Tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. AFPBáo Le Monde diplomatique, số tháng Chín 2012 có bài « Confucius ou l’éternel retour – Khổng Tử, mãi một lối về » của nhà nghiên cứu Anne Cheng, phân tích vì sao Bắc Kinh quay lại sử dụng những yếu tố bảo thủ trong Luận Ngữ của Khổng Tử vào mục đích chính trị.KHỔNG TỬ, MÃI MỘT LỐI VỀAnne Cheng*
Đối với người phương Tây và người Trung Quốc, dù ở thế kỷ 17 tại Châu Âu hay ở Trung Quốc hiện tại, Khổng Tử thường được mang ra sử dụng có mục đích, tùy theo tình hình mà ông bị tấn công hay được thờ phụng tôn sùng. Và hiện nay, người ta lại chú ý đến sách Luận Ngữ của ông nhưng đặc biệt khai thác những chi tiêt bảo thủ nhất.Tại sao ở Trung Quốc hiện tại, Khổng Tử thường xuyên trở lại đến như vậy ? Làm sao giải thích việc một nhà hiền triết cổ đại hồi thế kỷ thứ 6 và thứ 5 trước Công Nguyên, hai ngàn năm sau lại có giá trị biểu trưng ở một đất nước Trung Hoa của thế kỷ 21 đang lớn mạnh về kinh tế và vị thế địa chính trị trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay?
Xin nhắc lại rằng, hồi thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Jesus, một dòng tu lớn của Công Giáo, được thành vào năm 1535 tại Paris, được Giáo hoàng Phaolô III phê chuẩn năm 1539, phát triển mạnh trong các công việc truyền giáo và giáo dục đến châu Á- ND) đã chuyển tự La Tinh từ chữ Kongfuzi (Khổng Phu Tử) của tiếng Hoa thành Confucius. Họ là những người đầu tiên đưa Khổng Tử đến với người châu Âu. Theo cổ sử Trung Quốc, Khổng Tử đã dành hết cuộc đời đào tạo môn đồ về nghệ thuật trị quốc và tu thân trên nền tảng của Lễ và Nhân. Mãi đến sau thời thống nhất lãnh thổ của vị hoàng đế Trung Quốc đầu tiên (Tần Thủy Hoàng-ND) vào năm 221 trước Công Nguyên thì học thuyết cũng như một hệ thống kinh sách liên quan đến ông mới được tập hợp để làm nền tảng ý thức hệ cho trật tự xã hội của đế chế vừa được thành lập. Từ đó cho đến thế kỷ 20, hình tượng Khổng Tử được đánh đồng với số phận của đế chế Trung Hoa, đến mức mà hiện tại Khổng Phu Tử có thể được xem là biểu tượng tiêu biểu nhất của bản sắc Trung Hoa. Đó là điều mà người phương Tây đang cảm thấy, còn Trung Hoa đại lục thì đang ra sức quảng bá, ca tụng hay thậm chí là sử dụng có mục đích.
Dường như người ta hầu như quên mất là ngay trong thời hiện đại của Trung Quốc, hình tượng Khổng Tử cũng lắm nỗi thăng trầm, trải qua một thế kỷ bị hủy diệt, trong giai đoạn 1860-1970. Số là kể từ sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai (1856-1860), một bước ngoặt lịch sử đã xuất hiện, làm cho giới tinh hoa Trung Quốc ý thức được ưu thế của các cường quốc phương Tây, để rồi vào năm 1898, đã dẫn đến ý định đầu tiên tiến hành cải cách chính trị (nhưng thất bại) theo gương Minh Trị tại Nhật Bản (1). Tiếp đến, vào đầu thế kỷ 20, một loạt khủng hoảng nghiêm trọng khác xảy ra với Khổng Giáo. : Năm 1905, việc hủy bỏ chế độ thi cử quan lại theo kiểu Nho Giáo một kiểu thi cử từng là nền tảng cơ bản lâu đời của đế chế Trung Hoa (2), đánh dấu bước khởi đầu của quá trình « thế tục hóa » theo kiểu Trung Quốc. Vài năm sau đó, vào năm 1912, Thanh Triều và toàn bộ chế độ quân chủ đã sụp đổ hoàn toàn để nhường chỗ cho nền Cộng Hòa đầu tiên ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn-ND).
Về mặt biểu tưọng, sự kiện đã hằn sâu trong tâm trí là cuộc khủng hoảng phong trào 04/05/1919 (Phong Trào Ngũ Tứ của sinh viên học sinh Trung Quốc phản đối hiệp ước Versailles giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông từ Đức sang cho Nhật Bản, sau đó chuyển mũi nhọn đấu tranh chống chính phủ Trung Hoa Dân quốc. ND). Phong trào nói trên phản ánh sự thất vọng của giới trí thức trước thực tế quốc thể Trung Hoa bị xúc phạm. Đối với những người này, từ hiện đại chỉ có thể được định nghĩa theo ngôn từ khoa học và dân chủ của phương Tây, hiện đại đòi hỏi phải « hạ bệ Khổng Tử » vì đạo Khổng là nguyên nhân của mọi điều tai hại mà đất nước Trung Quốc phải hứng chịu về sự lạc hậu vật chất và trì trệ tinh thần. Những người bài trừ thần tượng Khổng Tử của phong trào Ngũ Tứ đã đi cùng hướng với phân tích của chủ nghĩa Marx trong việc tìm kiếm một chủ nghĩa hiện đại theo kiểu phương Tây và xếp Nho Giáo vào « viện bảo tàng ».
TỪ MAX WABER ĐẾN MAO TRẠCH ĐÔNG, THẦY KHỔNG BỊ BUỘC TỘI BẢO THỦRồi đến những năm 1920, một quan điểm khác hướng về phương Tây đã xuất hiện và còn lên án Nho Giáo gay gắt hơn nữa: Đó là quan điểm của nhà xã hội học người Đức Max Weber. Ông tập trung chỉ ra vai trò của ý thức hệ (mà theo ông là hệ đạo đức Tin Lành) trong cội nguồn của chủ nghĩa từ bản tại châu Âu (Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là « Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản » - Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus- trong đó ông lập luận rằng tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên dị biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đặc điểm của triết lý Kháng Cách (Tin Lành) khổ hạnh, xem đây là một trong những nhân tố chính giúp phát triển chủ nghĩa tư bản – ND). Nghĩ rằng đã nhận ra được các điều kiện vật chất có thể dẫn đến sự đăng quang của chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc, Weber cho rằng, sở dĩ chủ nghĩa tư bản chưa thể được thiết lập ở Trung Quốc, đó là vì những yếu tố ý thức hệ, mà trong đó yếu tố hàng đầu gây cản trở chính là Nho Giáo. Do vậy, việc loại bỏ dứt khoát gánh nặng vô ích này là một điều kiện tiên quyết để tiến đến mô hình xã hội hiện đại phương Tây.
Sau thế hệ 1919, ngày trọng đại kế tiếp là vào năm 1949, sau cuộc chiến Trung-Nhật và sau cuộc nội chiến (giữa phe đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông và phe Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch-ND), phe Cộng sản đã thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Hoa, còn chính phủ Quốc Dân đảng thì chạy sang Đài Loan, theo sau là nhiều trí thức phản đối chủ nghĩa Mác và từ nơi lưu vong, họ lo âu quan sát sự thay đổi mà đất nước Trung Hoa của Mao tiến hành. Rồi sau đó, đất nưóc này đã đạt đến đỉnh điểm của sự tàn phá bằng « cuộc đại Cách mạng Văn hóa vô sản » do Mao Trạch Đông khởi xướng vào năm 1966 và chấm dứt mười năm sau đó, khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976. Cuộc cách mạng Văn hóa này như là điểm cực đoan nhất của phong trào Ngũ Tứ 1919, mà biểu hiện rõ nhất là quyết tâm loại trừ toàn bộ những tàn dư của xã hội truyền thống (Nho Giáo-ND).
Thế nhưng, sau một thế kỷ hủy diệt di sản Nho Giáo, một xu thể ngược lại đã diễn ra trong ba mươi năm qua. Chính từ những năm 1980, xu thế đảo ngược đã diễn ra một cách ngoạn mục, mà những dấu hiệu đầu tiên nổi rõ nhất ở những khu vực lân cận Trung Hoa đại lục. Gần như hôm trước hôm sau, từ vị thế là một vật cản cồng kềnh, Nho Giáo nhanh chóng được xem là động lực chính của quá trình hiện đại hóa. Nguồn gốc của sự đảo ngược này không liên quan nhiều đến bản thân Nho Giáo, mà chủ yếu là xuất phát từ bối cảnh lịch sử và tình hình kinh tế chưa từng thấy : Sau mười năm Cách mạng Văn hóa, mô hình cộng sản cách mạng đã bị từ bỏ trên thực tế, ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, trong khi đó ở những khu vực ngoại vi Trung Quốc, người ta chứng kiến sự phát triển kinh tế thần tốc chưa từng thấy theo mô hình Nhật Bản, của 4 « con rồng » (Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc). Những « khu vực ngoại vi của đế chế Trung Hoa » và những « giá trị Á Đông » mà các khu vực này tuyên bố sở hữu, đã trở nên điển hình và thu hút mọi sự chú ý, nhất là từ các nước phương Tây.
Thật ra, khi chủ nghĩa cộng sản lâm khủng hoảng ở Trung Quốc và Đông Âu, các xã hội tư bản phương Tây cho rằng họ cũng nhận thấy những dấu hiệu suy yếu trong quá trình phát triển nội tại của mình. Trong bối cảnh đó, những « giá trị Nho Giáo » đến đúng lúc để khắc phục những khiếm khuyết của mô hình hiện đại quá đà ở phương Tây, bởi vì các giá trị đó (tầm quan trọng của gia đình, tôn ti trật tự, khao khát học hành, cần cù lao động, ý thức cần kiệm…) được xem là nguồn gốc phát triển của chủ nghĩa tư bản đặc thù châu Á.
CƠ HỘI THUẬN LỢI ĐỂ TRẢ THÙ SỰ THỐNG TRỊ CỦA PHƯƠNG TÂYNhân tố phát khởi của sự lật ngược tình thế trong những năm 1980 đến từ tình hình thế giới, và tâm điểm được tìm thấy không phải trong các xã hội Trung Quốc mà là ở những cộng đồng người Hoa được Tây hóa và nói tiếng Anh như ở Mỹ và Singapore. Vào giữa thập kỷ này, xu thế đó mới bắt đầu lan đến Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang bận tâm với việc rũ bỏ tàn dư của chủ nghĩa Mao và muốn bám vào những toa tàu của các giá trị Á châu với dụng tâm trở thành đầu tàu trong tương lai. Nho Giáo vốn bị báng bổ từ nhiều thế hệ, có khi còn bị hủy diệt bằng những hành động cụ thể, và cao trào là trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chẳng bao lâu sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, vào năm 1978, đã diễn ra hội thảo đầu tiên với mục đích phục hưng Nho Giáo. Từ đó, năm nào cũng có nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề này. Năm 1984, một tổ chức mang tên Confucius Foundation với sự bảo trợ của một số quan chức cao cấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra đời ở Bắc Kinh (Đây là tổ chức do chính phủ Trung Quốc tài trợ để gây quỹ cho các đề tài nghiên cứu về tư tưởng của Khổng Tử tại Trung Quốc và nước ngoài-ND). Năm 1992, trong chuyến công tác ở các tỉnh miền nam Trung Quốc, khi phát động « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa », Đặng Tiểu Bình đã nhắc đến Singapore của Lý Quang Diệu (3) như là một mô hình làm mẫu cho Trung Quốc. Trớ trêu thay, những điều mà trước kia Weber xem là chướng ngại to lớn cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thì giờ đây lại thật sự trở thành những yếu tố giúp các xã hội Đông Á tránh được các vấn đề mà xã hội hiện đại phương Tây vướng phải. Từ đó, xuất hiện cơ hội cho một sự trả thù ngoạn mục đối với sự thống trị của các nước phương Tây, cơ hội mà Trung Quốc và một vài nước trong khu vực chờ đợi ít nhất là từ một thế kỷ nay.
Trên thực tế, sự phục hưng của Nho Giáo không liên quan nhiều đến thị trường, mà được dùng cho các mục đích chính trị của giới lãnh đạo chuyên quyền tại Singapore, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Trước sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế, các cấu trúc xã hội-chính trị không kịp thích ứng, giới lãnh đạo các nưóc nói trên nhận thấy thật là thuận tiện khi dùng lại những « giá trị Nho Giáo », đó là những đảm bảo cho sự ổn định, kỷ luật và trật tự xã hội, trái ngược với một phương Tây xấu xa đang suy yếu bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ. Với khuynh hướng chuyên quyền kiểu mới đó, các nhà tư tưởng mác-xít và chống mác-xít gặp nhau ở một điểm then chốt: Mô hình xã hội chủ nghĩa không có phương Tây, những mô hình mà chủ nghĩa không tưởng Mao Trạch Đông đã theo đuổi, được thay thế bằng khát vọng đi đến một xã hội công nghiệp hiện đại vừa không rập khuôn phương Tây, mà lại được mang lớp vỏ của « thời hậu hiện đại ».
Khủng hoảng tài chính năm 1997 đã phần nào làm dịu cơn sốt Confucius Economicus (Khai thác hình ảnh Khổng Tử phục vụ cho Kinh tế-ND), tuy nhiên không phải vì thế mà lối về của thầy Khổng bị dừng lại. Từ mười năm nay (đại khái là từ khi bước vào thế kỷ 21 và vào đệ tam thiên niên kỷ), quá trình trở lại này được thể hiện ở nhiều hiện tượng diễn ra trên lãnh thổ Trung Hoa đại lục và ở tất cả các tầng bậc xã hội. Trên phương diện chính trị, giới lãnh đạo lấy ổn định xã hội làm ưu tiên để bảo đảm lâu dài cho mục tiêu phát triển kinh tế. Năm 2005, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phát động khẩu hiệu mới là « xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa », tiếp bước các mô hình xã hội trước, vốn rất đậm màu Nho Giáo, dù rằng về mặt chính thức không được nêu lên: Ý tưởng « xã hội thịnh vượng tương đối » của Đặng Tiểu Bình hay « đức trị » của Giang Trạch Dân. Ngoài ra, học thuyết quản lý xã hội của Khổng Giáo còn có thể mang đến một giải pháp thay thế cho mô hình dân chủ tự do theo kiểu phương Tây. Ngày nay, chỉ riêng cái tên Khổng Tử, đã ngụ ý gắn với sự hài hòa và cũng đủ tạo nên sức nặng trên thị trường kinh tế, và đó còn là một nguồn vốn mang tính biểu tượng cao: Ngoài những viện Khổng Tử được reo rắc khắp nơi trên thế giới, tại Trung Quốc, cũng nhanh chóng xuất hiện nhiều Quỹ hoặc Trung tâm Khổng Tử.
Và hệ quả tất yếu là Luận Ngữ cũng trở thành công cụ dưới nhiều hình thức khác nhau (Luận Ngữ : Một trong Tứ Thư của Nho Giáo bao gồm Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Luận Ngữ là sách ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Trong Luận Ngữ, quan điểm giáo dục của Khổng Tử rất được đề cao- ND). Một ví dụ sau đây cũng đủ để minh chứng cho việc tuyên truyền chính trị thông qua Luận Ngữ: Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hồi tháng Tám 2008 do đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thế giới Trương Nghệ Mưu điều khiển, người ta thấy một tấm bảng, trên đó có một vài câu trích trong Luận Ngữ, được căng lên bởi các quân nhân của Quân đội Nhân dân Trung Quốc hóa trang thành các nhà nho. Thế nhưng, trong lĩnh vực giáo dục, Luận Ngữ mới thật sự tìm lại được vai trò trung tâm mà nó đã từng giữ suốt thời quân chủ. Những kiểu giáo dục « đặc trưng của Trung Quốc » được đề cao bằng những điều rút ra từ học thuyết Khổng Tử nhằm tái khẳng định giá trị trung tâm của đạo đức trong xã hội, khởi đầu nhắm vào trẻ em và thanh niên. Từ những năm 1990, trong các hoạt động bán hoặc ngoại khóa, nhiều phương pháp « truyền thống » đã được khuyến khích. Được áp dụng cho các trẻ nhỏ ngay từ buổi đầu đến trường, các phương pháp này chủ yếu là cho lập lại một cách máy móc hoặc đọc thuộc lòng các kinh điển Nho Giáo (mà bắt đầu là Luận Ngữ). Làn sóng này còn lan sang cả người lớn qua những bài giảng, những cuộc hội thảo hay những đợt thực tập liên quan đến nền « quốc học ». Bên cạnh đó còn có những sáng kiến tư nhân, chủ yếu do những người tranh đấu cho cái gọi là « Nho Giáo bình dân » tiến hành, ở thành thị hoặc nông thôn. Các hoạt động này với sự hỗ trợ của Internet, là phương tiện thông tin và truyền bá trên qui mô lớn và hiệu quả nhất chưa từng thấy.
MÓN « SÚP GÀ CHO TÂM HỒN » VỪA ĐƠN GIẢN VỪA PHÙ HỢP VỚI HỌC THUYẾT CHÍNH THỐNGMột biểu hiện khác của việc khai thác trở lại một cách ồ ạt Luận Ngữ là quyển sách của giáo sư Vu Đan được dịch sang tiếng Pháp với dòng tựa làm dịu tâm hồn: « Khổng Tử luận về Hạnh phúc ». Nữ tác giả này không phải là chuyên gia về Khổng Tử, cũng không chuyên về văn hóa truyền thống Trung Hoa, mà là chuyên gia về truyền thông. Ấy thế mà mấy năm nay, bà đã làm cho Luận Ngữ trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Hiện tượng thông tin đại chúng này tác động đến một số lượng lớn công chúng qua các chương trình truyền hình, hoặc thông qua những quyển sách theo kiểu như trên. Chỉ riêng quyển sách vừa nêu cũng đã bán được hơn 10 triệu cuốn. Dễ cuốn hút vì ngắn gọn và đơn giản, quyển « Khổng Tử luận về Hạnh phúc » thật ra được viết với nội dung không gây tranh cãi và bảo thủ. Những người không ưa thích thì cho rằng quyển sách đã bỏ qua phần phê phán chế độ chính trị có trong Luận Ngữ, và thông điệp nhân văn này được thu gọn lại thành một thứ « súp gà cho tâm hồn », hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu chính thức của Nhà nước là ổn định xã hội. (Súp gà cho tâm hồn là tựa một quyển sách gồm những mẫu chuyện suy ngẫm đời thường của Mark Victor Hansen người Mỹ. Súp gà cho tâm hồn thuộc hàng bán chạy nhất thế giới với 140 triệu bản được phát hành và được dịch ra 54 thứ tiếng. Với ý nghĩa quyển sách sẽ bổ dưỡng cho tâm hồn như súp gà bổ dưỡng cho cơ thể- ND). Hình tượng Khổng Tử hiện có mặt khắp Trung Quốc, và chính trong hình tượng thầy Khổng mà lợi ích của « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa » đã dung hợp được với những mục tiêu ý thức hệ hiện tại là « một xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa ».
* Anne Cheng: Nữ giáo sư tại Collège de France ở Paris, giáo sư lịch sử trí thức Trung Quốc, đã dịch sang tiếng Pháp các sách: Luận Ngữ (NXB Seuil, Paris, 1981), Lịch sử tư tưởng Trung Quốc (Seuil, 2002) và Trung Quốc có tư duy không? (NXB Fayard, Paris, 2009). Có thể tham khảo các bài giảng của giáo sư Anne Cheng trên trang mạng www.college-de-france.fr/site/anne-cheng (bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa).
1 Thời đại Minh Trị (1868-1912): Giai đoạn Nhật Bản hiện đại hóa nhanh chóng đất nước.
2 Những kỳ thi quan lại: Những kỳ thi mở lối quan lộ cho các nhà nho được tổ chức bài bản từ thế kỷ thứ Bảy.
3 Lý Quang Diệu: Thủ tướng đầu tiên của Singapore, sau đó là bộ trưởng cao cấp của chính phủ Ngô Trác Đống và bộ trưởng cố vấn của thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông.
4 Vu Đan, Khổng Tử luận về Hạnh phúc (Le Bonheur selon Confucius): Sách triết lý phổ thông, NXB Belfond, Paris, 2009.Source: RFI