Ngày 1 tháng 5 năm 2014, Ba lan kỷ niệm 10 năm ngày gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU,) ngày 1 tháng 5 năm 2004.
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản vào năm 1989 và trở thành thành viên EU sau 14 năm là một nỗ lực không mệt mỏi để cải tổ các chính sách kinh tế và xã hội của nước Cộng Hòa Ba Lan.
10 năm Ba Lan đã không bỏ lỡ cơ hội, 10 năm thăng tiến và phát triển, 10 năm xứng đáng với công sức mà người Ba Lan đã bỏ ra.
89 phần trăm dân số Ba Lan chấp nhận và ủng hộ Ba Lan là thành viên trong Liên Minh Châu Âu. Ðây là điều kỳ diệu trong EU, bởi vì không có ai, không có xã hội nào đánh giá vai trò thành viên của EU cao như thế.
EU hơn 4 triệu 200 ngàn km2, bao gồm 28 quốc gia: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Ðan Mạch , Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ireland, Lithuania, Luxembourg, Latvia, Malta, Ðức, Ba Lan, Bồ Ðào Nha, Cộng Hòa Czech, Romania, Thụy Ðiển, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Anh, Hungary và Ý.
EU được xếp vị trí thứ ba thế giới về dân số với 507 triệu người (năm 2013 theo ước tính của Eurostat,) sau Trung Quốc và Ấn Ðộ.
Ngày 1 tháng 5, 2004, EU đã có sự kiện lớn nhất trong lịch sử: mở rộng cộng đồng thêm 10 nước, trong đó có Ba Lan.
Trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, mặc dù Ba Lan ghi nhận mức tối thiểu, nhưng dường như là nước duy nhất trong khu vực có tăng trưởng kinh tế. Ba Lan trở thành một ví dụ về một quốc gia có giải pháp kỷ luật ngân sách cao và hiện tại chính phủ Ðức đang dẫn đầu cuộc chiến với giải pháp này trong các nước EU khác.
Nếu đứng ngoài EU, Ba Lan sẽ nghèo hơn, người Ba Lan sẽ có mức lương thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức độ cao hơn và GDP bình quân đầu người trong năm 2013 sẽ chỉ ở mức của năm 2009. GDP của Ba Lan năm 2013 hơn 516,1 tỷ USD (trên 38,1 triệu người,) đứng thứ 22 trên thế giới (theo IMF.) Từ khi gia nhập EU, GDP tăng tổng cộng 49 phần trăm, trong đó có khoảng 20 phần trăm trong giai đoạn khủng hoảng, xuất khẩu tăng hơn ba lần. Ba Lan cũng là điểm đến lựa chọn đầu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài.
10 năm qua Ba Lan đã trở thành một “công trường xây dựng.” Với nguồn tài trợ từ EU, Ba Lan đã thực hiện hơn 160 nghìn dự án, xây dựng 673 km đường cao tốc, 808 km đường đi nhanh, 36 nghìn mạng lưới thoát nước và 683 hệ thống xử lý nước thải.
Trong khuôn khổ của EU năm 2007-2013, các dự án đầu tư lên tới 270 tỷ zloty (90 tỷ USD,) trong đó 191 tỷ zloty (hơn 63 tỷ USD) do EU cung cấp. Quỹ phân bổ của EU cho năm 2007-2013 đã được sử dụng tới 97,5 phần trăm.
Trong tài khóa 2014-2020 Ba Lan sẽ nhận được 82,5 tỷ euro. Số tiền này sẽ được đầu tư cho nghiên cứu khoa học, kết nối các đường giao thông quan trọng, tinh thần kinh doanh, giao thông thân thiện môi trường (ví dụ như đường sắt ,) v.v...
Tranh đấu dân chủ
Ngày 3 tháng 5 là ngày lễ quốc gia, kỷ niệm ngày Hiến Pháp Dân Chủ đầu tiên của Ba Lan và cũng là của Châu Âu, ra đời năm 1791. Nền dân chủ ở Ba Lan đã có cội nguồn sớm như thế.
Sau Chiến Tranh Thế Giới II, các cường quốc Nga, Mỹ và Anh quốc đã họp tại Alta từ ngày 4 đến 11 tháng 2 năm 1945 phân chia vùng ảnh hưởng. Ba Lan bị gạt qua vùng ảnh hưởng của Xô- Viết và suốt gần nửa thế kỷ chịu sự áp đặt thống trị của chế độ cộng sản man rợ và dối trá.
Người ta nói Ba Lan giành được tự do dân chủ là nhờ công lao của Ðức Giáo Hoàng Joan Paolo II. Ðiều này đúng nhưng không hoàn toàn.
Người Ba lan đã ý thức tranh đấu đòi tự do, dân chủ rất sớm. Cuộc tổng đình công, biểu tình đường phố đầu tiên của hơn 100 ngàn người đã diễn ra ở thành phố Poznan vào tháng 6, 1956, tức chỉ 8 năm sau khi chính quyền cộng sản được thiết lập. Dưới sự chỉ huy của tướng Liên Xô Stanislav Poplavsky, hơn 10 ngàn công an, binh lính đã tắm máu cuộc biểu tình, làm 57 người chết, hàng trăm người bị thương.
Các cuộc đình công, biểu tình được tiếp tục trong những năm 70, đáng kể là vào tháng 12, 1970 tại Gdansk, trong đó 39 người bị giết hại, 1,164 người bị thương và hơn ba ngàn người bị nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan giam giữ.
Năm 1979, khi chế độ cộng sản còn ngự trị, Ðức Giáo Hoàng Joan Paolo II hành hương về nước. Những buổi cầu nguyện của Ngài đã tập hợp hàng triệu dân chúng, thổi vào họ ngọn gió lành của sự đoàn kết với lời nhắn nhủ, “Các con, đừng sợ hãi!”
Trong thập niên 80 thanh niên Ba Lan phát động phong trào “Orange Alternative” (PomaraDczowa Alternatywa.) “Orange Alternative,” hay “Lựa chọn màu Cam” - qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt..., để chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ thành phố Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw.
Ít tháng sau chuyến thăm của giáo hoàng, Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan đã ra đời và trở thành một trong những phong trào quần chúng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh của công nhân lao động thế giới, với gần 10 triệu thành viên, đánh dấu một bước ngoặt to lớn của nhân dân Ba Lan trong hoạt động phản kháng, chống lại chế độ cộng sản, đòi tự dân chủ và cải thiện dân sinh.
Dưới sự lãnh đạo của Công Ðoàn Ðoàn Kết, làn sóng đình công và biểu tình dồn dập, lan rộng trên cả nước, đã khiến chính quyền Cộng Sản Ba Lan lo ngại sâu sắc và phải tính đến khả năng áp đặt tình trạng thiết quân luật để ngăn chặn bất ổn xã hội và dập tắt phong trào dân chủ non trẻ.
Vào trước nửa đêm ngày 12 tháng 12 năm 1981, chiến dịch đàn áp, bắt giam các nhà lãnh đạo và thành viên của phe đối lập bắt đầu.
Cảnh sát, quân đội được huy động cho việc đàn áp phong trào đối lập trong giai đoạn thiết quân luật ở Ba Lan với quy mô lớn chưa từng có: 70 ngàn binh sĩ, 30 ngàn công an, 1,750 xe tăng, 1,900 chiến xa và 9 ngàn xe ô tô.
11 ngày sau khi ban hành thiết quân luật, có tới 4 ngàn người, chủ yếu là các nhà lãnh đạo và những người tham gia các cuộc đình công và biểu tình bị tòa án buộc tội và kết án tù giam. Trong gần hai năm thiết quân luật, con số bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam lên tới gần 10 ngàn người. Một cuộc “di tản” không kém gì người miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Gần một triệu người Ba Lan đa số là thanh niên, bằng mọi cách đã bỏ chạy khỏi đất nước.
Công Ðoàn Ðoàn Kết đã phải rút vào hoạt động bí mật, nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo thực hiện các cuộc đình công, biểu tình, làm tê liệt kinh tế của đất nước và cuối cùng nhà cầm quyền cộng sản đã buộc phải ngồi vào bàn thương lượng, chấp nhận một cuộc bầu cử tự do vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Cuộc bầu cử với thắng lợi của Công Ðoàn Ðoàn Kết đã mở đầu cho sự chấm dứt chế độ cộng sản mở ra một chương sử hoàn toàn mới cho dân tộc Ba Lan.
Dân chủ phải trả giá
Dân chủ không tự trên trời rơi xuống. Có được thành quả hôm nay dân tộc Ba lan đã phải trả giá đắt, được đổi bằng các cuộc tranh đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ, bằng sự hy sinh to lớn, cả về sinh mạng.
Ba Lan có thể là tấm gương và bài học quý giá cho Việt Nam.
Ở Việt Nam, các cuộc biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược hay của “dân oan” thường là tự phát, manh mún, tập trung ở một vài địa phương, với khoảng vài chục đến vài trăm người tham gia, sẽ dễ dàng bị đè bẹp bởi an ninh cộng sản với bạo lực mạnh hơn rất nhiều lần. Các cuộc biểu tình lại thiếu tổ chức chặt chẽ, chưa lan rộng thành một cao trào xã hội với ý thức chính trị rõ ràng. Ðại đa số dân chúng vẫn thụ động, cam phận.
So sánh với xã hội Ba Lan, Việt Nam khó có thể có tự do, dân chủ nếu tình hình chung vẫn tiếp tục như hiện tại.
Lê Diễn Ðức