Buổi nhạc tối Chủ Nhật kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Về tới nhà là đã gần 12 giờ đêm, vào giường thì cũng đã gần 2 giờ sáng. Buổi sáng, tôi thức dậy với cơn đau đầu lúc đó còn âm ỉ, nhè nhẹ, thứ đau làm cho mình hơi khó chịu và mệt mỏi mà không biết vì đâu. Rồi từ từ, cơn đau hiện hình rõ rệt hơn, các bắp thịt đầu và cổ cứng ngắc và đau, đầu váng vất. Hai giấc ngủ ngắn không làm cơn đau dịu đi mà càng về tối lại càng dữ dội, dù tôi đã tộng vào miệng cả thảy 4 viên Tylenol loại ‘extra strength’ và massage khắp đầu, cổ.
Thôi, tôi biết rồi. Cái nhức đầu này là do nghe nhạc mà ra. Đây không phải là lần đầu tôi bị lên cơn nhức nhối sau một buổi nghe nhạc, mà là lần thứ mấy không nhớ rõ, nhiều quá! Mà có phải là loại nhạc rap riếc, rock riếc gì cho cam. Tôi toàn là đi nghe nhạc “thính phòng” không à. Nhạc thính phòng là chữ người Việt mình dịch từ chữ “chamber music,” là từ ngữ nói lên loại nhạc hát trong phòng nhỏ, không cần micro. Nghe như vậy thì biết là loại nhạc này không thể nào lớn đến nỗi làm cho mình bị nhức đầu được.
Ấy thế mà qua tay người Việt mình, nhạc thính phòng cũng có thể trở thành nhạc đinh tai nhức óc, cũng lạ. Đó là vì volume của mấy cái máy khuếch đại âm thanh bao giờ cũng được vặn mạnh tối đa, mỗi lần “surge” là cây kim nhảy qua lằn đỏ cả tấc ngay. Đã vậy, phần âm vực cao cũng luôn luôn được vặn mạnh để giọng hát nghe thật sắc nét, xoáy vào lỗ tai người nghe. Tất cả những yếu tố này đã làm bộ óc ít khi nghe tiếng động lớn của tôi phản ứng lại. Nó không quen với những âm thanh quá khổ này và đối phó bằng cách làm cho tôi đau đầu ngất ngư.
Âm thanh của những buổi nhạc “thính phòng” này làm tôi nhớ lại thời con tôi mới lớn, lúc nào cũng vặn nhạc nghe thủng màng nhĩ, mà là nhạc rock mới kinh. Tai chúng nó khỏe thật, tuổi mới lớn mà, cơ quan nào trong người cũng mới cắt chỉ, hoạt động tốt vô cùng. Chúng đâu cần biết đến những người lớn với cỗ máy thân người rệu rạo chỉ chực hỏng. Chúng cũng không cần để ý đến những lời cảnh cáo là nghe tiếng động mạnh như vậy rất hại cho tai và sẽ gây ra bệnh điếc sớm. Nhiều khi tôi nghĩ ông trời cắc cớ, thế hệ này nó không phải nghe tiếng bom đạn thì cho chúng nghe nhạc rap, nhạc rock thay thế, sớm muộn gì chúng cũng sẽ làm giàu cho mấy nhà chế tạo máy nghe, giúp cho kinh tế quốc gia phát triển.
Đó là thời xưa, cách đây hai ba chục năm. Bây giờ thì khác hẳn. Chúng không vặn nhạc to nữa vì đã có những ống nghe nhét thẳng vào lỗ tai, khỏi làm phiền bố mẹ. Nhưng vặn to thì chúng vẫn vặn to, nghe cho nó đã con ráy. Âm thanh bây giờ còn ‘hiện đại’ hơn nhiều với những tiếng động rất trung thực của những súng bắn, gậy đập, dao chém... của những trò chơi điện tử. Còn nữa, những âm thanh thổn thức của sex, những tiếng nhạc dồn dập, những tiếng bass thình thình... Ôi chao, cả một thế giới âm thanh hỗn độn và độc hại.
Ngẫm lại, tôi thấy mình có một thời mới lớn quá may mắn nhờ làm con nhà nghèo, không có tiền để thưởng thức những trò chơi hiện đại. Không có tiền đi nghe nhạc trẻ nhạc triếc thì chịu khó chép nhạc vào tập vở rồi tự đàn tự hát, nhờ đó mà văn hóa và âm nhạc quê hương thấm sâu vào máu, ngàn năm cũng không quên. Không có tiền mua quần áo đi bal đi bum thì khỏi vướng vào vòng ăn diện nhiêu khê, dù phải mang tiếng nhà quê. Nhưng nhờ vậy mới có thì giờ đi hát du ca hay hát hợp xướng, học biết bao điều hay về quê hương để lớn lên thành một người Việt Nam thuần túy.
Nhưng có lẽ vì vậy mà tôi không thể quen nghe nhạc với âm thanh vặn hết cỡ như vậy. Chưa từng bước vào một phòng trà ở Việt Nam trước năm 75, tôi không biết nhạc hồi đó nghe ra sao nhưng bây giờ, ở tất cả những buổi nhạc thính phòng tại hải ngoại và ngay cả phòng trà VN hiện nay, tiếng nhạc bao giờ cũng ‘đinh tai nhức óc’. Cái câu này sao mà gợi hình và tả đúng cái loại âm thanh này đến thế.
Có thể nào người mình nghe nhạc nhỏ lại một chút được không? Và các ca sĩ bớt ‘gào thét’ một chút được không nhỉ?
Trân Hương