- Tuần sau là đám cưới của Cẩm Tuyền… Ủa! mà nó có mời chú không?
Hình như trái tim ông vừa bị một mũi kim đâm vào tê điếng! Hình như mắt ông thoáng chút cay xè vì giọt nước ấm vừa ứa ra! Ông cúi đầu, cố tình lãng tai để khỏi phải trả lời theo kiểu chống đỡ, “Nó có mời chú cũng không đi”, và cũng để khỏi phải nghe đứa cháu ruột đay nghiến: “Không đi là phải, mặt mũi để đâu… phải không chú?”. Mỗi lần nghe cái giọng châm biếm của đứa cháu ruột ông muốn nổi khùng. Vừa giận nó, lại vừa giận mình, nhưng đành im lặng nuốt nỗi bực tức vào lòng vì nó nói không sai. Ai bảo, già đầu mà không nên thân để con nít xem thường ra mặt.
- Không có chú, không biết ai dẫn Cẩm Tuyền đi lên bàn thờ ta? Nhớ hồi còn nhỏ, nó hay cột miếng voan trắng dài thòn vào cổ, giả làm áo cưới, tay cầm bó hoa hồng bằng nhựa, đòi chú dẫn đi tới bàn thờ Chúa. Để coi, lúc đó mới có sáu tuổi mà nó đã dặn “mai mốt đám cưới con, ba phải nhớ làm giống vầy nha”. Chú nhớ không, lúc đó, nó cười thấy thương hết sức. Chú cũng cười sung sướng khi ẵm nó lên tay, âu yếm nói: “Ba sẽ dắt con đi và con gái của ba sẽ là cô dâu đẹp nhất”. Cẩm Tuyền đưa hai bàn tay nhỏ xíu ôm mặt chú và hôn lên chóp mũi của chú, đôi mắt như hai hột nhãn tròn xoe nhìn chú một cách ngây thơ, đôi môi đỏ hồng chu ra thấy ghét, “Ba là người ba tốt nhất thế giới”. Ừa… có một cái tin con mới đọc cách đây vài tuần. Một bé gái tám, chín tuổi gì đó, nó xin mặc áo cưới để được nắm tay bố chụp hình vì ông ấy bệnh nặng sắp chết. Nó biết, sau này nó sẽ không có được phút giây hạnh phúc đó nên muốn có những tấm hình kỷ niệm để đời. Đọc bản tin này con khóc sướt mướt, rồi con nghĩ, không biết Cẩm Tuyền đọc và nhìn thấy những hình ảnh này nó sẽ nghĩ gì? Chú nghĩ nó có buồn, có khóc không?… Theo con, có lẽ không, vì nó không cần chú, bằng chứng là nó đâu có mời chú.
Con nhỏ này! Nó đâm từng nhát dao vào trái tim ông chưa đủ, còn tàn nhẫn ngoáy thêm mấy vòng khiến ông tối tăm mặt mũi, tưởng chừng đứng không vững. Cái miệng rộng tàng hoạc của nó tiếp tục cử động để phát ra những lời độc địa như xát muối vào vết thương đang lở loét của ông.
- Má con nói hoài, không biết sao mà thím và con Cẩm Tuyền hiền như cục đất, chớ nhằm má con thì chú chỉ có từ chết tới bị thương. Chú biết không, hồi chú bỏ nhà đi theo mụ đỏng đảnh kia, má con hăm he ba liền, “Ông dám bắt chước chú Tư không? Nói thiệt, tui mà ra tay là ông bỏ mạng. Cho ông biết, dưới thì tui xẻo cho tuyệt giòng, tuyệt giống, trên thì tôi cắt cho đầu lìa khỏi cổ”. Ba con xua tay, rùng mình, “Thôi thôi bà ơi! Đừng nói nữa, tôi nghe mà rợn tóc gáy”. Ha! Ha!!! từ đó, đố ba con dám nhúc nhích. Nè! mà con hỏi thiệt chú nha. Chú mê mụ đó chỗ nào, nói con nghe thử. Má con nói, một là chú đui mù, hai là chú bị bỏ bùa, chứ ai lại bỏ người vợ nết na, xinh đẹp để rước một con mụ xấu như ma lem lại còn dữ dằn, ngang ngược. Đã vậy còn kéo thêm cái rờ-mọt hai đứa con nhỏ xíu, để từng tuổi này chú còn phải còng lưng, cày đến sói đầu mà nuôi con thiên hạ.
Ông muốn hét lên, bảo nó “câm miệng” vì không chịu được nỗi đau đang xé nát trái tim mình. Dù thế nào ông cũng phải giữ cái uy của một người chú trước mặt đứa cháu mà tuổi tác chỉ bằng một phần ba tuổi đời của ông chứ. Nhưng không hiểu sao cả người ông rã rời, gần như mất hết sức lực, nên cứ ngồi thẫn thờ ra đó mà nghe nó lên giọng kẻ cả, phê phán ông đủ điều.
- Con thấy ông chồng nào có bồ cũng viện đủ lý do, nào là tại vợ dữ dằn, lạnh nhạt, nào là tại vợ đối xử thiếu mềm mỏng, dịu dàng, nên họ phải đi tìm sự ngọt ngào, nồng nàn nơi người phụ nữ khác. Vậy chú nói cho con nghe, sau hai năm chung sống, mụ ta vẫn còn là cục đường phèn ngọt lịm hay trở thành ly thuốc bắc đắng nghét nuốt không nổi nhưng nhổ ra thì không được, nên chú đành phải ngậm trong miệng mà đưa tay lau nước mắt?
Đứa cháu dừng lại khi thấy ông gục đầu xuống, hai tay ôm kín khuôn mặt.
- Tính con tè lẹt hay nói tầm xàm, bá láp, chú đừng giận nhe. Tại vì, nghĩ đến Cẩm Tuyền, con thấy tội nghiệp nó quá. Rồi con lại nhớ đến chú. Dù lý do gì, cũng buồn đứt ruột phải không chú? Để con thuyết phục Cẩm Tuyền gửi thiệp mời cho chú. Nói gì thì nói, ngày đám cưới cũng phải có ba dắt tay đi trong nhà thờ mới được. Chú còn sống sờ sờ đây chớ bộ chết rồi sao? Con nhỏ… thiệt tình! Hồi đó giờ thấy nó im im, gặp chú thì khoanh tay cúi đầu thưa ba thật lễ phép, nên con tưởng nó không phiền trách gì chú, có dè đâu nó để bụng oán hận dữ vậy. Con cần nói cho nó biết, dù sao chú cũng còn có lương tâm hơn mấy ông già dê khác. Chú còn biết hối hận, còn biết mắc cỡ, còn biết…
Tiếng nói im bặt khi ông đứng lên lững thững đi ra cửa bằng những bước chân không hồn.
Ông bước vào nhà hàng khi người MC bắt đầu giới thiệu gia đình hai họ. Một cô gái, có lẽ là bạn của Cẩm Tuyền, thấy ông lấp ló nơi cửa bước vào, vội vã chạy đến nhỏ nhẹ hỏi tên ông để tìm số bàn. Ông khoát tay cười lịch sự, “Từ từ, bác còn chờ một người bạn”. Cô gái bước đi sau tiếng dạ khẽ khàng nhưng còn ngoái lại nhìn ông với một chút tò mò. Tò mò cũng phải, đâu có ai đến nhà hàng lúc trời tối om mà lại mang kính đen như ông. Nhưng có hề gì, ông cần giấu mặt khi muốn đến đây để nhìn quang cảnh hai họ trình diện quan khách. Để làm gì? Chờ một chỗ trống cạnh cô dâu, chú rể–chỗ trống dành cho thân phụ của cô dâu–chăng? Cũng chẳng biết làm như vậy để chi, nhưng rõ ràng trong lòng có một sự thôi thúc kỳ lạ, dù ông hiểu rằng điều đó chỉ khiến mình đau đớn hơn mà thôi.
Khi cô dâu cầm máy nói vài lời với mẹ bằng giọng thanh tao đượm đầy cảm xúc, ông nghẹn ngào mím môi, đưa bàn tay lên trán để che khuất đôi mắt long lanh những hạt nước.
- Con xin gửi đến mẹ lòng biết ơn sâu xa nhất. Mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc và hy sinh tất cả cho con. Vì con, mẹ chấp nhận mọi đau khổ, nhận chịu mọi thiệt thòi và cố gắng đền bù cho con… cho sự mất mát to lớn của con…
Ông quay lưng, hối hả đi ra cửa bằng những bước chân như trốn chạy. Trốn chạy một bản án đang tuyên đọc mà bị cáo chính là ông. Ông nhớ, chỉ vài năm trước đây, mỗi khi tham dự lễ cưới ở nhà thờ, đứa con gái rất thích thú khi ôm lấy cánh tay ông và thì thầm vào tai ông căn dặn đủ điều, ba phải làm như vầy… không nên làm như vậy… Cứ y như tuần sau sẽ là đám cưới của nó. Điều này cho ông biết, trong lễ cưới con gái, vai trò của ông quan trọng đến chừng nào. Vậy mà! Bây giờ! Chính ông đã làm sụp đổ niềm mơ ước, dù rất nhỏ nhoi, của đứa con gái ông yêu thương nhất đời. Chính ông đã làm cho con mình phải rơi nước mắt–những giọt nước mắt tủi thân buồn bã, chứ không phải giọt nước mắt hạnh phúc như những cô dâu khác–vì lỗi lầm không thể tha thứ của ông.
Ông nhớ, buổi trưa trong nhà thờ, với cái đầu hớt trọc và chiếc kính đen che khuất một phần ba khuôn mặt–để những người quen biết không thể nhận diện–ông bước vào dãy ghế cuối nhà thờ phía bên đàng trai, ngay khi tiếng nhạc trỗi lên và cậu em vợ của ông dắt tay con gái đi lên bàn thờ. Có tiếng xì xào gần đó, “Cô dâu mau nước mắt quá, bố mới vừa dắt tay đi mà đã sụt sùi rơi lệ”. Ông hiểu ý nghĩa của những giọt lệ đó nên mắt ông cũng ướt nhòa. Suốt lễ cưới, ông lặng lẽ, chăm chú nhìn con gái, khi thì phía trước lúc nó đọc thánh thư và lời tuyên hứa, khi thì ngắm nghía tấm lưng thon, trắng ngần mà thương con quá đỗi trong niềm hối tiếc dằng dặc. Phải chi… ông được cầm lấy bàn tay xinh xắn của con gái đặt vào bàn tay chàng rể với lời dặn dò ân cần: “Hãy yêu thương con gái của ba như ba đã yêu thương nó hai mươi mấy năm qua và đến hết cuộc đời”. Nhưng, ngay phút giây long trọng này ông chỉ là người bị bỏ quên, len lén bước vào tham dự lễ cưới một cách âm thầm. Cẩm Tuyền ơi! Ba đã thất hứa với con và ba đáng bị cư xử như thế.
Là con người, ai cũng có những lần sai phạm lầm lỗi, nhưng lỗi lầm này quá lớn, làm sao để ba có thể đền bù cho con! Nếu có thể quay ngược thời gian lại, ba sẽ không bao giờ làm một việc ngu xuẩn như ba đã làm và đang hứng chịu hậu quả!!!
Ngân Bình
Theo tâm sự của một người cha