Xứ người, “miền đất tạm dung” của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua, có lẽ sẽ dần dần trở thành nơi định cư vĩnh viễn của nhiều người, khi quê hương vẫn còn trong tay của nhóm tư bản đỏ, của bè lũ cộng sản và nhất là khi Saigon, EM đã bị đổi tên.
Hoài niệm về những ngày đã từng sống ở quê nhà còn chăng chỉ là những kỷ niệm, những kỷ niệm đã giữ mãi trong lòng , theo ta trong những thăng trầm của đời sống.
Nhìn lại quê cũ, là nỗi buồn sâu kín như lời thơ của nhà thơ Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu, và thi bá Vũ Hoàng Chương đã dịch như sau:
“Gần xa chiều xuống đâu quê quán?”
“Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi”
Xin mời quý độc giả của Thời Báo và quý thính giả của Thời Báo Radio, tham dự những cuộc hội thoại với chủ đề “buồn vui đời tỵ nạn”, nơi mà quý vị có thể kể cho mọi người nghe về những vui buồn trong cuộc sống xứ người, những kỷ niệm khi còn ở quê nhà, về một cuộc tình thời trẻ.v.v.Chúng tôi cũng sẽ phát thanh một bài hát của quý vị hay giọng ngâm nếu nhận được bài hát qua CD hay qua internet. Cuộc hội thoại sẽ được phát thanh trên Thời Báo Radio, đăng với hình ảnh trên tuần báo Thời Báo và đăng trên Thời Báo Website.
Qúy vị không cần đến văn phòng Thời Báo. Chúng tôi sẽ phỏng vấn quý vị qua điện thoại. Khi đã nhận lời tham dự, chúng tôi sẽ giúp quý vị chọn chủ đề và sẽ gửi các câu hỏi đến trước, để quý vị chuẩn bị. Một người có thể tham dự nhiều cuộc hội thoại với các chủ đề khác nhau,và ở các thời điểm khác nhau, không cùng một lúc.
Xin quý vị liên lạc với chúng tôi qua email
nguyen.suzy@gmail.com hay qua điện thoại 416-925-8607
Những truân chuyên của một người con gái miền sông Hậu
TH (Tuấn Hoàng): Trong cuộc hội thoại kỳ này, chúng tôi có hân hạnh trò chuyện với cô Phương Lan, một người con gái ở tỉnh Sóc Trăng. Thay mặt cho quý thính giả và độc giả của Thời Báo xin thân chào cô Phương Lan.
PL (Phương Lan) : Phương Lan xin chào anh Tuấn Hoàng và xin kính chào quý độc giả và thính giả của ThờiBáo.
TH: Chúng tôi xin nói qua một chút về địa dư của tỉnh Sóc Trăng.Tỉnh Ba Xuyên bao gồm hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, là một tỉnh vùng ven biển, nằm ở cửa Nam sông Hậu , cách thành phố Saigon khoảng 230 cây số, và cách thành phố Cần Thơ khoảng 60 cây số. Sau năm 1975, Sóc Trăng đã trở thành một tỉnh riêng, không còn được gọi là Ba Xuyên nữa.
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề, với dân số trến 1 triệu người.
Vào thế kỷ thứ 17, Sóc Trăng là một vùng đất của xứ Chân Lạp có tên là Ba Thắc. Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Thuận đã cắt vùng đất này dâng cho Chúa Nguyễn.Tên Sóc Trăng là do tiếng Khờ Me có nghĩa là “kho chứa bạc”
Xin hỏi cô Phương Lan là cô có những kỷ niệm gì với Sóc Trăng?
PL: Hồi còn nhỏ, Phương Lan và một bà chị ruột mê hát dữ lắm., nhưng ba thì cấm, vì cho là “xướng ca vô loài” . Phương Lan nhớ có một lần, lúc đó PL học lớp 11, còn bà chị học lớp 12. Trường năm đó tổ chức văn nghệ đến 12 giờ khuya mới xong. Cô giáo đến nhà xin phép, nhưng ba PL nhất định không cho. Thế là hai chị em phải ở nhà. Bà chị của PL muốn đi lắm, nên lén lén đi. Đến tối, ba PL mới hỏi bà chị PL đâu? PL phải nói dối là bà chị đi sang nhà bạn. Đến khuya ba PL biết được, bèn khóa cửa lại và cấm không cho ai mở cửa. Đêm đó bà chị về, PL lén ra mở cửa cho chị vào, và kết quả là sáng hôm sau, cả hai chị em đều bị ăn đòn.
Chùa Dơi
TH: Cô có thể kể cho quý thính giả vả độc giả, một số những danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng?
PL: Phương Lan không biết nhiều về các thắng cảnh ở Sóc Trăng , chỉ biết có chùa Bửu Sơn hay còn gọi là chủa Đất Sét, vì tất cả mọi thứ trong chùa kể cả các tượng Phật đều làm bằng đất sét. Một ngôi chùa khác gọi là chùa Mã Tộc hay còn gọi là chùa Dơi, vì là nơi trú ngụ của cả triệu con dơi.Ngoài ra còn cò chùa Miểng Chai ở gần Đại Tâm (họ đập bể chén rồi nạm vô tường)
Đường phố Sóc Trăng
TH: Các món ăn đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng?
PL:Hồi nhỏ Phương Lan hay theo má ra chợ, và lần nào được má mua cho bánh pía ăn thì thích vô cùng. Ngoài bánh pía, Sóc Trăng còn có các món ăn khác cũng rất nổi tiếng như mè láo, bún nước lèo mắm lóc ở huyện Ngã Năm, bò nướng ngói là một sản phẩm của huyện Mỹ Xuyên.
bánh Pía
TH: Cô ở Sóc Trăng đến lúc nào thì lên Saigon?
PL:Phương Lan ở Sóc Trăng cho đến năm 1987 mới lên Saigon, chuẩn bị cho những cuộc vượt biển tìm tự do
TH:Cô thích hát hò từ lúc nào?
PL: Phương Lan thích hát từ lúc nhỏ, khoảng 7,8 tuổi. Hồi đó nếu không ra ngoài chơi thì ở nhà hát. Lúc đó PL hay hát những bài như Bông Cỏ May, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Kỷ Vật cho Em,.. và nhiều bài vọng cổ. Đến năm lên lớp 6, 7, 8, PL hay hát cho một nhóm bạn trong lớp nghe thôi, chứ không dám lên sân khấu. Từ năm lớp 6 cho đến lớp 12, PL chỉ tham gia các màn hát hợp ca và múa ở trường.
TH: Cô có gặp những cản trở của gia đình khi theo đuổi những đam mê của mình?
PL: Ba Phương Lan là một người khó tính, xem việc hát ca là “xướng ca vô loài” cho nên Phương Lan chỉ hát chơi ở nhà và sinh hoạt văn nghệ trong trường, không dám tham dự các sinh hoạt văn nghệ khác.
TH: Cô có thể cho biết sơ qua cuộc hành trình vượt biển tìm tự do
PL: Thưa anh, vào tháng 1 năm 1988, PL đang ở Saigon thì có người đến đưa ra Bà Rịa để lên tàu. Chiếc tàu nhỏ và cũ, mà chở đến 75 người. Lúc tàu di chuyển thì bị vô nước, mọi người trên tàu la hét buộc tàu phải quay trở lại, nhưng tàu vẫn chạy ra biển. Mọi người ngồi bó gối trong hầm tầu phải thay phiên nhau tát nước.
Lúc ra đến hải phận quốc tế, mọi người leo lên boong thì mới biết là người chủ chốt lấy tiền, rồi đem con bỏ chợ. Người lái tàu cũng bị gạt, vì ông không biết về chuyến đi này. Ông tài công này không có kinh nghiệm lái tàu trên biển, nên ban đêm, phải nhờ một người vượt biển, trước kia là cựu hải quân VNCH, lái thế.
Hầm tàu thì ngập nước và chật chội, nên số người vượt biển phải thay phiên tát nước, và thay phiên một phân nửa trên boong, một phân nửa ở dưới hầm tàu, để có không khí mà thở.
Khi ra đến hải phận quốc tế, mọi người mới hay là người tổ chức không cung cấp nước uống, chỉ có mì gói và sữa đặc, ăn vào còn khát nước thêm. Tàu cũng không có hải bàn.
Trên đường đi, tàu suýt bị lật, may được một chiếc xà lan của Hòa Lan chạy ngang. Các người trên xà lan không cứu, nhưng cho nước uống và chỉ đường cho đi đến một giàn khoan dầu của Mã Lai. Chiếc tàu nhỏ đi 3 ngày 3 đêm mới đến được khu giàn khoan. Tàu chạy quanh khu giàn khoan suốt đêm, nhưng không được cứu. Đêm đó mưa và sóng dữ lắm. Tàu bị lắc dữ dội. Sáng ra tàu đi tiếp cho đến chiều thì được một tàu đánh cá Mã Lai cứu, đưa về Marang. Khi đến Marang, PL bị cảm lạnh và bị đau một trận gần chết.
TH: Những hoạt động văn nghệ của cô khi ở trại tỵ nạn?
PL: Thưa anh, ở trại tỵ nạn, Phương Lan theo các bạn lên chùa sinh hoạt, phụ nấu ăn, dọn dẹp và tham gia các buổi văn nghệ ở chùa và ở nhà bạn bè trên đảo.
Khi qua Sungeibesi, PL cũng tiếp tục sinh hoạt cho đến khi định cư ở Canada. Pulaubidong và Sungeibesi là nơi mà PL có những kỷ niệm rất đẹp trong đời, mà PL không bao giờ quên..
TH: Cô có thể cho biết sơ qua những hoạt động văn nghệ khi cô đến Canada?
PL:Khi Phương Lan đến Canada vào tháng 10 năm 1988.Năm 1989, PL liên lạc được với các bạn bè, và những người bạn này rủ PL đi sinh hoạt văn nghệ ở chùa. Pl cũng phụ nấu ăn, dọn dẹp, ca hát.
Đến năm 1993, PL lập gia đình có con nên đã ngưng sinh hoạt. Đến năm 2008, PL mới có thì giờ rảnh , không có việc làm, mới hát lại karaoke. Hiện nay PL đang hát cho chương trình hát cho nhau nghe của Thời Báo Radio.
TH: cô có tâm tình gì muốn chia sẻ cùng quý thính giả và độc giả của Thời Báo?
PL: Thưa anh, PL rất thích hát từ nhỏ và mơ ước lớn lên trở thành một ca sĩ, nhưng đã không có cơ hội. Bây giờ ca hát là một niềm vui tinh thần của PL. PL cũng có đọc một bài viết trên báo là ca hát rất tốt cho sức khỏe, là một hình thức tập thể dục, giúp ta sống thọ hơn và việc đầu tiên là ca hát làm giảm stress.
PL cũng rất vui mỗi lần sau khi hát xong, lại được nghe tiếng hát của mình, và những người khác, trên chương trình hát cho nhau nghe của Thời Báo.
TH: Trước khi tạm biệt, chúng tôi xin mời quý thính giả cùng lắng nghe tiếng hát của cô Phương Lan qua bài “Trở lại Bạc Liêu”. Thay mặt cho quý thính giả và độc giả của Thời Báo, xin cám ơn Phương Lan đã bỏ chút thời giờ tâm tình về những buồn vui của cô của những ngày từ miền Hậu Giang sang đến Canada.
PL: Xin kính chào quý thính giả và độc giả, và xin chào anh Tuấn Hoàng.
Nguyễn Tuấn Hoàng