Hiện tượng kháng kháng sinh (antibioresistance) xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng vẫn tồn tại và sinh sản ra những thế hệ con cháu không có tính cảm ứng (sensible) với một hay nhiều loại thuốc kháng sinh (đa kháng sinh) nào đó.
Tháng 12/2013, cơ quan FDA Hoa Kỳ có phổ biến thông tư đến kỹ nghệ chăn nuôi và giới thú y yêu cầu họ xét lại việc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi ngõ hầu giảm bớt được phần nào hiện tượng kháng kháng sinh ở người.
Cuối tháng 4/2014, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (LHQ) đã cảnh báo về hiểm họa thuốc kháng sinh dùng từ nhiều thập niên qua để chữa trị dễ dàng các bệnh cảm nhiễm thông thường nhưng nay thì chúng không còn hiệu lực nữa. Đó là hiện tượng kháng kháng sinh.
LHQ cho biết việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính làm các chủng vi khuẩn kháng thuốc lan tràn trên khăp thế giới.
Đây không phải là một dự đoán mà là một hiểm họa thật sự tại mỗi vùng của thế giới.
Đó là trường hợp các thuốc kháng sinh dùng để trị:
- nhiễm trùng huyết (septicémie)
- tiêu chảy
- viêm phổi
- viêm đường tiết niệu (infection urinaire)
- lậu mủ (gonorrhée)
Không ít thuốc kháng sinh từ trước tới giờ được xem là những vị thuốc cứu tinh của biết bao bệnh tật, nhưng ngày nay chúng đã tỏ ra là không còn công hiệu trong việc chữa trị nữa!
Kho tàng thuốc kháng sinh càng ngày càng trở nên hạn hẹp và khan hiếm hơn trước rất nhiều!
Mỗi năm tại Hoa Kỳ, có ít nhất 2 triệu người bị nhiễm các loại vi khuẩn kháng kháng sinh, và trong số nầy có ít nhất 23000 tử vong. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh nhân chết vì biến chứng gây ra bởi vấn đề cảm nhiễm do hiện tượng kháng thuốc.
(Theo Threat Report 2013,
http://www.cdc.gov/drugresistance/threat- report- 2013)
Sự xuất hiện của siêu khuẩn chứa gène NDM-1
Vào cuối năm 2009, một vi khuẩn mới có chứa gène NDM-1 được thấy xuất hiện ở Ấn Độ. Người ta gọi đó là siêu khuẩn (superbug).
Các nhà khoa học đã phát hiện lần đầu tiên tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 12/2009 loại vi khuẩn đường ruột E.coli có mang gène tạo ra enzyme NDM-1 (là code DNA của New Delhi metallo-beta-lactamase 1).
Đó là siêu khuẩn đa kháng sinh hay superbug, vì chúng có khả năng đề kháng với rất nhiều loại thuốc kháng sinh kể cả với loại kháng sinh có phổ rộng cực mạnh nhóm carbapenems (nhóm nầy dành để sử dụng trong trường hợp các loại kháng sinh thông thường không còn tác dụng được nữa).
Các thuốc sau đây nằm trong nhóm carbapenems: Meropenem, Ertapenem, Doripenem, Panipenem/Betamipron và Razupenem (PZ 601).
Điều nguy hiểm nhất là gène NDM-1 có thể nhảy từ một chủng loại vi khuẩn nầy sang lây nhiễm một chủng loại vi khuẩn khác và do đó tạo cho chúng tính kháng thuốc.
Theo các nhà khoa học Anh quốc, thì các trường hợp xuất hiện vi khuẩn có mang gène NDM-1 đều có liên hệ đến việc sử dụng bừa bãi các loại kháng sinh hậu giải phẫu, thí dụ như giải phẫu thẩm mỹ, ghép bộ phận, cancer, v.v…, tại các bệnh viện Ấn Độ và Pakistan.
Tính đến trung tuần tháng 8/2010, đã có trên 37 ca được phát hiện tại Anh quốc, Canada có 4 ca, sau đó là USA, Australia, Hòa Lan, và Pháp… Tất cả đều đến từ các bệnh nhân đã từng được điều trị tại Ấn Độ và Pakistan trong thời gian trước đó.
NDM-1 sau đó đã lây sang cho những bệnh nhân khác tại các quốc gia kể trên.
Hai loại vi khuẩn thường thấy có chứa gène NDM-1 nằm trong nhóm vi khuẩn đường ruột thuộc họ Enterobacteriaceae. Đó là vi khuẩn E.coli và một loại vi khuẩn gây viêm phổi có tên là Klebsiella pneumoniae. Hai loại vi khuẩn nầy đều có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu và tạo nên tình trạng nhiễm trùng huyết ở bệnh nhân.
Hiện nay mối ưu tư chính của các nhà khoa học Âu Mỹ là phải gấp rút tìm cho ra một loại kháng sinh khả dĩ có thể thật sự trị được superbug NDM-1 trước khi nó trở thành một hiểm họa chung cho cả nhân loại.
Trong khi chờ đợi, các bác sĩ đã cho áp dụng lối trị liệu bằng cách phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh với nhau, nhưng đôi khi cũng không mấy hiệu quả.
Và chỉ còn việc áp dụng thêm các biện pháp vệ sinh thông thường tại các bệnh viện, thí dụ như cách ly bệnh nhân, rửa tay thường xuyên, tẩy trùng, tẩy uế dụng cụ, v.v…
Xét nghiệm một số thịt được bán tại một số siêu thị trong 5 thành phố Hoa Kỳ cho thấy hết 47% mẫu thịt đã bị nhiễm vi khuẩn staphilococcus aureus, 96% mẫu có biểu lộ đề kháng với một loại thuốc kháng sinh và 52% biểu lộ đa kháng (multi drug resistant).
Tại sao hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra?
Có rất nhiều nguyên nhân, thí dụ như sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng cách, không tôn trọng liều lượng và thời gian trị liệu, cũng như không chịu uống cho thật hết số thuốc như bác sĩ đã kê ra trong toa.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi thú y, canh nông và ngư nghiệp cũng dự phần không nhỏ trong sự hình thành hiện tượng kháng kháng sinh ở người.
Cuối cùng là vấn đề dùng các chất diệt khuẩn (nettoyant antibactérien) để chùi rửa quá thường xuyên, không đúng chỉ dẫn cũng có thể giúp sinh sản ra những dòng vi khuẩn có tính kháng thuốc!
Y, nha, dược, thú y sĩ và bệnh nhân đều có trách nhiệm trong vấn đề kháng kháng sinh nầy!
Tại sao vi khuẩn kháng được thuốc?
Hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra theo một trong những cơ chế sau đây:
1- Làm thay đổi mục tiêu tác động (site d’action) của thuốc trên vi khuẩn hay là làm thay đổi protéine trên vi khuẩn mà thuốc Pénicilline sẽ bám vào để tác động (Thí dụ: thuốc kháng sinh Pénicilline đối với vi khuẩn Streptococcus pneumoniae).
2- Vô hiệu hóa thuốc bằng enzyme bêta lactamase (Thí dụ: thuốc Penicilline đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus).
3- Làm giảm độ thẩm thấu của màng tế bào vi khuẩn nên thuốc không tác động được (Thí dụ: thuốc kháng sinh Gentamycine đối với vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa).
Một số vi khuẩn kháng thuốc tại Canada
+ Staphylococcus aureus kháng Methicilline;
+ Enterococcus kháng Vancomycine;
+ Klebsiella pneumoniae / bêta lactamase à spectre étendu (BLSE) résistants;
+ Eschericia coli / BLSE résistants;
+ Salmonella;
+ Shigella;
+ Gonocoques kháng Fluoroquinolone;
+ Streptococcus pneumoniae résistant à la Pénicilline (SPRP);
+ Tuberculose résistant à l’Isoniazide et à la Rifambine.
Sự sang nhượng tính kháng thuốc: hiện tượng đáng ngại (transfert de résistance)
Có bằng chứng cho thấy vi khuẩn mang tính kháng thuốc có thể vượt hàng rào chủng loại (barrière d’espèce) để truyền tính nầy sang cho những vi khuẩn của một chủng loại khác, thí dụ như vi khuẩn gốc ở thú vật truyền tính đề kháng sang cho vi khuẩn gốc ở người chẳng hạn.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm là đa số thuốc kháng sinh dùng trong thú y đều có cùng một cơ cấu hóa học như những thuốc đồng loại dùng ở người.
Bởi lý do nầy, cho nên khi một vi khuẩn đề kháng với một loại thuốc bên thú y thì nó cũng có thể đồng thời đề kháng với các loại thuốc cùng nhóm bên người!
Thuốc kháng sinh nhìn từ phía y khoa
Năm 1954, Hoa Kỳ chỉ sản xuất có 2 triệu cân thuốc kháng sinh. Ngày nay, số sản xuất đã tăng vọt lên trên 50 triệu cân trong năm!
Theo The Centers for Disease Control & Prevention (CDC) ở Hoa Kỳ, có thể nói là có trên 50% toa kháng sinh do bác sĩ kê ra cho bệnh nhân để chữa trị những bệnh thông thường do virus như ho hen cảm cúm, v.v… đều không cần thiết và không xác đáng!
Và được biết thuốc kháng sinh chỉ có công hiệu để trị những bệnh cảm nhiễm do vi khuẩn gây ra mà thôi.
Cơ quan Health Canada cũng đưa ra một nhận định tương tợ như trên.
Ngày nay, một số lớn vi khuẩn không còn cảm ứng với các loại thuốc kháng sinh cũ thường được sử dụng từ trước tới nay nữa.
Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, tác nhân của viêm phổi và viêm màng não đã không còn cảm ứng với Pénicilline và một số thuốc khác!
Vancomycine là kháng sinh đặc trị vi khuẩn Staphylococcus aureus, giờ thì nó không còn hữu hiệu nữa!
Các vi khuẩn như Enterococcus faecalis, Mycobacterium tuberculosis, Pseudomonas aeruginosa đều đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh.
Tử vong của bệnh lao phổi trước đây đã giảm thiểu ở các quốc gia Tây phương, nay có khuynh hướng gia tăng trở lại!
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các chủng vi khuẩn gây bệnh lậu mủ (gonorrhea) gốc Á Châu và Phi Châu, ngày nay đã thấy xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới.
Tình trạng nhiễm trùng hậu giải phẫu tại các bệnh viện Canada là một vấn đề thật đáng ngại, trong đó nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus là một trong nhiều loại vi khuẩn thường gặp nhất.
Gần đây, Clostridium difficile, vi khuẩn gây viêm ruột xảy ra trong các bệnh viện, cũng có mòi gia tăng lên nhiều.
Thuốc kháng sinh nhìn từ phía thú y
Thuốc kháng sinh được dùng để phòng và trị bệnh gia súc, nhưng phần lớn trên 90% thuốc được sử dụng như những chất kích thích tăng trưởng (growth promoting) trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Thuốc kháng sinh được trộn vào thức ăn hỗn hợp với những nồng độ thật thấp (sous thérapeutique) để giúp thú mau lớn và tăng trọng nhanh.
Kỹ nghệ nuôi cá salmon vùng ven biển Vancouver (Canada) cũng áp dụng phương pháp nầy.
Việc sử dụng quá bừa bãi thuốc kháng sinh từ mấy chục năm nay đã làm phát sinh ra rất nhiều chủng vi khuẩn mang tính kháng thuốc.
Vi khuẩn Salmonella đã đề kháng cùng một lúc với nhiều thuốc như: Ampicilline, Chloramphenicol, Streptomycine và Tétracycline.
Vào cuối thập niên 1990, tại Anh quốc, vi khuẩn Salmonella typhimurium DT 104 đã hoành hành dữ dội trong chăn nuôi. Một thời gian sau đó, người ta đã phát hiện những vi khuẩn nầy ở người và điều tai hại nhất là chúng đã đề kháng với nhiều loại thuốc kể cả với thuốc Trimethoprim sulfa và Fluoroquinolone…
Năm 1985, tại California (Hoa Kỳ), trên 1000 người đã ngã bệnh vì ăn phải hamburger bị nhiễm khuẩn Salmonella newport đề kháng với nhiều loại thuốc.
Ngày nay, các vi khuẩn thông thường của đường ruột như Entérobacter, Campylobacter và E.coli 0157:H7 (bệnh Hamburger) cũng đã đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh!
Ăn thịt chứa chất tồn dư kháng sinh có hại không?
Câu hỏi nầy thường được mọi người nêu ra.
Trên lý thuyết, chúng ta nên tránh dùng thịt có chứa chất tồn dư (résidu) kháng sinh. Nhưng thực tế rất khó thực hiện, ngoại trừ trường hợp tự mình nuôi lấy súc vật… để ăn thịt.
Thịt có tồn dư kháng sinh có thể gây hại cho sức khỏe như:
- Gây dị ứng. Thí dụ Penicilline sẽ chuyển thành acide Pénicilline là một chất dị ứng (allergène), tuy nhiên cũng rất hiếm thấy xảy ra.
- Tạo ra những chủng vi khuẩn mang tính kháng kháng sinh sau nầy.
- Một vài loại thuốc kháng sinh trong chăn nuôi bị nghi ngờ là có thể gây ung thư (carcinogène). Thuốc kháng sinh Carbadox (Mecadox) thường được sử dụng để trị tiêu chảy ở heo con và cũng đồng thời giúp chúng không bị mất sức giảm cân trong lúc lẻ bầy (lúc đem nuôi riêng trong chuồng heo thịt).
Thuốc cho thấy gây ung thư ở chuột trong phòng thí nghiệm, bởi vậy để ngừa nguy cơ nầy ở người dùng thịt heo, thời gian ngưng thuốc Carbadox trước khi gởi heo đi hạ thịt phải trên 42 ngày để thịt không còn chứa chất tồn dư.
Một số quốc gia như Anh và Úc Châu đã cấm sử dụng Carbadox.
Bộ Y tế Canada sau đó cũng ra quyết định cấm bán Carbadox.
Phải chăng tất cả vi khuẩn đều có hại?
Thật ra không phải vi khuẩn nào cũng đều có hại cả. Có loại vi khuẩn hiền sống trong ruột và trên da của chúng ta. Chỉ có những loại vi khuẩn xấu mới làm chúng ta bệnh.
Khoa học gọi chúng là những pathogènes.
Khi chúng ta sử dụng các chất diệt khuẩn để chùi rửa, tất cả những vi khuẩn tốt lẫn vi khuẩn xấu sống trên da đều bị diệt hết. Nếu chỉ dùng savon loại thường để rửa thì vi khuẩn tốt không hề hấn gì, nhưng ngược lại vi khuẩn xấu sẽ dễ dàng bị loại đi.
Vậy tốt nhất là nên xài savon loại thường và tránh dùng các loại savon diệt khuẩn (savon antibactérien).
Đây cũng là một trong nhiều cách để ngăn chặn phần nào sự xuất hiện của những vi khuẩn kháng thuốc!
Ít sử dụng kháng sinh, thì khỏi phải sợ hiện tượng kháng thuốc?
Vấn đề ở đây không phải là bệnh nhân kháng thuốc, nhưng chính vi khuẩn mới thật sự là đối tượng kháng thuốc.
Vi khuẩn kháng một loại thuốc nào đó khi chất nầy không đủ sức để diệt được nó nữa. Vi khuẩn mang sẵn tính kháng thuốc có thể nhiễm vào môi sinh, vào nguồn nước, cũng như vào bất cứ loại thức ăn thức uống nào đó.
Vấn đề thịt chứa chất tồn dư kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Luật Thú y Canada đã quy định rõ rệt thời gian bắt buộc phải ngưng chữa trị súc vật (période de retrait, withdrawal period) bằng kháng sinh truớc khi gởi đến nhà máy hạ thịt.
Thời gian này dài hay ngắn tùy theo loại thuốc sử dụng. Test thử nghiệm (Cast test, Stop test, DSSP) sự hiện diện của chất tồn dư kháng sinh trong thịt vẫn thường được thực hiện thường xuyên tại lò sát sinh.
Người ăn chay, không ăn thịt thì khỏi phải lo hiện tượng kháng thuốc?
Điều nầy sai!
Các loại vi khuẩn gây bệnh mang sẵn tính kháng thuốc có thể đã hiện diện trong rau cải hoa quả rồi.
Phân súc vật là nguồn lây nhiễm chính!
Nấu thịt cho thật chín thì sẽ loại được vi khuẩn mang tính kháng thuốc?
Không hoàn toàn đúng như vậy!
Sự nấu chín không đồng nghĩa với sự tiệt trùng (stérilisation). Một số vi khuẩn sống sót vẫn có thể làm hại ta như thường.
Bên cạnh vấn đề vi khuẩn, thịt cũng có thể chứa các chất tồn dư (résidus) kháng sinh nữa.
Toa thuốc ghi rõ uống 4 viên kháng sinh một ngày, nhưng tôi chỉ uống 2 viên?
Không nên!
Cần phải tôn trọng liều lượng và thời gian trị liệu. Khoảng cách giữa các liều uống có mục đích bảo đảm trong máu lúc nào cũng phải có một nồng độ thuốc cần thiết. Sư kiện không tôn trọng liều lượng sẽ làm việc trị liệu không có kết quả và có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sau nầy.
Bệnh nhân cần phải uống cho đúng liều, đúng cách và uống liên tục cho đến khi hết thuốc theo như toa đã được kê ra.
Đây là điều tối quan trọng để bảo vệ sức khỏe không những cho riêng cá nhân mình mà còn cho những người trong gia đình và… cho cả súc vật nuôi trong nhà nữa!
Thuốc kháng sinh còn dư có thể để dành để sử dụng sau nầy, hoặc cho người khác?
Không nên!
Điều quan trọng là phải uống thuốc như toa đã ghi mới có thể hết bệnh được. Uống không hết thuốc, một số vi khuẩn vẫn có thể còn sống sót và trở nên kháng thuốc sau nầy. Bệnh trạng mỗi người mỗi khác. Mỗi loại kháng sinh đều có chỉ định đặc biệt để trị một hay nhiều loại vi khuẩn nào đó. Đem thuốc dư của mình cho người khác là không đúng.
Thuốc dư, thuốc cũ quá thời hạn sử dụng không nên vứt bỏ vào thùng rác, lavabo hay vào toilette vì chúng có thể làm ô nhiễm nguồn nước và có thể làm xuất hiện tính kháng thuốc ở một số vi khuẩn sống trong môi sinh.
Tại Canada, cách tốt nhất là đem thuốc cũ đến các dược phòng để nhờ họ gởi đi hủy bỏ một cách an toàn.
Không nên lo sợ tình trạng kháng kháng sinh vì có rất nhiều loại thuốc trên thị trường?
Điều nầy không hoàn toàn đúng.
Bởi vậy mới có cảnh báo của Liên Hiệp Quốc.
Các loại vi khuẩn gây bệnh không những chỉ đề kháng với một thứ kháng sinh mà còn có thể kháng cùng một lúc với nhiều loại thuốc khác nhau.
Do đó số thuốc kháng sinh trong kho tàng trị liệu sẽ trở nên khan hiếm và sẽ đắt tiền hơn.
Hiện tượng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Một khảo cứu về hiện tượng kháng kháng sinh trong việc chữa trị bệnh tiêu chảy tại Hà Nội (1996- 99) đăng tải ở www.pasteurinternational đã cho biết tình trạng kháng kháng sinh trầm trọng tại Việt Nam:
- Ít khi thực hiện kháng sinh đồ antibiogramme. Đa số bác sĩ thường dùng kháng sinh theo lối suy đoán (présomptive)
- 77% vi khuẩn kháng Ampicilline, 64% kháng Chloramphénicol, 78% lờn thuốc Triméthoprime –Sulfaméthazole (STX), Tétracycline đối với vi khuẩn E.coli ETEC, kháng Ciprofloxacine đối với vi khuẩn Campylobacter – hiện tượng vi khuẩn kháng đa thuốc (multirésistance) cũng được ghi nhận.
(Theo Résistance aux antibiotiques de bactéries entéropathogènes à l’origine de diarrhées)
Nhân vụ bệnh sởi bộc phát tại Việt Nam: vai trò của kháng sinh trong trị liệu
Bệnh sởi do loại virus chi Morbillivirus và thuộc họ Paramyxoviridae gây ra.
“… Theo báo trong nước, tính từ đầu năm đến nay đã có 3.930 trường hợp mắc sởi được xác định trong số 13.580 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh và thành phố. Số tử vong là 25 bệnh nhân. Các bệnh viện dành cho trẻ em ở Hà nội đều “quá tải”, vì bệnh nhân “vượt tuyến”, đổ xô về bệnh viện lớn, không tin tưởng điều trị ở các bệnh viện gọi là “tuyến đầu”, gây ra tình trạng “nhiễm chòng chéo” phổi, não, cho nên tử vong cao, rất thương tâm.
Về điều trị, cũng như các bệnh khác do virus gây ra, không có thuốc đặc trị bệnh sởi và kháng sinh đều không có tác dụng. Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm trùng chéo như bị bội nhiễm phổi với các loại vi khuẩn (bacteria).” (Ngưng trích, Bs Nguyễn Ý Đức, Bệnh Sởi – Khoahoc.net).
Về mặt thú y, một thí nghiệm tại Đại Hàn cho biết virus bệnh sởi có thể truyền lây từ người và giết hại loài khỉ Japanese Macaques.
Theo Đại học ULCA, bệnh sởi là một zoonose, nghĩa là virus paramyxovirus có thể truyền từ người qua khỉ và ngược lại.
Khỉ được dùng làm model trong các khảo cứu về thuốc chủng ngừa bệnh sởi.
Kết luận
Hiện tượng kháng kháng sinh là một hiểm họa chung của nhân loại. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề nầy một cách đơn thuần cục bộ được, mà phải tìm một giải pháp chung cho cả thế giới.
Mọi người đều nhìn nhận là cần nên áp dụng các biện pháp như giáo dục dân chúng, ban hành những luật lệ gắt gao để kiểm soát việc sử dụng và lưu hành thuốc kháng sinh, canh tân hóa các bệnh viện, mở mang chuồng trại cùng cải tiến kỹ thuật chăn nuôi để giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh trong việc phòng chống bệnh tật.
Nhưng có lẽ tất cả những điều vừa kể trên đều chỉ là… ảo tưởng, nếu không có một quyết tâm chính trị thật sự mạnh mẽ đi kèm!
Với sự xuất hiện của siêu khuẩn có chứa gène NDM-1, người ta tự hỏi tương lai nhân loại rồi đây sẽ ra sao?
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, May 2014
————————-
Tài liệu tham khảo
L’antibiorésistance, une menace qui guette le monde, selon l’OMS- Radio Canada.ca, mercredi 30 avril 2014
http://ici.radio- canada.ca/nouvelles/sante/2014/04/30/001- oms- resistance- antibiotiques.shtml
*Agence de la Santé publique du Canada – La résistance aux antimicrobiens- une responsabilité partagée
http://www.phac- aspc.gc.ca/cphorsphc- respcacsp/2013/resistance- fra.php
*- George G. Khachatourians, Agricultural Use of Antibiotics and Evolution and Transfer of Antibiotic Resistant Bacteria. CMAJ Nov. 1998.
http://www.cmaj.ca/content/159/9/1129.full.pdf*- Stuart B.Levy. The Challenge of Antibiotic Resistance.
http://www.chiro.org/LIN...ibiotic_Resistance.shtml*- Q&A: NDM- 1 superbugs. BBC NEWS Health
http://www.bbc.co.uk/news/health- 10930031
Maryn McKenna – Antibiotics and Antibiotic- Resistant Bacteria in Meat: Not Getting Better 02/9/13
http://www.wired.com/wiredscience/2013/02/narms- adufa- 2011/
* New superbugs emerge from U.K, Asia, Canada…
http://www.cbc.ca/health/story/2010/08/11/uk- lancet- new- superbug.html#socialcomments
*- Emergence of a new antibiotic resistance mechanism in India, Pakistan and the UK: a molecular biological and epidemiological study. The Lancet, Vol 10, issue 9, pages 597- 602 Sept 2010
http://www.thelancet.com...laninf/article/PIIS1473- 3099(10)70143- 2/abstract
*Surveillance des résistances aux antibiotiques de bactéries entéropathogènes à l’origine de diarrhées.
http://www.pasteur- international.org/FSP/projet1.html
- Saving Antibiotics What You Need to Know About Antibiotics Abuse on Farms
http://www.nrdc.org/food/saving- antibiotics.asp