Trong một tiền kiếp, khi còn làm nhân viên cho một tổ hợp tư vấn Hoa Kỳ, người viết được nếm mùi dân chủ Mỹ trên đất lạ. Nhìn từ bên ngoài thì đây là bài học cũng khá thời sự về nước Mỹ.
Năm đó, nghiệp vụ của người viết là đưa một đoàn chuyên gia đi... ăn Tết Marốc. Ngày xưa ở trong Nam chúng ta cứ nói đùa về loại việc xa vời, như chờ đến Tết Congo hay Maroc. Nhờ cuộc đổi đời thì có ngày đi Maroc thật. Nghiệp vụ kỳ đó vui như ăn Tết: lượng giá bảy công ty xi măng quốc doanh của xứ này để tiến hành tư nhân hóa.
“Piece of cake” mà không phải là “peace of mind.”
Hơn 20 năm trước, khi hệ thống kinh tế tập trung kế hoạch phá sản cùng sự sụp đổ của Liên Xô, trào lưu của nhiều quốc gia là chính quyền giảm dần việc đầu tư vào doanh trường và bán doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân. Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Chính Quyền Mỹ đều khuyến khích việc đó. Rồi về chuyên môn thì tiến hành thể thức giải tư ra sao, và nếu bán tài sản của nhà nước cho tư nhân thì bán với giá nào, theo thủ tục nào?
Vì vậy trong một kế hoạch lớn mới có dự án nhỏ là định giá một loạt bảy công ty ở nhiều nơi của xứ Maroc. Và đấy là lúc chuyên gia vấp chân vào cơ chế dân chủ Hoa Kỳ.
Về bối cảnh, một doanh nghiệp Mỹ gửi đoàn chuyên viên của họ, được Ngân Hàng Thế Giới tuyển về chuyên môn, để thực hiện kế hoạch giải tư theo khuyến cáo của cơ quan viện trợ Mỹ là USAID. Cơ quan USAID nằm trong Bộ Ngoại Giao và viện trợ kế hoạch giải tư cho Maroc. Khi tới nơi, đoàn chuyên viên ghé chào Sứ Quán Hoa Kỳ tại Rabat để trình bày nội dung công tác, được sự khích lệ của Tùy Viên Kinh Tế. Sau đó họ mới bắt tay vào việc tại nhiều nơi khác nhau. Bảy công ty quốc doanh chứ không phải là ít.
Trục trặc xảy ra là khi viên trưởng đoàn này được sứ quán cho biết là bị... Georgia phàn nàn.
Georgia là tên một tiểu bang Mỹ, có thủ phủ là Atlanta nổi tiếng với nàng Scarlett O'Hara và trận nội chiến năm xưa. Ðời nay, nơi đây có một doanh nghiệp sản xuất máy móc làm xi măng. Họ gửi thư phàn nàn lên văn phòng nghị sĩ, thời đó là ông Sam Nunn rất đáng kính của Ðảng Dân Chủ.
Sứ Quán Mỹ tại Rabat nhận được thư của văn phòng nghị sĩ từ Altanta. Rằng một doanh nghiệp địa phương sắp bán được một giàn máy cho một doanh nghiệp tại Maroc, và tạo ra công ăn việc làm cho cư dân ở Georgia, thì bị phái đoàn chuyên viên cản trở. Dự án lượng giá để giải tư khiến doanh nghiệp Maroc hoãn mua máy Mỹ. Tại sao công ty tư vấn Mỹ lại phá hoại quyền lợi của doanh nghiệp Hoa Kỳ như vậy?
Xin viết lại cho gọn: Cơ quan USAID viện trợ cho xứ nào đó thực hiện một dự án mà Bộ Ngoại Giao của Chính Quyền Liên Bang cho là có lợi cho kinh tế của quốc gia được cấp viện.
Nhưng dự án lại gây rắc rối cho một công ty Mỹ sắp bán được giàn máy nên họ tác động vào chính quyền tiểu bang, với kết quả là Lập Pháp Phàn Nàn Hành Pháp - và dội qua Rabat.
Nhìn từ xứ Maroc, Hoa Kỳ tại thủ đô Washington thì khuyên một đàng mà Hoa Kỳ tại Atlanta lại nói một nẻo, cả hai lời nói đều có giá trị chính đáng. Còn đám chuyên gia tư vấn của Mỹ phải trổ tài lách khỏi hai áp lực trái ngược ở nhà - để còn hy vọng trúng thầu cho một dự án khác.
Hiển nhiên là chuyện như vậy đã từng và sẽ xảy ra nhiều lần, làm các đồng minh cứ phân vân về nước Mỹ.
***
Trong chuỗi biến động về vụ Liên Bang Nga vừa thọc tay vào Ukraine, giới quan sát đều theo dõi xem Hoa Kỳ làm gì. Giới bình luận thì nhìn vào thủ đô Washington xem Hành Pháp và Lập Pháp Mỹ có phản ứng ra sao. Nhưng nhìn như vậy vẫn chưa đủ sâu - và rộng.
Ðầu Tháng Năm, nhiều dân biểu nghị sĩ Mỹ đã tới Tòa Ðại sứ Cộng Hòa Azerbaijan mừng ngày hữu nghị giữa hai quốc gia. Ðáng chú ý trong số này là nghị sĩ Dân Chủ Charles Schumer của New York, với lời tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Azerbaijan là hai quốc gia dân chủ. Ðáng chú ý hơn nữa là sự hiện diện của nữ Dân Biểu Nancy Pelosi, trưởng khối thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện. Bà này có thành tích ủng hộ Cộng Hòa Armenia vì hậu thuẫn của dân Mỹ gốc Armenia ở đất Cali, mà từ 20 năm nay, Armenia và Azerbaijan lại có tranh chấp về một khu vực tự trị - Cộng Hòa Nagorno-Karabakh - trong lãnh thổ Azerbaijan. Vậy mà Nancy Pelosi vẫn tới mừng dù chẳng phát biểu gì.
Chuyện này đáng chú ý vì vụ Ukraine.
Azerbaijan có vị trí địa dư nối liền Ðông Âu với Tây Á, là quốc gia lớn nhất khu vực Caucasus xưa kia thuộc quỹ đạo Xô Viết và tiếp giáp với Nga và Iran. Người dân, gọi là Azeri, theo Hồi Giáo, có quan hệ lịch sử và văn hóa với hai sắc dân Thổ và Ba Tư. Quan trọng nhất, Azerbaijan có dầu hỏa và sau khi Liên Xô tan rã, vẫn giữ vị trí độc lập với Liên Bang Nga. Còn sát cánh với Hoa Kỳ trong hai chiến dịch Afghanistan và Iraq, cho đến ngày nay. Trong vụ Vladimir Putin tấn công Ukraine, Azerbaijan đã cùng Hoa Kỳ bỏ phiếu tại Hội Ðồng Bảo An để kết án Nga.
Gan cùng mình! Tức là Azerbaijan là cái gai muốn nhể và Armenia là đòn xóc của Putin.
Vì vậy, lãnh đạo Azerbaijan tại thủ đô Baku mới chú ý đến sự hiện diện và phát biểu của các nhân vật thuộc Lập Pháp Hoa Kỳ. Họ chú ý vì dù có tình nghĩa đồng minh như vậy, Chính quyền Mỹ vẫn lửng lơ ỡm ờ về vụ tranh chấp Nagorno-Karabakh với xứ Armenia thân Nga.
May quá, lãnh đạo Hoa Kỳ không chỉ ngồi tại thủ đô Washington!
Tháng trước, khi Tổng Thống Barack Obama đi tìm lại cái trục chưa ráp đã long tại Ðông Á, dân Baku lại ca tụng thành phố Houston của Texas. Baku và Houston đã kết nghĩa “chị em” từ lâu. Trong khi Hành Pháp lẫn Lập Pháp Mỹ còn phân vân do dự tại Washington thì doanh giới lẫn các chính trị gia của Houston, và Texas, đã vào Azerbaijan và lặng lẽ xúc tiến dự án đưa dầu của Azerbaijan tới Ðịa Trung Hải qua ống dẫn Babu-Tbilisi-Ceyhan dài gần 1,800 cây số.
Dự án vĩ đại này thành hình từ năm 2005 với sự góp sức của Houston sẽ giải vây Azerbaijan và tiếp tế năng lượng cho Âu Châu! Mà Hoa Kỳ không chỉ có Washington hay Houston, hoặc Texas và kỹ nghệ năng lượng.
Nhiều tiểu bang và thành phố của Mỹ lặng lẽ phát triển quan hệ với các xứ khác và kín đáo tác động ngược lên các chính khách ở thủ đô. Các chính trị gia này có thể ngồi vào vị trí liên bang để quyết định về đối sách ngoại giao hay an ninh của Hoa Kỳ, nhưng đều có hậu cứ địa phương và phải lo cho cư dân sẽ bỏ phiếu cho họ. Vì vậy mới có hiện tượng bất thường mà dễ hiểu là cùng người Mỹ vẫn thật tâm nói ra điều mâu thuẫn.
Nhìn từ bên ngoài, ta có thể nghĩ Hoa Kỳ mới là vô địch về ngón võ “song thủ hỗ bác” của Châu Bá Thông trong truyện võ hiệp Kim Dung. Thật ra, Hoa Kỳ có dáng ngây thơ thật khùng của Lão Ngoan Ðồng mà là đại cao thủ có thể giao đấu tay trái với tay phải.
Ai kẹt vào giữa thì ráng chịu!
Nguyễn-Xuân Nghĩa
____________
Chuyện chỉ có tại nước Mỹ
Thành phố Detroit của tiểu bang Michigan bị vỡ nợ vào năm ngoái, chuyện ấy, ai cũng biết. Nhưng ít biết một cách đếm của viên chức công quyền sở tại. Họ mất 32 đồng để thu được tiền phạt đậu xe trái phép là ba chục. Ðã vậy, thành phố có 3,404 máy tính tiền đậu xe thì phân nửa lại hỏng. Nói theo kinh tế thì đấy là sản nhập. Hèn gì, Detroit kết nghĩa chị em với Trùng Khánh của Trung Quốc.