Số học sinh bị cận thị ở Việt Nam thuộc diện cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các em ít sinh hoạt, vui chơi ngoài trời.
Thống kê mới đây của Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho thấy Việt Nam hiện có khoảng hơn 3 triệu trẻ em mắc các bệnh tật khúc xạ cần được điều chỉnh, chữa trị, trong đó có khoảng 2/3 là cận thị. Số học sinh mắc các tật khúc xạ tập trung đông nhất ở Hà Nội và TP.HCM với tỷ lệ 35-40%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị học đường, đang ngày càng tăng ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều nơi có tới 60-70% số học sinh mắc bệnh cận thị. Con số này tập trung vào các lớp chọn, trường chuyên với những áp lực bài vở, thi cử căng thẳng liên tục trong thời gian dài.
Theo một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, áp lực học hành đang trở thành nguyên nhân số một khiến tật cận thị tăng vọt trong thời gian vừa qua.
Các khảo sát mới đây cho thấy cứ 100 trường hợp mắc tật cận thị thì chỉ khoảng 30-35% do di truyền (có yếu tố gia đình), còn 65-70% do điều kiện học tập (ánh sáng, bàn ghế, bảng…không được đặt đúng tiêu chuẩn hoặc độ sáng không phù hợp), chế độ học tập quá tải, ngoài thời gian học trên lớp các em phải tham gia học thêm quá nhiều, thời gian vui chơi bị thu hẹp. Đó là chưa kể nhiều em dù không tham gia học thêm nhưng lại ‘cày’ game, sử dụng máy tính hoặc xem ti-vi với cường độ quá mức cho phép. Nhiều em học sinh cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở khi thấy mắt có dấu hiệu nhìn không rõ lại không nói với thầy cô, bố mẹ khiến tình trạng càng thêm nặng.
Thạc sĩ - bác sĩ Cao Mỹ Lệ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết tỉ lệ mắc cận thị trong học sinh, thanh niên Việt Nam cũng thuộc diện khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một thống kê cách đây vài năm cho thấy tại Singapore có đến 80% thanh niên được gọi nhập ngũ bị cận thị, trong khi con số này 30 năm trước chỉ là 25%.
Ít vui chơi ngoài trời nguy cơ cận thị cao gấp 9 lần
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thấy những trẻ em thường xuyên học bài, sinh hoạt ở trong nhà sẽ có nguy cơ mắc cận thị cao gấp 9 lần so với những em có thói quen ra ngoài trời sinh hoạt, vui chơi nhiều.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Việt Nam, đặc biệt ở khu vực thành thị, sau giờ học thường có rất ít thời gian và cơ hội để được vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục ngoài trời.
Đặc biệt nhóm bị cận thị ngày càng tăng theo cấp học, trong đó cấp tiểu học chỉ chiếm khoảng 5% thì bậc trung học phổ thông đã tăng gấp 3 lần. Những học sinh không tập thể dục có tỷ lệ cận thị cao hơn so với học sinh tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên trong không gian ngoài trời thoáng mát.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu con người tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên bên ngoài khoảng 2-3 giờ mỗi ngày thì sẽ được trang bị khả năng ngăn chặn cận thị tốt hơn.
“Trẻ em Việt Nam phải dành quá nhiều thời gian trong ngày cho việc học nên mắt luôn ở trạng thái căng thẳng. Và tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ cần thay đổi điều này bằng cách đưa các em ra ngoài vui chơi nhiều hơn” - một bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Cao Mỹ Lệ, nhiều bậc phụ huynh hiện chưa nhận thức đúng mức việc chăm sóc và hướng dẫn con cái phòng ngừa cận thị một cách tốt nhất. Rõ nhất là việc các bậc phụ huynh không chú ý đeo kính bảo vệ mắt cho các em khi đi ra ngoài đường. Khí thải và đặc biệt là SO2 sẽ làm cho mắt các em mỏi nhừ và cay mắt, thị lực giảm sút khi ngồi vào bàn học tại nhà hoặc ở trường. Tia tử ngoại cũng góp phần gây ra bệnh loạn thị, đục thủy tinh thể và giảm thị lực ở trẻ nhỏ.
Đáng lo ngại nhất, việc trẻ bị cận thị nặng còn có thể gây ra các biến chứng như bị lác mắt, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính, xuất huyết dịch kính... dẫn tới mù lòa. Chính vì thế, các chuyên gia mắt đều khuyên những gia đình có con em dưới 10 tuổi mắt tật khúc xạ hãy giúp trẻ tập nhìn xa, xoa bóp cơ điều tiết cho mắt được nghỉ ngơi và thường xuyên dẫn các em tham gia các hoạt động ngoài trời. Nếu mắt không thể phục hồi được mới cho đeo kính, nhưng cần lưu ý chỉ đeo kính dưới 2 đi-ốp, không cho trẻ đeo kính có số quá nặng để điều chỉnh hình ảnh vào đúng tiêu cự của mắt.
Source: ABC Australia