CSVN nhất định không thả tù chính trị, không ngừng đàn áp dân chủTại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sĩ hôm 20/6, đại diện thường trực của CS Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói Việt Nam chấp nhận 182 trong số 227 khuyến nghị mà các nước đã đưa ra tại phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát về nhân quyền, ghi nhận 45 khuyến nghị còn lại nhưng không đồng ý làm theo vì ‘không phù hợp với đặc thù lịch sử, xã hội, và văn hóa của Việt Nam, hoặc dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam.’
Các khuyến nghị được VN chấp nhận hầu hết trong các lãnh vực ít gây tranh cãi như nữ quyền, quyền trẻ em, cải thiện dân sinh hướng tới các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc trong khi những điều Hà Nội chối bỏ là các khuyến nghị cụ thể giúp nới rộng các nhân quyền căn bản và bảo đảm quyền tự do chính trị cho công dân.
Trong lúc đó những khuyến nghị bị bác bỏ chính là các quan ngại của quốc tế lâu nay về thực trạng nhân quyền ở VN như vấn đề tù nhân lương tâm, việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris, sửa đổi các điều luật ngăn cản tự do ngôn luận như 258, 79, hay 88 trong Bộ luật Hình sự, hay mời các báo cáo viên đặc biệt của LHQ và các chuyên gia độc lập về nhân quyền tới Việt Nam.
Thế nhưng VN vẫn tuyên bố rằng việc trên 80% khuyến nghị được VN chấp nhận đã chứng tỏ sự nghiêm túc, cởi mở và quyết tâm của Hà Nội trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) nói quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng và thái độ này của CSVN khiến người ta thắc mắc về sự chân thành trong các lời cam kết tôn trọng nhân quyền của Hà Nội.
Vẫn theo HRW, các cam kết bảo vệ nhân quyền của VN trái ngược với thực tế những gì đang diễn ra là nhà nước VN tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các nhân quyền quan trọng bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do tụ họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, quyền đất đai, và quyền được xét xử công bằng.
HRW nhắc rằng hiện có từ 150 đến 200 người đang bị bỏ tù ở Việt Nam vì thực thi các nhân quyền căn bản này mà đáng tiếc là Việt Nam lại từ chối những lời kêu gọi phóng thích rất chính đáng.
Blogger-nhà báo tự do Phạm Lê Vương Các thuộc nhóm đại diện 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập từ trong nước sang Thụy Sĩ tham dự phiên họp hôm 20/6, nhận xét rằng hành động này của Hà Nội cho thấy cho thấy ‘nhà nước VN không tạo điều kiện giải quyết các vi phạm nhân quyền” và “Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quốc tế không thể giúp Việt Nam nỗ lực hơn trong cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ nhân quyền.’
Có mặt tại phiên họp này tại Genève, một trí thức trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, phàn nàn: “với 227 kiến nghị của các nước, được coi như là một cây nhân quyền sum suê đấy, có 182 lá và cành con, còn các cành lớn và thân cây – tức 45 khuyến nghị đấy, đều bị bác bỏ cả. Cái cây nhân quyền mà cành và thân cây chính mà không có, thì nó cũng héo thôi”.