Sau thảm họa ngày 16/04/2014, chuyến phà định mệnh Sewol chìm đắm khiến 226 người chết, khoảng 100 người mất tích, dân chúng Đại Hàn vô cùng phẫn nộ. Việc Thủ tướng Đại Hàn Jung Hong-won đã phải từ chức, nữ Tổng thống Park Geun-hye an ủi người nhà của nạn nhân trên tàu Sewol tại khu tưởng niệm nạn nhân ở thành phố Ansan bị dân chúng nghi ngờ Thanh Ngõa Đài dàn cảnh để lấy lòng dân, đến chiều ngày 02/05, Hán Thành lại xảy ra một tai nạn giao thông khác. Hai tàu điện ngầm lao vào nhau tại đường ray số 2 gần ga Sangwangsimni ở phía Đông Hán Thành, gần 200 hành khách bị thương, khiến cho nhiều người dân Đại Hàn than thở, “họa vô đơn chí”.
Tàu điện ngầm đâm nhau
Theo tin của tờ Korea Times, 15h30 (giờ địa phương) ngày 02/05, hai tàu điện ngầm đâm nhau tại nhà ga Sangwangsimni, phía đông Hán Thành, khiến khoảng 200 người bị thương. Ban điều hành nhà ga cho hay, do lỗi kỹ thuật, một tàu trên tuyến số 2 đâm vào phía sau một tàu đang đứng yên khiến một toa của tàu phía trước trật khỏi đường ray.
Sau khi xảy ra tai nạn, các đội cứu hộ đã dốc hết sức mình sơ tán hành khách, sơ cứu tại chỗ và đưa những người bị thương tới bệnh viện gần đó. Phần lớn các chấn thương đều không nghiêm trọng. Các nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy những vết máu trên sàn một toa tàu. Mặc dù hành khách được thông báo ở nguyên vị trí, nhưng quá hoảng hốt và lo sợ, họ buộc tài xế mở cửa ra vào để thoát thân. Nhiều người bất chấp nguy hiểm nhảy khỏi các toa tàu xuống đường ray nên đã bị thương.
Một hành khách đi trên chuyến tàu điện ngầm đó kể lại: “Tàu của chúng tôi vừa tới ga thì đâm vào tàu ở phía trước. Tôi thấy nhiều vết máu trên một toa của tàu phía trước. Ban đầu loa phóng thanh yêu cầu hành khách không rời khỏi tàu, nhưng nhiều người không tuân theo. Họ cố mở các cửa để thoát ra ngoài”.
Theo nhận xét của một giới chức thành phố Hán Thành, thiết bị tự động có công dụng giữ khoảng cách an toàn của đoàn tàu phía sau không hoạt động nên đã gây ra tai nạn. Tuy nhiên, ông Chung Soo-young, viên chức phụ trách hệ thống tàu điện ngầm ở Hán Thành, lại kết luận rằng, hai tàu đâm nhau do hệ thống báo hiệu không hoạt động. Xe cứu thương và một số phương tiện giao thông của người dân đã đưa những người bị thương nặng tới một bệnh viện gần đó. Một bác sĩ có mặt tại đó nói nhiều hành khách tự đi tới bệnh viện để điều trị vết thương, trong số này không mấy người bị thương nặng.
Theo tin của hãng thông tấn Reuters, phần lớn nạn nhân chỉ bị các vết trầy xước. Chỉ một người phải điều trị vì máu chảy trên đầu và một người khác lên xe cấp cứu vì xương bị rạn nứt. Ông Kim Kyung-su, phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa tại hiện trường, cho biết, sau tai nạn, khoảng 1.000 người phải sơ tán. Vụ tàu điện ngầm lao vào nhau lần này khiến hoạt động vận chuyển bằng tàu điện ngầm gián đoạn ở 10 vị trí giữa hai nhà ga Euljiro và Sungsu.
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4,5 triệu người sử dụng hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố Hán Thành. Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong hệ thống tàu điện ngầm Đại Hàn xảy ra vào năm 2003, khiến 192 hành khách thiệt mạng vì hỏa hoạn tại thành phố Deagu. Tai nạn tàu điện ngầm xảy ra tại ga Sangwangsimni ngày 02/05 diễn ra vào lúc không khí đau thương đang bao trùm Đại Hàn sau khi chiếc phà định mệnh Sewol chìm đắm xuống vùng nước biển lạnh buốt và đục ngầu khiến 226 người chết, gần 100 hành khách mất tích vì đã nghiêm chỉnh tuân theo mệnh lệnh của thủy thủ đoàn nên đã không rời khỏi tàu.
Vụ đắm phà Sewol ngày 16/04 khiến cho nhiều người dân Đại Hàn cảm thấy hổ thẹn về tinh thần và thái độ phục vụ của thủy thủ đoàn và những người có trách nhiệm, trong đó có giới chức nhà nước, đồng thời nghĩ đến những dư luận xung quanh việc Thủ tướng Đại Hàn Jung Hong-won xin từ chức và nữ Tổng thống Park Geun-hye an ủi một người nhà của nạn nhân trên tàu Sewol tại khu tưởng niệm nạn nhân phà chìm ở thành phố Ansan, bị dân chúng nghi ngờ Thanh Ngõa Đài là một màn sắp xếp.
Thủ tướng Jung Hong-won từ chức
Theo Korea Times, sau thảm họa chiếc phà định mệnh chìm đắm ngày 16/04, TTg Đại Hàn Jung Hong-won đã bị nhiều người chỉ trích. Trong lần đi thăm thân nhân hành khách, ông đã bị những người mất bình tĩnh ném chai nước vào mặt.
Là người lãnh chịu trách nhiệm về vụ đắm phà này, trong cuộc họp báo ngày 27/04, TTg Jung Hong-won thông báo ông đã quyết định từ chức, đồng thời đưa ra lời xin lỗi các gia đình của hơn 300 hành khách chết hoặc mất tích trên chuyến phà định mệnh này. Trong một thông báo ngắn gọn, ông Jung Hong-won nói: “Tôi muốn từ chức sớm hơn nhưng khi đó việc xử lý thảm họa là ưu tiên hàng đầu. Tôi cho rằng đó là hành động có trách nhiệm trước khi ra đi”.
Ông Min Kyung-wook, phát ngôn viên của nữ TT Park Geun-hye, cũng cho biết, TT Park Geun-hye đã chấp nhận đơn từ chức của TTg Jung Hong-won sau thảm họa chìm phà Sewol nhưng có điều kiện kèm theo: TTg Jung phải thu dọn hậu quả của vụ đắm phà ngày 16/04. Ông tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi mọi việc giải quyết ổn thỏa mới được nghỉ việc. Quyết định của TT Park được xem như câu trả lời dành cho những lời chỉ trích của đảng đối lập nhắm vào hành động xin từ chức của TTg Jung. Trước đó, đại diện đảng đối lập nhận định lời xin từ chức của TTg Jung “hoàn toàn vô trách nhiệm và hèn nhát”.
Sau khi TTg Jung ra thông báo từ chức, ông Ahn Cheol-soo, đồng lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Chính trị Mới vì Dân chủ (New Politics Alliance for Democracy) nói: “Hành động từ chức của TTg Jung Hong-won ‘không chỉ hoàn toàn vô trách nhiệm mà còn hèn nhát’”. Ông Ahn cho rằng, TTg Jung và nội các của ông phải giải quyết cho xong tình huống đã xảy ra, xin lỗi người dân và làm theo nguyện vọng của họ.
Trong khi đó, gia đình các hành khách chết và mất tích trên chiếc phà định mệnh Sewol có những phản ứng trái ngược nhau về quyết định từ chức đột ngột của TTg Jung. Một người thân của nạn nhân khi xem thời sự trên đảo Jindo gần nơi chìm phà đã nói: “Ông ấy nghĩ gì mà từ chức trong tình hình này?”. Một người thân của nạn nhân khác lại cho rằng: “Lẽ ra TTg Jung phải ra đi sớm hơn vì thất bại của chính phủ”. Cũng có người nói: “Bất luận ông Jung đúng hay sai, phải giải quyết xong vụ chìm phà mới được phép từ chức”…
TTg Jung Hong-won chào đời ngày 09/10/1944 tại Quận Hadong, tỉnh Gyeongsang Nam, đông nam Đại Hàn. Năm 1971, ông tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Sungkyunkwan. Sau khi vượt qua bài kiểm tra Tư pháp lần thứ 14 năm 1972, ông trở thành công tố viên. Từ năm 1974 đến năm 2004, ông đã trải qua nhiều chức vụ như kiểm sát viên, giám sát viên, giám đốc các bộ phận và công tố viên cao cấp. Ông nổi tiếng sau khi giải quyết một số vụ án cao cấp như vụ bê bối hối lộ của ứng cử viên Tổng thống Đại Hàn Lee Hoi-chang. Trong đó, các nhân vật liên quan là người thân của Tổng thống Chun Doo-hwan cũng bị truy tố và vụ án nổi tiếng tại sòng bạc Walker Hill. Từ năm 2004 đến 2006, ông là một trong những thành viên của “Hội đồng Bầu cử Quốc gia Đại Hàn (National Election Commission of South Korea). Năm 2012, ông từ chức công tố viên và trở thành ứng cử viên đầu tiên cho chức Thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ nhất của nữ TT Park Geun-hye. Ngày 26/02/2013, sau khi Quốc hội Đại Hàn thông qua, ông Jung Hong-won chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc.
Dàn cảnh an ủi thân nhân hành khách bị nạn?
Ngày 29/04, trong dịp đến khu tưởng niệm nạn nhân phà Sewol bị chìm ngày 16/04 tại thành phố Ansan, nữ TT Đại Hàn Dân Quốc Park Geun Hye bắt tay một phụ nữ là người thân của nạn nhân trong chuyến phà định mệnh. Ban đầu mọi người nghĩ TT Park đang cố gắng chia sẻ, động viên người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, sau đó có nhiều dư luận nghi ngờ rằng, người phụ nữ bà Park bắt tay không phải là thân nhân hay bạn bè của nạn nhân. Nhiều người dân Đại Hàn cho rằng, hành động an ủi một người nhà của nạn nhân trên tàu Sewol của TT Park Geun Hye diễn ra hôm 29/04 chỉ là một cuộc dàn cảnh để lấy lòng dân.
Tin này loan ra, phủ TT Đại Hàn Thanh Ngõa Đài đã bác bỏ giả thuyết dàn cảnh hay sắp đặt. Ông Min Kyung Wook, phát ngôn viên của TT Đại Hàn, nói: “Tin đồn không chính xác có thể khiến người dân mất lòng tin vào chính phủ”.
Người phụ nữ được TT Park an ủi cũng tuyên bố, đó không phải là cảnh sắp đặt. Người phụ nữ đó cho biết, bà nói chuyện với TT Park vì thấy Tổng thống rất lo lắng. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng, bà ta chính là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Park Geun Hye.
Thời gian và địa điểm TT Park xin lỗi người nhà nạn nhân cũng đang là đề tài gây tranh cãi. Bà thăm khu tưởng niệm chung nhưng không gặp người nhà nạn nhân và chỉ nói vài lời với các thân nhân bên cạnh lối ra của khu tưởng niệm. Nhiều người nói, nữ TT Park đến đó chỉ chụp hình với một phụ nữ lớn tuổi và nhanh chóng trở về Thanh Ngõa Đài. Nữ TT Park nói trong phiên họp nội các rằng, bà xin lỗi về phản ứng chậm chạp của chính phủ trong tai nạn và cảm thấy rất đau lòng. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Đại Hàn xin lỗi người nhà nạn nhân trong vụ chìm tàu Sewol sau khi đảng đối lập yêu cầu bà lên tiếng. Nhiều người hỏi vì sao nữ TT Park không xin lỗi tại khu tưởng niệm.
Trong những ngày qua, làn sóng chỉ trích tiếp tục nhắm vào TT Park Geun Hye. Gia đình nạn nhân biểu tình vì cảm thấy Tổng thống không tỏ ra chân thành. Giới truyền thông cho rằng bà đã hành xử rất tầm thường. Đảng đối lập lên tiếng chỉ trích người đứng đầu Thanh Ngõa Đài không làm hết trách nhiệm để động viên thân nhân hành khách trong thảm họa đau lòng.
Một nguồn tin còn cho rằng, Thanh Ngõa Đài đã dàn dựng cuộc gặp gỡ, bởi trong tình huống thông thường, người phụ nữ không thể vượt qua hàng rào an ninh để tiếp cận TT Park. Người nhà nạn nhân trong thảm họa đắm phà đều chỉ trích phản ứng chậm chạp của chính phủ về thảm họa này. Hiện tại tỷ lệ ủng hộ nữ TT Park Geun Hye chỉ còn 40%. Đó là tỷ lệ thấp nhất trong năm 2014.
Lý Anh