Việc Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Úc mua bức danh họa ‘Blue Poles’ với giá 1,3 triệu đô-la vào năm 1973 đã gây ra nhiều tranh cãi ở Australia. Nhiều thập kỷ sau, việc mua bức tranh này giờ đây được coi là một quyết định sáng suốt.
Vẫn có nhiều ý kiến trái ngược nhau về bức họa ‘Blue Poles’ của danh họa Jackson Pollock. (Credit: ABC Licensed) .Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Australia (National Gallery of Australia - NGA), nơi bức họa ‘Blue Poles’ (Các Cây Sào Xanh) là trọng tâm của một kho tàng mỹ thuật đáng tự hào, đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về vị thế của bức tranh trong trường phái nghệ thuật Ấn tượng Trừu tượng.
Cùng với Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ (United States Studies Centre - USSC), Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Australia đã mời các sử gia chuyên về mỹ thuật và nhà quản lý bảo tàng hàng đầu trong khu vực Thái Bình Dương tham dự hội nghị nhằm giải đáp câu hỏi: điều gì trong bức họa ‘Blue Poles’ vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng?
Động thái can đảmBức họa giờ đây gắn liền với những cuộc tranh luận trong quần chúng do chính nó khuấy động.
“Chưa từng có một bức họa nào tác động tới công chúng Úc như vậy,” ông Patrick McCaughey, một trong những chuyên gia mỹ thuật được mời phát biểu tại hội nghị chuyên đề, nhận xét.
Tại thời điểm Australia mua bức họa ‘Blue Pole’, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Australia (ANG – Australian National Gallery) thậm chí chưa có tòa nhà trưng bày.
Ông James Mollison, giám đốc bảo tàng thời đó, quyết tâm xây dựng một bộ sưu tập xứng tầm với một bảo tàng quốc gia.
Bảo tàng Mỹ thuật không được phép ký hợp đồng mua với trị giá trên 1 triệu đô-la. Do vậy, việc mua bán này được coi là thuộc trách nhiệm của chính phủ Liên bang và được chấp thuận bởi Thủ tướng tại nhiệm Gough Whitlam.
Đi ngược lại với lời khuyên của giới chính khách, cựu thủ tướng Gough Whitlam quyết định công bố giá tác phẩm nghệ thuật trước công chúng. Và quyết định này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận chính trị ầm ĩ.
“1,3 triệu đô-la cho một bải sơn vung vãi,” tít trên một tờ báo viết. Một tờ báo khác nhận xét “Kẻ say bí tỉ đi chân đất vẽ kiệt tác trị giá 1 triệu đô-la cho nước Úc”. Quả thật, họa sĩ Jackson Pollock không chỉ say vì mỹ thuật.
Phản ứng căng thẳngDân chúng Australia thời đó tỏ vẻ phẫn nộ.
Ông Patrick McCaughey nhớ lại thính đường đông nghịt khi ông thuyết trình về tác phẩm ‘Blue Poles’ sau khi bức họa này được Chính phủ Liên bang mua.
“Công chúng muốn thích bức họa,” ông McCaughey cho biết. “Nhưng họ cần biết chắc bức họa này không phải là trò lừa bịp của người Mỹ.”
Trên thực tế, bức họa đánh dấu sự gắn kết thú vị trong lịch sử quan hệ Úc – Mỹ. Ông Sean Gallagher thuộc USSC cho rằng nó thể hiện mối quan hệ giữa hai nước sâu sắc hơn chứ không chỉ là một liên minh vì nó bao gồm cả lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.
Tác động tới lịch sửTrong khi các nghệ sĩ New York coi trường phái Ấn tượng Trừu tượng là một phương thức quốc tế hóa tác phẩm của mình, các họa sĩ Australia đi theo trường phái này để tạo một phong cách riêng độc đáo.
Trường phái ấn tượng trừu tượng muốn biểu hiện những gì trong tiềm thức – điển hình là các họa sĩ Mỹ như Jackson Pollock và vợ Lee Krasner, Willem de Kooning và Hans Hofmann. Họa sĩ Úc theo trường phái này có Tony Tuckson và Peter Upward.
Trong bộ phim tài liệu ‘Storming the Citadel’ (Đánh Sập Thành Lũy) ra đời năm 1990, họa sĩ Mỹ Robert Motherwell nói, "trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có một trường phái nào bị căm ghét hơn là Ấn tượng Trừu tượng.”
Đây là một nhận định có thể giải thích tại sao dân chúng Australia lúc bấy giờ phản đối việc mua bức họa ‘Blue Poles’.
Cả họa sĩ Mỹ và Úc theo đuổi trường phái ấn tượng trừu tượng để đạt cùng một mục tiêu – đó là mong muốn mỹ thuật nước mình được phát huy theo chiều hướng cá biệt của mỗi nước.
Các họa sĩ đó đều cảm thấy có nhu cầu cấp bách được thoát li khỏi sự ràng buộc của truyền thống.
Trong lúc đại đa số dân chúng Úc bảo thủ lo ngại ‘Blue Poles’ có thể là trò lừa bịp của Mỹ, việc thủ tướng Gough Whitlam là lãnh đạo có đầu óc táo bạo cấp tiến hậu thuẩn việc mua bức họa càng làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Tuy nhiên có lẽ Giám đốc ANG bấy giờ là James Mollison mới là người có công nhất trong cuộc mua này.
“Phải là một người có tầm nhìn văn hóa Nam bán cầu như ông James Mollison mới có thể nhận ra giá trị của bức tranh,” ông McCaughey nhận xét.
‘Blue Poles’ nay được công nhận là một trong những kiệt tác, nếu không nói là tác phẩm thành công nhất, của Jackson Pollock.
Thời giá của tác phẩm này được ước tính trong khoảng từ 20–100 triệu đô-la.
Kiệt tác thời hiện đạiCâu chuyện chính trị về bức tranh – vị thế của nó trong lịch sử nước Úc – là yếu tố thu hút một số khách thưởng lãm. Với những người khác, việc bức họa được coi là dấu mốc của thời kỳ phát triển thăng hoa của trường phái Ấn tượng Trừu tượng vào thập niên 50 tại New York là điều hấp dẫn nhất.
Tất nhiên, có thể ‘Blue Poles’ hấp dẫn đơn thuần vì nó là một bức tranh đẹp.
Ông Anthony White, một nhà sử học và quản lý bảo tàng, phát biểu tại hội nghị cho rằng ‘Blue Poles’ vẫn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là những lời giải đáp.
“Nay chúng ta đã suy nghĩ khá lâu về ‘Blue Poles’ nhưng vẫn chưa hiểu rõ tất cả về nó,” ông White nói.
Source: ABC Australia