Thính giả Linh Nguyễn từ Việt Nam, gởi thư đến câu hỏi như sau:
"Xin hỏi Bác sĩ,
Tôi bị bệnh viêm loét bao tử, và đã 2 lần phẩu thuật. Lần sau cùng cách nay 1 tháng. Từ đó tới nay tôi uống Prilosec
được 90 viên rồi, và Amoxicillin được 2 tuần lễ.
Bệnh hết, nhưng đau lại 3 hôm nay, rát bên trong vùng bên dưới rốn, bên tay phải. Tôi vẫn còn uống Prilosec. Ði nội
soi lại, bác sĩ bảo bao tử không còn viêm loét nữa. Thử máu không có vi khuẩn HD. Thử ung thư cũng không.Vậy là
bệnh gì?
Tôi có nên uống tiếp Prilosec hay không?
Thành thật cảm ơn bác sĩ.”
Tải để ngheHỏi đáp y học: Rát bên trong vùng dưới rốn
http://realaudio.rferl.o...fa-82e2-0991ab16569a.mp3Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:
Đau bụng ở ô dưới bên phải (Abdominal Pain in Right Lower Quadrant.)
Đây là một câu hỏi khó trả lời. Bệnh nhân chỉ bị một cảm giác khá mơ hồ là "rát" trong phần trong, dưới rốn. Tất nhiên
không thể nào căn cứ trên đó mà định bệnh được. Tôi chỉ xin nêu ra đây một số tin tức cũng như gợi ý để chúng ta
cùng học hỏi cách suy nghĩ và làm việc của bác sĩ đứng trước một trường hợp như vậy, để giúp quý vị có thể hiểu
bác sĩ cần những tin tức gì để chúng ta cộng tác với bs dễ dàng hơn, cũng như chúng ta hiểu cơ thể chúng ta hoạt
động như thế nào.
Để cho dễ hiểu, bác sĩ chia vùng bụng thành 4 phần (quadrant), bằng một đường (tưởng tượng) ngang rốn, và một
đường dọc cũng đi ngang rốn. Những triệu chứng liên hệ với dạ dày thường nằm ở vùng trên và bên trái bụng (gọi là
left upper quadrant/ LUQ, hoặc ngay trên rốn (thượng vị, epigastric region.) Đau liên hệ với gan, túi mật nằm trong ô
trên và phải (right upper quadrant/RUQ), ruột non thường làm đau vùng chung quanh rốn (umbilical region.) Đau ruột
thừa lúc đầu có thể đau vùng rốn, sau mới chạy về vùng dưới bên phải của bụng (Right lower quadrant/RLQ.) Ruột
già đoạn đi lên cũng làm đau trong vùng này, nhưng thấp hơn (gần háng.) Khúc ruột già đoạn cuối gây đau bên ô tay
trái dưới (Left Lower Quadrant/LLQ.)
Nếu đau ở phía dưới rốn, bên tay phải thuộc về ô phải dưới (RLQ), thì thường không liên hệ tới dạ dày, mà có thể do
ruột dư (appendix), ruột già bên phải (right colon, ascending colon), đoạn đi lên, ống dẫn nước tiểu bên phải (right
ureter), hoặc bộ phận khác như buồng trứng bên phải của phụ nữ (right ovary.)
Ngoài ra, những cảm giác như tê, buốt, đau, nhức trong một vùng của cơ thể cũng có thể do các cơ, xương khớp
gây ra; một nguyên nhân thường gặp là đau do viêm dây thần kinh phụ trách vùng đó. Ví dụ, rễ dây thần kinh đi từ
xương sống ra ngoài có thể bị chèn ép do viêm khớp xương sống, do u bướu, hay đĩa đệm giữa các xương sống
thoát vị (herniated disc) và đè lên dây thần kinh, tạo cảm giác đau trước bụng (bên phải hoặc bên trái).
Trong bệnh "giời ăn" hay zona (shingles, herpes zoster), rễ dây thần kinh có thể đau, rát trước khi những mụt nước
(vesicles) nổi lên trong vùng da mà dây thần kinh đó phụ trách, chỉ một bên thôi, phải hay trái. Zona do virus bệnh trái
rạ (thuỷ đậu, chicken pox, varicella) đã nhiễm tế bào thần kinh lúc mình nhiễm bệnh trái rạ, sau đó "ngủ yên" một thời
gian lâu, và thức dậy lúc hệ miễn nhiễm yếu đi, bệnh nhân tuổi già.
Sau đây chúng ta bàn về một số nguyên nhân quan trọng gây đau trong ô bụng dưới bên phải của bụng :
1) Viêm ruột thừa( appendicitis):
Ruột chúng ta gồm ruột non (small intestine) nơi phần lớn các chất dinh dưỡng được tiêu hoá hấp thụ và ruột già
(large intestine, colon) là nơi phình lớn ra, hơi thắt lại ở các nấc, thức ăn đã được tiêu hoá được tích tụ ở đây, nước
được hấp thụ trước khi được bài tiết.
Ruột non nằm ở giữa bụng, ruột già như một chữ U ngược nằm chung quanh. Phía bên tay phải chúng ta, vùng bụng
dưới là nơi 2 khúc ruột này nối với nhau. Ở đó, có một túi cùng của ruột già là coecum, nối với đoạn cuối của ruột non
tên là ileum. Coecum có một cái đuôi nhỏ, dài chừng 2-10 cm. Vì chúng ta không biết nó dùng làm việc gì, nên
chúng ta gọi nó là ruột dư (ruột thừa, appendix).
(Ruột thừa là một bộ phận sống. Vách nó có nhiều lớp, từ ngoài vào trong: lớp thanh mạc (serosa), lớp cơ (muscle
layer), và một lớp niêm mạc (mucosa) với các tuyến tạo nên những chất tiết, có nhiều mô lympho (lymphoid tissue).
Nếu bất cứ lý do gì, lòng ruột dư bị nghẽn, các chất tiết này ứ đọng lại, làm ruột thừa sưng lên, các mạch máu nuôi
ruột thừa bị tắt nghẽn, các vi trùng sinh sôi nẩy nở, tế bào bạch cầu đến đông đảo để chống lại, làm mủ, sinh ra áp xe
(abscess.)
Lúc đầu bệnh nhân thấy đau ở vùng rốn, giữa bụng (giống như đau bụng do viêm ruột thông thường, sau đó mới dời
qua bên phải bụng bệnh nhân (right lower quadrant). Lúc đó bệnh nhân thường đau ở điểm McBurney ( nằm nơi tiếp
giáp đoạn 1/3 ngoài và đoạn 2/3 trong giữa của đường nối mấu trước của xương chậu với rốn (McBurney’s point.)
Nếu áp xe vỡ ra, nhiễm trùng sẽ lan ra vào phúc mạc (peritoneum, màng lót trong ổ bụng), làm viêm phúc mạc
(peritonitis) và nhiễm trùng máu (septicemia.) Lúc đó, bệnh nhân đau khắp bụng, và bs mới đặt tay lên bụng để sờ,
các bắp cơ bụng co cứng lại để bảo vệ các bộ phận trong bụng đang bị đe doạ (abdominal guarding.)
Trước đây, lúc bác sĩ nghi bệnh nhân bị viêm ruột thừa, sau khi mổ có thể chừng 20-40% ruột thừa là bình thường,
không bị viêm (negative appendectomy.) Hiện nay hầu hết (85-95 %) bệnh nhân được làm CT scan trước khi mổ, và
chừng 4-5% trường hợp ruột thừa vẫn bình thường 2). Một số bệnh nhân bị viêm túi cùng ruột già (diverticulitis): Điển
hình diverticulitis đau bụng dưới bên trái, sốt nhẹ, đi cầu khó, bón. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp viêm túi ruột
cùng bên tay phải (diverticulitis of the ascending colon), và các triệu chứng khó phân biệt với chứng đau ruột thừa,
cho đến khi giải phẫu mới biết rõ ràng.
2) Bệnh nhân lớn tuổi, xương sống có thể thoái hoá, phong thấp, cần xét đến những trường hợp đau rể thần kinh
(radicular pain) trong chẩn đón phân biệt.
3) Đau vùng RLQ đi đôi với những triệu chứng như đi tiểu khó, tiểu ra sạn, tuyến tiền liệt phì đại (prostate
hypertrophy) làm nước tiểu ứ đọng trong niệu đạo (ureter) dễ gây nhiễm trùng, tạo nên sạn đường tiểu, làm đau đớn
lúc sạn đi qua ống dẫn nước tiểu.
Trên đây là một số kiến thức căn bản. Bệnh nhân cần được bác sĩ khám, chẩn bệnh và dùng các kỹ thuật thí nghiệm,
chụp hình (imaging) nếu cần.
Riêng về thuốc Prilosec (omeprazole). Thuốc này thuộc loại thuốc ức chế bơm proton của dạ dày (proton pump
inhibitor, PPI, vd: Prevacid, Protonix), ngăn sự sản xuất ra hydrochloric acid trong bao tử ( là một acid rất mạnh có
thể làm loét bao tử trong một số hoàn cảnh thuận tiện như stress, nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori).
Người ta thường kết hợp 2-3 thuốc khác nhau để chữa bệnh loét bao tử do H. pylori gây ra, ví dụ như Prilosec +
Amoxicillin +/- Clarithromycin. Prilosec có thể dùng với mục đích trị chứng loét đầu bao tử do tràn dịch dạ dày lên
thực quản (gastroesophageal reflux disease) hay để giảm acid trong bao tử trong những trường hợp loét (gastric
ulcer) hay đau dạ dày do nguyên nhân khác. Một số khảo cứu cho thấy bệnh nhân dùng Prilosec dễ bị sưng phổi hơn
(có lẽ do acid trong bao tử giảm nên vi khuẩn khó bị giết chết hơn, có thể đi ngược vào phổi dễ hơn), hay có thể hấp
thụ một số chất dinh dưỡng kém đi do môi trường dạ dày thiếu acid (calcium, magnesium, vitamin B12
[cyanocobalamin],Fe). Bệnh nhân cần uống Prilosec bao nhiêu lâu là chuyện cần tham khảo với bác sĩ của mình,
mặc dù thuốc tương đối ít khi gây ra phản ứng phụ và bên Mỹ, được mua tự do không cần toa.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền