Lòng yêu nước
Lòng yêu nước là sự quan tâm và dấn thân vì tương lai tốt đẹp cho từng cá nhân, là sự lo âu cho quyền lợi của một tập thể người cùng chung tương lai với mình. Yêu nước là suy tư tìm lối thoát cho cả một cộng đồng người nhưng vẫn không chà đạp tự do của từng cá nhân bình thường. Yêu nước là sẵn sàng hy sinh phúc lợi và kể cả mạng sống để bảo vệ tài sản và nhân mạng khi cần thiết, không phải vì căm thù ngoại bang mà vì yêu thương những người cùng chia sẻ một vận mệnh. Yêu nước không thuộc đặc quyền của ai nhưng tuyệt đối nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc. Khi nói đến chủ nghĩa dân tộc, người ta không nhắm sự chỉ trích vào người dân bình thường, mà là vào những kẻ dùng những lời kích động đao to búa lớn mang tính dân tộc chủ nghĩa để điều khiển tâm lý quần chúng.
Trong thời đại của tri thức, yêu nước không phải là cứ “hồn nhiên như trẻ thơ” hay “yêu nước một cách trong sáng” như nhiều người nghĩ. Người dân, với tâm thế là người làm chủ quốc gia, không thể vô tư, trong sáng, không thể là “tờ giấy trắng” cho các thế lực chính trị cơ hội muốn vẽ gì thì vẽ. Những công dân tự do yêu nước bằng tình yêu thực sự và với lý trí sáng suốt chứ không bằng những lời kêu gọi đầy tính kích động mang màu sắc “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Chính vì sự “vô tư” của người dân Việt Nam mà cả thế kỷ hai mươi chúng ta đã chứng kiến những cuộc tắm máu bằng “Xô Viết Nghệ Tĩnh” hay “đánh Mỹ cho tới người Việt cuối cùng”. Xin hãy yêu nước một cách cẩn trọng!
Chủ nghĩa dân tộc
Giả sử, chính quyền cộng sản hiện nay không phải là đàn em của Trung cộng, Việt Nam bị Trung cộng tấn công lãnh hải, tôi chắc chắn giới lãnh đạo độc tài Việt Nam sẽ dùng toàn lực truyền thông để kêu gọi tình thần dân tộc chủ nghĩa chống Tàu để tranh thủ tính chính đáng và sự ủng hộ cho mình. Lúc đó, có thể những người yêu nước chúng ta lại một phen bị lợi dụng để quên đi cái thành tích độc tài khét tiếng của họ và mắt nhắm mắt mở trước thực tế là chính quyền vừa chà đạp người dân, vừa kêu gọi chúng ta phải yêu nước. Quả thật, chúng ta đã từng thấy chính quyền Trung Quốc hô hào chủ nghĩa dân tộc chống Nhật để quy tụ giới “thanh niên yêu nước” và giữ tính chính đáng cho sự tiếp tục cầm quyền của họ. Trong một vài trường hợp cần thiết, nhiều chế độ độc tài dùng chiến tranh để khỏa lấp những mâu thuẫn xã hội và sự chà đạp tự do trong nước. Đưa ra ví dụ này chỉ để phân biệt sự khác nhau giữa lòng yêu nước thực sự và sự rêu rao chủ nghĩa dân tộc.
Chính chủ nghĩa dân tộc đã đẩy hàng triệu thanh niên miền Bắc tiến chiếm Việt Nam cộng hòa chứ không phải thứ gì khác. Rốt cục thì những kẻ mạnh miệng ngồi trên đầu dân chúng miền Bắc là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu… đã bình yên vô sự, hưởng vinh hoa và quyền lực, chứ không phải là những người lính bộ đội vị thành niên đóng vai trò chốt thí. Tại sao người lính miền Nam lại mơ về “một ngày quê hương hòa bình” trong khi bộ đội miền Bắc lại đổ vào đánh chiếm miền Nam trong cơn lên đồng tập thể? Đó không phải là vì họ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc chống Mỹ hay sao? Nhưng chính những người bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc lại không bao giờ thừa nhận chuyện đó, mà chỉ cho rằng mình chiến đấu vì lý tưởng, vì lòng yêu nước trong sáng. Một nghịch lý không phải ai cũng đủ can đảm để nhìn nhận.
Trong tiểu luận “Bàn về Ngôn từ” của Vaclav Havel được đọc thay trong Buổi lễ trao giải “Giải thưởng Hòa bình” do Hiệp hội những người phát hành sách ở Đức (Đức là cựu thù của Tiệp Khắc) trao tặng, ông viết:
“…về phía người Tiệp Khắc, những hằn thù dân tộc, thiên kiến và giận hơn xưa cũ được nuôi dưỡng bằng nhiều cách khác nhau suốt hàng thế kỷ đã tan biến dần trong vài chục năm qua…khi chúng tôi bị tròng vào cái ách của chế độ toàn trị. Chế độ này đã gieo vào lòng chúng tôi sự ngờ vực sâu sắc đối với mọi sự khái quát hóa, mọi lời nói có tính ý thức hệ khuôn sáo, mọi giáo điều, mọi khẩu hiệu, mọi khuôn mẫu tư tưởng và mọi sự kích động nhắm vào những bậc thang tình cảm khác nhau… nhờ đó đa số chúng tôi có sức đề kháng mạnh mẽ trước mọi cám dỗ ngay cả khi nó có sức mê hoặc mà những lời kêu gọi mang tính dân tộc chủ nghĩa vẫn thường có…”.
Người Việt chúng ta có đủ ý chí để tránh sự cám dỗ mà Havel đã đề cập không? Dù đã chịu những đau thương do chủ nghĩa dân tộc gây ra, đối với đại đa số người Việt chúng ta, nội dung của khái niệm này còn rất xa lạ. Chỉ khi thoát khỏi sự ám ảnh của chủ nghĩa dân tộc, chúng ta mới có thể sáng suốt để giành tự do dân chủ từ các chế độ độc tài, bất kể nó là cộng sản hay hậu cộng sản. Và tôi hy vọng là cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay và sắp tới sẽ không là một sự pha trộn quái thai giữa tự do và chủ nghĩa dân tộc. Vì chủ nghĩa dân tộc đồng nghĩa với nô lệ.
Biểu tình
Nói như vậy không có nghĩa là tôi không ủng hộ các cuộc biểu tình sắp tới. Cá nhân tôi rất, rất ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa chống hành động xâm lăng hung hăng của Trung Quốc, không phải vì tin tưởng nó có thể gây áp lực được với chính quyền độc tài Việt Nam, cũng không vì sự căm thù ngoại bang “không lấy nổi một cọng lông” của chính quyền Trung Quốc; mà vì: biểu tình giúp thể hiện tâm thế làm chủ đất nước của người dân, biểu tình ôn hòa cũng là một Nhân quyền cơ bản phải được tôn trọng, biểu tình tập cho chúng ta cách sinh hoạt công cộng, biểu tình để biểu tỏ thái độ phản kháng của người dân trước một chính quyền nhu nhược, và biểu tình để cho dư luận quốc tế thấy rằng người dân Việt Nam phản đối hành động bất chấp Công pháp quốc tế của Trung cộng.
Thiển nghĩ các nhóm xã hội dân sự trong nước đứng ra kêu gọi biểu tình vẫn hợp lý hơn bất cứ đảng phái hoặc phong trào chính trị nào ở bên ngoài. Việc một nhóm người ở bên ngoài kêu gọi biểu tình sẽ đưa những người biểu tình vào thế nguy hiểm trước ngụy biện xảo trá của nhà cầm quyền. Thứ hai, các cuộc biểu tình sắp tới diễn ra trong nước, hãy để chính những người có khả năng bị đàn áp nhận lấy trách nhiệm kêu gọi này, vì điều này thuộc thẩm quyền đạo đức của họ.
Những người ở bên ngoài Việt Nam có thể kêu gọi biểu tình và tham gia biểu tình ngay tại nước sở tại. Nhưng biểu tình ở Việt Nam thì hãy để người trong nước thể hiện phong thái độc lập của mình. Không phải vì ai yêu nước hơn ai, ai nỗ lực hơn ai mà vì lợi ích chung. Tính chính danh là thứ chúng ta không thể coi thường; không có nó, không một cuộc vận động nào thành công cả. Chúng ta hãy giúp cho TRỌNG TÂM CỦA CUỘC ĐẤU TRANH này diễn ra ở Việt Nam vì Việt Nam mới là “đấu trường” chứ không Hoa Kỳ hay Pháp, Đức…Những lời này của tôi chỉ nhắm tới những NHÓM CHÍNH TRỊ NÚP BÓNG XÃ HỘI DÂN SỰ gồm đa số những người đã ra khỏi Việt Nam, CHỨ KHÔNG NHẮM VÀO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO.
Hiện nay, điều mà Việt Nam cần không phải là một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Những người tỉnh táo sẽ nhận thấy thực lực của Việt Nam không thể nhắm tới giải pháp chiến tranh. Chúng ta chứng kiến một chính quyền dân chủ như Phillipines cũng phải e dè khi đối phó với Trung Quốc để hiểu được cái thế của một nước yếu. Vấn đề là ở chỗ chính quyền Việt Nam đã chấp nhận làm tôi đòi bao nhiêu năm nay mà không chịu mở cho đất nước một sinh lộ mới thoát khỏi vòng kiểm tỏa của Trung Quốc bằng một chính sách ngoại giao phục vụ quyền lợi đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng những liên minh quốc tế có lợi. Tôi không cho là chính quyền cộng sản Việt Nam làm được điều này bây giờ và trong tương lai. Vì sinh mạng của họ gắn với Trung Quốc, họ không có chính sách đối ngoại nào khác ngoài thân phận đầy tớ cho Trung Quốc.
Và để kết luận, tôi xin kể một câu chuyện ẩn dụ được bác sĩ Nguyễn Đan Quế nêu ra để minh định lập trường của mình: Có một trưởng giả nọ xa nhà lâu ngày, người quản gia ở nhà bán đất cho hàng xóm. Khi về, người trưởng giả thấy cửa nhà tan hoang. Vậy ông nên xử lý tên quản gia gian xảo trước sau đó mới giải quyết chuyện đất đai với hàng xóm hay là làm ngược lại? Câu trả của cá nhân tôi qua câu chuyện này là phải giải quyết tên quản gia trước.
Buôn Hồ ngày 10 tháng 5 năm 2014
Huỳnh Thục Vy