“Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên - sinh viên - học sinh” đề ngày 4/7/2014 được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet và đang được công luận chú ý, có kẻ khen, người chê.
Huỳnh Tấn Mẫm là ai?
Huỳnh Tấn Mẫm, sinh năm 1943 tại Chợ Cầu, Hóc Môn, Gia Định, một cựu sinh viên trường đại học y khoa Sài gòn trước ngày 30/4/1975, hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những thủ lãnh hàng đầu của “Phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh đấu tranh chống Mỹ - Ngụy” (sau đây xin viết tắt là “Phong trào”), từng là chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn.
Do các hoạt động nằm vùng cho Việt cộng, chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Huỳnh Tấn Mẫm đã bị cơ quan an ninh VNCH bắt giam rồi thả ra nhiều lần do áp lực của quốc tế, vì lầm tưởng (thật hay giả tạo) Huỳnh Tấn Mẫm là người quốc gia bất đồng chính kiến (dù cơ quan an ninh VNCH có bằng chứng và biết rõ Mẫm là người của Việt cộng). Nhờ đó Huỳnh Tấn Mẫm đã tồn tại cho đến sau ngày 30/4/1975.
Sau ngày 30/4/1975, Huỳnh Tấn Mẫm được chế độ mới lần lượt cho giữ các chức vụ như chủ tịch Hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, từng được gửi sang Liên Xô học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học Mác-Lê tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.
Theo lời vợ của Huỳnh Tấn Mẫm là NLD nói với người viết khi dạy học chung tại một trường Phổ thông cơ sở ở Sài Gòn (khoảng năm 1976 - 1977) thì Đảng đã cho Huỳnh Tấn Mẫm lựa chọn: một là qua du học Liên Xô lấy bằng Tiến sĩ triết học Mác-Lê để tiến thân về chính trị; hai là tiếp tục học y khoa còn dở dang để trở thành bác sĩ.
Huỳnh Tấn Mẫm đã chọn đi học Liên Xô. Vẫn theo lời vợ Huỳnh Tấn Mẫm nói với người viết,thì đó là một sự chọn lựa sai lầm. Vì học ra bác sĩ còn kiếm tiền được, lấy Tiến sĩ triết học Mác-Lê về thì trước hết phải đi dậy học các trường Đảng lương công nhân viên ba cọc ba đồng; nếu vào biên chế có chức có quyền mà không hủ hóa tham nhũng thì cũng chẳng có tiền. Có lẽ vì vậy mà nghe đâu sau này Huỳnh Tấn Mẫm đã tiếp tục học lại y khoa tại chức và đã tốt nghiệp.
Đối với Huỳnh Tấn Mẫm, trước sau tôi chỉ gặp mặt hai lần, lần đầu trước ngày 30/4/1975 và lần thứ hai cũng là lần cuối sau biến cố đó.
Lần đầu tôi gặp Huỳnh Tấn Mẫm vào khoảng năm cuối thập niên 1960 khi anh mới được trả tự do, tại một giảng đường của trường Đại học Nông Lâm Súc, trong khi bên ngoài, trên khúc đường Cường Để nằm giữa Hồng Thập Tự và Thống Nhất, đang có cuộc đụng độ giữa các thanh niên - sinh viên - học sinh thuộc “Phong trào” xuống đường biều tính chống chính phủ VNCH, với lực lượng cảnh sát dã chiến.
Hôm đó, đề tài thuyết trình để kích động xuống đường là “thuế kiệm ước song hành” của chính phủ do Luật sư Bùi Chánh Thời (thuộc khối Ấn Quang) làm thuyết trình viên. Tôi đến gặp Huỳnh Tấn Mẫm qua trung gian của một người bạn thân (sau này mới biết cũng hoạt động nằm vùng như Huỳnh Tấn Mẫm) để giới thiệu một người bạn lúc đó là Chủ nhiệm & Chủ bút báo Hiện Diện của Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam để thực hiện một cuộc phỏng vấn (Anh NTQ hiện ở Houston).
Lần thứ hai gặp Huỳnh Tấn Mẫm vào khoảng năm 1976-1977 khi tôi đến nhà anh nằm tận cùng một hẻm lớn trên đường Pasteur. Khi đó Huỳnh Tấn Mẫm mới được biên chế vào Quốc hội thống nhất cả nước.
Tôi đến theo lời mời của NLD vợ Huỳnh Tấn Mẫm, cùng dạy học chung trường với tôi, để lấy tiền chiếc TV đã bán thiếu trước đó một tháng theo ước hẹn. Vì nghe NLD nói con gái nhỏ thích coi TV, cứ phải qua nhà hàng xóm coi nên muốn mua một TV cũ. Nghe vậy người viết nói đang cần tiền, có TV cũ muốn bán, vợ Huỳnh Tấn Mẫm ngỏ ý muốn mua với điều kiện cho khất lại một tháng mới gom đủ 200 đồng (tiền mới, lương giáo viên lúc đó đồng hạng 30 đồng một tháng) để trả.
Nhưng khi đến nhà vợ Huỳnh Tấn Mẫm nói vẫn chưa đủ, nhờ người viết chạy Honda chở qua nhà Thượng tá X… bố vợ anh ở căn biệt thự nằm ở góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản (tức Điện Biên Phủ bây giờ) để mượn thêm bố mẹ mới đủ 200 đồng (tiền mới) trả cho tôi.
Một đảng viên cộng sản phản tỉnh muộn màng.
Tôi biết Huỳnh Tấn Mẫm nhưng có lẽ huỳnh tấn mẫm không biết tôi, mà có biết cũng không thể nhớ tôi là ai. Vì trước sau tôi chỉ gặp anh đúng hai lần, lần đầu trước và lần thứ hai cũng là lần cuối sau 30-4-1975. Nhưng NLD vợ anh biết và có lẽ còn nhớ tôi vì có một thời cùng dạy học chung trường (1976-1977).
Tôi với Huỳnh Tấn Mẫm không là đồng môn vì anh học y khoa, tôi học luật, và về mặt lý tưởng thời tuổi trẻ cho đến nay chúng tôi hoàn toàn trái ngược: Tôi lý tưởng “Quốc gia dân tộc, dân chủ pháp trị”, Huỳnh Tấn Mẫm lý tưởng “Cộng sản quốc tế, độc tài toàn trị”.
Thực tế, tôi sinh ra ở Miền Bắc di cư vào Miền Nam năm 1954 để lánh nạn cộng sản; còn Huỳnh Tấn Mẫm sinh ra và được sống tại Miền Nam, nhưng thời tuổi trẻ lại ngưỡng vọng và đi theo cộng sản Bắc Việt để tiếp tay cộng sản hóa Miền Nam.Vì Huỳnh Tấn Mẫm cũng như những người tuổi trẻ một thời theo cộng sản, đã lầm tưởng chính quyền trong chế độ dân chủ pháp trị VNCH ở Miền Nam là công cụ tay sai “Đế Quốc Mỹ” mà không biết rằng chính quyền trong chế độ độc tài đảng trị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Miền Bắc cũng là công cụ tay sai của các đế quốc công sản Nga - Trung Quốc, lầm tưởng rằng guồng máy công quyền và xã hội trong chế độ quốc gia VNCH ở Miền Nam đầy tham nhũng, thối nát, áp bức, bất công, mà không biết rằng thực tế guồng máy công quyền và xã hội trong chế độ cộng sản VNDCCH ở Miền Bắc còn tệ hại hơn nhiều.
Tất cả sự lầm tưởng này, chỉ sau ngày 30/4/1975 khi sống dưới chế độ cộng sản dưới bảng hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Huỳnh Tấn Mẫm và những kẻ tuổi trẻ lầm lạc như anh mới dần dần ngộ ra được đâu là sự thật, đâu là chính tà.
Ngộ ra được sự thật, biết đâu là chính tà là điều tốt, nhưng quan trọng hơn là phải biết “phản tỉnh” từ nhận thức đến hành động càng sớm càng tốt để hạn chế và khắc phục hậu quả do nhận thức và hành động sai lầm gây ra mới là điều thiết yếu.
Tiếc rằng Huỳnh Tấn Mẫm và những anh chị em thanh niên, sinh viên học sinh cùng thời vì lầm tưởng đã tham gia “Phong trào” dù đã “ngộ ra” rất sớm, nhưng hầu hết đã phản tỉnh quá trễ. Cá nhân Huỳnh Tấn Mẫm giờ đây sau 39 năm (1975 - 2014) mới công khai nói lên sự “phản tỉnh” một cách yếu ớt qua “Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên - sinh viên - học sinh” đề ngày 4/7/2014.
Tôi đã đọc kỹ “Thư tâm tình” của Huỳnh Tấn Mẫm, nếu so với bài “Viết trong những ngày nằm bịnh” công bố gần một năm trước đây của cựu đảng viên cộng sản Lê Hiếu Đằng có cùng cảnh ngộ lầm lạc như anh, thì thấy sự “phản tỉnh” của anh quá yếu về nhiều mặt, chủ yếu là về nhận thức và hành động.
Về mặt nhận thức, “Thư tâm tình” chỉ đưa ra những nhận thức chung chung ai cũng biết về sự yếu kém của “guồng máy công quyền”, xã hội suy đồi, bất công trong chế độ hiện tại, sự hèn yếu của tầng lớp lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chế độ hiện tại trước hiểm họa Trung quốc xâm lăng từng bước lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Việt Nam.
Tuyệt nhiên Huỳnh Tấn Mẫm không dám có những phê phán mạnh bạo, bầy tỏ một thái độ dứt khoát chống lại và đòi thay thế “chế độ độc đảng, độc tài toàn toàn trị” bằng một “chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị” như Lê Hiếu Đằng đã viết.
Tuyệt nhiên anh không nói gì về quá khứ để hối hận đã sai lầm khi đi theo cộng sản, hối tiếc vì đã có những hành động góp phần với đảng Cộng sản làm suy đồi toàn diện đất nước.
Về mặt hành động, trong “Thư tâm tình” Huỳnh Tấn Mẫm đã không đưa ra được một đề nghị cụ thể nào để thay đổi tình hình chính trị có lợi cho dân cho nước, ít ra như Lê Hiếu Đằng, chẳng hạn đã đề nghị thành lập một “Đảng Dân Chủ Xã Hội” đối trọng với “Đảng Cộng Sản Việt Nam” đang độc quyền, độc tôn thống trị trong một chế độ độc tài toàn trị hiện nay.
Ngoài lời kêu gọi tuổi trẻ “Thanh niên - sinh viên - học sinh” bằng những sáo ngữ, cá nhân anh đã chẳng dám có một hành động dứt khoát, cụ thể nào, chẳng hạn từ bỏ đảng Cộng sản như Lê Hiếu Đằng đã làm, hay quyết liệt hơn, đứng ra phát động một phong trào xuống đường chống chế độ độc tài toàn trị, đòi các quyền dân chủ dân sinh, đòi chuyển đổi qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị, như anh và các sinh viên nằm vùng trước đây đã làm trong cái gọi là “Phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh đấu tranh chống Mỹ-Thiệu.”
Phải chăng trước đây trong chế độ dân chủ pháp trị VNCH ở Miền Nam, Huỳnh Tấn Mẫm và các đồng chí của anh dám “đấu tranh” vì biết rằng dù có bị bắt bỏ tù, sinh mạng vẫn được bảo toàn, lại được nổi tiếng, có công với “cách mạng” (Đỏ). Còn bây giờ, Huỳnh Tấn Mẫm và các đồng chí của anh không dám làm trong chế độ độc tài toàn trị Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vì ngoài việc bị bỏ tù, gia đình anh còn mất tất cả đặc quyền đặc lợi mà 39 năm qua đã được Đảng và chế độ cho an hưởng?
Như vậy người ta có thể nghĩ Huỳnh Tấn Mẫm chỉ có gan xúi tuổi trẻ làm, còn mình thì thoái thác rằng “Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.”
Nhưng việc nước là việc chung, lòng yêu nước không quan hệ ở tuổi tác, mỗi lứa tuổi có cách hành động thể hiện lòng yêu nước khác nhau, đạt hiệu quả khác nhau. Đọc “Thư tâm tình” của Huỳnh Tấn Mẫm người đọc có cảm tưởng anh đang tìm cách trút trách nhiệm làm thay đổi bộ mặt đất nước tốt đẹp hơn cho tuổi trẻ. Còn anh chẳng nhận chút trách nhiệm nào về quá khứ theo Cộng sản cũng như trách nhiệm tương lai làm tiêu vong chế độ Cộng sản, dân chủ hóa đất nước.
Tôi thành tâm mong Huỳnh Tấn Mẫm sẽ có thêm nghị lực, quyết tâm để có được những hành động tiếp theo trong những ngày tới, để mọi người tin tưởng anh đã “Phản tỉnh hoàn toàn, thực sự” không chỉ về mặt nhận thức mà còn chứng tỏ bằng hành động dứt khoát, quyết liệt.
Thiện Ý (VOA)
Houston, ngày 11 tháng 7 năm 2014.