Mấy tuần qua, trước tình hình quê nhà, tôi thấy mình đứng ngồi không yên, dẫu biết rằng mình chẳng làm được gì cả. Biết rằng hầu như Tàu Cộng đã chiếm gần trọn nước Việt Nam bằng cách lấn sân dần dần từ nhiều năm nay, nhưng dù sao cũng không trắng trợn và lộ liễu quá thể. Nhưng lần này thì chúng ngang nhiên thật sự, không coi dư luận thế giới ra gì. Có thể chúng sẽ chiếm hẳn Việt Nam, không khác gì đã dùng võ lực chiếm trọn Tây Tạng một cách trắng trợn mặc cho cả thế giới phản đối ầm ĩ, dù chỉ phản đối bằng mồm. Rồi lâu ngày, mọi phản đối cứ dần tịt đi và Tàu Cộng nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của xứ sở nóc nhà thế giới. Số phận VN giờ có khác gì?
Với ý nghĩ ấy, tôi thấy lòng mình như thắt lại. Tôi vào net không biết mấy chục lần một ngày, đọc hết tất cả những tin tức, những bình luận tìm thấy được. Mỗi người một ý kiến, mà hình như ai cũng có lý thì phải. Đó là vì thế giới Cộng Sản bao giờ cũng đầy những bí mật. Và chả ai có thể cho rằng mình hiểu rõ cái lối suy nghĩ của mấy anh Cộng. Một điều mà ai cũng cảm nhận được sau khi theo dõi những tin tức năm này qua năm nọ về mấy anh: mấy anh vừa gian ác vừa hèn, và nói dối thì vô địch.
Chỉ đọc báo và xem các trang mạng Mỹ thì cũng biết là Việt Nam không phải là thứ tin đáng chú ý đối với Mỹ. Tin Việt Nam chỉ chiếm một vài cột báo nhỏ trang trong. Mà cũng chẳng riêng gì Mỹ, hình như thế giới dạo này yếu xìu, chỉ đánh võ mồm. Mấy anh 'bad guys' như Putin và Tập Cận Bình tha hồ diệu võ dương oai chiếm chỗ này, dọa chỗ nọ mà chẳng rụng sợi lông chân nào cả. Bây giờ thì Tàu Cộng còn ra tận Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam quấy rối biển Đông bằng mấy chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt đang bị tàu chúng đâm tơi bời. Đúng là vừa đánh trống vừa ăn cướp, chiêu nghề của các anh Cộng.
Rồi không hiểu sao, tôi nhớ tới tập trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy. Vâng, về cuối đời Phạm Duy đã làm nhiều người thất vọng khi ông về Việt Nam sống. Nhưng không ai có thể phủ nhận công lao của ông khi để lại cho người Việt rất nhiều những ca khúc chất chứa lòng yêu quê hương, lòng thương mến người dân chân lấm tay bùn, niềm tự hào về quê cha đất tổ.
**Mẹ Việt Nam không son không phấn í i i
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm í i i
Mẹ Việt Nam mang tấm í i... nâu sồng.**
Đây là bài mở đầu của trường ca. Với từng này chữ thôi, Phạm Duy đã vẽ lên hình ảnh chân thực nhất của mẹ Việt Nam, một đất nước có đến hơn 80% dân sống về nghề nông. Không phải là hình ảnh lễ hội carnival với những cô “chân dài” hở hang, áo quần sặc sỡ đang diễn ra ở Hạ Long trong lúc cả nước đang bị Trung Cộng đe dọa nặng nề, cũng không phải hình ảnh xa hoa của những người đẹp chuyên đi dự dạ hội trong những chiếc áo hằng trăm triệu đồng, những cái xách tay mấy nghìn đô. Những hình ảnh xa hoa này xuất hiện dài dài trên những trang báo mạng như muốn chứng tỏ mẹ Việt Nam đã ‘tiên tiến’ lên thành những cô gái chảnh chọe ấy. Nhưng không! Đa số những mẹ Việt Nam vẫn còn chân lấm tay bùn như hình ảnh Phạm Duy đã hát lên. Nhưng hình ảnh những mẹ Việt Nam này đẹp gấp ngàn lần hình ảnh xa hoa đang được trưng bày, khoe khoang kia.
Rồi Phạm Duy đưa chúng ta qua núi mẹ, đất mẹ, sông mẹ, biển mẹ, thấm thía những câu ca dao, những điệu dân ca của từng miền, sống với những điển tích quê hương, từ chàng Trương đến tiểu Kính Tâm đến câu chuyện Anh Phải Sống của Khái Hưng. Ai đã là con dân nước Việt, đã được học và đọc và hát những điều trên thì mới hiểu hết được những lời hát quá súc tích của Mẹ Việt Nam. Và Phạm Duy đã kết thúc trường ca Mẹ Việt Nam bằng ca khúc bất hủ “Việt Nam!Việt Nam!” mà không một người Việt hải ngoại nào không thuộc.
Mỗi lần hát những ca khúc ít người hát của trường ca Mẹ Việt Nam, tôi thấy quá xúc động và nhiều lúc không cầm được nước mắt thương cho dân mình, nước mình. Và từ niềm thương ấy, lòng tự hào đã dâng lên. Tự hào với lịch sử mấy ngàn năm, tự hào với những người dân Việt tuy chân lấm tay bùn nhưng đã kiên cường chiến đấu với ngoại xâm.
Có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần niềm tự hào ấy để còn giữ được Việt Nam, ít nhất là trong lòng. Cám ơn Phạm Duy
Trân Hương