Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Nhà báo Bùi Tín tại tượng đài tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản. (Hình: Nguyễn Quốc Khải)
Thủ đô Washington DC nắng đẹp, rừng cây xanh, thảm cỏ xanh với đủ loại hoa phô diễn giữa bàu trời xanh trong
lành. Tha hương ngộ cố tri. Cảnh đẹp càng thêm tuyệt vời khi gặp lại bạn cũ xa vắng lâu ngày trên đất bạn, cách quê
hương một đại dương.
Hai bạn vong niên tôi gặp lại hôm nay là anh Cù Huy Hà Vũ và chị Dương Hà, vợ anh. Tôi vốn là bạn thân với 2 nhà
thơ Xuân Diệu và Huy Cận. Kỷ niệm vui của tôi với Huy Cận là từng lững thững bên bờ sông Seine giữa Paris cùng
đọc thơ
“Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu …”.
Hà Vũ ôm tôi, xúc động, gọi tôi bằng “chú” trong khi mắt cụ già gần 90 xuân xanh này ngấn lệ. Cũng như tôi từng bồi
hồi lo cho anh khi anh bị bắt rồi vào nhà tù với bản án trả thù quá nặng 7 năm tù và 3 năm quản chế, khi anh bị những
cơn đau tim trong tù do bệnh tim bẩm sinh.
Hai ngày dạo quanh thủ đô Washington DC giữa thiên nhiên lộng lẫy đầy hoa, Hà Vũ kể không hết chuyện. Chuyện
trong tù dĩ nhiên là đầy ắp. Chuyện bị bắt, bị lấy cung, chuyện cãi trước tòa. Chuyện phiên xử phúc thẩm. Chuyện
sinh hoạt trong tù. Rồi 4 lần tuyệt thực, nhưng hồi phục cũng nhanh, chỉ trong 3 ngày lên gần 4 kí. Sút cân sức giảm,
nói hụt hơi, nhưng vẫn cố hét to để tỏ phong độ với các “em cai tù “. Mọi người cười vang khi Hà Vũ kể anh đã dày
công, nhân danh người hiểu sâu luật pháp, huấn luyện lại cho số cai tù trẻ về những hiểu biết sơ đẳng về nhân
quyền, về tôn trọng nhân phẩm của người tù, từ đó chấm dứt thói buộc người tù gọi các cai tù là “ông“ và xưng
“cháu” cho dù cai tù chỉ đáng tuổi con cháu của tù nhân. Qua đó Hà Vũ được phần lớn cai tù nể trọng, gọi là “tiến sỹ
luật”, có người còn gọi đùa với ẩn ý quý mến là “thưa tổng thống”.
Hà Vũ kể rằng anh đã để lại trong trại hơn 2 ngàn trang nhật ký - 15 tập vở khổ A4 - anh cần cù viết đều đặn, được
trại giam lưu giữ nhân bản gửi về bộ Công an, ghi lại những suy nghĩ của anh về chế độ, về nhà tù, về các diễn biến
thời sự, về tương lai đất nước. Sắp đến anh sẽ cố nhớ và ghi lại, dù biết rằng rồi sẽ có lúc anh có thể thu hồi lại
nguyên bản những trang gốc ấy được hiến pháp bảo hộ.
Tuy nhiên anh đã tìm cách gửi ra đăng trên các mạng internet bài “Vận nước nhìn từ Trường Sa”, bài “30/4/1975:
Giai nhân và Quái vật”, đặc biệt là bản góp ý về bản hiến pháp 1992. Đến nay quản lý trại giam vẫn không biết anh
làm cách nào để chuyển ra ngoài những tài liệu ” nóng” ấy. Anh cười vui: việc làm chính nghĩa bao giờ cũng có
người tiếp sức dù bất kỳ ở đâu.
Hà Vũ khẳng định rằng việc chính quyền toàn trị buộc phải thả anh ra mà không có một thỏa thuận hay điều kiện nào
giữa các bên. Phía Hoa Kỳ chỉ làm cho họ hiểu rằng nếu không thả luật sư Cù Huy Hà Vũ thì mọi chuyện trong quan
hệ 2 nước sẽ ách tắc, từ kinh tế, tài chánh, an ninh quốc phòng đến bán vũ khí sát thương, trao đổi về an toàn hạt
nhân.
Trước khi lên chiếc máy bay Korean Air Line lúc 18 giờ tối 6/5, đại diện bộ CA dúi vào tay anh tờ quyết định “tạm
hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe “, không một lời giải thích nào khác. Xe ô tô đưa thẳng anh từ Yên Định ra sân
bay Nội Bài. Tại đây cô Dương Hà chờ anh. Anh yêu cầu ghé về nhà riêng trên đường Điện Biên Phủ để thắp
hương trước bàn thờ Cụ thân sinh, họ không hé miệng trả lời. Chiến thuật ngậm tăm.
Điều rất lý thú là phía Hoa Kỳ rất trọng thị khi thuyết phục anh nhận lời mời sang Hoa Kỳ để nghỉ ngơi và làm việc. Bà
Jenifer L. Neidhart de Ortiz tham tán đặc trách về nhân quyền của sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đến trại giam nói rõ
rằng “Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến trường hợp của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, mời ông sang Hoa Kỳ để có dịp
thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, qua đó thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt Nam và góp phần thắt chặt
mối quan hệ giữa 2 nước Mỹ - Việt ”.
Cuối cùng bà Jenifer nói: “Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự được ông tiếp nhận lời mời” – We are very pleased
and honored by your acceptance. Bà thuyết phục rằng: ”Chúng tôi mời ông sang Hoa Kỳ vì lợi ích chung thiết thực“
- by significant public interest, còn khẳng định: ông sẽ làm việc trong môi trường được kính trọng nhất là môi trường
Đại học. Cuộc đối thoại được quay phim, ghi âm, với sự có mặt của ông Mạnh, phiên dịch của sứ quán Hoa Kỳ.
Trên con đường ra sân bay, đại diện Hoa Kỳ còn nói rõ phía chính phủ Hoa Kỳ có nhã ý sẵn sàng tiếp nhận thân
nhân cùng đi theo luật sư Hà Vũ như các con và cháu ông nếu như ông muốn. Anh Hà Vũ rất xúc động cám ơn thiện
chí đặc biệt ấy và nói rõ anh quan tâm trước hết là bắt tay vào làm việc vì nhân dân và đất nước.
Đến Hoa Kỳ là những ngày bận rộn thu xếp chỗ ăn ở và gặp ngay một số thượng nghị sỹ và dân biểu Hoa Kỳ, đặc
biệt là ông Ben Cardin Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương đúng vào lúc ông chuẩn bị sang Hà Nội. Anh
Hà Vũ dứt khoát yêu cầu phía Mỹ cần tạo áp lực mạnh hơn đòi tự do ngay cho tất cả người tù chính trị, chấm dứt
việc họ dùng làm con tin để mặc cả, để câu giờ, nhất là khi bành trướng Trung Quốc phơi bày rõ dã tâm xâm lược
nước ta. Đây là một thời cơ lớn.
Anh cho biết anh chậm ra mắt họp báo để cám ơn đồng bào trong ngoài nước cũng là do phải làm một số việc gấp
và tìm hiểu xem những điều kiện làm việc sắp tới sẽ ra sao, có thể có hiệu quả thiết thực hay không.
Hà Vũ sẽ làm gì trên đất Mỹ? Con người say mê hành động, và hành động sao cho có hiệu quả này đang có nhiều
dự tính. Nước Mỹ sẽ tạo cho anh những điều kiện tuyệt hảo. Trung tâm Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National
Endowment for Democracy) mời anh làm việc như một nhà nghiên cứu, một giáo sư. Anh đã tốt nghiệp Luật và Kinh
tế ở Pháp. Anh cũng từng du học ở Hoa Kỳ. Đại học Thủ đô – Washington University cùng một số Đại học khác đã
mời anh đến nói chuyện, giảng bài. Anh vui mừng có dịp đóng góp phần thiết thực của mình cho sự nghiệp dân chủ
hóa đất nước đầy cam go thử thách, nhưng cũng đầy cảm hứng mới mẻ.
Anh đang ôn nhớ lại lịch sử Việt Nam mà anh là nhân chứng sống. Anh hiểu rõ vụ Cải cách Ruộng đất. Anh biết rõ
vụ Nhân văn Giai phẩm. Anh biết sâu nền Pháp lý cũng như nền Tư pháp VN. Anh hiểu chi ly bộ máy an ninh chìm
nổi, hệ thống Công an Việt Nam. Anh hiểu người dân mình, đồng bào mình, tuổi trẻ và nhịp thở của xã hội. Trong
anh còn có tâm hồn nghệ sỹ dễ rung cảm, anh là họa sỹ, có những bức tranh độc đáo, xuất thần.
Hôm nay anh Hà Vũ và chị Dương Hà cùng bè bạn đi dạo cảnh thủ đô Hoa Kỳ, ghé thăm Đài Tưởng niệm chiến
tranh Việt Nam và đặc biệt là Tượng tưởng niệm 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản. Đài đặt tại góc 2 đại lộ
Massachusetts và New Jesey, chỉ cách Tòa nhà Quốc Hội chừng 1 kilomet, hình một phụ nữ giương cao ngọn
đuốc Tự Do. Tượng màu đen tuyền, biểu thị niềm đau xót mất mát, để nhắn nhủ, thức tỉnh mọi người còn sống
rằng: Chủ nghĩa Cộng sản áp dụng vào thực tế cuộc sống chỉ là chết chóc, chiến tranh, đói khổ lầm than không sao
kể xiết, là tội ác còn kinh khủng gấp bội tội ác của bọn phát xít Hit Le.
Bức tượng được khánh thành ngày 12/6/2007 bởi tổng thống G.W.Bush, có đại diện của hơn 60 nước; đại diện của
VN là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từng ở tù của Cộng sản Việt Nam hơn 27 năm.
Tại đây chúng tôi nói với nhau rằng làm sao để những người Việt Nam còn mang danh hiệu Cộng sản có dịp đến
đây tìm hiểu và suy ngẫm về chủ nghĩa CS hiện thực, được coi là Tội Ác, là Ác Quỷ của thế kỷ XX đã qua, và rút ra
cho mình bài học bổ ích nhất cho mỗi người, khi mỗi người chỉ có một cuộc đời.
Cù Huy Hà Vũ từng là nạn nhân sống của chủ nghĩa CS toàn trị. Anh bị họ bạc đãi, vu cáo, trả thù một cách hèn hạ,
độc ác. Anh đã tự vượt lên bằng nghị lực, nhân cách, trí tuệ của mình và cùng nhân dân và thế giới dân chủ giành lại
tự do cho bản thân.
Hôm nay đứng trước bức tượng tiêu biểu cho hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa CS đồng nghĩa với Tội Ác trên
toàn thế giới, Hà Vũ lớn tiếng tuyên bố: “Tôi còn sống ngày nào là tôi dồn hết sức mình cho cuộc đấu tranh khốc liệt
nhằm sớm loại trừ chủ nghĩa cộng sản toàn trị tội ác trên đất nước Việt Nam thân yêu, cùng nhân dân giành lại
quyền sống tự do trong nhân phẩm “.
Chị Dương Hà ghi âm lời của người chồng quý mến của mình vào máy ảnh nhỏ. Là một nạn nhân bi thảm của chủ
nghĩa CS VN, chị kể ngay tại địa điểm này:” Em không ngủ yên. Suốt 2 năm 8 tháng anh ở trong tù, tâm trạng em
luôn hoảng loạn. Đêm nghe tiếng chuông reo là tưởng như tim ngừng đập. Nghĩ ngay có thể là tin anh ấy mất trong
trại giam. Mình góa chồng từ đêm nay.” Chị lau nước mắt, rồi nở một nụ cười tươi.
Cuộc rong chơi hôm nay ngang dọc thủ đô Washington DC thật vui, niềm vui sâu lắng của hội ngộ, của “ly hương
ngộ cố tri”, trên đất tự do giữa mùa hoa nở, khi hoa Dân chủ của Trí tuệ và Tâm huyết loài người cũng đang bừng
nở lan tỏa ra toàn thế giới, không thể bỏ sót một khu vực, một vùng, một góc nào trên trái đất tuyệt vời này.
Theo Blog của Nhà báo Bùi Tín (VOA)