“Mùa Thi”, Ca Khúc Cho Đỗ Kim Bảng, Một Chỗ Đứng Riêng, Lẻ. Mùa hè dù ở quốc gia hay phương trời nào, cũng là mùa đáng ghi nhớ vì đó là mùa nghỉ học của tuổi thơ và, tuổi hoa niên.
Mùa hè đối với tuổi trẻ Việt Nam còn ý nghĩa, rực rỡ hơn nữa, với những chói đỏ từng khoảng trời hoa phượng vỹ, tiếng ve và những trang “Lưu bút ngày xanh”. Đó cũng là mùa của những hứa hẹn gặp lại. Hoặc những chia tay bằn bặt giữa những đôi bạn của sân trường, vì hoàn cảnh riêng, không cho họ một hẹn ước gặp lại nhau. Đó cũng là mùa đáng ghi nhớ nhất của tuổi trẻ Việt Nam, ngay cả với những người không có nhiều mùa hè trong tuổi hoa niên, hay chưa một lần lưu lại bút tích những tình cảm thơ ngây, trong sáng của mình, cho bạn học cùng lớp.
Có lẽ vì thế mà nền tân nhạc 20 năm của miền Nam, đã để lại cho chúng ta nhiều ca khúc mùa hè hân hoan, rộn rã. Điển hình như ca khúc “Hè Về” của cố nhạc sĩ Hùng Lân (1922-1986):
Nhạc sĩ Hùng Lân (Hình Nhịp Cầu Thế Giới)
“Trời hồng hồng sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài song. Cành mềm mềm gió ru êm lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên. Đàn nhịp nhàng hát vang vang nhạc hòa thơ đón hè sang! Hè về trong khóm trúc mềm đầu hè. Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ hè về gieo ánh tơ! Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh do trời. Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng đưa. Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi. Thanh thanh hương sen nồng ướp gió mát khi chiều rơi. Hè về hè về nắng tung nguồn sống - Khắp nơi Hè về hè về - Tiếng ca nhịp phách lên khơi - Đầu ghềnh suối mát reo vui dào dạt, ngập trời gió mát ven mây phiêu bạt hồn say ý chơi vơi - Ngày xanh thắm nét cười lòng tha thiết yêu đời…) (Theo Wikipedia – Mở).
Hoặc “Khúc Ca Mùa Hè” của cố nhạc sĩ Canh Thân (1920-1975):
“Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn
Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn
Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng
Và về đây tắm ánh sáng trăng huy hoàng
“Khúc ca mùa hè
Lắng trong chiều về
Vang trong đêm êm đềm thánh thót
Ngân nga tiếng ai ca
Khúc ca mùa hè…” (01)
Chúng ta cũng có những ca khúc của nhiều nhạc sĩ khác viết về mùa hè. Đó là những mùa hè không đằm thắm. Những mùa hè của “lưu bút ngày xanh” mà Thanh Sơn là nhạc sĩ chuyển tải được tiếng lòng với nhiều game màu khác nhau của tuổi học trò. Ông giống như “sứ giả”, như “phát ngôn nhân” thân thiết, gần gũi nhất của tuổi học trò. (02) Trong số những sáng tác cho mùa hè, cho phượng vĩ của ông, thì ca khúc “Lưu Bút Ngày Xanh” là bài hát ở lại bền lâu nhất trong tâm hồn của những người từng có một thời sân trường, lá biếc – hoặc từng đôi lần được nghe ca khúc này:
“Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái
Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ
Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường
Cùng đuổi bướm hái hoa trên cuối đường
Tiếng cười vạn tình thương*
* *
“Người ơi nhắc đến chi kỷ niệm xưa khiến lòng tôi bùi ngùi
Ngày biệt ly hai đứa đứng nhìn nhau
Anh cài cành hoa tím
Hoa xưa đây nhưng bóng dáng anh đâu
Dòng nhật ký đã ghi nốt tâm tình
Và đôi lúc nhớ nhau lưu bút còn
Để lại chuyện buồn vui...” (03)
Cũng vẫn là Thanh Sơn, với ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng”: Sự chia tay hay đoạn lìa của tuổi hoa niên trong những mùa hè, không trở lại, hoặc không bao giờ còn có nữa của tuổi trẻ, được ông ghi lại với tất cả xúc cảm giữa sân trường, mùa phượng vĩ, khi ngoái nhìn biệt ly đầu đời:
Từ trái: NS Hoàng Trọng, Duy Trác, Thanh Sơn, Kim Tước, Tuyết Anh, Ánh Tuyết, Mai Hương. (Hình: Cỏ Thơm)
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình xưa
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau hết rồi,
giờ như nước trôi qua cầu.
“Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có hay…” (04)
Tuy nhiên, mùa hè, không chỉ là mùa tạm biệt sân trường, mùa chia tay trong những “lưu bút ngày xanh” mà, mùa hè cũng còn là mùa của các “sĩ-tử” khăn gói đến trường thi. Dù ở cấp độ nào thì một “sĩ tử” khi vượt qua được một kỳ thi để bước lên bậc cao hơn của hành trình học vấn thì, cũng có thể ví như “cá vượt vũ môn”, cơ hội bay nhảy, vươn tới những chân trời học vấn khác.
Nhưng, dường như nền tân nhạc 20 năm của sinh hoạt nghệ thuật miền Nam đã không để lại cho chúng ta, nhiều ca khúc viết về mùa thi!
Mùa mà nỗi âu lo, thấp thỏm không chỉ chất trên đôi vai nhỏ bé của học trò, chúng còn đè nặng lên tâm trí của các bậc phụ huynh nữa. Chúng ta biết, đã có không ít những bậc phụ huynh mất ăn, mất ngủ, thức trắng nhiều đêm, thậm chí theo con đến tận cửa trường thi, để nâng đỡ, khích lệ tinh thần con em trong những giây phút căng thẳng, sau nhiều tháng, năm đèn sách.
Mùa hè, hay mùa thi, do đó là mùa thể hiện cụ thể nhất mối quan tâm, lòng thương yêu đến xót ruột, buốt gan của các bậc phụ huynh, đối với những “sĩ tử” của họ - - Vốn là truyền thống hy sinh đời mình cho sự tiến thân của con cái qua đường học vấn…Nhưng không vì thế mà văn chương, âm nhạc đã cho chúng ta nhiều sáng tác ghi lại hiện tượng đặc thù của những đấng sinh thành Việt. Nếu không muốn nói ngược lại là, quá ít.
Trong số ít ỏi những ca khúc viết về mùa thi thì, sáng tác “Mùa Thi” của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng là ca khúc được biết đến nhiều nhất. Nó gắn liền với mùa thi của các “sĩ tử” vậy.
Họ Đỗ, ở lãnh vực này, hiện ra như người bạn lớn, duy nhất, thấu hiểu, chia sẻ nỗi ưu tư, thấp thỏm của các “sĩ tử”, đời nay!
Du Tử Lê,
________
Chú thích:
(01), (03), (04) Nđd.
(02) Theo Wikipedia - Mở thì, nhạc sĩ Thanh Sơn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938 tại Sóc Trăng. Tên thật Lê Văn Thiện. Ngoài bút danh Thanh Sơn, ông còn có thêm bút danh Sơn Thảo nữa. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình buồn nói về tuổi học trò đi sâu vào ký ức của học sinh, nhiều thế hệ như “Nỗi Buồn Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Nhật Ký Đời Tôi, Trả Lại Thời Gian”... Khoảng thời gian sau, ông nổi tiếng với các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ và dòng nhạc bolero. Ông mất ngày 4 tháng 4 – năm 2012 tại Saigon.