Đây là một câu chuyện quen thuộc: học sinh Mỹ không đạt điểm cao trong các kỳ thi quốc tế, và một lần nữa họ tụt lại phía sau, thua xa các đồng bạn Á Châu và Âu Châu trong một kỳ thi toàn cầu. Theo Bộ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ Arne Duncan cho biết, các kết quả mới nhất về kỳ thi PISA là một “hình ảnh của tình trạng trì trệ giáo dục,” giữa lúc các học sinh Mỹ cho thấy ít có cải thiện trong ba năm.
Các học sinh Mỹ không thể ghi những số điểm trong 20 hạng đầu về môn toán, môn đọc, hoặc khoa học. Các học sinh từ Thượng Hải, Trung Quốc, đạt được những mức điểm đứng đầu trong mọi môn; còn các học sinh Singapore, Nam Hàn, Nhật Bản và Hồng Kông xếp hạng sau đó không xa. Kết quả cuộc thi cho thấy Việt Nam, nước lần đầu tiên cử các học sinh tham gia cuộc thi, đã đạt một số điểm trung bình trong môn toán và khoa học cao hơn số điểm của các học sinh Mỹ, theo Kimberly Hefling viết cho hãng tin The Associated Press.
Các kết quả mới nhất một lần nữa đặt ra câu hỏi rằng Hoa Kỳ bị thua sút một cách liên tục như vậy phải chăng là vì những bối cảnh đa dạng rộng lớn của các học sinh. Chẳng hạn, một số học sinh xuất thân từ các gia đình có mức thu nhập thấp, trong khi đó có những em khác không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của mình – nhưng một số quốc gia thành đạt cao hơn Mỹ cũng phải đối diện với những mối thách thức như vậy.
Marc Tucker, chủ tịch Trung Tâm Quốc Gia về Giáo Dục và Kinh Tế nói, “Dân Mỹ đã có một ngàn lý do giải thích chuyện hết nước này sang nước nọ vượt quá mức thành đạt của chúng ta, và tôi vẫn chưa tìm thấy được một cái cớ nào tốt cả.”
Trong năm 2012, khoảng nửa triệu học sinh trong 65 quốc gia và hệ thống giáo dục đã tham gia Chương Trình Đánh Giá Học Sinh Quốc Tế (PISA), được điều phối bởi Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) có trụ sở ở Paris.
Các kết quả đã được công bố bởi Trung Tâm Quốc Gia Thống Kê Giáo Dục của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ. Được tổ chức ba năm một lần cho các học sinh 15 tuổi, các cuộc thi này được thiết kế để đánh giá các năng khiếu giải quyết vấn đề của các học sinh. Các số điểm của Mỹ trong cuộc thi PISA không thay đổi bao nhiêu, tính từ khi kỳ thi này bắt đầu vào năm 2000, ngay cả khi học sinh ở các nước như Ái Nhĩ Lan và Ba Lan đã cho thấy có sự cải thiện và vượt qua các học sinh Mỹ.
Bộ Trưởng Giáo Dục Duncan kêu gọi tập trung chú ý nhiều hơn vào giáo dục. Ông nói, “Chúng ta phải đầu tư vào giáo dục thiếu nhi, nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục, làm cho học phí đại học trở nên phải chăng, và ra sức nhiều hơn nữa để tuyển dụng và giữ chân các nhà giáo dục hàng đầu.”
Một chỉ số hiệu suất là có bao nhiêu học sinh đạt được mức điểm tiêu chuẩn cao trên từng nôn thi. Tại Hoa Kỳ, 9% thí sinh đạt mức điểm ấy trong môn toán, 7% đạt điểm tiêu chuẩn trong môn khoa học, và 8% đạt điểm trong môn đọc. Số lượng các thí sinh Mỹ đạt mức điểm ấy là trong môn toán là ít hơn so với mức trung bình quốc tế. Tuy nhiên, các học sinh Mỹ đã đạt được số điểm trung bình quốc tế trong hai môn kia.
trong môn toán, số điểm trung bình của Mỹ là 481 so với trung bình quốc tế là 494 điểm. Trong môn khoa học, số điểm trung bình của Mỹ là 497, trong khi mức trung bình quốc tế là 501. Trong môn đọc, số điểm trung bình của Mỹ là 498, còn mức trung bình quốc tế là 496 điểm.
Các học sinh từ mọi tiểu bang đều đi thi. Nhưng lần đầu tiên, ba tiểu bang là Massachusetts, Connecticut và Florida, đã quyết định gia tăng mức độ tham gia vào PISA, để có được nhiều kết quả cụ thể của tiểu bang. Các mức điểm trung bình từ Massachusetts đều nằm trên mức trung bình quốc tế, trong cả ba môn thi.
Nhìn chung, Chủ Tịch Hiệp Hội Giáo Dục Quốc Gia Dennis Van Roekel cho biết rằng nơi những quốc gia Á Châu chiếm ưu thế trong cuộc thi, thì “tất cả các nước ấy đều có một điểm chung là họ thực hiện một cam kết thực sự để giáo dục cho mọi trẻ em, và không có gì ngăn cản họ khỏi nhãn quan ấy, và sau đó họ làm những gì cần thiết để khiến cho điều đó xảy ra. Tại Hoa Kỳ, chúng ta không có sự cam kết đối với mọi trẻ em và điều này cần phải thay đổi.”
Theo báo Viễn Đông