Đại lễ Phật Đản LHQ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 7 đến 11 tháng 5/2014.
Courtesy of btgcp.gov.vnNhân dịp đại lễ Phật Đản LHQ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 7 đến 11 tháng 5 này, một lá thư chung được gửi tới các nhà lãnh đạo Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam, nói lên tình hình đàn áp nghiêm trọng đối với Phật giáo.
61 nhân vật quốc tế ký tên dưới lá thư, bao gồm 4 Khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình, Mairead Maguire, Shirin Ebadi, Rigoberta Menchu Tum và Tawakkol Karman, Giám mục thủ đô Prague Vaclav Maly, các Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Frank Wolf, Chris Smith, Loretta Sanchez và Zoe Lofgren, Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu, Edward McMillan-Scott, cùng nhiều Thượng Nghị sĩ và Dân biểu các Quốc hội Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi, Estonia, Pháp, Tây Ban Nha, cũng như đại diện các tổ chức Dân sự tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Miến Điện, Mông Cổ, Đài Loan, Tây Tạng và Nhật Bản, yêu sách trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, người được đề cử Giải Nobel Hoà bình năm nay 2014, và phục hồi Quyền sinh hoạt pháp lý của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Lên án việc đàn áp tôn giáoỶ Lan phỏng vấn bà Katrine Lantos Swett, Chủ tịch Sáng hội Lantos cho Nhân quyền và Công lý, đồng thời là Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới, là một trong những người ký tên vào lá thư trên.
Ỷ Lan : Thưa bà Tiến sĩ Lantos Swett, bà vừa ký chung Lá thư Phật Đản LHQ gửi Chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam với 61 nhân vật trên toàn thế giới. Xin bà cho biết nội dung thư này và điều gì thúc đẩy bà ký tên ?
Katrina Lantos Swett : Tôi nghĩ rằng bức thư này là một tuyên ngôn rất quan trọng biểu tỏ sự quan tâm to lớn của đông đảo những nhà lãnh đạo hăng hái và có tác động trên lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, thách thức với nhà cầm quyền Việt Nam, hiện không nói gì khác hơn thứ ngôn ngữ lập lờ hai mặt. Một mặt thì nhà nước Việt Nam là chủ nhà đón tiếp Đại lễ Phật Đản LHQ. Nhưng cùng lúc ấy thì vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, bị quản chế. Thật là khôi hài. Chúng ta phải thật sự cảnh giác, không để cho chính quyền qua mặt với thứ ngôn ngữ đa ngôn, trưng hình ảnh tốt đẹp cho việc đối ngoại, nhưng đối nội thì ngược lại.
Bà Katrina Lantos Swett tại Hội nghị Tình hình Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng trên thế giới. Photo by Ỷ LanỶ Lan : Là Chủ tịch Sáng hội Lantos cho Nhân quyền và Công lý, nhưng bà cũng là Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới. Trong bản phúc trình năm nay 2014 vừa mới công bố, Uỷ hội đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC là danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo “cần đặc biệt quan tâm”, và bản Phúc trình cũng nêu rõ việc vi phạm tự do tôn giáo đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đây có phải là những vấn đề bà quan tâm tại Uỷ hội ?
Katrina Lantos Swett : Đúng là chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi có nhận thấy một số thay đổi tích cực tại Việt Nam trong thập niên qua và chúng tôi hoan nghênh điều đó. Nhưng chúng tôi tin rằng, trừ phi các thay đổi ấy đặt nền tảng trên sự tôn trọng nhân quyền, và kể cả tự do tôn giáo, thì những thay đổi ấy không thể đạt tiêu chuẩn hay bền vững, và như thế thì chẳng thay đổi gì cho thân phận người dân trong nước. Vì thế chúng tôi cực kỳ lên án sự đàn áp tôn giáo tiếp diễn tại Việt Nam, nhắm trực tiếp vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như các cộng đồng Tin Lành, Công giáo, người Thượng Thiên chúa giáo nơi dân tộc ít người ở Tây nguyên hiện đang bị đối xử tồi tệ — và còn nhiều trường hợp khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây.
Cần sự hợp tác quốc tếỶ Lan : Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong trong vấn đề tự do tôn giáo. Lá thư Phật Đản LHQ gửi chính quyền Việt Nam được mọi giới nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, thuộc các quốc gia và văn hoá khác nhau, cùng ký tên chung. Bà có nghĩ rằng, cá nhân bà, và Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới có nên trở thành một phong trào toàn cầu thay vì giới hạn ở căn cứ Hoa Kỳ mà thôi ?
Katrina Lantos Swett : Đây là điều rất, rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể tự hào rằng chúng tôi là một thứ « đầu tàu » trong việc phác hoạ trên bản đồ mối đặc thù về tự do tôn giáo, rồi biến nó thành một bộ phận cụ thể trong chính sách đối ngoại. Nhưng rõ ràng là, muốn cho thành quả đạt tiêu chuẩn cao thì cần phải có một đường hướng toàn cầu. Chính vì vậy mà tôi nghĩ rằng một tác động vĩ đại đã tập họp rộng lớn những nhà lãnh đạo và cá nhân nổi danh ký chung Lá thư Phật Đản LHQ rất quan trọng để gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam.
Nó cho thấy lá thư trở thành một phong trào quốc tế. Hoa Kỳ không riêng muốn độc diễn. Chúng tôi không muốn đứng một mình trên diễn đàn. Chúng tôi muốn hợp tác, muốn là đối tác với bất cứ ai chia sẻ niềm tin về việc tập trung nỗ lực cho tự do tôn giáo trên mọi địa bàn thế giới. Vì vậy tôi nghĩ rằng Lá thư mà Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tung ra là một Chúc thư vô cùng mạnh mẽ, mà thực tế là đã có sự hậu thuẫn toàn cầu cho tiêu đích nhắn nhủ các quốc gia phải chịu trách nhiệm trong việc cho phép hay cấm đoán công dân họ được hưởng các nhân quyền cơ bản như quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng.
Ỷ Lan : Việt Nam là quốc gia độc đảng, cho thấy sự kềm kẹp tôn giáo rất chặt chẽ, khiến người ta nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sợ hãi sự có mặt của nhiều ý kiến, tín ngưỡng, quan điểm khác nhau. Nếu bà phải đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam bà sẽ nói ra sao?
Katrina Lantos Swett : Tôi sẽ nói rằng, đàn áp tôn giáo là chống lại mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định, khoan dung và thịnh vượng. Gần đây có những điều tra và nghiên cứu đáng kể, cho thấy mối liên hệ tại các quốc gia cung ứng một không gian rộng rãi cho công chúng tự do trao đổi những quan điểm và tín ngưỡng dị biệt trên lĩnh vực tôn giáo, thì kinh tế cũng như hệ thống chính trị ở các xã hội này phát triển tốt đẹp và thành công. Rõ ràng là có vấn đề tại một quốc gia độc đảng như Việt Nam, vì nhân quyền nói chung, và tôn giáo nói riêng, sẽ phát triển hơn bội phần trong một bối cảnh dân chủ. Vì vậy chúng tôi khuyến khích sự thăng tiến dân chủ tại Việt Nam.
Nhưng bằng chứng là đây, và bằng chứng không thể nào chối cãi. Biểu tỏ sự tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng sẽ tăng cường cho xã hội. Dấu hiệu cho sự yếu kém, là khi xã hội lo sợ phải cung cấp một không gian mạnh mẽ, tự do cho khối quần chúng có nhiều niềm tin, viễn cảnh và tín ngưỡng khác nhau, để hành xử đúng đắn và tôn trọng các quan diểm của họ.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Katrine Lantos Swett.
Theo RFA