Người cao tuổi khiêu vũ trên đường phố trong ngày lễ quốc tế cho người cao tuổi ở Sao Paulo, Brazil
GENEVE — Một bản phúc trình mới của Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận thấy mọi người đang sống lâu hơn. Phúc trình về số liệu thống kê thường niên của tổ chức này cho thấy loài người đang sống trung bình 6 năm lâu hơn so với năm 1990.
Phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới nhận thấy các nước có thu nhập thấp đã đạt được tiến bộ nhiều nhất, với tuổi thọ trung bình tăng thêm 9 năm trong thời gian từ 1990 đến 2012.
Giám đốc Hệ thống Thông tin và Thống Kê Y tế của WHO, ông Ties Boerma gán các tiến bộ này với những thành quả đạt được trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ có liên quan đến sức khỏe.
Ông Boerma nói: “Tỷ lệ tử vong nơi trẻ em sụt giảm 47% kể từ năm 1990. Tỷ lệ tử vong khi sinh nở sụt giảm 45% kể từ năm 1990. HIV, lao, sốt rét tất cả đều chứng kiến sự sụt giảm trong số các trường hợp lây nhiễm mới và số tử vong. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nhiều nước sẽ không đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ --- còn rất nhiều biện pháp cần phải thực thi.”
Bản Thống Kê Sức khỏe Thế giới năm 2014 thực hiện thăm dò ở 194 nước. Các số liệu cho thấy phụ nữ trên toàn thế giới sống lâu hơn nam giới và vẫn còn khoảng cách biệt về tuổi thọ giữa các nước giàu và các nước nghèo. Thống kê nói việc bớt sử dụng thuốc lá là một yếu tố chủ chốt trong việc giúp nguời ta sống lâu hơn ở nhiều nước.
6 nước hàng đầu với tuổi thọ từ lúc sinh đã gia tăng nhiều nhất là Liberia, Ethiopia, Maldives, Campuchia, Timor-Leste và Rwanda.
Bản phúc trình viện dẫn Iceland là nước hàng đầu về tuổi thọ nơi nam giới, ở mức trên 81. Nhật Bản đứng đầu về tuổi thọ của nữ giới, sống tới 87 tuổi. Ở cuối thang điểm, bản phúc trình nhận thấy tuổi thọ ở cả nam lẫn nữ giới vẫn còn dưới 55 ở 9 quốc gia phía nam sa mạc Sahara.
Các nguyên do hàng đầu gây giảm thọ là bệnh tim do thiếu máu, sưng phổi, đột quỵ, tiếp theo là những biến chứng do sinh non, các bệnh gây tiêu chảy và HIV/AIDS. Bản phúc trình nói các bệnh lây nhiễm và các điều kiện có liên quan là những nguyên do chính của hơn 70% trường hợp chết yểu ở 22 nước Phi châu.
Trong khi đó, bản phúc trình nhận thấy các bệnh không lây nhiễm và các thương tích chiếm hơn 90% những vụ tử vong ở 47 quốc gia có thu nhập cao.
Bác sĩ Boerma nói với đài VOA rằng tiến bộ vượt bực đã đạt được ở các nước nơi giới lãnh đạo chính quyền vững mạnh thúc đẩy các dịch vụ y tế và sức khỏe.
Bác sĩ Boerma nói: “Tuy nhiên một bài học là nếu tình hình chính trị bất ổn được giải quyết, chúng ta thấy ở nhiều nước có sự bắt kịp đà tiến bộ thật nhanh. Các thí dụ là Liberia, hiện đang là nước có tiến bộ nhanh nhất, Rwanda, và cả Kampuchea nữa.”
Bác sĩ Boerma nêu ra rằng những tập tục như chăm sóc sinh nở tốt cho phụ nữ, kế hoạch hóa gia đình và chủng ngừa góp phần vào tiến bộ.
Theo VOA