Đi thẳng từ nhà tù đến lưu vong thường là con đường đi từ địa ngục đến trống rỗng...
Adam Michnik từng là nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động nhân quyền Ba Lan nổi tiếng. Ông bị ở tù tổng cộng sáu năm, tuy nhiên thời gian ở tù là thời gian ông viết nhiều bài chính luận rất sâu sắc có tầm ảnh hướng rất lớn đối với phong trào phản kháng bất bạo động ở Ba Lan dưới thời cộng sản.
Đây là trích đoạn lá thư ông viết từ trong tù bàn về vấn đề những người đấu tranh cho tự do và dân chủ nên tiếp tục ở tù hay chấp nhận lưu vong.
Tháng Ba 1982
Hôm nay, họ bảo với chúng tôi rằng chúng tôi có sự chọn lựa: hoặc ra đi hay ở tù vô hạn định.
Vậy anh có sự chọn lựa: ở tù hay lưu vong. Jaruzelski (1) là người chủ nhân đạo. Nhưng tại sao, trong một nước mà bình thường người dân không dễ dàng gì được đi ra nước ngoài, nhà cầm quyền lại ban cho những người mà họ coi là kẻ thù sự chọn lựa này?
Tính toán của chính quyền có vẻ như đơn giản. Họ hy vọng sự chọn lựa ra đi sẽ chia rẽ Công đoàn Đoàn kết từ bên trong và khiến dân chúng ghê tởm công đoàn; họ hy vọng sự chọn lựa ra đi sẽ chứng minh sự hèn kém đạo đức của những người đã từng hô hào, "Hãy để Ba Lan là Ba Lan" nhưng lại chính là những người mà, chỉ sau một vài tháng trong tù, đổi Ba Lan lấy Canada.
Chính quyền muốn noi gương Liên Xô, mà, để phá hoại phong trào dân chủ, trong mười năm qua, đã cho nhiều nhà bất đồng chính kiến cơ hội ra đi. Chính quyền lập luận như thế này: nhà hoạt động công nhân hay trí thức đối lập ra nước ngoài sống; rồi sau khi được mọi người chú ý đến trong thời gian ngắn, họ sẽ biến thành một người quen gây phiền toái, một người khó chịu hay ngồi chờ trong các phòng đợi của các tổ chức khác nhau mà chỉ muốn họ đi cho khuất mắt. Họ chẳng còn là người có ảnh hưởng ở trong nước, do vậy chẳng ai lắng nghe họ, và họ mất tầm quan trọng của mình ở Phương Tây.
Anh hiểu rõ Phương Tây, cho nên anh biết lập luận như thế không phải không đúng. Những người lưu vong hay bất hòa với nhau, họ phải lệ thuộc lẫn nhau; cuối cùng cả thế giới lãng quên họ.
Cho nên đi thẳng từ nhà tù đến lưu vong thường là con đường đi từ địa ngục đến trống rỗng.
Trong thư gởi các bạn tù Andrzej Z. viết, "...đối với xã hội chúng ta là biểu tượng phản kháng. Không phải vì chúng ta rất cao thượng nhưng vì, khi tước đoạt tự do của chúng ta, nhà cầm quyền đã chọn chúng ta cho vai trò này trong vở kịch của họ có tên Tình trạng Chiến tranh (2), và chúng ta diễn theo vai trò ấy dù muốn hay không." Cho tôi nói thêm, vì vậy chúng ta hãy nhập vai sao cho xứng đáng. "Họ cho chúng ta sự chọn lựa ra đi," Andrzej Z. viết, "không phải vì mọi công dân ở nước ta có quyền ấy nhưng vì (dù đúng hay sai) chúng ta được coi là những người 'được xã hội tin tưởng', cho nên nhà cầm quyền muốn chứng tỏ rằng chúng ta không xứng đáng với sự tin tưởng này. Được tự do chọn nước ta muốn ở là một chuyện nhưng giành được tự do bằng cách giúp bọn cướp đã tước đoạt tự do của chúng ta và bằng cách hại những người sẽ không được ban cho sự chọn lựa ấy là chuyện hoàn toàn khác."
Tôi hy vọng anh thật sự hiểu tại sao tôi có cùng quan điểm với Andrzej Z.. Đề nghị lưu vong là một thử thách đối với phong trào Công đoàn Đoàn kết, một thử thách cả về chính trị lẫn đạo đức. Những nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết bị giam cầm nào mà chọn lựa lưu vong đang phạm tội cả đầu hàng và đào ngũ.
Tôi biết, tôi nói nặng lời. Ngay lúc này đây tôi có thể nghe anh nói rằng tính cách của tôi không phải như thế, rằng tôi đang từ bỏ nguyên tắc bao dung của tôi, rằng quyết định ra nước ngoài sống là quyết định rất cá nhân. Tất cả những điều này đều đúng. Nhưng quyết định tham gia tích cực vào Công đoàn Đoàn kết, và tạo ra sự tin tưởng của xã hội, cũng là quyết định cá nhân, và quyết định ấy cũng ảnh hưởng đến nhiều người khác. Điều quan trọng là khi quyết định ta phải nghĩ đến sự tồn tại của những người khác ấy. Phải tưởng đến rất nhiều người khác nhau: những người bị kết án vì những cuộc đình công trong tháng Chạp được tổ chức để ủng hộ anh, những người bị công an truy nã vì tổ chức những hoạt động ủng hộ anh. Thiết tưởng cũng nên dừng lại để suy nghĩ về tất cả những người này và về phản ứng của họ khi tin tức- truyền đến nơi họ ẩn núp và đến các xà lim trong tù- rằng anh sẽ xa Ba Lan.
Tôi không bàn đến khía cạnh chính trị của hoàn cảnh này -số phận của phong trào Công đoàn Đoàn kết. Có lẽ anh không còn muốn tham gia vào phong trào? Có lẽ anh không còn muốn húc đầu vào tường nữa và chẳng còn muốn cố gắng đạt được những điều bất khả? Tôi nghĩ đến đạo đức thông thường của con người và lòng trung thành căn bản. Không chỉ đối với những người đang tranh đấu mà cũng đối với những người đã đặt trọn vẹn tin tưởng ở anh, và đối với những người trong cuộc đời thường mà anh đã thắp lên trong lòng họ ngọn lửa nhân ái, sự thật và nhân phẩm: những người mang thực phẩm đến cho anh khi anh ngồi tù, những người cầu nguyện cho anh trong những nhà thờ, nghĩ về anh với tất cả đức tin, hy vọng, và thương yêu, và những người coi anh-cũng như tất cả mọi người hoạt động trong Công đoàn Đoàn kết-là biểu tượng của một nước Ba Lan tốt đẹp hơn, Ba Lan của ngày mai.
Khi anh nhớ về họ, anh sẽ dễ dàng hiểu ra rằng chính trị ở đây gắn bó không thể nào trách rời với đạo đức và sự chọn lựa chính trị gắn bó không thể nào tách rời với sự chọn lựa đạo đức. Anh phải nhớ điều này.
Thật ra, anh không tin vào một chiến thắng mau lẹ. Anh biết trước mặt anh là con đường gian nan chất chứa bao niềm đau thất bại và vị đắng sa ngã. Nhưng anh đã không lý tưởng hóa Công đoàn Đoàn kết. Anh theo dõi phong trào từ bên trong, nên anh chắc thấy những biểu hiện của một cuộc cách mạng bị phản bội và những hạt giống suy thoái được ươm mầm. Nhưng trong những tháng này, mà anh sẽ chẳng đổi lấy những tháng khác trong đời mình, anh đã luôn luôn sẵn sàng trả giá bằng những năm tù đày, anh cũng nhìn thấy những người đã quỳ xuống bắt đầu đứng lên, những người khao khát những lời nói thật và tự do, những người tiếp nhận những lời này như tiếp nhận bánh thánh, những người với nét mặt rạng rỡ và ánh mắt đầy tin tưởng - và anh biết không một ai sẽ có thể đè bẹp tất cả những người này bằng xe tăng. Và anh biết mai đây anh sẽ không còn thấy những khuôn mặt như thế trên đại lộ ở Paris.
Tôi hy vọng tôi đã bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng. Từ những gì tôi đã viết rõ ràng rằng tôi không sợ ra nước ngoài sống. Không phải vì sợ mà khiến tôi viết ra những nhận xét này. Lại càng không phải vì lòng yêu nước mù quáng. Cũng chẳng phải can đảm khiến tôi chọn nhà tù thay vì lưu đày. Nếu có chăng, tôi chọn lựa ở lại trong tù vì sợ. Vì sợ để cứu mình tôi có thể đánh mất danh dự.
Adam Michnik
_____________
Chú thích của người dịch:
(1) Tướng Wojciech Jaruzelski là nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng ở Ba Lan từ năm 1981 đến 1989
(2) Tướng Jaruzelski đọc diễn văn trước Ủy ban Trung ương Đảng CS Ba Lan tuyên bố "tình trạng chiến tranh" với Công đoàn Đoàn kết vào tháng 11, 1981.
Nguồn:
Trích dịch từ lá thư của Adam Michnik viết từ nhà tù vào năm 1982. Bản tiếng Anh của Maya Latynski. Tựa đề của người dịch. Tựa đề bản tiếng Anh "Why You Are Not Emigrating...: A Letter from Bialoleka 1982".
Từ tác phẩm "Letters from prison" của Adam Michnik, nhà xuất bản University of California Press -Berkeley, 1985, trang 22-24.
Bản tiếng Việt: Trần Quốc Việt