Mấy trăm triệu đô chỉ là ‘một tí’ (kỳ 1)
Trước khi bước vào đề tài hôm nay, tôi xin ngỏ lời khâm phục ông Thủ Tướng Nam Hàn Chung Hong-won đã từ chức sau khi vụ sau thảm họa chìm phà SEWOL làm hàng trăm người thiệt mạng.
Ngày 27/4/14, dưới áp lực của dư luận trong việc xử lý chậm trễ vụ lật phà Sewol hôm 16/4 làm hơn 300 người chết và mất tích trong đó phần lớn là học sinh trung học ông Chung tuyên bố từ chức. Ông ngậm ngùi cúi đầu nói trước quốc dân:
“Việc tôi giữ chức vụ là một gánh nặng quá lớn đối với chính phủ, điều đúng đắn tôi cần làm là nhận trách nhiệm và từ chức.”
Trên thế giới, chuyện từ chức của các nhà lãnh đạo đã từng xảy ra như một thứ “văn hóa thông thường” của những con người tự trọng. Chỉ cần một lỗi lầm nhỏ như trường hợp Thủ Hiến New South Wales Úc, ông Barry O'Farrell, đã từ chức vì không khai báo món quà ông nhận được, chỉ là một chai rượu hiệu Penfolds Grange trị giá $3,000 đô. Với sự việc này, người ta có thể quên và dễ dàng biện minh và có thể được tha thứ, nhưng người tự trọng không làm như vậy.
Tiếc rằng thứ “văn hóa từ chức” đó còn quá hiếm hoi ở VN. Tôi nghĩ chẳng cần có một nghị quyết hay nghị định nào “cho phép” cái quyền “tự trọng” đó, tất cả phải do ý thức của mỗi người. Không vì bị tín nhiệm nhiều hay ít, không vì đại hội này hay ủy ban kia áp lực “được từ chức,” nói đúng ra đến khi đó phải gọi đúng tên là “bị từ chức.” Như thế sự từ chức không thể hiện được tính tự trọng của chính mình nữa. Gọi là “từ chức” cho đỡ… mất mặt thôi.
Một ước mơ lẩm cẩm
Tôi kính trọng ông Chung Hong-won vì trong thời gian này ở VN cũng có vài vụ gây chết hàng trăm người nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Cứ như chuyện ở trên trời rớt xuống đầu ai nấy chịu vậy. Còn “đổ vấy” cho nhau, dân bảo tại quan, quan bảo tại trời, cấp trên đổ thừa cho cấp dưới, cấp dưới đổ thừa cho thiếu phương tiện và trăm thứ “khó khăn” khác nữa… Cứ cái bài ca cũ rích ấy lặp đi lặp lại hoài mấy chục năm không biết chán.
Tôi bỗng có cái ý nghĩ lẩm cẩm rằng: “Giá như trong dịp dịch sởi lây lan làm chết hơn trăm trẻ em, một vị nào đó trong Bộ Y Tế có can đảm đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức thì hay biết mấy.” Và… vẫn là “giá như” bà Bộ Trưởng Y Tế mà từ chức và thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân như ông Thủ Tướng Nam Hàn thì… đẹp biết bao.” Những gia đình mất con chắc cũng bớt oán hờn, bớt đau đớn hơn nhiều. Nhưng tiếc rằng cái ước mong của tôi vẫn chỉ là “giá như” thôi, chuyện đó chưa thể xảy ra trên đất nước này. Tôi tự hỏi “Tại sao vậy?” Câu trả lời tưởng như quá khó nhưng thật ra quá dễ. Có hàng chục lý do tại sao người ta không muốn từ chức, chẳng cần kê khai bạn đọc cũng có thừa hiểu rồi. Nói như thế tôi không có ý “xúi” hay yêu cầu bà Nguyễn Thị Kim Tiến “ra đi” như một vài độc giả trên các báo VN đã từng nêu ra lời “đề nghị” này. Nhưng chiều 29-4, Chính phủ VN tổ chức cuộc họp báo thường kỳ tháng 4-2014. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc bộ trưởng có nghĩ đến chuyện từ chức vào lúc này hay không, bà Tiến nói: “Tôi không thể từ chức vào lúc này.” Người ta đành nghĩ: Thôi thì để…lúc khác vậy!
Đình chỉ chức vụ chứ không được từ chức
Trong tuần vừa qua, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải (GTVT) Đinh La Thăng được nhắc đến nhiều nhất bởi ông đã có một quyết định rất bất ngờ. Ông đã thẳng tay đình chỉ chức vụ của ông Nguyễn Hữu Thắng Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam – Một trong những chức vụ lớn và uy quyền nhất của Bộ GTVT. Nguyên nhân vì ông Nguyễn Hữu Thắng đã phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm khi trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư.
Xin nó rõ hơn là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được Bộ GTVT giao Cục Đường Sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án là 8,770 tỷ đồng tương đương $552.86 triệu USD (tính theo thời giá năm 2008).
Mới đây, dự án này bị đội giá $339 triệu USD (tăng 62%) khiến dư luận bất bình. Nhiều chuyên gia lĩnh vực đường sắt cho rằng đây là mức tăng quá cao và thiết kế chưa sát với thực tế. Thật ra, người dân không còn xa lạ gì với những “trò đội giá” nửa chừng nửa đoạn của nhiều dự án khổng lồ. Người ta cứ đấu thầu, cứ làm rồi tà tà xin điều chỉnh lên gấp đôi và không ít dự án đã được chấp thuận. Đó là cách làm, cách kiếm tiền giữa nhà thầu và bên chủ đầu tư. Nói trắng ra, đó là cách moi tiền của ngân sách tức là tiền đóng góp của nhân dân tương đối dễ dàng nhất.
Trò đội giá lần này lên đến 62% là quá “nặng” vậy mà ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường Sắt Việt Nam trách móc dư luận rằng “… điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” (!?) Hãy thử tính $339 triệu USD, tức là khoảng 7 ngàn tỉ VNĐ, thế mà ngài cục trưởng chỉ coi như “một tí” thì quả là các ngài xài đô la sang hơn cả chính phũ Mỹ. Phát ngôn này đã gây sốc nhất trong tuần vừa qua khiến nhân dân ngao ngán. Bạn Nguyễn Duy Xuân đã viết trên báo Dân Trí:
“Cũng đúng thôi, các ông làm dự án lớn, quen xài tiền đô, không phải dăm ba tờ lẻ mà là hàng trăm triệu. Nhưng tiền đó không phải móc từ túi mình ra nên các ông không xót. Cho nên, ba trăm chứ ba tỉ USD có lẽ các ông cũng cho là chuyện… nhỏ, nhằm nhò gì mà thiên hạ cứ làm toáng cả lên?
“Nhưng thưa ông Cục trưởng kính mến! Khi ông cho 7 ngàn tỉ đồng chẳng nhằm nhò gì thì cũng có nghĩa là ông coi rẻ đồng tiền lắm rồi (!?) Mà đồng tiền của nhà nước dù bằng nguồn vốn nào thì cuối cùng cũng chỉ quy về một mối: Nhân dân. Không phải cá nhân ông, cũng không phải một ai khác làm ra hàng ngàn tỉ ấy. Mà là nhân dân, hàng chục triệu con người góp gió thành bão từ những đồng thuế nhỏ nhoi của mình thành ngân sách quốc gia. Không phải cá nhân ông, cũng không phải một ai khác gánh được món nợ do các dự án từ nguồn vốn ODA để lại, ngoài nhân dân. “Một tí…” thế cũng đủ “chết” dân rồi, thưa ông Cục trưởng!”
Mỗi người dân VN đang gánh nợ $886.59 USD
Nói đến chuyện vốn ODA, từ lâu vẫn được xem là “chùm khế ngọt.” Ngọt với các quan có quyền sử dụng số tiền này. Nhưng lại rất đắng với người dân, đó là món nợ của người dân VN, trả đến đời con cháu cũng chưa hết. Đây là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, là một hình thức đầu tư nước ngoài. Ngoài một phần viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn này cũng phải hoàn trả theo lộ trình nhất định, nên nếu không sử dụng hợp lý và tiết kiệm thì sẽ là có tội với thế hệ mai sau. Theo tính toán của các chuyên gia, nợ công Việt Nam đang ở mức $80.1 tỉ USD, và với dân số 90 triệu người, hiện tại, mỗi người dân đang gánh $886.59 USD nợ công. Kể cả già trẻ, lớn nhỏ, trai gái đều phải nai lưng ra làm đầu tắt mặt tối để trả nợ!
Nhưng rồi sau tất cả những băn khoăn này, kế hoạch điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn có thể vẫn sẽ được phê duyệt, bởi “đã đâm lao phải theo lao,” không thể để công trình đang làm bị ngưng trệ, và cũng như nhiều vụ lùm xùm khi sử dụng vốn ODA khác, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả.
Ngay cả khi tòa án xử sai, phải bồi thường cho người bị oan sai lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng cá nhân vị sử sai đó vẫn bình chân như vại.
Chính nguyên Chánh thanh tra, thẩm phán Tòa án tối cao Đỗ Văn Chỉnh đã khẳng định trong một lần trả lời báo chí: “Trong ngành tòa án tôi chưa biết có trường hợp cán bộ nào bị truy tố trước pháp luật vì xử oan sai cho người vô tội cả. Họ chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, cao nhất là chậm tái nhiệm.”
Rõ ràng, thiệt hại là có thể cân đong đo đếm được bằng các khoản chi ngân sách thể hiện trên giấy trắng mực đen, nhưng mức hoàn trả thì lại được giới hạn một cách rất khó hiểu. Để rồi, nhiều cán bộ công chức đã chọn “quyền vô trách nhiệm” cả khi thi hành công vụ và cả khi khắc phục hậu quả của nó.
Ngân sách nhà nước thì cứ nai lưng chịu trận cho mọi tắc trách, sai lầm, dân thì cứ xót xa cho việc tiền của mình bị thất thoát vô lý. Còn những người liên quan trực tiếp thì cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thế mới lạ!
Tăng mấy trăm triệu đô: Nói ‘một tí’ cũng... đúng
Thật ra ông Thắng cũng có lý do để nói rằng “mới chỉ có một tí đã làm rùm beng lên” bởi ông là người trong cuộc nên ông biết rõ đã từng có quá nhiều vụ điều chỉnh như thế rồi chứ chẳng phải chỉ có mỗi vụ này thôi. Ông có xin điều chỉnh cũng là “học tập” các dự án đàn anh mà thôi. Hãy kể những vụ “điều chỉnh” đã từng xảy ra gần đây:
- Ở Hà Nội, dự án đường 5 kéo dài trên địa bàn quận Long Biên và huyện Đông Anh, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn, dự trù thực hiện từ 2005, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3,500 tỷ đồng. Ba năm sau, điều chỉnh lên gần 6,700 tỷ đồng, tăng hơn... 3,100 tỷ!
- Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội do Pháp, ADB và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đồng tài trợ, dự kiến ban đầu là 783 triệu euro, điều chỉnh lên 1,275 tỷ euro, tăng 492 triệu euro.
- Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tổng chiều dài 56 km, dự toán ban đầu hơn 3,700 tỷ đồng năm 2004, đến 2010 điều chỉnh lên gần 9,000 tỷ, tăng hơn 5,000 tỷ đồng.
- Năm 2012, dự án cải tạo sông Tích tăng tổng mức đầu tư từ 1,600 tỷ đồng lên 3,100 tỷ đồng.
- Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, điều chỉnh từ 19,000 tỷ lên 51,000 tỷ đồng.
- Dự án đường vành đai I, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục tăng từ 3,400 tỷ lên 5,500 tỷ đồng.
- Dự án cầu Nhật Tân phê duyệt 2006 đến 2009 khởi công đội thêm hơn 6,000 tỷ đồng.
- Ở Hưng Yên, dự án củng cố nâng cấp đê tả sông Hồng 48 km, dự toán ban đầu năm 2009 hơn 1,500 tỷ đồng, sang năm sau tăng hơn 1,200 tỷ đồng.
- Ở Sài Gòn, năm 2008, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ 17,400 tỷ ban đầu (2007) đến 2012 điều chỉnh lên hơn 47,300 tỷ, tăng khoảng 30,000 tỷ đồng.
- Dự án Vệ sinh môi trường TP. Sài Gòn lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo kế hoạch hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng phải gia hạn đến hết năm 2011, tăng từ $200 triệu USD lên $320 triệu USD.
- Công trình bờ kè sông Cần Thơ 10km, tổng mức đầu tư năm 2007 hơn 711 tỷ đồng, khởi công vào tháng 5/2010, tăng thêm hơn 1,000 tỷ đồng.
- Trong năm 2012, theo Báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Sài Gòn, có 69 dự án tăng tổng vốn đầu tư thêm gần 2,900 tỷ đồng.
- Một báo cáo của Bộ GTVT cho biết, trong vài năm qua tổng mức đầu tư của các dự án tăng trung bình 180% so với tổng mức được duyệt…
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn