Bác Đặng Ngô có chồng ở viện dưỡng lão Garden Park Care Center thường vào thăm chồng để ông không cảm giác bị bỏ quên.
Chị tâm sự, “Mãi đến trước khi anh mất (vào đầu năm 2013), lúc đó anh bệnh nặng rồi, tôi đành chấp nhận đưa anh vào Garden Park Care Center, nơi tôi đang làm việc. Đến lúc anh vào nursing home rồi, thì tôi mới hiểu rằng đưa anh vào đây, tốt hơn để anh ở nhà. Anh ở đây luôn cảm thấy vui vẻ, vì những bệnh nhân ở trong này phần lớn đều là người Việt, rất thân tình, Tony Nguyễn, John… là bệnh nhân ở trong đây lâu năm thường sang phòng ông xã tôi để thăm anh mỗi ngày để anh không bị cô đơn.
“Anh được chăm sóc tốt về y tế, có các nhân viên làm việc 3 ca trong ngày, tôi cũng đỡ vất vả hơn khi không phải căng thẳng vừa đi làm, vừa phải lo lắng chăm sóc anh, nên tinh thần tôi cũng thoải mái hơn mỗi khi ở bên anh. Bản thân anh đã có những ngày cuối đời thật dễ chịu khi sống trong đây. Nơi này chúng tôi xem như gia đình lớn của mình, không chỉ việc chăm sóc y tế tốt, mà hơn hết là ở tấm lòng, ở cái tâm của đội ngũ nhân viên của trung tâm và tình thân thiện, quan tâm của các bệnh nhân với nhau.”
Theo chị Elizabeth Thu Hải bản thân chị, cũng như các y tá, điều dưỡng viên… làm việc tại các nursing home, trong bệnh viện… phải tiếp xúc hằng ngày với các bệnh nhân, các vị cao niên cần được chăm sóc. Chị kể, “Những người bệnh vì đau đớn do bệnh tật gây ra, rất khó tính nên khi chăm sóc họ sẽ rất dễ bị stress, nếu vì stress mà mình bực dọc, nạt nộ bệnh nhân, thì đó là điều không hay. Vì vậy tôi luôn ý thức khi mình làm việc với các bác trong này, mình luôn xem các bác như người thân của mình.
Họa sĩ Tony Nguyễn sống tại Garden Park Care Cente nhiều năm và xem nơi đây như gia đình của mình.
“Để có được năng lượng và tình yêu thương đó, bản thân tôi đã tham gia chương trình Healing Touch, do các y tá tại Mỹ này lập ra để giúp chính họ. Chương trình này giúp mình tĩnh tâm và tập luyện cho cơ thể để tạo lại năng lượng cho chính mình. Khi mình khỏe, tinh thần thoải mái thì mình mới có thể chăm sóc người khác bằng sự yêu thương, nếu không, mình sẽ chỉ làm việc như một cái máy và rất dễ khó chịu khi phải đối diện với những áp lực do tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày.”
Chị Nancy Trần là y tá đã làm việc hơn 13 năm tại Garden Park Care Center, cho biết người Việt học về y tá, trợ lý của y tá, y công không nhiều, vì vậy những nursing home có bệnh nhân người Việt đông như Garden Park Care Center, thì y tá người Việt chỉ có 2-3 người, còn những dịch vụ chăm sóc khác đều là người Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ.
Chị nói, “Hồi xưa tôi làm tại một nursing home chủ yếu là bệnh nhân người Mỹ rất dễ bị stress. Nhưng khi về đây làm, tôi thích hơn, vì bệnh nhân phần lớn là người Việt, nên cảm thấy gần gũi với bệnh nhân, thấy như trong gia đình. Nghề này rất cực, làm việc theo ca, ca sáng từ 7 giờ đến 3 giờ chiều. Ca thứ nhì là từ 3 giờ đến 11 giờ khuya và 11 giờ đến 7 giờ sáng. Mỗi ca trực có cái cực riêng, ban ngày bệnh nhân cần trợ giúp nhiều… còn ca trực tối bệnh nhân ngủ, nhưng y tá vẫn phải trực, chăm sóc bệnh nhân, cho thuốc, hoặc gọi đến nhà thương nếu bệnh nhân cần đi cấp cứu.
“Một y tá tại nursing home chăm sóc khoảng từ 30 đến 32 bệnh nhân, công việc thường là phát thuốc cho bệnh nhân, gọi bác sĩ thông báo thay đổi bệnh tình của bệnh nhân, gọi nhà thuốc để lấy thuốc cho bệnh nhân, gửi bệnh nhân đi bệnh viện… Ngoài y tá, sẽ có người y công sẽ lo chăm sóc từ 7- 8 bệnh nhân, lo về thay tã, tắm rửa, đút ăn. Thường 1 tuần y công sẽ tắm cho bệnh nhân 3 ngày. Còn thay tã, thay ra giường, thay đồ thì thay mỗi ngày, hoặc mỗi lúc khi cần thiết.”
Tìm hiểu về một số dịch vụ tại viện dưỡng lão
Theo lời của ông Ronald Ellenich là quản lý của Garden Park Care Center và cô Tiffani Trần là người phụ trách tiếp thị của nơi này cho biết nơi đây có chương trình dành cho người Việt Nam khoảng hơn 18 năm có bệnh nhân người Việt khoảng 90 phần trăm.
Đối với các bệnh nhân, các cụ cao niên Việt Nam khi đến sống tại các viện dưỡng lão có nhiều người Việt, sẽ có thuận tiện là không bị rào cản ngôn ngữ. Dù người Việt làm y tá, y công, điều dưỡng viên… không nhiều tại đây, nhưng hầu hết các nhân viên của những công việc khác tại đây đều được trung tâm mướn người Việt làm.
Bản thân các nhân viên không phải người Việt cũng cố gắng học những từ tiếng Việt đơn giản để nói chuyện với bệnh nhân, tại đây còn có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt. Nên các bệnh nhân vào đây không bị cảm giác lạc lõng, bơ vơ. Nếu cả hai vợ chồng đều có nhu cầu vào đây, trung tâm sẽ sắp xếp để cả hai ở chung một phòng. Còn với những bác nào ở trong này không hợp với người cùng phòng mà muốn chuyển phòng, trung tâm cũng sẽ sắp xếp để người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, vào những dịp lễ lớn của oa Kỳ, tết Nguyên Đán… trung tâm luôn có những chương trình giải trí mang đậm văn hóa Việt để phục vụ các bệnh nhân của mình.
Những dịch vụ trên không chỉ có tại Garden Park Care Center, mà các viện dưỡng lão có bệnh nhân Việt Nam đông, đều có tương tự nhau những chương trình dành cho người Việt, giúp bệnh nhân Việt Nam vào đây cảm giác quen thuộc như ở tại nhà mình.
Theo chị Annie Yến Phan phụ trách về tiếp thị và nhập viện của Garden Grove Convalescent Hospital thì hiện nay quanh Quận Cam, có 7 viện dưỡng lão chuyên phục vụ cho người Việt Nam.
Cô giáo Elizabeth Thu Hải và học trò của mình Tony Nguyễn.
Thường mỗi trung tâm có khoảng 99 giường nursing home dành cho người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt, riêng trung tâm này thì có 147 giường, ngoài 99 giường nursing home, còn lại là nơi ở cho các cụ cao niên vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt.
Theo chị số bệnh nhân bên phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care) tại đây có 2 dạng là ngắn hạn (ở một thời gian rồi về lại gia đình) và dài hạn (ở đến cuối đời). Khi nam bệnh nhân vào đây, thường chỉ ở ngắn hạn, một là qua đời, hai là về lại nhà, không chịu cho người nào chăm sóc mình. Chủ yếu ở dài hạn là nữ bệnh nhân.
Chị nói thêm, “Trung tâm mở ra là nơi tin tưởng để gửi thân nhân là những bác cao niên vào điều trị, chăm sóc mà không cần phải lo ngại. Những trung tâm dành cho người Việt có nhân viên Việt Nam, luôn quan tâm, bênh vực quyền lợi và chăm sóc các bác chu đáo. Nếu các bác lo ngại, thì ở ngắn hạn trước, xem như thế nào. Hài lòng rồi, thì ở dài hạn. Trước khi vào viện dưỡng lão, các bác cần có thời gian tiếp xúc với những bác đã và đang sống tại trung tâm, để hỏi họ nơi này ra sao, rồi hãy quyết định tiếp tục ở lại.
“Theo tôi, trước ý kiến cho rằng có trường hợp những vị cao niên vào viện dưỡng lão, bệnh tình càng nặng hơn, đó là do tâm bệnh, chứ không phải do việc chăm sóc y tế tại đây không tốt. Thường những bác có con cái đông, cảm thấy mình bị bỏ rơi. Vì trung tâm vẫn có những sinh hoạt nhộn nhịp mỗi ngày, dịp lễ… để giúp tinh thần các bác.
“Với những bác bị đãng trí, thì không có vấn đề gì. Nhưng với những bác còn minh mẫn, thì những người con, cháu nên thăm viếng, và cho biết ba má, ông bà biết hãy ở một thời gian, sau khi ổn định công việc thì sẽ đón về, để các bác không bị cảm giác bị bỏ rơi.
“Tôi thấy cũng có nhiều trường hợp các cụ vào viện dưỡng lão một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa, vì ở trong này vui hơn là ở nhà thui thủi một mình khi con, cháu đi làm, tối con cháu đi làm về mệt, cũng chẳng trò chuyện gì với mình.”
Chị Kim Đỗ là giám đốc tiếp thị tại Mission Palms Healthcare Center cho biết, “Khi ở trong viện dưỡng lão là các bệnh nhân phải sinh hoạt theo giờ giấc quy định của trung tâm, giờ ăn sáng bắt đầu từ 7 giờ, giờ giải trí, giờ uống thuốc, đến 8 giờ tối là giờ đi ngủ. Cả ngày trung tâm luôn có những hoạt động giải trí khác nhau tại phòng sinh hoạt chung để các bác luôn bận rộn, không cảm thấy buồn chán. Chưa kể những chương trình do các hội đoàn của cộng đồng đến giúp vui cho các bác, chính vì vậy, nhiều bác cảm thấy rất vui khi sống tại đây.”
Chị cho biết điều kiện vào các viện dưỡng lão Có nhiều nguồn kinh phí khác nhau:
Medicare
Medi-Cal.
Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho viện dưỡng lão nhưng rất ít người Việt mua bảo hiểm này.
Tiền để dành của người bệnh (personal funds).
Đối với bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại trung tâm, MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân. Thường những bệnh nhân bị đột quỵ, gãy xương… cần dịch vụ này. Medicare không trả cho custody care. Bệnh nhân phải xin Medi-Cal sẽ trả cho dịch vụ y tế và custody care. Bảo hiểm tư thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế.
Cô Rea Jane Padua là chuyên viên về tập vật lý trị và giám đốc phòng vật lý trị liệu của Garden Park Care Center và ông Manlik Jambusaria là chuyên viên về tập vật lý trị liệu của Garden Park Care Center đều cho biết, với những bệnh nhân vào trong đây theo chương trình ngắn hạn, nghĩa là không ở trong viện dưỡng lão đến cuối đời, mà chỉ cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation).
Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình. Những trường hợp này, các chuyên viên của phòng tập luôn khuyến khích thân nhân người bệnh cùng vào với bệnh nhân để được hướng dẫn phương cách để giúp cho bệnh nhân tập luyện thêm sau khi về nhà. Vì với thời gian cho phép có hạn của bảo hiểm về việc tập luyện có thể vẫn chưa đủ cho người bệnh, khi đó nếu được thân nhân giúp tập luyện thì người bệnh sẽ dễ hồi phục nhanh hơn.
Còn với những bệnh nhân ở dài lâu trong các viện dưỡng lão, nếu chi phí dành cho bệnh nhân này trong tập luyện đã hết, người nhà có thể liên hệ với nhân viên cán sự xã hội tại viện dưỡng lão để nhân viên xin phép bảo hiểm thêm thời gian cho bệnh nhân tập luyện.
Băng Huyền/ Viễn Đông