Nếu đã từng đến nhiều thành phố lớn hoa lệ của thế giới, người ta sẽ dễ dàng nhận ra một điều: thường ngay sau những tòa nhà chọc trời hiện đại là nơi giới giàu có lui tới: ngân hàng, khách sạn, tiệm ăn, là những con đường, những hẻm tối của một khu vực không mấy an toàn, có thể là nơi dân vô gia cư tạm nương náu. Rác và sự nghèo đói, trong cái bóng đằng sau vẻ rực rỡ tiền của.
Đây cũng là thực trạng hàng ngày trên khắp thế giới. Những bề mặt tươi sáng, thậm chí lộng lẫy luôn che phía sau mình những bóng tối u ám. Nước Mỹ đã nhiều năm là ước mơ của nhiều quốc gia chưa hoặc đang phát triển, cũng là nước sản xuất vũ khí và chiến tranh hàng đầu thế giới. Không chỉ riêng nước Mỹ, bất cứ quốc gia nào có thể làm thế cũng làm như thế. Từ thời hồng hoang cho đến nay, từ tổ chức bộ lạc, lãnh chúa, đến quân chủ, dân chủ, tư bản, xã hội chủ nghĩa… của cải và quyền lực luôn đi sau bạo lực và giết chóc. Người Do Thái phải lang thang vô tổ quốc hàng nghìn năm, khi về đất tổ cũng chẳng ngại thẳng tay dành dật chèn ép dân tộc chia cùng phần đất với mình.
Ở bất cứ nơi đâu, bạo lực luôn rình rập bộc phát. Tranh đua, cướp đoạt, và bảo vệ, giữ gìn, cả hai phía đều dẫn đến bạo lực. Lý lẽ, luận cứ lúc nào cũng có sẵn, đến mức dư thừa. Gia đình, sắc tộc, tổ quốc, danh dự, tôn giáo, tự do, pháp luật, nghĩa vụ… Những từ ngữ, những tình cảm, những lý tưởng cao đẹp lót đường cho con người đến khả năng diệt trừ một sự sống, và vũ khí hiện đại biến chuyện ấy thành dễ dàng và nhanh chóng.
Thế nên sau những vụ thảm sát nhiều tử vong ở Mỹ trong mấy năm qua, Thống Đốc Nathan Deal của tiểu bang Gerogia đã ký dự luật cho phép thường dân có giấy phép mang súng vào những nơi công cộng như quán rượu, trường học và nhà thờ. Người chống nói rằng đấy là luật “ở đâu cũng có súng,” kẻ ủng hộ nói rằng nó phục hồi ý nghĩa thực sự của Tu Chính Án Thứ 2 của Mỹ. Luật này theo đúng tinh thần lời khuyên của NRA (Hiệp HỘI SÚNG Mỹ) sau vụ thảm sát ở Newtown, Connectinut với cái chết của 20 trẻ em và 6 người lớn, rằng muốn ngăn ngừa một Newtown thứ nhì thì nhà trường cần nhân viên bảo vệ mang súng.
Bạo động và thương vong có thể bùng nổ bất cứ lúc nào ở miền đông Ukraine, nơi cả hai phe chính phủ và thân Nga để có vũ khí, cộng thêm quân đội Nga ngay bên kia biên giới, và Liên Hiệp Châu Âu cùng Mỹ đang do dự tính toán. Bên nào cũng có những lý luận lọt tai, ngay cả con sói Nga đã nuốt trọn vùng Crimea vẫn còn đang liếm mép muốn thêm mồi.
Tuy thế, Ukraine còn có khả năng thoát khỏi bờ vực xương máu, còn với Nam Sudan thì tình thế đã quá muộn. Cũng là một quốc gia chia rẽ, bạo lực ở Nam Sudan dường như không cần đến thế lực bên ngoài thôi thúc. Một nỗ lực diệt chủng đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử loài người, dân Dinka và dân Nuer của Nam Sudan đang tàn sát lẫn nhau. Tuy đã có vài ngàn người chết, và 22 ngàn người tỵ nạn từ tháng 12 năm ngoái, ngoài sự giúp đỡ dân tỵ nạn và dọn xác, Liên Hiệp Quốc chưa có phương sách gì để giải quyết. Mà làm sao giải quyết những dị biệt truyền kiếp như thế giữa những chủng tộc, màu da, tôn giáo, khi kẻ trong cuộc đã muốn dùng chúng làm mồi lửa cho bạo động? Rồi một khi bạo động bùng phát, cái vòng trả đũa trả thù có thể kéo dài bất tận.
Nơi Quận Cam không có chiến tranh của chúng ta, ở miền Nam California dư nắng đẹp, tuy rằng khả năng gặp bạo lực có thể gọi là rất ít, cũng không thiếu bóng tối trong những hành động và toan tính lớn nhỏ của chúng ta. Thật khó biết được chúng ta nói riêng, và nhân loại nói chung, đang cố gắng thoát ra khỏi bóng tối, hay đã quen với bóng tối, ánh sáng là mục tiêu và phương hướng, hay chỉ là bề mặt lừa mỵ. Bạo lực đã là vấn đề của quá khứ, của hôm nay, và hỡi ôi, chắc chắn sẽ là vấn đề của tương lai.