Trong khi nghiên cứu và tìm cách tái tạo lại màu sắc nguyên bản cho bức tranh đã vẽ cách đây hơn 100 năm của danh họa Renoir, người ta phát giác ra rằng, màu đỏ mà ông đã sử dụng được chế tạo vô cùng đặc biệt…
Để tìm lời giải đáp cho bí ẩn về các mảng màu bị mất, các chuyên gia tại Viện Nghệ thuật Chicago (Mỹ) đã nghiên cứu bức chân dung nổi tiếng “Madame Leson Clapisson” do họa sĩ Pháp Pierre-Auguste Renoir vẽ năm 1883. Họ đã tháo bức tranh ra khỏi khung để nghiên cứu chi tiết. Phần tranh nằm dưới khung có màu sắc rất sặc sỡ và sống động. Francesca Casadio, chuyên gia viện bảo tàng cho biết: “Nó được bảo vệ khỏi ánh sáng, do đó chúng tôi có thể ngắm nhìn màu sắc gốc ở các khu vực chưa bị phai màu này”.
Dù các cạnh sáng màu đã được quan sát cách đây 15 năm nhưng viện bảo tàng đã không có đủ công cụ khoa học để nghiên cứu chúng. Tuy nhiên cách đây 4 năm, một dự án nhằm tạo ra các bản tranh số hóa đã tạo điều kiện cho họ xúc tiến một loạt thử nghiệm khoa học trên bức tranh này của Renoir.
Kelly Keegan, một chuyên gia tham gia dự án cho biết khi quan sát dưới kính hiển vi, sự đổi màu của tác phẩm không phải do Renoir vẽ đè hoặc do việc làm sạch bức tranh. Bà cho biết: “Nó là lớp sơn màu gốc. Bạn có thể thấy các hạt màu trên bề mặt trở nên trong suốt dần”. Các cạnh màu chưa bị phai không có các hạt mờ này, chứng tỏ việc mất màu trên bức tranh là do các hạt màu đã bị tróc ra. Sử dụng một mảnh màu siêu nhỏ từ cạnh bức tranh, các nhà khoa học đã phát giác ra loại hạt màu này. Đó được gọi là màu “đỏ yên chi”.
Màu đỏ này được chế tạo bằng cách xay và nghiền loài rệp son sống trên cây xương rồng ở Mexico và Nam Mỹ. Màu đỏ rực rỡ ấy có lẽ đã thu hút sự chú ý của họa sĩ Renoir. Tuy nhiên loại màu này không bền, nó rất nhanh bị phai màu khi lộ ra ngoài ánh sáng.
Rệp son nghiền hiện vẫn được dùng, nhưng chỉ có tác dụng làm phẩm màu trong thức ăn. Hãng Starbucks dùng chúng trong một số loại đồ uống, nhưng đã bị ngừng sản xuất vào năm 2012. Các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn trong ý định phục hồi bức tranh về màu nguyên bản, nhưng nhờ các nhu liệu máy tính mà Keegan có thể tạo ra một bản tranh số hóa, y hệt như khi bức tranh được vẽ năm 1883.
Phần nền màu xám xanh được thay bằng các sắc đỏ và tím. Keegan cho biết dù bản số hóa của bức tranh không làm thay đổi màu khuôn mặt của Madame Clapisson nhưng người xem sẽ nhìn thấy nó dưới góc độ rất khác. Với sắc đỏ hồng mới được khôi phục, nhân vật trong tranh trông trẻ hơn nhiều so với tác phẩm thực.
Theo Thời Báo