BẠC LIÊU (NV) - Câu chuyện Bạc Liêu dùng hơn 2,000 tỉ đồng (khoảng $100 triệu) để tổ chức Lễ Hội Ðờn Ca Tài Tử lần thứ nhất là bằng chứng mới nhất về việc công quỹ vẫn được dùng một cách phí phạm và bừa bãi.
Tại Bạc Liêu, bệnh viện quá tải, bệnh nhân không có giường để nằm, cần 767 tỉ để mở rộng. Hiện có 13 trong tổng số 50 xã thiếu đường giao thông nên khi đi lại, dân chúng vẫn phải dùng xuồng, cần 800 tỉ để mở đường. Cả tỉnh còn 371 khu dân cư đến nay vẫn chưa có điện nên cần đầu tư 203 tỉ đồng.
Nhà hát Ba Nón Lá 222 tỉ đồng vẫn ngổn ngang trong chiều khai mạc Festival đờn ca tài tử lần thứ nhất do Bạc Liêu tổ chức. (Hình: PLTP)
Trong bối cảnh như thế, thay vì mở rộng bệnh viện, mở đường, kéo điện lo cho dân, chính quyền tỉnh Bạc Liêu lại chi hơn 2,000 tỉ để tổ chức Lễ Hội Ðờn Ca Tài Tử lần thứ nhất.
Báo cáo sơ bộ về lễ hội này, Ban Tổ Chức cho biết, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 20 công trình cho Lễ Hội Ðờn Ca Tài Tử lần thứ nhất nhưng có khá nhiều công trình dở dang vì thiếu tiền. Ví dụ nhà hát Cao Văn Lầu đã ngốn 222 tỉ nhưng chưa hoàn tất.
Khi làm việc với chính quyền tỉnh Bạc Liêu, nghe tỉnh này xin thêm tiền để mở rộng bệnh viện, mở đường, kéo điện,... ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích viên bí thư tỉnh Bạc Liêu về việc ông ta cảm ơn dân chúng Bạc Liêu chấp nhận khó khăn để cho Lễ Hội Ðờn Ca Tài Tử lần thứ nhất thành công. Theo ông Dũng, cám ơn như thế liệu đồng bào có chấp nhận không vì đau bệnh không có nơi chữa chạy, không có đường sá để đi, không có điện để dùng.
Lãng phí vẫn là một trong những vấn nạn nghiêm trọng nhất ở Việt Nam. Bất kể lãng phí làm quốc gia gia kiệt quệ và được xem là bạn đồng hành của tham nhũng.
Lãng phí ở Việt Nam tạo ra nhiều sự thật mà không ai có thể tưởng tượng. Ví dụ, từ 2011-2013, mỗi năm, Việt Nam chi 120 ngàn tỉ đồng (5.5 tỉ USD) cho chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, song chỉ có 4% đến 6% khoản này đến tay các gia đình nghèo. Phần còn lại, 94% đến 96% của 120 ngàn tỉ đó được dùng để... nuôi bộ máy thực hiện chương trình “xóa đói, giảm nghèo.”
Hồi cuối tháng 2, một độc giả của báo điện tử VietNamNet nêu thắc mắc, hàng năm, Quốc Hội Việt Nam đã phê duyệt những khoản khác cho xây dựng, phát triển nông thôn, nông nghiệp. Vậy thì khoản ngân sách được phê duyệt hàng năm này đi đâu khi chương trình “xóa đói, giảm nghèo” cũng ngốn những khoản tương tự? Thắc mắc đó đến nay vẫn chưa có viên chức hay cơ quan hữu trách nào trả lời.
Trong báo cáo trình Quốc Hội Việt Nam hồi cuối tháng 10 năm ngoái, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam thú nhận, năm 2013, trong khi nguồn thu cho ngân sách quốc gia bị hụt ít nhất 63,630 tỉ thì bội chi lên tới 140 ngàn tỉ. Tại diễn đàn Quốc Hội, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam đề nghị Quốc Hội Việt Nam cho phép nâng mức bội chi của cả năm 2013 lên thành 195,500 tỷ, tương đương 5.3% GDP.
Nói cách khác sau hàng loạt hứa hẹn, tuyên bố cắt giảm chi tiêu, chi tiêu của hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tăng.
Ðể đủ tiền cho chuyện phung phí ngân sách, hệ thống công quyền của Việt Nam ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Giới nghiên cứu đã thử thực hiện một thống kê và xác định, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Ðáng chú ý là thu rất nhiều, bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của hệ thống công quyền lại chi rất ít cho đầu tư phát triển. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều trường học, bệnh viện, công trình giao thông bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách trong khi mức bội chi thì càng ngày càng lớn.
Phần lớn chi tiêu dẫn tới bội chi là những khoản chi để nuôi hệ thống công quyền. Nếu năm 2003, các khoản chi để nuôi hệ thống công quyền chiếm 51.9% tổng chi thì tới năm 2011, các khoản này đã chiếm đến 67.2% tổng chi.
Theo báo Người Việt