Một loại pin lithium-ion. @wikipediaNăng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời có một nhược điểm căn bản, đó là không ổn định. Chúng chỉ vận hành khi có gió và có ánh mặt trời. Làm thế nào để tích trữ được nguồn năng lượng « vô tận » và không ô nhiễm này một cách dễ dàng, ít tốn kém ?
Để không ảnh hưởng đến mạng lưới điện của EDF, luật nước Pháp quy định phần đóng góp của hai loại năng lượng tái tạo này không được vượt quá 30% tổng các nguồn năng lượng. Tại Hoa Kỳ, ngưỡng này là 20%. Để tạo ra một nguồn năng lượng ổn định, các nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời đã tính đến việc sử dụng các ắc quy lithium-ion, giống như với các điện thoại di động, hay máy tính cầm tay. Vấn đề là việc sử dụng các ắc quy này khiến giá thành lắp đặt các loại điện tăng lên gấp rưỡi và khả năng cấp điện bị giới hạn bởi thể tích của các ắc quy.
Báo Le Figaro dẫn lại một sáng kiến mới đây của các nhà khoa học Hoa Kỳ, chế ra một loại ắc quy rẻ tiền bằng cách sử dụng một loại phân tử hữu cơ, rất dễ sản xuất. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature đầu năm nay. Anthraquinone là tên của phân tử hữu cơ được sử dụng. Phân tử này trong tương lai có thể được sản xuất dễ dàng từ các sản phẩm nông nghiệp phổ thông, như rhubarbe (một loại thực phẩm chứa nhiều vitamine C).
Theo Patrice Simon, giáo sư đại học Paul-Sabatier, Toulouse, « tiếp cận này hay và có tiềm năng. Đây là lần đầu tiên chất hữu cơ được sử dụng để thay thế cho kim loại trong các ắc quy. (…) Về mặt lý thuyết, một ắc quy như vậy có thể tích và cấp được nhiều MWh, nếu bể chứa có dung tích hàng chục mét khối ».
Tuy nhiên, hiện tại, ắc quy này mới chỉ trong giai đoạn thực nghiệm đầu tiên trên một mô hình tí hon, với các điện cực các-bon 10 cm². Một điểm yếu khác là chất lỏng sử dụng trong thực nghiệm là acide sulfurique, làm ăn mòn các bộ phận bên trong… Hiện tại, nhiều con đường khác đang tiếp tục được thực nghiệm, trong đó tại Pháp, đặc biệt đáng chú ý có Mạng lưới tích trữ năng lượng bằng hóa điện, được thành lập năm 2010, tập hợp 15 đại học và cơ sở nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Quốc gia, và 11 doanh nghiệp.
Theo RFI