Hình vẽ kỹ thuật số mô phỏng chiếc phi thuyền LADEE do NASA cung cấp.Một phi vụ robot tới mặt trăng đã được sắp đặt để đâm xuống bề mặt của vệ tinh này. Trước khi vụ đâm xuống được lập trình sẵn diễn ra, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ phi thuyền, được gọi là LADEE, tên viết tắt Anh ngữ có nghĩa là Phi thuyền Thăm dò Môi trường bụi và khí quyển mặt trăng.
LADEE đã bay trên quỹ đạo mặt trăng từ tháng Mười. Phi thuyền thăm dò hình ống này có kích cỡ khoảng một máy bán hàng tự động với những tấm hứng năng lượng mặt trời gắn vào bên sườn nó. Quản lý dự án này, ông Butler Hine, làm việc với Trung tâm Khảo cứu Ames của cơ quan NASA nói rằng, LADEE bắt đầu thực hiện các cuộc đo lường bên trên bề mặt của mặt trăng 250 kilomet. Ông cho biết:
“Và khi chúng tôi xuống thấp hơn trong quỹ đạo khoa học, mật độ của bụi ngày càng tăng.”
Như vậy, tất cả bụi đó đến từ đâu? Và phi thuyền di chuyển chung quanh mặt trăng như thế nào? Bay trên một độ cao từ 20 tới 50 kilomet, dàn công cụ của LADEE đã thực hiện khoảng 700.000 lần đo lường để trả lời cho những câu hỏi đó. Ông Hine cho biết:
“Một trong những thứ mà chúng tôi thấy là nó gần như là một tấm màn trùm quanh mặt trăng và một lớp bụi được tạo ra bởi những tác động của thiên thạch đối với mặt trăng. Nó tựa như một làn mưa liên tục xuống mặt trăng và như vậy nguồn bụi dường như là một diễn biến liên tục.”
Ông Hine nói rằng mặc dù một đài quan sát đặt trên mặt trăng sẽ phải giải thích cho lớp bụi trên thiết bị quang học, bụi sẽ không gây ra trở ngại nào cho phi thuyền hay hoạt động của con người trên mặt trăng:
“Và những gì ta thấy cho tới nay là mặc dù có nhiều bụi, ở những mức độ cao, chúng ta không thấy dấu hiệu nào là mức bụi này gây tai hại cả. Chúng ta không thấy bất cứ tình trạng giảm phẩm chất nào trong hệ thống phi thuyền của chúng ta, và những mức độ bụi mà chúng ta phát hiện không gây ra một nguy hiểm nào đáng kể nào cho các phi vụ tương lai.” LADEE phát hiện dấu vết của neon, nhôm, và các chất khác. Nó cũng đã trắc nghiệm thành công một hệ thống truyền thông tin băng tần rộng giữa trái đất và mặt trăng. Ông Hine nói rằng các thiết kế phi thuyền không gian mới của LADEE có thể được tái tạo trong một loạt các phi vụ:
Hình vẽ kỹ thuật số mô phỏng phi thuyền LADEE bay trên bề mặt mặt trăng“Phi thuyền này có thể được cấu tạo theo các phương cách khác nhau tùy thuộc vào loại phi vụ. Thí dụ mẫu thiết kế phi thuyền này có thể mang hình dạng của một vệ tinh trên quỹ đạo mặt trăng như LADEE. Nó có thể được thiết kế cho những môi trường ở bất cứ đâu giữa quỹ đạo Trái Đất hay quỹ đạo Sao Hỏa. Thậm chí nó thể được thiết kế như một hình thể phi thuyền đáp xuống mặt trăng. Như vậy ta có thể lấy một số module phi thuyền phối hợp chúng lại với nhau theo cách có thể đáp xuống mặt trăng.”
Trong số những thời khắc căng thẳng mà Đài Kiểm soát Phi vụ tại California trải qua là một sự kiện nguyệt thực xảy ra vào những ngày chót trong phi vụ của LADEE, khiến tia sáng mặt trời bị che khuất trong bóng tối. Trong bốn giờ đồng hồ, phi thuyền này phải lệ thuộc vào bình điện của nó để bảo vệ hệ thống khỏi bị đông lạnh. Ông Hine nói:
“Căn bản là chúng tôi đã chuẩn bị trước cho phi thuyền khi gặp nguyệt thực, chúng tôi tắt các thiết bị khoa học để bảo tồn điện. Chúng tôi tắt và mở các máy sưởi khác nhau và sắp xếp cho chúng thay phiên hoạt động để bay qua giai đoạn nguyệt thực.”
Ông nói tiếp:
“Khó khăn là không có chút điện nào được tạo ra và chúng ta cần phải có nhiều điện hơn trong giai đoạn nguyệt thực để giữ cho mọi thứ được ấm.”
Nhưng LADEE không cần nhiều điện. Phi thuyền này được lập trình để tự hủy ở phía xa của mặt trăng, cách xa những địa điểm lịch sử nơi các phi hành gia đã đáp xuống trước đó. Phi thuyền này đã tiếp tục thu thập và gửi dữ liệu trong hai ngày cuối cùng của nó, khi chỉ còn cách bề mặt mặt trăng hai kilomet, trên đường tới chỗ đâm xuống theo kế hoạch đã định.
Theo VOA