỗ nào đó để ngả lưng, làm một giấc cho khỏe. Nghe ca vọng cổ mà không có đờn, giữa đêm khuya, gió lộng réo vi vu qua hàng dương trên bãi biển, và trong cái lúc cơ thể rã rời, tôi nghĩ là dù cho anh Út Trà Ôn hay cô Thanh Hương, hai người được mọi người trong giới đánh giá là ca vọng cổ hay nhứt, hai danh ca thượng thặng đó cũng chưa chắc được hoan nghinh trong hoàn cảnh mà tôi vừa kể.
Cô hầu bàn được bầu Quỳ giới thiệu tên là Cẩm Vân, độ 18 tuổi. Phải công nhận là cô Cẩm Vân rất đẹp, môi đỏ tự nhiên như thoa son, nước da trắng mịn, đôi mắt to, tròng đen như hột nhãn, vóc dáng thướt tha, ngực nở, lưng eo, cô Cẩm Vân mặc chiếc áo dài màu tím hoa cà và quần satin trắng làm tăng thêm nét duyên dáng. Cẩm Vân tự giới thiệu: Có một người khách lạ, ghé quán uống cà phê rồi viết bài ca tặng em để làm kỷ niệm. Lâu lắm rồi người khách kia không trở lại, em chỉ còn nhờ bài ca mà nhớ người khách lạ ngày xưa.
Đây là bài: Cô hàng cà phê
Gió thổi tơi bời xác lá bay,
Mưa rơi từng giọt mái hiên ngoài,
Em ngồi lẵng lặng bên khung cửa,
Hướng nẻo chân trời để nhớ ai.
Nhưng qua lớp khói thuốc bay bay sao nụ cười tươi hôm nay không còn trông thấy nữa, mà chỉ thấy đôi mi mờ hoen ngấn lệ hai vai như mang trĩu nặng mối… .
Vọng Cổ
1- Ưu phiền… tôi lặng nhìn cô mà trí não mơ màng, từng giọt cà phê nhẹ rơi tí tách như giọt lệ huyền rơi rụng xuống hồn ai; gió trở chiều rồi mà tôi vẫn ngồi đây để nghe tâm tư trĩu nặng những ưu phiền, một buổi chiều nơi quán nhỏ cô đơn em khóc tình duyên còn tôi sầu dĩ vãng.
2- Cô quán ơi cô buồn chi mà tiếng cười tắt lịm trong một chiều mưa nơi quán lạnh bên đường… ; quán vắng đìu hiu lá úa rụng quanh thềm, tôi như lữ khách trên đường phiêu lãng, dừng bước giang hồ ghé lại quán hàng em, thả mộng hồn theo khói thuốc mông lung để cho lòng ray rức não nùng theo tiếng nhạc, nhìn ly cà phê rơi rơi từng giọt như ngấn lệ sầu thánh thót đọng vào tim.
Thơ:
Chiều xuống lâu rồi, mưa vẫn tuôn,
Ngoài kia phố thị hắc hiu buồn
Tôi nghe rười rượi hồn du tử
Không kẻ mong chờ cũng nhớ thương.
Có phải mái tóc em bay mà dư hương đã quyện lấy hồn tôi trong một chiều lá đổ, tách cà phê rơi rơi từng giọt đắng như lòng ai trĩu nặng mối…
Vọng Cổ
5- U hoài, quán lá xơ rơ gió tạt mái hiên ngoài, tôi khẽ đưa tay lau dòng nước mắt, chẳng biết tại khói tro tàn hay giọt lệ khóc thương ai; tâm sự cô hàng chắc cũng cay đắng như tôi, kẻ lắm gian truân người nhiều cảm lụy, giữa một chiều mưa gặp nhau nơi quán nhỏ rồi chia tay không một tiếng tạ từ.
6- Ngoài kia trời đã ngớt cơn mưa, cô quán vẫn ngồi đó với đôi mi ước lệ, có phải tim ai đó đã bao lần rạn vỡ, không bếp lửa hồng sưởi lạnh giữa hoàng hôn, tôi muốn một lần được nắm lấy tay em để trao gởi nỗi niềm tâm sự, rồi tôi sẽ cất bước dưới bầu trời mưa gió bỏ lại sau lưng ngôi quán nhỏ bên đường; tôi ngậm ngùi nhặt xác lá vàng rơi như nhặt lấy những mảnh hồn tan vỡ,
Chiều nay cuối nẻo đô thành,
Một kẻ phong trần thương một kẻ cô đơn.
Cẩm Vân ca giọng nghe buồn thê thiết, như tiếng oán tiếng than của người cô phụ trông chồng. Cô còn trẻ, chỉ yêu đơn phương một người khách xa lạ, người ta chưa thật sự tỏ tình mà chỉ là một bài ca, một sự gợi thương gợi nhớ vì hai người đồng cảnh ngộ. Một cuộc tình vu vơ không ước hẹn nhưng hoàn cảnh cô đơn của Cẩm Vân, ngày ngày nhìn sóng biển muôn trùng, tưởng như đang lạc lõng giữa ngàn khơi, lòng thầm ước có một mối tình để mà bám víu như một kẻ đang chìm ghe mong vớ được một chiếc phao…
Chúng tôi lúc đầu vì nể lòng ông bầu Quỳ mà ở lại nghe Cẩm Vân ca, nhưng khi cô bắt đầu ngâm thơ và vô câu vọng cổ thì chúng tôi như bị giọng ca sâu lắng, tỏa men say giữ chúng tôi lại bên quán khuya mà nghe cho trọn bài ca. Tôi thầm nghĩ với vẻ đẹp thanh xuân, với giọng ca ngọt ngào, nếu Cẩm Vân xuất hiện trên sân khấu, nhứt định cô sẽ tỏa sáng như một vì sao chói rạng giữa đêm sâu.
Anh Minh Tấn, nhạc sĩ Út Trong, Hoàng Việt cũng cảm nghĩ như tôi. Minh Tấn nhớ nhiệm vụ của bầu Nghĩa trao cho anh, khi nghe giọng ca và nhìn sắc diện của Cẩm Vân, Minh Tấn như khám phá được một kho tàng vô giá. Anh nói: “Tôi sẽ giới thiệu cô gia nhập đoàn Thanh Minh, tôi bảo đảm không lâu cô sẽ là một cô đào chánh, cô sẽ được ký một cái contrat cả trăm ngàn đồng.”
Bầu Quỳ vội nói: “Đừng giỡn nghe Minh Tấn. Anh muốn bắt người của tôi một cách dễ dàng vậy sao?”
Minh Tấn: “Thì… thì tôi chỉ muốn giúp Cẩm Vân, tôi chỉ muốn sân khấu cải lương có thêm nhiều hương sắc… Cẩm Vân như một viên ngọc quý, anh là một ông bầu cải lương, tuy rời sân khấu về ở ẩn nơi đây, không lẽ anh không muốn cho cải lương có thêm một tài năng mới hay sao?”
Bầu Quỳ cười: “Cái quán của tôi ngày trước được gọi là quán Bầu Quỳ. Bây giờ người ta gọi là quán Sơn Ca. Nếu không có con chim Sơn Ca Cẩm Vân thì cái quán này sẽ rã, du khách và những bạn nhậu thân hữu của quán, những người thích nghe vọng cổ của Vũng Tàu sẽ mất đi một giọng ca vàng. Chỉ khi nào Cẩm Vân tự ý bỏ ra đi thì tôi đành chịu, chớ anh muốn bắt người đi thì không được.”
Đêm đó chúng tôi trở về rạp hát, không ngủ được vì không biết có cách nào để giúp Cẩm Vân.
Mấy đêm sau, vãn hát là chúng tôi kéo nhau xuống quán của Bầu Quỳ, nghe con chin Sơn Ca hót, rồi trở về rạp, bâng khuâng, vô vọng trước ý định không biết làm sao để giúp cho Cẩm Vân theo đoàn hát Thanh Minh.
Minh Tấn bắt đầu đi riêng, anh đến quán ban ngày, có khi ở cả ngày bên quán, nói chuyện tâm sự với Cẩm Vân. Ông bầu Quỳ tin tưởng là cô Cẩm Cân sẽ không bỏ quán, không xa gia đình của ông để mà theo Minh Tấn.
Về sau, chúng tôi mới biết cha mẹ của cô Cẩm Vân bị bom chết khi cô mới được 5 tuổi, lúc đó đoàn hát của Bầu Quỳ hát ở vùng có chiến trận, ông đã cùng các nghệ sĩ trong đoàn hát giúp việc mai táng cho cha mẹ của Cẩm Vân. Ông nhận Cẩm Vân làm con nuôi và ông đã dạy cho Cẩm Vân ca bài bản cổ nhạc. Ông về Vũng Tàu lập quán là chỉ tạm thời, mộng làm Bầu gánh hát của ông vẫn chưa nản nên ông giữ Cẩm Vân để làm đào chánh cho gánh hát tương lai của ông.
Đoàn Thanh Minh sau bến hát ở Vũng Tàu, dọn ra Phước Hải hát một tuần, sau đó hát ở Bà Rịa một tuần rồi trở về Saigon. Minh Tấn ký chồng thêm contrat hai năm với bầu Nghĩa, anh vay thêm tiềng đứng của Út Trong mười ngàn đồng. Sau tuần lễ hát ở Thành Xương thì các bạn cùng ở với Minh Tấn trong đình quận 8, nơi mà ông bầu mướn cho diễn viên của đoàn ở, được báo tin là Minh Tấn đau nằm nhà thương. Sau đó không ai biết Minh Tấn dọn đi ở đâu.
Tuần lễ sau, ông bầu Quỳ ở Vũng Tàu tìm đến đoàn hát Thanh Minh kiếm Minh Tấn và cô Cẩm Vân. Ông nói: “Cẩm Vân để lại cho ông một cái bao thơ với mười ngàn đồng, xin lỗi ông vì cô phải ra đi để tự tìm kiếm một tương lai.”
Bầu Nghĩa cũng bật ngữa: “Thằng Minh Tấn mới ký contrat hai năm với đoàn hát của tôi, nó ẵm hai trăm ngàn đồng rồi trốn mất. Anh chỉ mất cô Cẩm Vân nhưng còn nhận được mười ngàn đồng. Tất nhiên đó không phải là điều anh muốn nhưng tui cũng bị thiệt hại nhiều hơn anh.”
Ông bầu Quỳ ôm hận trở về Vũng Tàu.
Chúng tôi ngày ngày đọc báo kịch trường, theo dõi để xem có đoàn hát nào có một cô đào hát mới, xem coi báo chí có đăng hình của Cẩm Vân không. Và cũng xem coi có đoàn hát nào quảng cáo danh ca Minh Tấn không. Nhưng rồi bặt vô âm tín… nhiều năm trôi qua, chúng tôi quên đi cái chuyện danh ca Minh Tấn và chim Sơn ca Cẩm Vân.
… … …
Cuối năm 1972, tôi phụ trách trưởng Ban cải lương Phương Nam đài phát thanh Saigon nên tôi đến lò cổ nhạc Út Trong để tìm các mầm non ca sĩ, tôi được biết nhạc sĩ Út Trong mướn thêm nhạc sĩ Tám Lắm và Minh Tấn để chia phiên với anh, dạy ca và luyện giọng cho học viên.
18 năm sau khi anh Minh Tấn rời đoàn hát Thanh Minh bầu Nghĩa, bây giờ tôi mới gặp lại. Anh Minh Tấn ốm, xanh xao, trên trán và hai bên gò má nổi lên nhiều mụt u lớn, đỏ bầm. Tôi không biết anh bệnh gì và cũng không tiện hỏi.
Hôm đó, nhạc sĩ Út Trong tuyển lựa ca sĩ để đưa đi dự thi tranh giải Khôi Nguyên Vọng Cổ tổ chức tại rạp Quốc Thanh. Các bài ca vọng cổ được học viên đăng ký ca có nhiều bài hay như Sầu Vương Ý Nhạc, Trái Gùi Bến Cát, Bông Hồng Cài Áo, Tình Anh Bán Chiếu, Cô Hàng Cà Phê, Tần Quỳnh Khóc Bạn…
Vì nhà chật nên ca sĩ dự thi ngồi dưới nhà, khi nào được xướng danh thì sẽ bước lên cầu thang, lên phòng trên lầu ca dự thi. Hôm đó có mặt soạn giả Kiên Giang nên chúng tôi được mời dự thành phần Ban Giám khảo. Tôi xướng danh gọi các thí sinh vào thi. Các thí sinh ca các bài Sầu Vương Ý Nhạc, Trái Gùi Bến Cát, Bông Hồng Cài Áo đều có giọng ca khá, nhịp điệu vững chắc. Khi tôi xướng danh thí sinh Minh Thư ca bài Cô Hàng Cà Phê, tôi có cảm giác như có một cái gì bất bình thường…
Cô Minh Thư độ 15, 16 tuổi, vóc dáng cao ráo, nét mặt có duyên, giọng ca rất êm và truyền cảm. Cô ca bài Cô Hàng Cà Phê, giọng ca đượm nước mắt khiến cho Út Trong, Minh Tấn và tôi nhớ đến chim sơn ca Vũng Tàu mười tám năm về trước.
Đến phần đặt câu hỏi, anh Út Trong hỏi: “Cô cho biết quê quán, gia cảnh và học ca ở đâu. Lò cổ nhạc nào, người dạy ca là ai?”
Minh Thư nói: “Cháu ở quận Châu Thành tỉnh Tây Ninh, theo lời của má nói thì ông ngoại hồi trước là bầu gánh hát, ba cháu là kép hát, má chỉ là người buôn bán thôi nhưng má cũng biết ca. Má cháu dạy cháu ca, chỉ có bài ca vọng cổ Cô Hàng Cà Phê đó thôi, sau cháu theo các bạn học lóm chớ không có đến học ở lò cổ nhạc nào cả.”
Tôi hỏi: “Ông ngoại cô là bầu gánh hát, tên gì? Ba cô là kép hát, tên gì? Má cô, tên gì?”
Minh Thư: “Dạ, má con nói ông ngoại tên bầu Quỳ…”
Minh Tấn, Út Trong và tôi đồng bật lên tiếng: “Hả? Bầu Quỳ…”
Minh Thư: “Dạ phải, ông ngoại tên Bầu Quỳ. Ba tôi tên là Sở Khanh… Má tôi tên nàng Kiều… Má nói vậy đó… Hồi xưa má có bán quán ở Vũng Tàu…”
Minh Tấn nói như bật ra một tiếng thét vừa phá tung lồng ngực của anh: “Trời ơi! Con… Minh Thư! Con là con của Ba… Ba là kép Minh Tấn đây. Má con là Cẩm Vân, đúng ông ngoại nuôi của con là bầu Quỳ…”
Minh Thư hoảng sợ, lui lại: “Không phải, ông không phải là ba của tui… Má nói khi tui lên hai tuổi, ba tui bỏ nhà ra đi, bữa đó trời mưa lớn nên sét đánh chết rồi. Ba tên Sở Khanh, không có để giấy tờ, hình ảnh gì của ba lại hết. Má nói ba làm cái gì ác lắm nên bị trời đánh chết rồi…”
Minh Tấn như bất lực, té ngồi rũ xuống đất, anh ôm mặt khóc: “Phải… Ba đáng bị sét đánh cho chết đi vì ba đã làm hại cuộc đời của má con, ba đã để cho con khổ cực từ lúc còn nhỏ cho đến bây giờ… (anh day qua Út Trong và tôi, nói) Sau khi tôi và Cẩm Vân rời khỏi Vũng Tàu, tôi dẫn Cẩm Vân ra miền Trung, kiếm đoàn hát để đi nhưng việc tôi ký contrat rồi rời bỏ đoàn Thanh Minh bị ông bầu thưa với tòa án. Tòa ra trát tìm bắt nên không gánh hát nào dám chứa tôi và Cẩm Vân. Tôi về Tây Ninh, mua một căn nhà nhỏ gần chợ Long Hoa để cho Cẩm Vân có chỗ ở và mua bán để tạm sống qua ngày. Tôi định trở về chịu lỗi với ông bầu và xin hát trả nợ contrat đã ký nhưng lúc đó Cẩm Vân mang thai, tôi phải ở lại lo cho Cẩm Vân. Tôi sống như một người buôn gánh bán bưng, mua đường thốt nốt trong các phum sóc, đem về bán trong chợ Long Hoa, chờ ngày Cẩm Vân sinh nở. Khi cháu Thư đây được hai tuổi, tôi định về đoàn hát xin hát lại để trả nợ, không ngờ ra bến xe, đến bót Cẩm Giang, tôi bị bắt. Họ nghi tôi là Việt Cộng nằm vùng, họ bắt giam và đưa tôi ra Côn Đảo chờ tái xét. Ở Côn đảo năm năm, đến khi bị bịnh vì ăn thịt con đinh ba, thân thể bị lở lói, họ sợ tôi lây sang nhiều người khác nên phóng thích cho tôi về Saigon. Trong tình trạng bị bịnh lở lói, không công ăn việc làm, tôi không thể nào trở về Tây Ninh tìm gặp Cẩm Vân. Vợ tôi không biết việc của Cẩm Vân, tưởng tôi bị án oan mới ở tù Côn Đảo, bà lo nuôi tôi và tìm thuốc trị bịnh cho tôi.
Đối với vợ tôi, tôi đã dối gạt bà. Đối với Cẩm Vân, tôi tưởng giúp được, không ngờ tôi làm hại cả cuộc đời… Đối với đoàn hát và ông bà bầu là người đã tạo cho tôi tên tuổi, tiền bạc và cuộc sống sung túc, tôi bội phản nên Tổ nghiệp trừng phạt tôi, đã tước đoạt nghề nghiệp của tôi… Cẩm Vân xem tôi như một thằng Sở Khanh, con tôi xem tôi là thằng bị trời đánh! Ông bầu Quỳ, ông bầu Nghĩa, những bạn nghệ sĩ đồng nghiệp xem tôi là một thằng lừa đảo. Năm năm ở Côn Đảo và cuộc đời tôi tan nát chỉ vì một hành động lừa đảo của tôi đối với ông bầu Quỳ, ông bầu Nghĩa, đối với Tổ nghiệp…
Minh Tấn ôm mặt khóc, cô Minh Thư ngỡ ngàng, không biết hành động ra sao. Anh Út Trong hỏi: “Má cháu, cô Cẩm Vân đó, hiện nay như thể nào?”
Minh Thư trả lời: “Má cháu mất rồi. Đã hai năm rồi… Hồi má cháu còn sống, năm nào Tết đến má cũng về Vũng Tàu thăm ông ngoại Quỳ nhưng ông ngoại không cho vô nhà, không tiếp, không tha thứ cho hành động phản bội ông mà bỏ đi theo ông kép hát. Má buồn quá, thức thâu đêm, bị lao phổi, khi má sắp mất, má nói con chim Sơn Ca đã chết rồi, con ráng làm người chớ đừng có làm loài chim tối ngày hót líu lo mà bị người ta bắt, đem nhốt vô chuồng hay họ sẽ đốt lửa nướng mà ăn thịt. Con nghĩ là má đau gần mất nên nói sản vậy thôi.”
Soạn giả Kiên Giang nói chen vào: “Má cháu nói đúng đó! Nghệ sĩ bây giờ khác nào những con chim sơn ca. Khi tiếng hót của nó còn lảnh lót, còn vui tai thì được ở lồng son, được cho ăn cào cào, châu chấu. Ngày nào nó không còn hót được theo lịnh của chủ nó thì người ta sẽ vặt lông cánh của nó, đem nướng trên ngọn lửa hồng, làm mồi nhắm rượu cho những người đã làm lồng son nuôi nó.”
Nhớ bạn xưa, nhớ con chim sơn ca miền duyên hải.
Nguyễn Phương 2014