LTS: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và chỉ cách bờ biển Việt nam 120 hải lý, khiến người Việt Nam khắp nơi sôi sục, và tranh chấp Biển Đông thêm căng thẳng. Sự kiện này có ý nghĩa và tạo ra những tác động gì, tại sao Trung Quốc lại có hành động cả quyết như vậy trong lúc này. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, dành cho báo Người Việt câu trả lời trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang thực hiện.
Hai chiếc tàu Trung Quốc bao vây và xịt vòi rồng vào một chiếc tàu của Việt Nam quanh khu vực nơi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981. (Hình: AP/Photo)Hà Giang (NV): Theo nhận định của giáo sư, tác động của việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu vào vùng biển Đông thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam là gì, và tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này?
GS Carl Thayer: Trung Quốc đang trực tiếp thách thức chủ quyền của Việt Nam trong vùng Biển Đông, cũng như thách thức thẩm quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên trong khu đặc quyền kinh tế của mình. Hành động đơn phương của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, không chỉ cho Việt Nam, mà cả các quốc gia ven biển khác - Philippines, Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra, qua sự kiện này, Bắc Kinh cũng tái khẳng định rằng sẽ tìm cách dần dần mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc cho đến khi họ hoàn toàn thống trị được toàn bộ Biển Đông. Sở dĩ Trung Quốc ra tay bây giờ, theo tôi, là vì chính quyền Obama được họ xem là “yếu” và không có khả năng đáp ứng.
NV: Ngoài việc lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc lập tức “ngừng ngay tất cả các hoạt động bất hợp pháp” và “thu hồi các giàn khoan” ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chính phủ Việt Nam có thể làm được gì, và nên làm gì, thưa giáo sư?
GS Carl Thayer: Tôi thấy rằng Việt Nam hiện giờ không có nhiều lựa chọn. Họ có thể kêu gọi sự ủng hộ của các nước ASEAN, nhưng kết quả của việc làm này, có lẽ sẽ chỉ là một tuyên bố chung lên án việc sử dụng vũ lực và cưỡng chế của Trung Quốc, nhưng lại không dám nêu đích danh Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể tập trung nỗ lực vận động các cường quốc hàng hải, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, hãy bày tỏ quan điểm, nhưng tiếc rằng, có lẽ sẽ không nước nào trực tiếp ra tay hỗ trợ họ. Việt Nam chỉ còn cách dùng phương pháp ngoại giao để ứng biến, vì nếu cố gắng dùng biện pháp quân sự, họ chắc chắn sẽ phải đón nhận sự thất trận, mà còn tạo cơ hội cho Trung Quốc tuyên truyền rằng Việt Nam có hành động xâm lược.
NV: Việc làm được Việt Nam cho là bất hợp pháp và xân lấm chủ quyền một cách nghiêm trọng này của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng gì đến những quốc gia trong vùng?
GS Carl Thayer: Hai nước Malaysia và Indonesia đã có những bước củng cố vị trí quân sự để có thể kiểm soát khu vực hàng hải của họ. Hành động của Trung Quốc sẽ làm cho các nước này cũng như Philippines và Việt Nam thậm chí ngao ngán hơn về khuynh hướng bành trướng của họ. Những quốc gia then chốt này sẽ ngày càng thấy rõ phải mưu cầu thêm sự bảo đảm cũng như hỗ trợ của Hoa Kỳ. Tất cả các nước trong vùng, kể cả Singapore, sẽ dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng.
NV: Trước tình hình này, Hoa Kỳ có nên tỏ thái độ, và nếu có thái độ, thì phải phản ứng như thế nào?
GS Carl Thayer: Trung Quốc đã đặt Hoa Kỳ vào một tình huống khó xử. Việc làm của Trung Quốc có tính cách thách thức Hoa Kỳ, rằng nếu thực sự hỗ trợ Việt Nam, hay các nước Á Châu khác trong vùng, thì hãy chứng minh bằng hành động cụ thể. Hoa Kỳ có thể lên tiếng họ phản đối việc dùng những biện pháp cưỡng chế và đe dọa để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ không thể hỗ trợ Việt Nam. Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một hợp tác quốc phòng có hiệu quả. Nếu Hoa Kỳ bày tỏ sự phản đối mà không gây được áp lực hiệu quả, uy tín của nước Mỹ sẽ bị suy yếu. Trung Quốc thật ra đã suy nghĩ, tính toán rất kỹ càng, trước khi đưa dàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam. Một phần lý do của họ là để làm lộ ra thế kẹt và khoảng cách giữa thực tế và những lời tuyên bố của chính quyền Obama.
NV: Cảm ơn giáo sư đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
Hà Giang/Người Việt