Tiếp viên hàng không của Việt Nam đã được cảnh sát Nhật thả và chuẩn bị về nước, theo truyền thông trong nước.
Tin đưa hôm 17/04, đại diện của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam xác nhận với báo Bấm Dân Trí về thông tin trên, và nói sở cảnh sát Tokyo đã gọi điện thông báo cho chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật về “việc thả và không buộc tội đối với tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc”.
Một số báo Việt Nam khác dẫn nguồn Kyodo News rằng cô Ngọc được thả do phía Nhật không có đủ chứng cứ buộc tội.
Nữ tiếp viên hãng Vietnam Airlines đã phủ nhận mọi cáo buộc trước tòa, nói cô không biết hàng hóa đó là đồ ăn cắp.
Hôm 26/03, hãng tin Kyodo của Nhật có bài đăng về vụ văn phòng của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Tokyo bị cảnh sát Nhật lục soát, và cô Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ chuyển quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen.
Cô Ngọc bị bắt giữ hồi tháng 9/2013 khi đang trên xe của tổ bay từ khách sạn ở Osaka tới sân bay quốc tế Kansai, và bị cáo buộc dự tính chuyển lậu đồ theo yêu cầu của một phụ nữ 30 tuổi sống tại Nhật, người đã bị truy tố vì tội mua hàng ăn cắp.
Cảnh sát Tokyo cũng nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines có liên quan tới buôn lậu.
Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nói với BBC hôm 27/03 từ Hà Nội rằng nếu có vi phạm xảy ra trong vụ việc này Bộ sẽ ‘không dung túng’.
Bắt đầu từ ngày 17/03, theo chỉ thị của Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các đường bay ngắn/trung không được mang vali cỡ lớn, "tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong việc mua và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt đối với các đường bay đi Nhật Bản, Nga và châu Âu".
Năm 2009, phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines bị tòa án ở Nhật phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm.
Ông còn bị phạt 500.000 yen Nhật và bị trục xuất về Việt Nam vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.
Theo BBC