Liên hoan Cannes qua những con số gây ấn tượng Được mệnh danh là liên hoan điện ảnh lớn nhất thế giới, Liên Cannes quả là có nhiều con số đáng nghi nhận, trước hết là về số phim được gởi đến để tuyển lựa.
Năm nay, ban giám khảo đã xem tổng cộng 1700 phim để cuối cùng chỉ chọn ra có 20 phim tranh giải Cành cọ vàng và 20 phim cho chương trình “Un certain Regard” ( Nhãn quan độc đáo ), vinh danh các tài năng điện ảnh trẻ.
Vì là liên hoan điện ảnh lớn nhất thế giới cho nên số phóng viên kéo đến Cannes để đưa tin về sự kiện này cũng ngày càng đông, năm nay có đến 4.580 nhà báo từ khắp thế giới đến Liên hoan Cannes.
Liên hoan Cannes cũng nổi tiếng với tấm thảm đỏ dài 60 mét trải trên sân trước và trên 24 bậc cầu thang của Cung Liên hoan, mà biết bao ngôi sao màn bạc, đạo diễn nổi tiếng thế giới đã dẫm lên khi đến xem các phim tranh giải, hoặc dự các buổi chiếu đặc biệt.
Sau lễ khai mạc tối mai với sự điều khiển của nam diễn viên và ca sĩ Lambert Wilson, cuộc đua giành Giải Cành cọ vàng sẽ bắt đầu kể từ thứ năm, 15/05, phần lớn với những khuôn mặt quen thuộc của Liên hoan Cannes, như anh em đạo diễn ngưởi Bỉ Dardenne, đã từng hai lần đoạt giải Cành cọ vàng 1999 và 2005, hai đạo diễn Anh Ken Loach (Cành cọ vàng 2006) và Mike Leigh (Cành cọ vàng 1996). Trở lại Cannes kỳ này còn có đạo diễn Canada Cronenberg (Giải đặc biệt của ban giám khảo 1996), đạo diễn Nhật Naomi Kawase (Giải đặc biệt của ban giám khảo 2007) và đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan (Giải đặc biệt của ban giám khảo 2011). Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan Cannes năm nay là nữ đạo diễn người New Zealand Jane Campion.
Cannes và những tranh cãiCũng như mọi năm, đi kèm với Liên hoan Cannes bao giờ cũng có nhiều chỉ trích, tranh cãi, mà đầu tiên là tranh cãi về bộ phim sẽ được chiếu trong buổi khai mạc, đó là phim của đạo diễn Olivier Dahan “ Grace de Monaco”, nói về công nương Grace Kelly của công quốc Monaco.
Bộ phim này được đặc biệt chú ý, trước hết là vì người thủ vai chính trong phim là nữ tài tử Úc nổi tiếng Nicole Kidman, thứ hai là tính chất gần như huyền thoại của nhân vật Grace Kelly. Thế nhưng, gia đình của công nương xứ Monaco lại chỉ trích nặng nề nội dụng bộ phim này. Họ đã ra một thông cáo tuyên bố bộ phim của đạo diễn Dahan “ hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế”, đồng thời cho rằng cuộc đời của công nương Grace de Monaco đã bị “khai thác vào mục đích thuần túy thương mại”. Trả lời tờ Journal du Dimanche ngày 11/05/2014, đạo diễn Dahan cho biết ông cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời chỉ trích nặng nề đó của gia đình công nương Grace.
Một bộ phim khác có thể cũng sẽ gặp nhiều chỉ trích không kém, đó là phim “Welcome to New York”, tuy không nằm trong danh sách tranh giải chính thức, nhưng cũng sẽ được giới thiệu ở Cannes trong dịp này. Đây sẽ là một trong những sự kiện nóng hổi của Liên hoan Cannes vì bộ phim này có cốt truyện dựa theo vụ DSK, tức vụ chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cựu bộ trưởng Pháp Dominique Strauss- Kahn bị bắt giam ở New York ngày 14/02/2011, vì bị cáo buộc hãm hiếp một nữ hầu phòng khách sạn Sofitel. Thủ vai DSK là ngôi sao điện ảnh Pháp Gérard Dépardieu, còn nữ diễn viên Jacqueline Bisset đóng vai Anne Sinclair, vợ của cựu bộ trưởng Pháp.
Cannes không chỉ có phim truyện mà còn là nơi giới thiệu nhiều bộ phim tài liệu và năm nay, qua một số phim tài liệu được chiếu ở Cannes, khán giả Liên hoan sẽ chứng kiến những thực tế cay nghiệt của thế giới, từ Syria, Ukraina cho đến Sarajevo, cũng như biết thêm về tình trạng vi phạm quyền tự do báo chí ở nhiều nước.
Cannes Classics Bên cạnh những bộ phim mới, khán giả Cannes sẽ có dịp xem lại những bộ phim thuộc hàng kinh điển và tái ngộ những thần tượng một thời vang bóng, qua chương trình mang tên Cannes Classics.
Tuy chỉ mới ra đời cách đây mười năm, nhưng Cannes Classics đã trở thành một điểm hẹn không thể bỏ qua, nhất là chương trình năm nay chọn nữ diễn viên kỳ cựu người Ý Sophia Loren làm khách mời danh dự.
Những người may mắn sẽ được xem lại những bộ phim thuộc hàng kinh điển được phục chế bằng kỹ thuật 4K, tức là với những hình ảnh có độ phân giải cực lớn, rất nét, như phim “Mariage à l’italienne” ( Hôn nhân kiểu Ý ) của đạo diễn Vittorio de Sica hay “A Fistful of Dollars” ( Chỉ vì vài đôla ) của đạo diễn Ý Sergio Leone. Tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn Wim Wenders “Paris, Texas”, được chiếu lần đầu tiên cách đây 30 năm, cũng sẽ có mặt trong chương trình Cannes Classics. Tổng cộng khoảng hơn 20 phim sẽ được giới thiệu trong chương trình năm nay.
“Chợ” phim Cannes Liên hoan Cannes không chỉ là nơi trình chiếu các phim tranh giải hay là nơi trải thảm đỏ đón các ngôi sao màn bạc quốc tế, mà còn là “chợ” điện ảnh lớn nhất thế giới, quy tụ rất nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối và cả các nhà tài trợ.
Theo thẩm định của hãng phim StudioCanal, 50% số phim được mua bán trên thế giới chính là ở Cannes. Các hãng phim lớn nhỏ đến đây để chào hàng không chỉ các bộ phim được chiếu ở Liên hoan Cannes mà nhiều bộ phim khác nữa, cho dù đó chỉ mới là những phim còn ở dưới dạng kịch bản, đang được quay, giai đoạn hậu kỳ hay đã hoàn tất.
“Chợ” phim Cannes ngày càng lớn vì năm nay được biết là số người tham gia sẽ là hơn 12 ngàn. Năm ngoái chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, đã có đến 5.400 phim được giới thiệu. Thành phố Cannes ngày càng quan trọng bởi lẽ hiện nay có rất nhiều phim là hợp tác sản xuất, mà thường là hợp tác với Pháp. Hơn nữa Pháp có một hệ thống tài trợ cho điện ảnh được nhiều nước bắt chước.
Đại diện cho Trung Quốc, thị trường hấp dẫn nhất đối với với điện ảnh phương Tây hiện nay, đến chợ phim Cannes là một phái đoàn hùng hậu khoảng 400 người, một con số kỷ lục.
“Cinémas du monde”Không chỉ là nơi mua bán phim, Cannes còn là nơi hỗ trợ cho nền điện ảnh ở những nước nghèo. Đây là năm thứ 6 Liên hoan Cannes đón tiếp chương trình “Les cinémas du monde”, nhằm giúp những nước còn thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển một đền điện ảnh có chất lượng cao.
Trong số 125 ứng viên, ban tổ chức đã chọn ra 11 đạo diễn trẻ từ các nước Algérie, Nam Phi, Bangladesh, Brazil ( 2 đạo diễn ), Cuba, Gruzia, Lào, Sénégal, Syria, Venezuela, mang đến đây những dự án phim của họ. Dưới sự bảo trợ của đạo diễn Brazil nổi tiếng thế giới Walter Sallas và tại Cannes họ sẽ được hướng dẫn, giúp đở để thực hiện những dự án đó. Trong số các đối tác của chương trình Cinémas du monde, có tập đoàn phát thanh truyền hình đối ngoại của Pháp France Médis Monde, mà RFI là một thành viên.
Nhân đây cũng xin nói qua về đạo diễn Lào Mattie Do. Sau khi đã làm việc cho các phim Âu-Mỹ, Mattie Do đã trở về nước để làm tư vấn cho hãng phim Lao Art Media. Bà đã từng là tác giả bộ phim dài đầu tiên của Lào do một phụ nữ thực hiện, Chanthaly, phim kinh dị, ra mắt khán giả vào năm 2013.
Mattie Do đến Cannes lần này với dự án phim “Người chị yêu dấu”, nội dung nói về một cô nông dân nghèo ở miền Nam nước Lào, lên thủ đô Viêng Chăng để chăm sóc một người chị họ giàu có. Người chị này không hiểu vì sao đã bị mù, nhưng nay có khả năng giao tiếp với người chết, và nhờ người cõi trên mách bảo, có thể đoán được những số sẽ trúng độc đắc. Cô nông dân phải chọn lựa thế nào: chăm sóc cho đến khi người chị khỏi bệnh, hay lợi dụng sự tật nguyền của người chị để có thể thoát cảnh nghèo nhờ trúng số? Bộ phim hiện chỉ mới ở giai đoạn viết kịch. Với kinh phí dự trù là 200 ngàn euro, đạo diễn Mattie Do đang tìm các đối tác là những nhà sản xuất châu Âu.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 13/05/2014 lúc 08:00:51(UTC)
| Lý do: Chưa rõ