Hàng chục ngàn công nhân tấn công các công ty Trung Quốc VIỆT NAM (NV).- Cuộc tuần hành của hơn chục ngàn công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp tỉnh Bình Dương trên các đường phố lớn ở thị xã Thuận An đã lan đến các khu công nghiệp Thủ Đức, Sài Gòn và cả Đồng Nai
Công nhân bạo động đốt cả xe trên đường phố vào tối 13 tháng Năm. (Hình: Facebook)
Toàn bộ các khu công nghiệp ở Bình Dương tê liệt vì công nhân đình công và biểu tình phản đối Trung Quốc. Chính quyền tỉnh này không thể kiểm soát tình hình. Công an dọa “kiên quyết xử lý”.
Cuộc đình công vừa kể bắt đầu bằng một cuộc biểu tình của khoảng 7.000 công nhân Công ty giày Thông Dụng, tọa lạc ở thị xã Thuận An, do chủ Trung Quốc đầu tư và điều hành, vào tối 12 tháng 5.
Một góc cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc của công nhân các khu công nghiệp ở Bình Dương. (Hình: facebook)
Những công nhân này tuyên bố ngưng làm việc để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cho biết sẽ chỉ đi làm trở lại khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi cùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đến sáng 13 tháng 5, biểu tình biến thành đình công trên diện rộng và được công nhân làm việc trong các công ty khác do chủ Trung Quốc đầu tư và điều hành như Công ty Kingmaker Footwear, nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) hưởng ứng.
Cuộc tuần hành ban đầu chỉ vài trăm người sau thành hàng chục ngàn người. (Hình: Facebook)
Hàng chục ngàn công nhân đổ ra đường, đi từ nhà máy này đến nhà máy khác, từ khu công nghiệp này đến khu công nghiệp khác, dừng lại ở những nhà máy có biển hiệu bằng Hoa ngữ, treo cờ Trung Quốc đã khiến các nhà máy đang treo cờ Trung Quốc ở Bình Dương phải hạ cờ.
VIDEO Trưa 13 tháng 5, đình công lan rộng đến Khu công nghiệp Việt Hương – nơi có hàng chục nhà máy do chủ Trung Quốc đầu tư và điều hành.
Đến chiều ngày 13 tháng 5, có thêm 8.500 công nhân của Công ty Shyang Hung Cheng nằm trong Cụm công nghiệp An Thạnh và 4.000 công nhân làm việc cho một công ty may nằm trong Cụm sản xuất Hoàng Gia Cát Tường, ở thành phố Thủ Dầu Một, cùng do chủ Trung Quốc đầu tư và điều hành, tuyên bố đình công, rồi đổ ra đường tuần hành cùng với giới của mình.
Bảng hiệu của một công ty Trung Quốc bị gỡ bỏ chữ tiếng Hoa. (Hình: Facebook)
Hình thức phản đối ôn hoà trong các cuộc xuống đường trước đây đã chuyển sang hình thức bài Trung Quốc chưa từng có tại Việt Nam, trong ngày 13 tháng 5, 2014.
Cuộc biểu tình – đình công đã khiến giới chủ nhà máy lo ngại. Tất cả các nhà máy trong hàng loạt khu công nghiệp ở Bình Dương đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, bất kể có hoạt động bằng vốn đầu tư của Trung Quốc hay do chủ Trung Quốc điều hành hay không. Có tin do lầm lẫn, công nhân đã tràn đến phản đối ở cả những mày máy do Đài Loan, Nam Hàn, Việt Nam đầu tư và điều hành.
Hình ảnh được đưa trên một số trang facebook cho thấy, công nhân tràn đến, xô đổ cổng của một số nhà máy do chủ Trung Quốc đầu tư và điều hành. Một số facebooker cho biết, những công nhân biểu tình, phản đối Trung Quốc đã đập phá văn phòng, xưởng của một số nhà máy, thậm chí hôi của nhưng một số facebooker khác phản bác và khẳng định, công nhân chỉ đình công, tuần hành.
Do vài chục ngàn công nhân cùng tràn ra đường, giao thông ở thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương tắc nghẽn.
Cuộc đình công - biểu tình đang có dấu hiệu lan ra một số địa phương khác ngoài tỉnh Bình Dương.
Theo BBC, một nhóm công nhân Công ty Giày An Lạc đóng tại quận Bình Tân, Sài Gòn đã bao vây một công ty giày của nhà đầu tư Trung Quốc để phản đối hành vi xâm lược của chính quyền nước này. Nhóm công dân dùng cây đập các thùng xô ầm ĩ, hò hét phản đối Trung Quốc chiếm đóng Việt Nam. Theo một nhân chứng có mặt tại đây, công nhân Giày An Lạc không đập phá gì hết, cũng không có biểu ngữ, băng rôn, không cờ xí, đã lao vào công ty Pou Yuen hô hào công nhân đình công, ra về.
Một công ty giăng cờ Mỹ để tránh khỏi bị đập phá. (Hình: Facebook)
Theo báo giới Việt Nam, những diễn biến vừa kể đã khiến Chủ tịch tỉnh Bình Dương yêu cầu hủy tất cả các cuộc họp vốn đã được ấn định từ trước để cùng với Liên đoàn Lao động Bình Dương tính toán giải pháp ổn định tình hình tại các khu công nghiệp ở tỉnh này. Cũng theo báo giới Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã cử người đến gặp công nhân, kêu gọi họ kiềm chế, không gây thiệt hại tài sản của các doanh nghiệp.
Chiều 13 tháng 5, tờ Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam loan báo “Kiên quyết xử lý những đối tượng ‘đội lốt’ công nhân gây mất an ninh trật tự” tại Bình Dương.
Theo đó, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, tuyên bố, đây là “vụ việc nghiêm trọng”, Công an Bình Dương đã “nhanh chóng phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp VISIP, Sóng Thần, Việt Hương, Mỹ Phước… trên địa bàn tỉnh Bình Dương” để “theo dõi diễn biến, phát hiện các đối tượng có biểu hiện ‘đội lốt’ công nhân quá khích, quấy phá các công ty của người Trung Quốc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn” và sẽ “tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ Công an để ngăn cản kịp thời các hành động của một số phần tử ‘đội lốt’ công nhân quá khích, đồng thời sẽ làm rõ hành vi của những đối tượng này, tùy tính chất mức độ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Sợ bị vạ lây, một số công ty phải minh định “không phải của Trung Quốc”. (Hình: facebooker Bún Bò Huế)
* Lan rộng
Sau khi hàng ngàn công nhân ở Bình Dương xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào sáng Thứ Ba, vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, hàng trăm công nhân tại tỉnh Đồng Nai đã xuống đường cầm cờ, mang biểu ngữ phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Báo Dân Việt trong nước đưa tin, đoàn tuần hành với hàng trăm công nhân mặc đồng phục của một công ty sản xuất giày da có vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp Trung Quốc, với cờ và biểu ngữ mang theo, hô vang: “Phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam”, “Việt Nam muôn năm”…
Đoàn người xuất phát từ cổng công ty ở trung tâm thành phố Biên Hòa, vòng qua các tuyến đường lớn đến sân vận động tỉnh Đồng Nai.
Chiều cùng ngày, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản hướng dẫn các đơn vị liên quan tuyên truyền, định hướng cho công nhân trong việc thể hiện tinh thần yêu nước, không để xảy ra tình trạng quá khích…
* Tẩy chay Trung Quốc
Cũng cần nhắc lại là hôm 11 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức nhắc nhở Việt Nam phải bảo đảm an toàn cho các công dân và công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ khi “bình thường hóa quan hệ ngoại giao”, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm bảo an toàn cho công dân và công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam vốn vẫn là nơi mà các công dân Trung Quốc ra vào thoải mái để du lịch, mua bán, làm việc và cũng là chỗ mà các công ty của Trung Quốc dồn vốn cho các dự án đầu tư. Tuy nhiên sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một số chủ nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam đã tự động treo thông báo không tiếp nhận khách Trung Quốc cho tới khi chính quyền Trung Quốc rút giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Rất nhiều người Việt đã trả tiền đặt chỗ để đi du lịch Trung Quốc thông báo hủy tour hoặc yêu cầu đổi tour đi nơi khác. Một số công ty du lịch tại Sài Gòn ước đoán, hè này, lượng du khách Việt từ Sài Gòn sang Trung Quốc sẽ giảm khoảng 60%.
Theo báo Người Việt
Sửa bởi người viết 14/05/2014 lúc 08:58:59(UTC)
| Lý do: Chưa rõ