logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 24/08/2014 lúc 10:05:44(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhà văn Bình Nguyên Lộc, “Tam kiệt Việt Nam”.

Năm 1974, nhà xuất bản Sóng do nhà văn Nguyễn Đông Ngạc chủ trương, đã thực hiện tuyển tập truyện ngắn nhan đề “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta”, gồm 45 tác giả, 45 truyện ngắn. (1) Họ Nguyễn đã gửi một câu hỏi chung cho 45 tác giả được mời tham dự. Đó là câu hỏi “quan niệm về truyện ngắn”.

UserPostedImage

Trả lời câu hỏi này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết:


“Theo tôi thì thể truyện ngắn khá cô đọng, tuy không cô đọng như thơ, chớ vẫn không quá loãng như tiểu thuyết. Viết truyện ngắn thì dễ làm loại văn xúc tích hơn là truyện dài. Loại văn súc tích rất cần cho một loại đề tài nào đó, mà người viết sẽ không thành công nếu họ dùng loại truyện dài.” (2)

Phát biểu trên của một nhà văn sinh trưởng ở miền Nam, tác giả khoảng 1,000 truyện ngắn, trên 50 tiểu thuyết, 4 tác phẩm nghiên cứu, trong đó bộ “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” dày trên 1,000 trang. Cuốn đầu đã được xuất bản, phần còn lại khoảng 800 trang viết tay, coi như bị thất lạc.

Theo Wikipedia-Mở thì, hành trình văn chương, nghiên cứu của nhà văn Bình Nguyên Lộc có thể tạm chia thành bốn thể loại chính. Tóm tắt như sau:
UserPostedImage
Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc

“Cổ văn: Bình Nguyên Lộc chú giải các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam bao gồm Văn tế chiêu hồn (Nguyễn Du), Tiếc thay duyên Tấn phận Tần (Nguyễn Du), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận). Các công trình này lần lượt được công bố trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.


“Dân tộc học: Nổi bật là tác phẩm ‘Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam’ (1971). Đây là một công trình dài hơi trong sự nghiệp nghiên cứu của ông. Với tác phẩm này, tác giả đã góp phần vén lên tấm màn dày đã từ lâu phủ kín nguồn gốc mù mờ của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng gây nên một dư luận đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu về Việt Nam Học.

“Ngôn ngữ học: Tiêu biểu là tác phẩm Lột trần Việt ngữ (1972), là một cái nhìn mới về ngữ nghĩa tiếng Việt. Bình Nguyên Lộc đứng trên quan điểm dân tộc học để tìm hiểu nguồn gốc và ngữ nguyên của Tiếng Việt từ thời cổ đến thời hiện đại.

“Sáng tác: Đây là phần đồ sộ nhất trong hành trình sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Ông từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai, Ca dao... Ông còn có công sưu tầm được hàng chục nghìn câu ca dao và có chú thích về từng đặc trưng của nó. Ngoài ra, ông viết hàng nghìn truyện ngắn và truyện dài kỳ với nhiều đề tài khác nhau…”

Chính vì sự nghiệp sáng tác cũng như trước tác của nhà văn Bình Nguyên quá đồ sộ, cho nên, trong loạt bài nhan đề “Sống và viết với…Bình Nguyên Lộc”, nhà thơ Nguyễn Ngu Ý, đã xếp ông vào danh sách “Tam kiệt” của Việt Nam; bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. (3)

Về tiểu sử, người ta được biết, nhà văn Bình Nguyên Lộc, tên thật Tô Văn Tuấn. Giấy khai sinh ghi ông sinh ngày 7 tháng 3 năm 1915 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Nhưng theo Wikipedia-Mở thì:

“…Trên thực tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh, nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không…”

Theo một tư liệu của tác giả Nguyễn Ngọc Chính ghi nhận về bút hiệu Bình Nguyên Lộc thì, được tác giả Nguyễn Ngọc Chính viết xuống như sau:

“…Nhà văn còn giải thích rõ bút hiệu Bình Nguyên Lộc của ông. Viết cho đúng thì chữ ‘nguyên’ không viết hoa và phải có gạch nối với chữ Bình vì ‘Bình-nguyên’ nghĩa là đồng bằng. Còn ‘Lộc’ là con nai, ông người gốc Ðồng Nai, nơi có dòng sông mang cùng tên nổi tiếng miền Đông Nam Bộ.” (4) Nhưng cho đến ngày “Tam kiệt” của văn chương Việt Nam từ trần, dường như không một nhà xuất bản hay nhà báo nào chú ý để viết đúng theo ý nghĩa của bút hiệu Bình nguyên-Lộc / Tô Văn Tuấn! (5)

Về những ngày đầu khởi nghiệp văn chương của họ Tô, Nguyên Lộc, vẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Chính thì:

“Trong tập hồi ký viết giang giở trước khi từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ mang tên Nếu tôi nhớ kỹ, Bình Nguyên Lộc cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1952 mới đứng ra làm công việc có liên quan đến báo chí. Ông chủ trương tờ Vui sống, tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y học với mong muốn áp dụng kiến thức y học phổ thông vào đời sống thực tế.

“Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, tuần báo có tinh thần văn nghệ lành mạnh, mang màu sắc địa phương với mục đích làm sống dậy sinh khí của đất Gia Định xưa. Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé…” (6)

Du Tử Lê,

(Kỳ sau tiếp)

_____________

Chú thích:

(1)Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc sinh ngày 10 tháng 9 năm 1939, mất ngày 21 tháng 2 năm 1966 tại Montreal, Canada.

(2) Tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta” do nhà Sóng ấn hành năm tại Saigon, 1974 - - Với chân dung 45 tác giả do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh thực hiện. Sau 1975, nhà xuất bản N.A. ở Pháp, in lại tuyển tập này, chẳng những đã không xin phép mà còn tự ý cho thêm hai tác giả mới vào tuyển tập. Khi biết được, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc đã không dấu được thất vọng và bất mãn trước việc làm của nhà xuất bản này.

(3) Nhà thơ Nguyễn Ngu Í tên thật Nguyễn Hữu Ngư, sinh năm 1921, mất năm 1979. Một số nhân vật cùng thời với họ Nguyễn đã ghi nhận về ông, như Giáo sư Trần Văn Khê (một trong những người bạn của Nguyễn Ngu Í), viết: “Anh Ngư viết văn Pháp rất hay, nhưng anh yêu tiếng Việt, anh lại muốn cho người Việt ai cũng đọc được sách báo nên tham gia rất tích cực phong trào xoá nạn mù chữ. Nguyễn Ngu Í còn sáng tạo ra cách viết chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn...” Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê thì kể: “Anh (Nguyễn Ngu Í) căm phẫn xã hội, căm phẫn thời đại, căm phẫn mọi người. Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh... Ông là một cuộc đời đau khổ nhất và cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại”. Còn theo nhà văn Sơn Nam thì: “…Nguyễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên.”…

(4), (6) Nđd.

(5) Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi. Ông được an táng ngày 14 tháng 3 năm 1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn. Vợ ông, bà Dương Thị Thiệt, qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1988 cùng nơi với ông. (Theo Wikipedia-Mở)

xuong  
#2 Đã gửi : 24/08/2014 lúc 10:08:31(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhân cách kẻ sĩ miền Nam: Nhà văn Bình Nguyên Lộc.

Tiếp theo kỳ trước)

Sau biến cố 30 tháng-1975, nền VHNT miền Nam bị chính quyền CS nhìn như một nền văn hóa đồi trụy, phản động. Chỉ có một vài người cầm bút được chế độ mới ưu đãi, săn đón dưới nhiều hình thức…

Nếu ở lãnh vực dịch thuật, dịch giả Nguyễn Hiến Lê được săn đón, thăm hỏi ưu ái nhất thì, ở lãnh vực sáng tác, người nhận được sự ưu ái đặc biệt vừa kể, chính là nhà văn Bình Nguyên Lộc, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Đò Dọc”, một trong ba “tam kiệt” của Việt Nam (theo nhà thơ Nguyễn Ngu Í).
UserPostedImage
Nguyễn Ngọc Hoài Nam

Tuy nhiên, qua một bài viết có tính hồi ký của nhà văn Mai Thảo, viết về nhà văn Bình Nguyên trong thời gian kể trên, người đọc được thấy rất rõ: Tác giả “Rừng Mắn” không hề lấy thế làm hãnh diện, hay vội vàng đưa tay ra để nắm lấy cơ hội hãn hữu. Trái lại, ông rất cẩn trọng, tế nhị khước từ mọi săn đón của phe thắng cuộc. Phản ứng này cho thấy nhân cách đáng trân trọng biết bao của tác giả “Đò Dọc” - - Mặc cho nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam trở cờ, xu nịnh, tự nguyện đi tịch thu sách báo miền Nam. Thậm chí, không thiếu tác giả còn tự lên án, khai tử tác phẩm của mình nữa!!!


Về sự được săn đón, “chiêu đãi đặc biệt” mà giới văn nghệ CS, được nhà văn Mai Thảo (7) ghi lại, như sau:

“Những lần (Mai Thảo) tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ những di chuyển, những họp mặt. Rằng ‘họ’ đã vào tới rồi, thành phố là của ‘họ’, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.

“Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.

“Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn là nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.
UserPostedImage
Tài liệu của Nguyễn Ngọc Hoài Nam

“Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín…” (8)


Nhân cách kẻ sĩ miền Nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc, phần nào rửa được những vết nhơ của thiểu số người cầm bút miền Nam, ngay sau biến cố tháng 4-1975, vì lý do này hay lý do khác, đã tự nguyện điểm chỉ bắt bớ anh em hay, tự nguyện đi từng nhà dân, để thu gom “văn hóa đồi trụy” miền Nam chất lên những chiếc xe ba gác, giao nộp cho phường khóm, để quăng ném chúng vào ngọn lửa “phần thư” mù quáng hận thù!

Bây giờ mọi sự đã qua, thời thế đã đổi thay. Nhưng nhìn lại giai đoạn lịch sử VHNT tăm tối đó của miền Nam, 20 năm, tôi cho vẫn là một cần thiết, vì tính lịch sử của sự việc…

Du Tử Lê,

(Kỳ sau tiếp).

________

Chú thích:

(7) Mai Thảo (1927-1998).
(8) Trích “Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam”, Văn Khoa, California xuất bản, 1985.
xuong  
#3 Đã gửi : 24/08/2014 lúc 10:09:35(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đi tìm… Bình Nguyên Lộc qua ‘Đò Dọc’

(Tiếp theo và hết).

Nếu ở thể truyện ngắn, nhà văn Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn, cho thấy chủ tâm mô tả cảnh vật hay, tâm lý nhân vật chiếm khoảng 3 phần 10 tổng số chữ, thì ở thể truyện dài, họ Tô cho thấy phương diện này, chỉ chiếm khoảng 2 phần 10 tổng số trang mà thôi. Phần còn lại, ông dành cho đối thoại.

Tuy nhiên, với tài năng đặc biệt của mình, những mô tả trong truyện dài - - Điển hình như tiểu thuyết “Đò Dọc”, từng được trao giải nhất, bộ môn văn, giải Văn Chương Toàn Quốc 1960 (đồng hạng với tập truyện “Thần Tháp Rùa” của nhà văn Vũ Khắc Khoan) - - Thì những mô tả đó vẫn là những mô tả mang tính so sánh hay liên tưởng kiệm lời, nhưng đầy hình tượng, nhiều chất Bình Nguyên Lộc nhất. Thí dụ khi ông mô tả quang cảnh nơi ở mới của gia đình ông Nam Thanh (nhân vật chính), chạy loạn từ Saigon về miền đông Nam bộ, có những đoạn như:

“…Cây cối còn lùn bân mặc sức cho nắng đổ xuống vườn, cái thứ nắng hè buồn một nỗi buồn tẻ và chết như nỗi buồn nơi sa mạc.

“Cho đến cả xe cộ ngoài đường cũng a tùng để tăng thêm cái buồn trưa nắng. Bao nhiêu xe nhà, xe du lịch rộn rịp trên đường Thiên Lý khi sáng bây giờ đã rút lui đi đâu mất hết. Chỉ còn những chiếc cam-nhông tiền sử hổn hển kéo những rờ-mọt gỗ, khúc gỗ nào cũng như một thây người vừa bị lột da và những bành cao su sống phết vôi trắng chói lòa lên dưới nắng hè.”

Và:

“Con đường nhựa không đen nữa mà tím sẫm xuống như một băng lụa vắt ngang vòng hoa tang bằng cườm trong các đám phúng điếu.”

Hoặc:

“…Đèn pha xe hơi như những sợi dây đõi to, cột dính chiếc xe trước với một dọc xe sau rồi cả đoàn như được độc một chiếc đầu kéo đi…” (Trích “Đò dọc”, chương 3)

Hoặc nữa:

“…Chú rể Long rước cô dâu Hồng đi xong, chiều lại ông bà Nam Thành ngồi nhơi cái hiu quạnh của mình…” (Trích “Đò dọc”, chương 18).

Tôi nghĩ, khó có nhà văn Nam bộ nào có thể dùng động tự “nhơi” đi trước tính từ “hiu quạnh” đúng chỗ và, hay hơn họ Tô, ở những dòng cuối cùng, trước khi “Đò dọc” chấm đứt).

(Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đấy là lần thứ hai ông dùng động tự “nhơi” trong tiểu thuyết “Đò dọc” của mình.

Cũng động tự “nhơi” kia, nơi chương 3, ông đã viết:

“... Không ai buồn lên gác cả. Gia đình tụ họp nơi buồng tiếp khách, ngồi lặng thinh nhìn cam-nhông mui lá dài ngoằng, uể oải bò như con trâu già mệt nhọc kéo xe rơm khô, tuy chở nhẹ vẫn không muốn bước.

“- Rồi phải bày ra công việc gì để làm vào giờ trưa mới được, ông Nam Thành nói: ngồi không như vầy mà nhơi những nỗi buồn xa ở đâu đâu ấy, hại lắm…”

Với tôi, ngôn ngữ Nam bộ được họ Tô cùng, không chỉ hồn nhiên như bản chất người Nam bộ mà, nó còn mang cả hồn tính của tổ tiên chúng ta thời mở cõi nữa.

Ngoài đặc tính chơn chất, bình dị, với những từ ngữ “Nam bộ” rặc, tựa đó thẻ nhận dạng văn chương của họ Tô, tác giả “Dò Dọc” cũng làm sống lại những bài vè miền Nam, thuộc dòng văn học dân gian - - Như đoạn cô con gái lớn của ông Nam Thành tên Hương, trong giây phút hồi tưởng quá khứ chưa xa, đã hát:

“Con chim manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác miểng sành
Tôi chọi chết giãy
Tôi làm bảy mâm
Tôi dưng ông ăn
Ông hỏi chim gì
Tôi nói manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác…”

Rồi cô đố các em tìm được một bài hát có “…câu chót nối trở lại câu đầu, liên hồi bất tận hát được hoài không bao giờ dứt cả.” Thì cô Quá, tức cô em út hát ngay:

“Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như bánh trôi sông
Bánh trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây nguời ta còn hái
Bậu lỡ thời như…” (Trích “Đò dọc”, chương 3)

(Khi chọn bài vè này, cô Út Quá, còn ngụ ý trêu chọc chị Hai của mình, lớn tuổi rồi mà vẫn chưa có chồng).

Cũng trong chủ tâm lưu truyền cho đời sau, những nét sinh hoạt đặc thù của người dân quê miền Nam thời khai hoang, nhà văn Bình Nguyên Lộc còn tìm cách đem vào tiểu thuyết của ông bài vè “chửi mất gà”, do một bà hàng xóm của gia đình ông Nam Thành “hát” lớn cho cả xóm “thưởng thức”:

“… Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.

“Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:

“ ‘Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…

“ ‘…Mẹ! giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!

“ ‘…Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, rán mà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…

“ ‘…Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…’

“Vân…vân… và…vân…vân…

“Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra tự vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.

“Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức…” (Trích “Đò dọc”, chương 4).

Như đã nói, vai trò đối thoại trong truyện Bình Nguyên Lộc, không chỉ là những đối đáp, phản ứng của các nhân vật ở đời thường mà, theo tôi, chúng còn có dụng tâm cổ súy đạo đức, kích thích tình yêu gắn bó giữa đất và con người.

Đọc lại, 18 chương ngắn dài của “Đò dọc”, độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra những phân tích tâm lý và, ngụ ý thâm sâu của tác giả, từ cách ông đặt tên cho các nhân vật, tới nơi chốn họ sinh sống nữa.

Tóm lại, dù ở thể loại nào, truyện ngắn hay truyện dài, nhà văn Bình Nguyên Lộc vẫn là nhà văn lớn, không chỉ tiêu biểu cho văn chương miền Nam (qua từ ngữ) mà, tác phẩm của ông còn làm giầu cho văn học Việt Nam trên căn bản con người gắn bó với đất nước, quê hương của mình - - Dù những con người ấy, có trải qua tình huống bi đát hay nghèo khó… Đáng kể hơn nữa, vẫn theo tôi, tài hoa Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn và, nhân cách vĩ đại của ông, vốn là một. Đó là hai phạm trù ít khi cùng nhau, đi chung một con đường!!!

Du Tử Lê,

(Garden Grove, Aug. 2014)
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.150 giây.