Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc
những tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, người nhạc sĩ Trần Chí Phúc có tâm huyết với quê hương, xứ sở đã thao thức với thời cuộc và viết lên những ca khúc để góp một tiếng nói yêu nước, động viên tinh thần những ngư dân bám biển và những người lính hải quân bảo vệ biển đảo Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc hiện đang cư ngụ ở San Jose, California sau một thời gian định cư ở Canada. Ông viết nhạc từ 1979, đã sáng tác trên dưới 60 nhạc phẩm với nhiều thể loại: tình cảm, quê hương, xã hội, tranh đấu ...
Vũ Hoàng: Cám ơn nhạc sĩ Trần Chí Phúc dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện đặc biệt ngày hôm nay, thưa ông, lúc nào ông bắt đầu xuất hiện ý tưởng viết về những bài hát biển đảo Việt Nam ạ?
N.S Trần Chí Phúc: Thưa anh Vũ Hoàng, Trần Chí Phúc thao thức về vấn đề quê hương, nhất là vấn đề biển đảo rất quan trọng đối với đất nước. Bài hát viết về biển đảo đầu tiên là 2007 khi có khoảng 200 học sinh, sinh viên biểu tình chống Trung Quốc về Hoàng Sa – Trường Sa khi họ thành lập huyện Tam Sa. Tôi đã rất xúc động và làm bài “Hoàng Sa – Trường Sa, quần đảo quê ta,” bài này tôi làm ngắn thôi, mình tưởng tượng ra hình ảnh những anh em thanh niên họ biểu tình trên đường phố… Tôi ôm đàn guitar, thu âm và tôi bỏ lên trên mạng và được nhiều người hưởng ứng, đó là bài hát đầu tiên về Hoàng Sa – Trường Sa. Bài tôi làm kế tiếp là bài “Nếu tổ quốc mai này không còn biển,” tình cờ tôi đọc một bài thơ trong nước với tựa đề “Nếu tổ quốc mai này không còn biển” với những lời thơ hay, điều đặc biệt là tôi ôm cây đàn guitar và tôi phổ bài thơ này chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ thôi. Điều đặc biệt là tôi giữ nguyên tất cả lời thơ, rồi tôi đến phòng thu của một người bạn, ôm đàn guitar và hát lấy, rồi bỏ lên mạng. Tôi cũng đã thỏa mãn được phần nào thao thức của mình đối với biển đảo quê hương.
Vũ Hoàng: Được biết, ngoài ra ông còn phổ một bài thơ về biển Việt Nam khá nổi tiếng mà đã từng được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ là bài “Biển Một Bên và Em Một Bên” và một bài hát dành riêng cho những ngư dân bám biển, ông có thể chia sẻ thêm về điều này được không ạ?
N.S Trần Chí Phúc: Nói về bài phổ thơ “Biển Một Bên và Em Một Bên,” vì Trần Chí Phúc ở bên này, mình đâu có tiếp cận được với quê hương, biển đảo, mình chỉ nhớ lại trong ký ức của mình. Mình quê ở Tuy Hòa, miền Trung, nên mình cũng phải đi tìm trên mạng những bài thơ về biển đảo. Thực sự về biển thì có rất nhiều như Vịnh Hạ Long của Cù Huy Cận nhưng rất êm đềm, sau đó, tôi tìm thấy bài “Biển Một Bên và Em Một Bên” khi một người lính hải quân từ giã người yêu, lên đường nhận nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, trong đó có một câu là “Ngày mai ta sẽ không còn biển” tôi đọc câu đó, tôi rất xúc động và đã phổ bài thơ này. Mặc dù bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ rồi, nhưng mình vẫn có thể phổ lại được, cảm nhận bài thơ này… tôi chế thêm ra “ngày mai anh ra đi, ngày mai anh ra khơi…” nhưng câu tôi thích nhất là “ngày mai có thể không còn biển.” Khi tôi phổ bài này, tôi hát và cũng thu băng và gửi bạn bè nghe.
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đang sáng tác. (Việt Báo)
Riêng bài “Ngư Dân Bám Biển” những hình ảnh của ngư dân miền Trung, tức là ở đảo Lý Sơn, họ hay bị cường đồ biển Đông uy hiếp, tôi nghĩ tôi phải làm bài này. Thú thực, khi làm bài này, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều, bởi những người nhạc sĩ đàn anh của mình đã có bao nhiêu bài, thí dụ: Phạm Đình Chương đã có “Tiếng Dân Chài” hay Phạm Duy đã có những bài về biển, về mẹ Việt Nam đó hoặc những bài thơ của Tế Hanh viết về xóm làm nghề chài lưới… Mình phải đọc để có cảm giác về biển thấm vào trong người mình bởi những bài đó không có liên quan đến hoàn cảnh bây giờ… Trong một lần lái xe từ quận Cam về San Jose, tôi đã làm bài hát này, mở đầu tôi diễn tả bãi biển miền Trung với hàng dừa, với tiếng ru của mẹ hiền, sau đó mới là hình ảnh của những người ngư dân
khi thuyền chài về với tôm cá đầy ghe rất vui. Thế nhưng, đoạn giữa là “cường đồ biển Đông hung ác, tàu lạ từ nơi phương Bắc bắn giết ngư dân tan thuyền chài” đoạn này tôi làm tôi rất hài lòng vì nó mạnh mẽ và nói lên được bản chất của sự việc là cường đồ biển Đông hung ác.
Vũ Hoàng: Với tình hình tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng như vậy, không biết thời gian sắp tới, kế hoạch sáng tác về chủ đề này của nhạc sĩ Trần Chí Phúc sẽ như thế nào ạ?
N.S Trần Chí Phúc: Tôi còn 3-4 bài về biển nữa, nhưng mình cần phải có những giọng hát hay để phổ biến những sáng tác của mình, nếu Trần Chí Phúc mà cứ ôm đàn hát hoài thì cũng nhàm, đó là một những điều mà tôi còn chần chờ. Thứ hai, là tôi hiện cũng tốn thời giờ để chuẩn bị làm một đêm nhạc Trần Chí Phúc khoảng 10 bài về Biển Đảo và bauxite núi rừng Tây Nguyên. Thú thực, ở San Jose tôi chưa tìm được những giọng ca tôi ưng ý. Tôi chỉ muốn làm một đêm nhạc miễn phí cho đồng bào thôi.
Vũ Hoàng: Nhạc sĩ Trần Chí Phúc có thêm điều gì muốn chia sẻ tới thính giả khắp nơi trước khi cuộc trò chuyện này kết thúc không ạ?
N.S Trần Chí Phúc: Thưa anh Vũ Hoàng và thưa quý thính giả, tôi cũng muốn nhắc tới một bài mà tôi rất ưng ý là bài ưng ý Ngụy Văn Thà – Lời Thề Chiếm Đảo Hoàng Sa, bài này nhắc tới chuyện đảo Hoàng Sa bị mất vào năm 1974 và đúng 40 năm sau, hậu quả của nó là Trung Quốc đã đặt giàn khoan lên. Với tình hình sôi động như thế này, tôi cũng cám ơn Vũ Hoàng đã cho tôi những giây phút được tâm tình về những ca khúc biển đảo và hi vọng rằng việc làm của Vũ Hoàng giúp Trần Chí Phúc phổ biến thì cũng là giúp các anh em nhạc sĩ khác có cảm hứng để viết nên những ca khúc về biển đảo để hỗ trợ cho tinh thần của toàn dân Việt Nam xâm lăng biển đảo của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn nhạc sĩ Trần Chí Phúc rất nhiều.
Theo RFA