An ninh Long An tiếp tục quấy rầy người sử dụng FacebookVRNs (23.07.2014) – Sài Gòn – Facebooker Đinh Nhật Uy nói với an ninh tỉnh Long An, sáng ngày 22.07, tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra: “Tôi khẳng định lại một lần nữa rằng, tôi hợp tác lần này vì uy tín đã hứa trong thư ngỏ và muốn làm sáng tỏ tính hợp pháp của Facebook, lần sau mời, tôi sẽ không đi”. Điều này được chính anh Uy ghi lại trên trang facebook (FB) Uy Long An.
Ngày 18.07 vừa qua, Cơ quan an ninh thuộc công an tỉnh Long An, đã gởi đến anh Đinh Nhật Uy Giấy mời do ông thượng tá Nguyễn Thanh Sơn ký với nội dung: “Làm việc về việc sử dụng trang facebook cá nhân”. Khi tin này được loan, dân cư mạng, nhất là các facebookers đã tỏ thái độ bất đồng với giấy mời này.
Kevin Nguyen, đang sống tại Texas cho rằng đây cách sách nhiễu công dân của đảng cầm quyền: “Giấy Mời” có nghĩa là được mời, đi hay không là quyền của mình. Đảng là đầy tớ của dân muốn gì thì vào nhà ngồi xuống nói chuyện, còn nếu có tội thì xông thẳng vào nhà mà bắt, ngoài ra đâu được quyền sách nhiễu người dân một cách tùy tiện cùng với mỹ từ “Giấy Mời”. Xã hội như vậy mà tồn tại được 39 năm thật khó hiểu? Uy sẽ thắng!”
Các facebooker Anh Lê, Bụng Bự, Le Nguyen, Văn phòng phẩm Ktt, Giang Pxc, Vọng trấn quốc … và nhiều người khác nữa cho rằng việc an ninh mời như vậy là sai, và việc anh Uy viết facebook là đúng là quyền. Hầu hết những người này đang sống tại Việt Nam. Hoang Triet còn cho biết đã dịch Giấy mời này cùng với lời phúc đáp của facebooker Đinh Nhật Uy ra tiếng Anh và đã chuyển đến Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để làm bằng chứng: “Đã dịch cùng thư mời và bổ sung vào hồ sơ FB và BNG Hoa Kỳ”.
Hình bìa của FB Uy Long An
Trên trang FB của mình, anh Đinh Nhật Uy kể về buổi làm việc sáng hôm qua:
“8h15 sáng thứ ba ngày 22.07.2014, tôi có mặt tại phòng an ninh điều tra công an Tỉnh Long An theo giấy mời trước đó. Đi cùng tôi là mẹ Liên và những người bạn, họ ngồi chờ tôi trong quán nước bên đường. Tôi thông thả bước vào cổng bảo vệ để nộp giấy mời, tay cầm theo 02 tờ thư ngỏ để mang vào gửi cho họ. Qua cổng bào vệ, tôi đi thẳng một mạch vào vị trí phòng họp an ninh điều tra (PA92). Tròn một năm, tôi quay lại đây, những thứ bày trí xung quanh cũng không hề thay đổi. Tôi chẳng còn xa lạ gì với cái nơi này. Bởi vì tôi bị mời về đây không dưới 40 lần, cảm giác mọi thứ đều trở nên thân quen một cách bình thường. Tiếp chuyện với tôi lần này là Thượng tá Trần Văn Hơn,và người làm việc với tôi là Đại úy Châu Thanh Hùng, những gương mặt quen thuộc”.
Nội dung buổi làm việc do anh Uy thuật lại chi tiết như sau:
“Tôi khẳng định, mọi thứ sẽ trở nên cởi mở hơn nếu cả đôi bên thẳn thắng trao đổi trực diện về vấn đề.
- Hôm nay tôi đến buổi làm việc này với danh nghĩa một công dân có thiện chí hợp tác chứ không phải bị can bị tra hỏi. Và những điều tôi cần nói đã viết hết vào lá thư ngỏ, tôi đề ghị biên bản làm việc phải kèm theo thư ngỏ.
- Quan điểm về thư ngỏ của anh chúng tôi có đọc qua trên internet, điều đó là đúng thủ tục và chúng tôi không nói anh vi phạm pháp luật. Buổi làm việc này, chúng tôi mời anh hợp tác để làm rõ một số vấn đề liên quan đến Facebook cá nhân mang tên Đinh Nhật Uy.
Nói xong, họ đưa tôi một xấp giấy in khoảng 40 trang in những thông tin từ trang Facebook xuống. Họ hỏi tôi có phải đây là những bài viết của tôi không? Có phải đây là trang Facebook của tôi không. Dĩ nhiên đó không phải là của tôi, nó được in từ một trang mà tôi đã mất kiểm soát trong lúc “nhập kho”.
- Những bài viết, hình ảnh ở đây có liên quan mật thiết với đời sống hằng ngày của anh. Vậy không phải của anh thì anh giải thích như thế nào?
- Thông tin trên internet được chia sẽ tự do, vô hạn và thường không có bản quyền. Không thể kiểm soát được những người đã ẩn danh trộm thông tin rồi đăng đâu đó làm tài sản riêng của mình. Và Facebook là một mạng xã hội tự do. Người sử dụng có quyền tự do lấy bất cứ tên nào mà mình thích. Trên Facebook có những cái tên Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, Đinh Đăng Định. Tôi không nghĩ rằng họ đang sử dụng Facebook.
- Vậy chính xác Facebook anh sử dụng là trang nào?
- Tôi là Uy Long An, lên Facebook tìm tôi sẽ thấy.
- Anh có thể ký vào biên bản xác nhận rằng những thông tin trên Facebook này là của anh. Những thông tin đó đăng công khai và hầu như ai cũng thấy, anh không thể từ chối nó.
- Đăng công khai hay không công khai thì nó là cái quyền của người sử dụng Facebook. Nay tôi có thể cho nó công khai, mai tôi có thể ẩn nó, mốt tôi xóa nó. Vấn đề ở đây rằng, Facebook này xem như nhật ký cá nhân giống như thư tín, điện tín, email, nó được hiến pháp và pháp luật bào vệ, tôi không giải thích gì thêm về nó.
- Rõ ràng đây là những thứ chúng tôi in từ trang cá nhân của anh xuống, sao anh lại chối bỏ nó.
- Các anh in xuống thì dĩ nhiên nó không còn nguyên mẫu giống như nó đã tồn tại trên Internet, chưa kể đến những thông tin, hình ảnh trong đó có những sai lệch. Và lần nữa, tôi từ chối ký xác nhận việc này. Tôi có thể hoàn thiện biên bảng làm việc hôm nay bằng hai ý chính: Những thông tin các anh in ra từ trang Facebook không phải của tôi thì không phải của tôi và tôi khẳng định tôi sử dụng tài khoản Uy Long An là hợp pháp, tôi không ký bất kỳ một tài liệu nào của các anh in xuống.
Buổi trao đổi về Facebook kết thúc. Chúng tôi trao đổi thêm một số chuyện ngoài lề, những thứ tôi mất mát khi đi tù và về cuộc sống tù đày của Đinh Nguyên Kha”.
Một điều mà chúng tôi muốn đặt ra là liệu công an có vi phạm luật về bản quyền tác giả và những quy định khác liên quan đến truyền thông và internet khi tự ý in các bài viết trên trang cá nhân ra mà không xin phép chủ nhân của các trang đó không? Luật Việt Nam có cho phép an ninh nhân danh nghiệp vụ được quyền chiếm đoạt tài sản công dân không?
Xin lưu ý, trang facebook là một tài sản cá nhân của người sử dụng được phát sinh bởi hợp đồng sử dụng và cung cấp dịch vụ giữa cá nhân facebooker và công ty Facebook. Mọi việc in ấn, trích xuất, xuất bản bất cứ một thông tin nào từ trang facebook cá nhân mà không được chủ sở hữu đồng ý thì đều là hành vi chiếm đoạt tài sản công dân và xâm phạm vào hoạt động hợp pháp của công ty Facebook.
Báo Tiền Phong online cho biết: ” Ngày 29.10 [2013], Tòa án Nhân dân tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Nhật Uy, sinh năm 1983, ngụ phường 6, thành phố Tân An, Long An về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. “Hội đồng xét xử tuyên phạt Đinh Nhật Uy 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên theo Khoản 1, Điều 258-Bộ luật Hình sự”.
Trong năm 2013, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của facebooker Đinh Nhật Uy đã đến đại bản doanh của công ty Facebook ở Bác California, Hoa Kỳ để chất vấn chủ nhân của mạng xã hội Facebook rằng tại sao con của bà sử dụng facebook mà bị đi tù. Một phóng viên của VRNs đã trở lại công ty Facebook sau đó, và được công ty Facebook xác nhận: “Mẹ của anh ấy đã đến đây”.
Được biết, mạng xã hội Facebook hiện nay có hơn 1 tỉ người sử dụng, riêng Việt Nam, theo một thông kế mới phổ biến trong tháng 06.2014, có gần 25 triệu người sử dụng.
Được biết anh Đinh Nhật Uy là người đầu tiên sử dụng facrbook bị kết án tù tại Việt Nam.
PV. VRNs