Học sinh Hàn Quốc học ngày học đêm
Kim Hong-Ji/ReutersBảng xếp hạng Pisa do OCDE công bố hồi tháng 12/2013 cho thấy, ba lần liên tiếp, giới trẻ Nam Hàn chiếm đầu
bảng về đọc và toán học. Bên cạnh Thượng Hải và Đài Loan, có thể nói Hàn Quốc đang sản sinh ra những lứa học
sinh giỏi nhất hành tinh. Đến mức Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi đất nước noi gương theo để cải thiện kết
quả học tập đang bị sa sút của học sinh Hoa Kỳ. Thế nhưng, Le Figaro trong bài viết đề tựa « Hàn Quốc, quá tải học
đường » nhận định sự thành công không thể nào chê trách được đó cũng có cái giá của nó.
Tác giả bài viết thuật lại sự việc bi thương xảy ra vào ngày tháng 11/2011. Trong một lúc giận dữ điên cuồng, một
cậu học sinh 18 tuổi đã đánh chết mẹ của mình. Cậu thừa nhận hành vi của mình là không thể nào bào chữa được,
nhưng cậu cũng cho biết là không thể chịu đựng nỗi áp lực mà mẹ cậu áp đặt trong chuyện học hành. Mặc dù kết
quả học tập của cậu rất tốt, nhưng điều đó cũng không làm thỏa mãn tham vọng của bà mẹ, và bà cũng không ngần
ngại đánh đập con mình bằng những cú gậy đánh gôn.
Đối với người dân xứ sở Buổi sáng bình yên này, giáo dục là một cuộc chiến không ngơi nghỉ để leo lên được từng
nấc thang trong một xã hội đầy cạnh tranh khốc liệt. Thế nhưng, để có được chiếc mề đay lấp lánh đó, người dân xứ
kim chi đang trả một cái giá quá đắt.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất hành tinh, nhất là ở giới trẻ. Theo kết quả thăm dò gần đây của Korea
Health Promotion Foundation, hơn 50% số thiếu niên được hỏi có nghĩ đến chuyện tự tử. Một kết quả thăm dò khác
do National Youth Policy Institute thực hiện cho biết 69% thiếu niên cảm thấy bị « stress » do áp lực học đường.
Điều nghịch lý, nếu đánh giá về mối quan tâm của học sinh đối với các môn học được giảng dạy, thì Hàn Quốc lại
đứng cuối bảng.
Tác giả cho rằng với kiểu học nhồi nhét và giờ học theo kiểu nô lệ, mô hình giáo dục của Hàn Quốc đang tàn phá
các em học sinh. Ngoài giờ học chính khóa tại trường kéo dài từ 8giờ sáng cho đến 16 giờ chiều, các em còn phải
tiếp tục giờ ôn bài tại chỗ cho đến 18 giờ 30 tối, đó là chưa kể đến các giờ học thêm bên ngoài. Dù rằng thị trưởng
Seoul ban hành lệnh giới nghiêm là 22 giờ, nhưng nhiều lớp học vẫn âm thầm diễn ra đến tận đêm khuya. Kết quả,
các học sinh trung học chỉ ngủ có 5 giờ 27 phút mỗi đêm. Các em thường cố lấy lại giấc ngủ trong giờ học.
Ngay từ rất nhỏ, các em đã phải theo học các lớp ngoài giờ như Anh văn, Toán, các môn khoa học kể cả nhạc, hội
họa và vi tính. Nếu không học thêm, các em sẽ không thể nào theo kịp các bạn cùng lớp, theo lời thuật của một em
học sinh. Tất cả những điều đó chỉ dành cho một ngày trọng đại : Thi tú tài. Kết quả kỳ thi là cánh cửa để bước chân
vào các trường đại học danh tiếng như « SKY » chẳng hạn, chữ cái ghép của ba tên trường đại học nổi tiếng nhất tại
Hàn Quốc SNU, Korea University và Yonsei. Le Figaro cho biết chỉ có 4% tú tài là vào được « SKY », cánh cửa thần
kỳ để mở mang sự nghiệp sau này tại các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai hay các cơ quan hành chính cao
cấp.
Phương pháp giảng dạy thụ động và phương pháp thi cử cũng là điều đáng bàn cãi tại Hàn Quốc. Người học chỉ có
ghi chép và học vẹt mà không có phản hồi, thi cử dựa trên câu hỏi trắc nghiệm không tạo ra được tính sáng tạo của
học sinh.
Điều đáng quan ngại nhất là kiểu mô hình giáo dục này đang tạo ra một thách thức cho nền kinh tế đất nước. Chứng
cuồng học còn là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ sinh nở, vốn dĩ đã là một trong những tỷ lệ thấp nhất hành
tinh. Bởi một lẽ rất dễ hiểu, trước chi phí dành cho giáo dục quá đắt đỏ, các bậc cha mẹ Hàn Quốc ngày nay có xu
hướng hạn chế một con để dễ bề nuôi dạy.
Theo RFI