Bộ CD cải Lương Thuyền Ra Cửa Biển giới thiệu trên trang web cailuongso.com. cailuongso.com Vào khoảng giữa năm 1961 đoàn Kim Chưởng lưu diễn miền Trung, và soạn giả Phong Anh đi theo đoàn để tập dượt cho nghệ sĩ vở hát mới vừa được Bộ Thông Tin kiểm duyệt xong, đó là tuồng “Thuyền Ra Cửa Biển” gây chấn động làng cải lương một dạo.
Thông thường soạn giả đi theo đoàn là do hai vấn đề: Một là thu tiền bản quyền nếu như tuồng của mình được hát, và thứ đến là tập dượt cho đào kép diễn tuồng mới. Cái công việc theo đoàn để tập luyện cho đào kép là bổn phận của thầy tuồng, tức soạn giả, coi như kiêm luôn đạo diễn, chớ bầu gánh thì chỉ cố vấn góp ý kiến mà thôi. Dù rằng tuồng được ra mắt khán giả hay không là quyền của bầu gánh, tức chủ nhân đoàn hát.
Năm đó soạn giả Phong Anh đã hợp soạn với soạn giả Yên Trang cho ra đời vở hát “Thuyền Ra Cửa Biển”. (Nghe nói tình tiết, văn chương của tuồng là do Phong Anh, còn Yên Trang chỉ phụ thêm thôi). Tuồng vừa tập xong thì cũng là lúc đoàn Kim Chưởng về Sài Gòn khai trương tuồng mới ra mắt khán giả Thủ Đô. Tuồng trình diễn liên tục suốt hai tuần vẫn còn đông nghẹt khán giả, người đi coi hát về hầu như ai cũng khen là “tuồng hay”. Do đó là động lực cho người chưa coi sẽ là khán giả đêm kế tiếp, và người đã đi coi rồi cũng sẵn sàng mua vé đi coi thêm lần nữa. Sự thể đã làm đầy hầu bao của bà bầu Kim Chưởng, đồng thời cũng làm nặng túi soạn giả Phong Anh và Yên Trang.
Vậy tuồng Thuyền Ra Cửa Biển hay đến cỡ nào mà lại quá ăn khách, cũng như đặc điểm của tuồng là gì mà lại gây ấn tượng sâu sắc cho người coi? Đây là vở tuồng mà tình tiết có hơi lạ, bởi một ông hoàng đế mà khi vợ chết, ông ở vậy chờ đợi cô bé gái mới 10 tuổi, chờ cô lớn lên để rước về cung điện. Thế mới lạ!
Ông nói: - Bao nhiêu cung phi mỹ nữ, biết bao tấm ngọc thân ngà đang mong Trẩm ban ơn mưa móc, nhưng Trẩm vẫn lạnh lùng như mặt nước hồ Thu (văn chương cải lương của Phong Anh thật là tuyệt vậy). Thuyền Ra Cửa Biển là vở hát thuộc loại dã sử Nhựt Bổn, với hình ảnh kiêu hùng của những chàng kiếm sĩ đất Phù Tang khi xưa, mà khán giả hát bóng thời bấy giờ rất thường thấy trên màn ảnh rộng, lúc phim Nhựt ào ạt nhập vào được Ban Năm Châu chuyển âm tiếng Việt.
Bộ CD cải Lương Thuyền Ra Cửa Biển trước năm 1975.Thấy phim Nhựt nói tiếng Việt ăn khách, nên các soạn giả cải lương nhà ta cũng viết tuồng Nhựt có ca vọng cổ với hy vọng được khán giả sẽ trở lại coi cải lương, bởi phần lớn người coi phim Nhựt được chuyển âm là khán giả cải lương bình dân.
Lúc ấy hầu như gánh hát lớn, nhỏ nào cũng có tranh cảnh vẽ hoa anh đào, cảnh núi Phú Sĩ, và kép hát thì đêm nào cũng đeo kiếm, cùng với bộ đi tướng đứng, chào hỏi cũng theo cung cách của tài tử Nhựt thủ vai trong phim. Còn các cô đào thì được dịp khoe chiếc Kimono thích hợp với thân hình nhỏ nhắn của các cô gái Việt trong giống như búp bê Nhựt Bổn. Dường như cô đào nào mỗi đêm hát cũng đều tay bưng ly rượu sa kê tiễn chàng ra quan ải, hoặc hội ngộ buổi tương phùng. Tóm lại là người Nhựt không cần quảng cáo đất nước và văn hóa của họ, vì đã có đào kép cải lương Việt Nam thay thế giới thiệu cho tất cả rồi.
Riêng vở tuồng Nhựt với tên tựa Thuyền Ra Cửa Biển thì tuồng này được coi như có nhiều kịch tính, nội dung tình tiết lại éo le, gay cấn, và đặc biệt là bút pháp của soạn giả Phong Anh... rất là cải lương, đã làm phong phú thêm cho vở tuồng. Nhưng “văn chương cải lương” là gì mà nghe qua ngồ ngộ vậy? Khi xưa một ký giả kịch trường khi phê bình vở tuồng nổi tiếng nói trên, anh ta đã dùng từ ngữ “văn chương cải lương”, bởi theo anh là do trong tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, văn phong của soạn giả Phong Anh quá mượt mà, bóng bẩy, lã lướt... nên chỉ dùng trong cải lương mà thôi, chớ đem áp dụng bên ngoài thì không thể được.
Anh ta còn nói nếu như ai đó dùng lời văn trong vở tuồng ấy để nói với người mình đang tiếp xúc thì người ta sẽ cười cho, nói rằng bộ đang hát cải lương hay sao? Có lần một nhóm thanh thiếu niên đang tụ tập, bỗng thấy một cô gái đẹp đi ngang qua. Một cậu thốt lên: - Trời ơi! Thiên kiều bá mị, sắc nước hương trời (câu vô vọng cổ của Út Trà Ôn trong dĩa Thuyền Ra Cửa Biển). Tức thì một cậu khác lên tiếng: - Thiên kiều bá mị là gì? Chắc nó vừa ở nhà thương điên Chợ Quán mới ra, hoặc là ở dưỡng trí viện Biên Hòa mới về.
Do vậy mà văn phong của Phong Anh có một thời người ta gọi là “văn chương cải lương”. Thông thường khi một vở hát ra đời mà thấy ăn khách, báo chí nói nhiều, thiên hạ bàn tán nhiều, thì hãng dĩa hát sẽ không bỏ lỡ cơ hội để làm giàu thêm. Tuồng Thuyền Ra Cửa Biển hát vài tuần thì hãng dĩa hát Hồng Hoa đã mời soạn giả Phong Anh đến ký hợp đồng để hãng này độc quyền khai thác về mặt dĩa hát.
Kỳ tới tôi sẽ nói tiếp về vở tuồng “Thuyền Ra Cửa Biển”. Cũng như nói về hợp đồng giữa hãng dĩa và soạn giả diễn ra như thế nào. Và bây giờ mời quí vị nghe vở tuồng Thuyền Ra Cửa Biển của soạn giả Phong Anh và Yên Trang, được hãng dĩa Hồng Hoa thu thanh phát hành cuối năm 1961.
Theo RFA