'Đấu tranh dù ở bất cứ đâu'Ông Cù Huy Hà Vũ phát biểu tại cuộc họp báo 6/5Trong phỏng vấn với BBC ngay sau khi phát biểu tại họp báo ở Hạ viện Hoa Kỳ, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nói ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam dù ở bất cứ đâu.
Cuộc họp báo do dân biểu Mỹ Chris Smith chủ trì, có sự tham gia của cựu dân biểu Cao Quang Ánh và ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc tổ chức Cứu trợ Thuyền nhân BPSOS, được tổ chức trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ tại Washington D.C. ngày 12/5-13/5.
Ông Vũ, người vừa được thả tù sang Mỹ hôm 7/4, cũng đưa ra nhận định của ông về các diễn biến mới trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc chuyển giàn khoan vào sâu gần bờ biển Việt Nam.
Trước hết, ông nói về phát biểu của mình tại cuộc họp báo chiều 6/5 giờ Washington.
TS Cù Huy Hà Vũ: Trọng tâm của tôi trong cuộc họp báo ngày hôm nay là đề xuất các giải pháp để vô hiệu hóa các điều luật hình sự mà chính quyền Việt Nam dựa vào để bỏ tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa, cụ thể là trong khuôn khổ Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt tới đây. Thông qua cuộc họp báo, tôi khuyến nghị Chính phủ Mỹ hai điều:
Thứ nhất là yêu cầu Chính phủ Việt Nam hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền như Điều 88, Điều 258 và Điều 79 của Bộ Luật Hình sự mà lâu nay Chính phủ Việt Nam dựa vào để bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Tôi cũng [khuyến nghị Chính phủ Hoa Kỳ] yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm hay người bị bỏ tù theo các điều luật ở trên.
TS Cù Huy Hà Vũ từng cổ súy quan hệ Việt Nam - Hoa KỳThứ hai, tôi cũng đề nghị Chính phủ Mỹ yêu cầu Việt Nam luật hóa Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn.
BBC: Xin quay lại trường hợp của riêng ông. Chính phủ Việt Nam nói là cho ông tạm thi hành án để sang Hoa Kỳ chữa bệnh, cũng có nghĩa khi ông hết bệnh sẽ phải quay lại Việt Nam tiếp tục án tù?
TS Cù Huy Hà Vũ: Trước hết tôi phải khẳng định là việc tôi ra tù không dựa trên bất kỳ thỏa thuận nào giữa Chính phủ Việt Nam với tôi hoặc gia đình tôi. Từ trước tới nay, tôi chỉ đòi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tôi bởi vì tôi vô tội chứ chưa bao giờ yêu cầu cho tôi đi chữa bệnh cả.
Trên thực tế, cả hai lần đại diện Sứ quán Mỹ vào gặp tôi [trong trại giam], đặt vấn đề cho tôi sang Mỹ để thực thi các quyền tự do ngôn luận và đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam cũng như đóng góp phát triển quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai, thì họ cũng chưa bao giờ đề cập cho tôi sang Mỹ chữa bệnh.
Việc tôi ra khỏi tù là nhờ cuộc đấu tranh rất quyết liệt của đồng bào Việt Nam cả ở trong nước lẫn ngoài nước, của các tổ chức cá nhân trên thế giới cũng như các chính phủ, trong đó có Chính phủ Mỹ và các nhà lập pháp Mỹ.
'Không phải vi phạm pháp luật mà là xâm lược'
BBC: Vậy trong thời gian tới ông sẽ làm công việc gì ạ?
TS Cù Huy Hà Vũ: Mục tiêu của tôi là đấu tranh vì tự do dân chủ, công lý ở Việt Nam cũng như vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trước hay sau khi bị bỏ tù mục tiêu đó đều không thay đổi. Trọng tâm của công việc của tôi vẫn là đấu tranh vì quyền lợi của đất nước và người dân Việt Nam.
BBC: Ông từng viết bài trên BBC cổ súy cho quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo dõi tình hình thời sự chắc ông cũng biết việc Trung Quốc vừa chuyển giàn khoan của họ vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về vai trò nếu có của Mỹ trong bối cảnh có thể xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc ạ?
TS Cù Huy Hà Vũ: Ngay từ đầu năm 2010 tôi đã khẳng định rằng việc Trung Quốc, sau khi xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và xâm lược một số bãi đá ngầm, đảo nhỏ của Việt Nam năm 1988, tất yếu sẽ quyết xâm lược toàn bộ quần đảo Trường Sa để từ đó thâu tóm Biển Đông.
Điều này hơn cả vi phạm pháp luật, đây là một cuộc xâm lăng.
Việt Nam chỉ có thể bảo vệ phần còn lại trên Biển Đông của mình cũng như bảo vệ chủ quyền với sự hỗ trợ của các cường quốc quân sự trên thế giới. Trong trường hợp này tôi thấy chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng giúp Việt Nam bảo vệ thành công chủ quyền bởi vì Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có chiến lượcngăn chặn bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Đông Á nói chung và Biển Đông nói riêng.
BBC: Trong những ngày vừa qua, ông đã có nhiều tiếp xúc với chính giới Hoa Kỳ. Ông thấy thái độ của họ về vấn đề này như thế nào, nhất là trong quá khứ quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều khúc rất gập ghềnh?
TS Cù Huy Hà Vũ: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực chủ quyền của Việt Nam là hành vi xâm lược rõ ràng. Vậy thì Việt Nam phải cần sự hỗ trợ quân sự không thể thiếu được của Mỹ để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông.
Thế nhưng Việt Nam đang nằm dưới sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng này có liên thông ý thức hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho nên tôi không tin rằng Việt Nam lại có thể công khai chống lại Trung Quốc bằng sức mạnh của mình cũng như sức mạnh của đối tác của mình. Thành ra bây giờ chưa phải thời điểm mà các nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đưa ra yêu cầu Mỹ triển khai lực lượng quân sự hỗ trợ Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp nhất định nào đó, khi tình hình Biển Đông căng thẳng đến mức Việt Nam phải kêu gọi trợ giúp quân sự của Mỹ thì tôi tin là Mỹ cũng sẽ không thể đáp ứng vô điều kiện được. Từ trước tới nay, Mỹ luôn đòi hỏi Việt Nam phải chấm dứt vi phạm nhân quyền nên trong trường hợp đó chắc chắn Mỹ cũng sẽ đưa nhân quyền ra như một điều kiện để hỗ trợ thỏa đáng cho Việt Nam.
BBC: Khi có thông tin ông sang Hoa Kỳ thì đã có một số quan ngại rằng công việc đấu tranh của một nhà bất đồng chính kiến ở hải ngoại sẽ khó khăn hơn và khó đạt kết quả như ý hơn là ở trong nước. Ông nghĩ sao về quan ngại này?
TS Cù Huy Hà Vũ: Tôi hoàn toàn không có quan ngại nào cả. Tôi có lý tưởng cho nên đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân hay đất nước Việt Nam ở mức độ nào đối với tôi đều là tốt cả. Tôi không đặt vấn đề ở đâu hiệu quả cao hơn.
Điều quan trọng nhất là làm sao thay thế được chế độ độc tài của Đảng CSVN bằng một chế độ dân chủ đa đảng trong thời gian sớm nhất. Cứ đạt được mục tiêu đó thì bất kỳ ở đâu cũng là hiệu quả.
Vả lại hiện giờ tôi ở bên Mỹ, nhưng chưa một lúc nào tôi cảm thấy là mình đã phải xa Việt Nam, xa tổ quốc của tôi. Từ trong tim, trong khối óc, tôi luôn nghĩ là tôi đang kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam đấu tranh vì dân chủ cũng như vì toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
Vấn đề còn lại đối với tôi là làm thế nào có sức khỏe đủ tốt để tiếp tục đấu tranh một cách quyết liệt và hiệu quả nhất vì lợi ích của nhân dân và tổ quốc Việt Nam.
Theo BBC