Từng là ngôi sao truyền hình ở thập niên 70, một chính trị gia, rồi phát thanh viên; từng nhận Huân chương danh dự Úc (Order of Australia Medal) và nay, khi đã ở tuổi 93, bà Elisabeth Kirkby lại thành người cao tuổi nhất ở Úc nhận học vị tiến sĩ.
Bà Elisabeth Kirkby trong ngày tốt nghiệp. (Credit: ABC) .Tính ra, trong ngần ấy năm của đời mình, bà Elisabeth Kirkby đã làm được nhiều việc. Là ngôi sao truyền hình hồi những năm 1970; tiếp đó, trở thành nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội, rồi nhận Huân chương Úc vinh danh cho những cống hiến của bà. Và nay, bà lại thành người nhận học vị tiến sĩ cao tuổi nhất của Úc.
Bà Kirkby tâm sự: “Tôi tròn 93 tuổi vào ngày Quốc khánh Úc (26/1) vừa rồi. Tôi sống chỉ một mình và nghiên cứu luận án này trong một thời gian dài. Tôi có ba con, bốn đứa cháu và một chắt gái... Một trong những lý do khiến tôi làm luận án tiến sĩ, như tôi từng nói, tôi ngày càng thêm tuổi, nên hoặc là tôi sử dụng tốt quỹ thời gian của mình, hoặc sẽ đánh mất nó”.
Angie Ng, bạn cùng lớp của Kirkby nói, trông bà luôn tràn đầy sức sống và hướng về những mục tiêu phía trước. Sự nghiêm túc, chuyên cần khiến bà trở thành nguồn động viên cho những người khác. “Điều bà thực sự truyền cảm hứng cho tôi là nếu bạn dồn hết tâm trí mình vào việc gì đó, bạn sẽ làm được điều ấy. Và để làm nó tốt nhất, vấn đề không ở chỗ bạn bao nhiêu tuổi, mà là bạn có quyết tâm làm nó ngay từ giờ hay không”, Angie thố lộ.
Luận án tiến sĩ của bà Kirkby là về tác động của cuộc Đại suy thoái đến Úc trong so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - những sự kiện mà bà đều đã có cơ hội trải nghiệm trong cuộc đời mình.
Greg Patmore, Trường Kinh doanh Đại học Sydney, cho rằng, có lẽ chính những trải nghiệm cá nhân của bà từ đại suy thoái và khủng hoàng tài chính toàn cầu, ảnh hưởng của chúng đến đời sống của bà, đã khiến bà bỏ tâm sức theo đuổi đề tài này.
Bà Kirkby nói: “[Đại suy thoái] ảnh hưởng rất lớn đến gia đình tôi, bởi hồi đó, chúng tôi sản xuất bông và tất nhiên, ngành công nghiệp bông khi ấy sụt giảm nghiêm trọng. Ngôi nhà lớn rất đẹp của gia đình tôi ở miền quê cũng chẳng còn và tôi nghĩ, cả anh tôi và tôi đều lấy làm tiếc về việc ấy".
“Thật thú vị khi được nghiên cứu với các sinh viên trẻ hơn mình rất nhiều. Luận án của tôi dưới 100 ngàn từ. Nó không giống như phải leo lên đỉnh Everest hay gắng sức đi bộ một cách khó nhọc. Nghiên cứu nghĩa là đọc sách và tài liệu. Tôi luôn thấy vui khi làm việc bên máy tính. Tôi đến với máy tính khá muộn, ý tôi là, khi tôi còn đi học, chúng thậm chí còn chưa ra đời.
“Khi nghỉ hưu, bạn có điều kiện để nghỉ ngơi. Nhưng rồi, bạn bỗng muốn làm một điều gì đó thú vị, điều mà bạn đã từng muốn nhưng lại chưa có cơ hội để thực hiện bởi có quá nhiều thứ khác chi phối cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ, làm được điều đó là rất quan trọng”, bà Kirkby nói.
Theo ABC